Huyện Yên Bình hiện có 26 xã thị trấn,
với 284 thôn, tổ dân phố trong đó có 6 xã và 47 thôn thuộc vùng đặc biệt khó
khăn thuộc diện đầu tư của chương trình 135. Trong 5 năm, dưới sự chỉ đạo của
các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chương trình 135 của
Chính phủ trên địa bàn huyện Yên Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Với tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình trên 70 tỷ đồng, trên cơ sở rà soát
tại các xã, các thôn huyện Yên Bình đã thực hiện phân bổ từng chương trình cho
các xã thị trấn triển khai đảm bảo đúng đối tượng, công bằng, khách quan cụ thể
đối với dự án hỗ trợ sản xuất đã thực hiện hỗ trợ giống, vật nuôi, phân bón,
nông cụ sản xuất cho 8.973 lượt hộ gia đình nghèo với kinh phí trên 10 tỷ đồng,
hỗ trợ đầu tư xây dựng 53 công trình cơ sở hạ tầng với tổng nguồn vốn
53,5 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc
đi lại giao lưu hàng hóa, làm đổi thay diện mạo các vùng nông thôn. Ngoài ra dự
án còn đầu tư trên 641 triệu đồng nhằm đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ và
cộng đồng gồm: mở được 32 lớp đào tạo cho 967 người, góp phần nâng cao trình độ
kỹ năng giám sát năng lực quản lý để thực hiện tốt chương trình 135, biết ứng
dụng kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Hiệu quả của chương
trình 135 đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Yên Bình đã
mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống vật chất tinh thần của bà con từng bước
được nâng lên, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ổn định.
Tại hội nghị các đại
biểu cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận nêu lên những thuận lợi cũng như
những khó khăn trong khi triển khai và đề ra những giải pháp cụ thể để thực hiện
chương trình sát với thực tế của từng địa phương.
Trong dịp này UBND huyện
Yên Bình cũng đã tặng giấy khen cho 7 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất
sắc trong việc thực hiện chương trình 135 giai đoạn 2011-2015./.
Hải Yến (Đài TT-TH Yên Bình)
Tại huyện Mù Cang Chải:
Sáng ngày 8/12/2015, UBND huyện Mù
Cang Chải tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá chương trình 135 và một số chính
sách dân tộc giai đoạn 2011 -2015. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khắc Long -
Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình 135 và chính sách dân
tộc trên địa bàn huyện đã có tác động lớn làm cho bộ mặt nông thôn ở các bản,
xã đặc biệt khó khăn có nhiều thay đổi, nhất là về cơ sở hạ tầng như: hệ thống
giao thông nông thôn, trường học...giải quyết các nhu cầu thiết yếu của nhân
dân về sản xuất, đi lại, điện, nước, học tập, chăm sóc sức khoẻ... nên được
nhân dân đồng tình ủng hộ. Sau 5 năm thực hiện Chương trình 135 toàn huyện có
tổng nguồn vốn thực hiện ở 5 hạng mục hỗ trợ phát triển sản xuất; xây dựng cơ
sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư và dự án chính sách sau
chuyển nguồn từ chương trình 135 giai đoạn II dự án đào tạo nâng cao năng lực
cộng đồng, chính sách hỗ trợ, nâng cao đời sống nhân dân với tổng kinh phí thực
hiện là trên 91 tỷ 115 triệu đồng với 8.664 lượt hộ
được thụ hưởng từ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (cây trồng, con giống, phân bón...);
hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đã đầu tư xây dựng công trình giao thông, nước sinh
hoạt, thủy lợi... và duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư. Dự án hỗ trợ
nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho
cán bộ xã, thôn và cộng đồng 23 lớp với tổng kinh phí trên 691 triệu đồng.
Các dự án của chính sách đã đầu tư đúng đối tượng, không thất thoát, phát huy
hiệu quả thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa xã hội có bước chuyển biến tích cực; công tác giảm
nghèo đạt kết quả cao, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, nhờ đó tỷ lệ hộ
nghèo giảm dần qua các năm từ 6 đến 7%, năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là
80,4% đến cuối năm 2014 giảm xuống còn 56,55% dự kiến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo
toàn huyện còn 47,47%, thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng/người/năm.
Phát biểu tại hội nghị,
đồng chí Nguyễn Khắc Long - Phó Trưởng
Ban dân tộc tỉnh và đồng chí Giàng A Vừ - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND
huyện yêu cầu các cơ quan chuyên môn, UBND các xã thị trấn cần tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân
dân tích cực thi đua lao động sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật,
đưa cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nhằm
nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời,
nhân rộng các mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao đã
được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011-2015; Tăng cường công tác phối
hợp, chủ động tham mưu cho UBND huyện triển khai và lồng ghép các chương trình,
dự án; đặc biệt là lồng ghép các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia về
xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững để thúc đẩy phát
triển kinh tế - xã hội cho các thôn, xã, thị trấn đặc biệt khó khăn trên địa
bàn huyện; vận động nhân dân nâng cao nhận thức về mục đích ý nghĩa của chương
trình 135, và một số chính sách dân tộc, để hộ dân được thụ hưởng hiểu rõ được
quyền lợi và nghĩa vụ, tự giác, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp
luật của Nhà nước mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cộng đồng và cho chính gia
đình mình, tránh tình trạng thực hiện chiếu lệ hình thức.
Tại hội nghị này UBND huyện cũng đã trao giấy khen
cho 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chương trình 135.
Mạnh Cường (Đài TT-TH Mù Cang Chải)