Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Nông thôn thay áo mới

04/12/2015 07:51:43 Xem cỡ chữ Google
Sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đến nay, Trấn Yên có 3 xã là Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành đã đạt chuẩn nông thôn mới; 12 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên và 5 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí.

Nhân dân huyện Trấn Yên tích cực kiên cố hóa mạng lưới giao thông nông thôn.

Có được kết quả này, Trấn Yên đã vận dụng một cách sáng tạo việc phát huy vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM. Qua đó, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện.

Đồng chí Nguyễn Đức Mầu - Phó chủ tịch UBND huyện, Phó ban chỉ đạo XDNTM huyện Trấn Yên khẳng định: “Bước vào XDNTM với xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư hạn chế, Trấn Yên đối mặt với khó khăn trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, đời sống chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp nên huyện chú trọng tập trung vào công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, giúp nhân dân hiểu và cộng đồng trách nhiệm cùng cấp ủy, chính quyền”.

Vì vậy, đến năm 2015 những kết quả đạt được trong XDNTM của Trấn Yên khá toàn diện; nhận thức của cán bộ và người dân ngày càng được nâng cao; sản xuất đã có sự phát triển khá theo hướng hàng hóa, kết cấu hạ tầng được đầu tư đáng kể… góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Đặc biệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khá ổn định, bình quân đạt trên 11,2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 25 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,18%.

Ngay từ khi triển khai XDNTM, Trấn Yên đã xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá, làm tiền đề triển khai các tiêu chí NTM khác. Do đó, huyện đã tập trung chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn và huy động nhân dân hiến công, hiến kế, hiến đất và đóng góp tiền của để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Kết quả, trong 5 năm, toàn huyện đã kiên cố hóa được 41 km đường liên xã, trục xã; mở mới và kiên cố đường giao thông nông thôn được 306 km, tổng vốn đầu tư trên 308 tỷ đồng. Đồng thời, toàn huyện đã đầu tư gần 13 tỷ đồng xây dựng trụ sở xã, nhà văn hóa và khu thể thao xã, thôn, bản.

Điều đáng ghi nhận là phong trào làm đường giao thông nông thôn được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhiều gia đình tự nguyện hiến đất để mở rộng mặt đường theo quy hoạch, góp công sức, vật liệu và tiền để làm đường, tiêu biểu như: xã Tân Đồng 159 hộ hiến đất, diện tích trên 3,4 ha; xã Báo Đáp trên 100 hộ hiến đất với diện tích trên 2 ha; xã Việt Thành có 55 hộ hiến đất, diện tích gần 2 ha; xã Việt Cường có 170 hộ hiến đất, diện tích gần 2 ha…

Ông Nguyễn Văn Hợp - thôn 6, xã Đào Thịnh chia sẻ: “Là một người dân được tham gia bàn thảo, dân chủ, công khai về các khoản đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương, chúng tôi thấy rất thoải mái và phù hợp với khả năng của gia đình mình, nên đã nhiệt tình ủng hộ, không có gì khó khăn cả”.

Cùng với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, Trấn Yên tăng cường chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế; ban hành các văn bản hướng dẫn về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất. Tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho nhân dân là 28,43 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trực tiếp từ Chương trình là 2,84 tỷ đồng. Đặc biệt, công tác dồn điền, đổi thửa được chỉ đạo quyết liệt và đã hoàn thành 6.482ha, tạo điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Trấn Yên cũng tập trung chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn liền với chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh trên địa bàn như vùng sản xuất lúa chất lượng cao 1.500 ha; mô hình trồng tre Bát Độ với diện tích trên 2.000 ha, giá trị thu trên 40 tỷ đồng/năm; mô hình trồng dâu nuôi tằm với diện tích trên 200 ha, giá trị thu trên 24 tỷ đồng/năm; mô hình trồng chè chất lượng cao với diện tích gần 600 ha, giá trị thu trên 50 tỷ đồng/năm... Các mô hình đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, định hình vững chắc được một số vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến. Đối với xã Việt Thành đến nay vùng trồng dâu nuôi tằm của xã đã lên tới trên 50 ha, đem lại thu nhập khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Trần Văn Huấn - Bí thư chi bộ thôn 10, xã Việt Thành cho biết: “Diện tích trồng dâu ở thôn 10 đã lên tới gần 20 ha với 90% số hộ trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm cho thu khoảng 3 tỷ đồng, từ nguồn thu nhập này đã làm đổi thay rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong thôn, hiện số hộ có nhà xây kiên cố chiếm trên 50%, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm”.

Sau 5 năm triển khai XDNTM, Trấn Yên đã huy động tổng nguồn vốn trên 889,65 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp cho Chương trình là 42,6 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình dự án 422,5 tỷ đồng, vốn tín dụng đầu tư trên 68,7 tỷ đồng,  vốn doanh nghiệp 54,15 tỷ đồng và vốn nhân dân đóng góp khoảng 301,7 tỷ đồng. Đối với xã Báo Đáp, sau 5 năm đã huy động tổng nguồn vốn đầu tư XDNTM đạt gần 54 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp chiếm gần 20%. Đến nay, diện mạo xã Báo Đáp đã đổi thay rõ nét, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Nhiều tập thể, cá nhân đã hiến công, hiến kế, hiến đất và tiền của để làm đường giao thông nông thôn.

Nghề trồng dâu, nuôi tằm mang lại nguồn thu 10 tỷ đồng mỗi năm cho nông dân xã Việt Thành. (Ảnh: Minh Thúy)

Ông Ngô Đức Tòng - thôn Đồng Bưởi, xã Báo Đáp tâm sự: “Tôi thấy XDNTM rất thiết thực, vì  chính chúng tôi  là người được hưởng lợi nên tôi hoàn toàn tự nguyện hiến những phần đất của gia đình và góp thêm công lao động, tiền, nguyên vật liệu để làm đường, làm nhà văn hóa thôn, góp phần vào thực hiện thành công các tiêu chí nông thôn mới ở địa phương”.

Cùng với 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Báo Đáp, Việt Thành và Tân Đồng, đến nay Trấn Yên đã có 12 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, 5 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, chỉ còn 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí là xã Kiên Thành. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Trấn Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM; tích cực huy động các nguồn lực, kết hợp thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư cho XDNTM, phấn đấu đến năm 2020 có 7/21 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Trong đó, phấn đấu hoàn thành cơ bản việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho các xã theo chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ đường từ huyện đến trung tâm xã, đường liên xã được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ đường thôn, bản, liên thôn bản được cứng hoá đạt 75%; thu nhập của người dân nông thôn tăng 2,5 lần so với năm 2015.

Có thể thấy, Trấn Yên đã vận dụng một cách sáng tạo việc phát huy vai trò chủ thể của người dân cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thành công các tiêu chí XDNTM. Qua đó, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đổi thay diện mạo quê hương và công cuộc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện.


650 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h