Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Lễ hội truyền thống >> Văn hóa - Xã hội

Lễ hội Đền Lương Nham, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

11/03/2025 16:07:28 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Đền Lương Nham tiền thân là một miếu nhỏ thờ Quế Hoa công chúa. Ban đầu ngôi miếu tọa lạc bên cạnh đình Lương Nham tại khu vực Đồng Ngật – vùng đất giáp ranh giữa Sứ Đồng Chùa, xã Lương Nham, tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái và làng Cụa, xã Ký Mã, tổng Đạo Ngạn, huyện Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang. Đến khoảng cuối thế kỷ XIX nhằm đáp ứng tâm nguyện và thỏa mãn nhu cầu, nhân dân chính thức tôn miếu thành đền và lấy tên theo vùng đất cũ là Lương Nham thờ Quan lớn Đệ nhất Hồng Dũng; Tam tòa thánh mẫu và các vị Thạch Linh thần đại vương, Thổ Lệnh thần đại vương, Thái tử Nguyễn Công Rước và Quế Hoa công chúa.

Ảnh các hoạt động lễ hội Đền Lương Nham, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

1. Nguồn gốc Lễ hội

Theo các cụ cao niên trong thôn Thanh Bình kể lại, di tích đền Lương Nham tiền thân là một miếu nhỏ được nhân dân tôn tạo, phát triển thành đền vào cuối thế kỷ XIX. Khởi thủy, từ một miếu nhỏ ở bên cạnh đình Lương Nham tại khu vực Đồng Ngật – vùng đất giáp ranh giữa Sứ Đồng Chùa, xã Lương Nham, tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái và làng Cụa, xã Ký Mã, tổng Đạo Ngạn, huyện Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang. Nhưng do thời gian di chuyển đình Lương Nham (đình Trắng) đã lâu khoảng cuối thế kỷ XIX nên không còn ai nhớ rõ vị trí cũ đầu tiên của đình khi khởi dựng. Theo các nhân chứng tại thôn Thanh Bình, vị trí hiện nay của đền Lương Nham chính là vị trí di tích đình Lương Nham trước kia tọa lạc.

Đình Lương Nham xưa kia được coi là đình cả - ngôi đình lớn nhất vùng, đồng thời là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa chung của nhân dân khắp vùng và khu vực xung quanhĐể đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng ngày càng cao của nhân dân, người dân Ký Mã, lúc này dựng thiết chế đình riêng tại làng Cọ đồng thời rước chân nhang từ đình Lương Nham và phụng thờ các vị thần linh như đình Lương Nham, lấy tên đình Làng Cọ, tuy nhiên có quy mô và phạm vi hẹp hơn. Cùng với đó, người dân xã Lương Nham lại thực hiện chuyển đình Lương Nham sang vị trí mới (tức vị trí hiện nay phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái) trên một khu vực đất thấp giữa cánh đồng, cách vị trí cũ là 2km. Riêng tại xóm Cụa (thôn Thanh Bình hiện nay), người dân vẫn lưu giữ ngôi miếu cạnh đình cũ (Thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái ngày nay) và thực hiện phụng thờ theo truyền thống.

Việc di chuyển di tích đình Lương Nham từ khu Đồng Ngật, trang Lương Nham, châu Quy Hóa, trấn Hưng Hóa đã tạo ra bước ngoặt lịch sử quan trọng trong việc hình thành, phát triển và khẳng định vị trí riêng biệt của thiết chế đền. Từ một miếu nhỏ vào thời điểm đình Lương Nham dịch chuyển, nhân dân làng Cụa tiếp tục phụng thờ các ngài tại đây. Đến khoảng cuối thế kỷ XIX, nhằm đáp ứng tâm nguyện và thỏa mãn nhu cầu, nhân dân chính thức tôn miếu thành đền và lấy tên theo vùng đất cũ là Lương Nham thờ Quan lớn Đệ nhất cùng các vị thần thánh khác theo tín ngưỡng Việt.

Quá  trình tu bổ,  tôn tạo và những sự kiện lịch sử diễn ra tại di tích đình Lương Nham  Sau khi đình Lương Nham hình thành được một thời gian, nhằm mục đích tiếp biến và phát triển nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, nhân dân trong vùng có lập một miếu nhỏ với kết cấu đơn sơ, bên cạnh đình tại khu Đồng Ngật để thờ các vị thánh. Khi đình Lương Nham chuyển sang vị trí hiện nay, tại khu vực nền cũ chỉ còn lại thiết chế miếu nhỏ, nhân dân làng Cụa tiếp tục duy trì thờ cúng tại miếu theo truyền thống.

Đến cuối thế kỷ XIX, ngôi miếu được nhân dân tu bổ, tôn tạo và phát triển thành đền bằng với kiến trúc gỗ, tre và lợp mái cọ mộc mạc.

2. Thời gian tổ chức Lễ hội

Sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại di tích trước những năm 60 của thế kỷ XXTheo các cụ cao tuổi trong vùng kể lại thì giai đoạn từ khi hình thành đến trước năm 1960, tại đền Lương Nham diễn ra  02 kỳ lễ chính là: Lễ đầu năm (ngày mùng 8-10 tháng Giêng), lễ ngày 15-24/8 (âm lịch) hằng năm. Lễ hội của đền Lương Nham xưa được tổ chức theo quy định cụ thể thuộc về lệ làng, theo sự sắp xếp của các vị trưởng làng, trưởng xã. Bên cạnh yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, di tích còn mang ý nghĩa lịch sử nhằm tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức các bậc tiền nhân bảo vệ gìn giữ vùng biên ải, mở mang vùng đất cũng như sự kính ngưỡng đặc biệt cho hình tượng Tam tòa Thánh Mẫu với tín ngưỡng thờ Mẫu, nằm trong văn hóa truyền thống của người Việt nói chung.

Từ năm 1960, lễ hội tại di tích đền không còn được tổ chức và đến năm 2014 mới bắt đầu tổ chức lại lễ hội, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng hiện nay tại đền được phục hồi theo truyền thống với các ngày lễ.

Lễ đầu năm: Thời gian tổ chức từ ngày mùng 8 đến mùng 10 tháng Giêng.

Lễ ngày 15 đến ngày 24/8 (âm lịch): Thời gian tổ chức ngày 15 đến ngày 24 tháng 8 (âm lịch).

Còn lại các ngày mùng một, ngày rằm hoặc khi có việc cần thỉnh cầu, nhân dân trong vùng có đến dâng lễ, cầu tài, cầu phúc, cầu bình an cho bản thân, gia đình, dòng họ. 

3. Địa điểm tổ chức Lễ hội

Đền Lương Nha, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

4. Phần Lễ hội

Lễ hội đền Lương Nham diễn ra 2 kỳ lễ chính là: Lễ đầu năm (ngày mùng 8-10 tháng Giêng), lễ ngày 15-24/8 (âm lịch) hàng năm.

Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ với đầy đủ nghi thức trang trọng, lễ vật với hoa tươi, trái ngọt được dâng lên để tỏ lòng tôn kính và cầu thánh mẫu phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, nhà nhà no đủ. Tiếp đó là phần hội với các hoạt động giao lưu văn nghệ và các trò chơi dân gian đã thu hút đông đảo bà con nhân dân và du khách đến tham dự.

Lễ hội Đền Lương Nham được tổ chức không chỉ lưu giữ nét đẹp văn hóa tâm linh để mọi người tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiền nhân mà còn là dịp giáo dục các thế hệ hôm nay biết trân trọng, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của nhân dân, tạo ra các sản phẩm du lịch mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; đồng thời tạo khi thế vui tươi phấn khởi ngay từ đầu năm mới, động viên, khuyến khích nhân dân tiếp tục nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

20 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h