Chính khí hậu khắc nghiệt giá lạnh bậc nhất
vào mùa đông đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất cũng như sinh hoạt của bà con
nơi đây. Để tập trung xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng
ủy, chính quyền xã đã nỗ lực giảm nghèo bằng nhiều hình thức.
Trong đó, xã tập trung chỉ đạo quy hoạch
vùng sản xuất, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển dịch cơ cấu
cây trồng vật nuôi, đầu tư nâng cấp công trình thủy lợi, mở rộng diện tích lúa
nước theo quy hoạch để tăng thu nhập cho người dân. Nhờ đó, trong những năm gần
đây, phát triển kinh tế ở Nậm Khắt đã có định hướng rõ rệt. Các chỉ tiêu về
diện tích và năng suất các loại cây trồng đều vượt mức được giao.
Hàng năm, xã đưa vào gieo cấy 403 ha lúa,
trong đó có 45ha lúa vụ xuân, 225 ha ngô, các loại cây trồng khác đều
vượt kế hoạch. Trong thâm canh cây lúa nước xã vận động bà con đưa các giống
lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào thay thế các giống lúa địa phương.
Nhờ vậy, đến nay xã đã đưa 100% diện tích
lúa lai, lúa chất lượng cao vào gieo cấy, góp phần đưa tổng sản lượng lương
thực của toàn xã lên trên 2.400 tấn, tăng gần 400 tấn so với năm 2014. Bình
quân lương thực đầu người đạt 506kg/ người/ năm.
Chăn nuôi đã được chú ý, phát triển theo
hướng hàng hoá tập trung. Rút kinh nghiệm những năm trước vào mùa đông thường
xảy ra tình trạng trâu bò của người dân bị chết rét. Những năm gần đây, xã chỉ
đạo nhân dân làm hàng trăm cây rơm dự trữ thức ăn cho trâu, bò và làm chuồng
trại cho gia súc.
Gia đình Thào A Dê ở bản Nậm Khắt có 2 con
trâu, anh bảo: “Những năm trước ở đây đều có trâu bò chết rét. Rút kinh nghiệm,
năm nay thu hoạch xong lúa mùa là gia đình dự trữ rơm làm thức ăn cho gia súc
vào mùa đông. Đến mùa gặt là cán bộ đến từng nhà vận động đồng bào dự trữ thức ăn
cho gia súc, che chắn chuồng trại cẩn thận nên giờ nhiều nhà trong bản mình đã
làm theo vì thế không có trâu bò bị chết vì đói rét nữa”.
Nhờ chủ động phòng chống dịch bệnh và đói
rét cho đàn gia súc nên chăn nuôi ở Nậm Khắt phát triển khá. Hiện toàn xã có
1.309 con trâu, 347 con bò, 467 con dê, đàn lợn duy trì ở mức 4.000 con. Bên
cạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc thì phong trào nuôi ong lấy mật ở Nậm
Khắt cũng đang nở rộ. Hiện toàn xã có 1.650 đõ ong, sản lượng mật đạt 9 tấn/năm.
Nhờ phát triển nghề nuôi ong lấy mật, trồng sơn tra nhiều hộ dân đạt thu nhập
hàng trăm triệu mỗi năm.
Tuy nhiên, một trong những thế mạnh của Nậm
Khắt là phát triển kinh tế rừng, hiện toàn xã có trên 6.000ha rừng, trong đó
diện tích rừng tự nhiên trên trên 4.800 ha. Những năm gần đây xã vận động nhân
dân tập trung trồng sơn tra dưới các tán rừng phòng hộ vừa giữ rừng lại tăng
thu nhập cho đồng bào. Trung bình mỗi năm xã trồng được từ 10 đến15 ha cây sơn
tra.
Ông Chang A Sửu - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt
cho biết: “Trong 5 cái nhất ở Nậm Khắt thì phải kể đến nhiều sơn tra nhất, ước
tính hiện toàn xã có trên 384 ha sơn tra, mỗi năm thu về cho đồng bào
trên 1,8 tỷ đồng”.
Gia đình Thao Tồng Chua ở thôn Hua Khắt có
của ăn của để cũng nhờ trồng và thu hái sơn tra, Thao Tồng Chua cho biết:
“Trước đây, sơn tra còn non người dân đã lên rừng tranh nhau hái. Sau khi xã mở
các lớp tập huấn cây sơn tra được chăm sóc, bảo vệ cẩn thận, chỉ khi táo chín
mới thu hái. Vừa qua, gia đình thu hoạch được khoảng 20 bao táo mỗi bao trên dưới
40kg bán được khoảng 20 triệu đồng. Không những có tiền mua gạo để ăn lúc giáp
hạt mà còn mua sắm được đồ đạc trong gia đình”.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong phát triển
kinh tế nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở Nậm Khắt còn ở mức cao chiếm trên 72%. Để tập
trung xoá đói giảm nghèo, trong thời gian tới, xã tập trung chỉ đạo quy hoạch
vùng sản xuất, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển dịch cơ cấu cây
trồng vật nuôi, đầu tư nâng cấp công trình thủy lợi, mở rộng diện tích lúa nước
theo quy hoạch để tăng năng suất tăng thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, xã cũng đề nghị các cấp, các
ngành tiếp tục hỗ trợ phù hợp về vốn, giống, tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ
sản xuất giúp Nậm Khắt từng bước xoá đói, giảm nghèo bền vững.