Mặc dù
phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng thời gian qua, khu vực
kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) có những bước phát triển
mới cả về số lượng và chất lượng. Nhiều HTX đã tập trung đổi mới phương thức
quản lý, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng cường công tác thị
trường, tìm kiếm đối tác, tạo việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao
động.
Theo số
liệu của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hiện, toàn tỉnh có trên 320 HTX và
trên 26.000 tổ hợp tác với tổng vốn điều lệ hơn 265 tỷ đồng. Các HTX giải quyết
việc làm thường xuyên cho trên 7.200 lao động với thu nhập bình quân từ 2,2 -
2,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, các quỹ tín dụng và doanh nghiệp thành
viên đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh (SXKD), tạo việc làm cho người lao động. Dù
các HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như quy mô nhỏ, năng lực nội tại yếu;
chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao, dịch vụ còn đơn điệu; khả năng cạnh
tranh kém nhưng thời gian qua, HTX đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế
- xã hội của địa phương.
Những
năm gần đây, nhiều HTX đã đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chủ động tìm hiểu về nhu
cầu, thế mạnh của nhau, từ đó liên kết, phát huy hiệu quả trong SXKD. Điển hình
như Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bình) đã bắt tay với HTX Dịch vụ tổng hợp
Kiên Thành (Trấn Yên) bao tiêu toàn bộ sản phẩm do HTX thu mua của dân. Hay HTX
6-12 Đào Thịnh đã hợp tác cùng Doanh nghiệp An Thịnh Cường Phát đầu tư dây
chuyền chế biến tinh dầu quế tiêu thụ các sản phẩm lá, cành quế tận thu của nông
dân trong vùng.
Nhiều
HTX chuyển đổi đa dạng ngành nghề thích ứng với thị trường, làm ăn hiệu quả đem
lại niềm tin cho thành viên. HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành hoạt động với
ngành nghề: cung ứng vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, công nghệ phẩm,
hàng tạp hóa; SXKD và cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi; đầu tư kinh
doanh công trình nước sinh hoạt; thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông
- lâm nghiệp. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nhạy bén với thị trường,
đa dạng ngành nghề đã góp phần làm cho hoạt động kinh doanh của HTX ngày càng
quy củ, mang lại hiệu quả, tạo lòng tin ở xã viên.
Ông
Trần Ngọc Sử - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành cho biết: “Phát triển
đa ngành nghề sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương nên mô
hình HTX đã và đang phát huy hiệu quả. HTX đã trở thành cầu nối giữa chính
quyền với người nông dân, là chỗ dựa của các thành viên trong việc tổ chức sản
xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp sản xuất hiệu quả. Doanh thu
HTX đạt trên 1,4 tỷ đồng/năm. HTX tạo công ăn việc làm cho 20 lao động thường
xuyên với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng”.
Mặc dù
đã có nhiều khởi sắc nhưng theo ông Nhâm Xuân Trường - Chi cục trưởng Chi cục
Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Quy mô hoạt động của các HTX còn nhỏ, tốc
độ tăng trưởng của các loại hình HTX chưa đồng đều, chưa tạo liên kết bền vững;
tỷ lệ HTX trung bình, yếu kém còn cao, vốn tự có thấp, chưa xây dựng thương
hiệu sản phẩm.
Đặc
biệt, trình độ đội ngũ cán bộ HTX vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nên hiệu quả sản
xuất HTX còn thấp. Đặc biệt, số HTX yếu kém trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn
ở mức cao. Tổng số vốn hoạt động kinh doanh của các HTX nông nghiệp đạt 630
triệu đồng/HTX, doanh thu bình quân đạt 1,3 tỷ đồng/năm, lãi bình quân chỉ đạt
75 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động trong các HTX nông
nghiệp đạt 1,6 triệu đồng/người/tháng. Để khắc phục hạn chế trên, thời gian
tới, các HTX phải tổ chức lại hoạt động SXKD; nâng cao chất lượng nguồn nhân
lực, cơ sở vật chất để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và tái cơ
cấu ngành nông nghiệp; liên kết với các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản
phẩm”.
Theo Thông Nguyễn/Báo Yên Bái