Xã Y Can, huyện Trấn Yên có trên 2.890 ha
đất lâm nghiệp, chiếm 82% diện tích tự nhiên. Vì vậy, thực hiện phương án giao
rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) sản xuất lâm nghiệp đối với diện tích rừng sản xuất
do Lâm trường Việt Hưng bàn giao cho Ban quản lý 661 của huyện tại Y Can thời gian
qua đã góp phần giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo có tư liệu
sản xuất, người dân trong xã yên tâm đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng xóa
đói, giảm nghèo.
Dẫn chúng tôi tới thăm một số hộ trong
thôn, ông Nguyễn Văn Chỉ - Trưởng thôn Khe Chè cho biết: “Theo phương án đã
được cấp trên phê duyệt, từ khi được nhận đất, nhiều hộ trong thôn Khe Chè đã
có tư liệu sản xuất và đầu tư thâm canh nhiều giống cây lâm nghiệp như: quế,
keo, bồ đề… phục vụ phát triển kinh tế gia đình, góp phần đảm bảo an ninh nông
thôn. Có hộ thoát nghèo, nhiều hộ kinh tế khá lên từ rừng”.
Trong thời gian qua, toàn thôn có 58 hộ dân
được nhận đất. Hộ nhiều được 2 ha, hộ ít thì trên 1.000 m2. Đây là điều kiện
quyết định để người dân sống được bằng nghề rừng - nghề vốn là thế mạnh ở thôn
Khe Chè nói riêng và ở xã Y Can nói chung. Với nhiều người dân thôn Khe Chè,
Minh An, An Phú, An Hòa… của Y Can, được giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với
giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ sản xuất lâm nghiệp là một cuộc cải cách
lớn bởi trước đây, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, bảo vệ rừng kinh tế từng
là vấn đề nóng của địa phương, là nguyên nhân của những vụ khiếu kiện đông
người.
Trước rất nhiều khó khăn, vướng mắc như:
Lâm trường Việt Hưng chỉ bàn giao hồ sơ, không tiến hành bàn giao tại thực địa,
phần đường ranh giới cũ của lâm trường trước khi bàn giao không theo quy chuẩn
mà chỉ dựa vào bản đồ cũ để khoanh định ranh giới trên bản đồ 672 và cũng không
được tiếp nhận cụ thể tại vị trí nào, hiện trạng đối với quỹ đất nhận bàn giao
từ Lâm trường Việt Hưng sang để thực hiện Phương án giao rừng, cho thuê rừng
gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ sản xuất lâm nghiệp theo hệ
thống bản đồ đo đạc khoanh bao nên mất nhiều thời gian lập hồ sơ, chưa có hướng
xử lý phần diện tích 43 ha rừng phòng hộ liên quan tới tài sản trên đất… huyện
Trấn Yên đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Phương án giao rừng, cho thuê rừng
gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ sản xuất lâm nghiệp đối với
diện tích rừng sản xuất do Lâm Trường Việt Hưng bàn giao cho Ban quản lý Dự án
661 của huyện tại xã Y Can. Xã cũng thành lập ban chỉ đạo phối hợp với các
ngành chức năng của huyện, tập trung vào công tác tuyên truyền, lập hồ sơ giao
đất, thuê đất, cấp GCNQSDĐ sản xuất lâm nghiệp.
Đồng chí Dương Kim Vượng - Bí thư Đảng ủy
xã Y Can cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, để có căn cứ xây dựng
phương án, xã Y Can đã xây dựng hạn mức giao đất sản xuất lâm nghiệp bình quân
trên địa bàn và thông qua kỳ họp HĐND xã, trình huyện xem xét và trình UBND
tỉnh phê duyệt. Qua đó, UBND tỉnh đã phê duyệt hạn mức giao rừng, cho thuê rừng
gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ sản xuất lâm nghiệp của Y Can
là 2,2 ha”. Đến ngày 19/5/2015, địa phương đã giao đất đối với 458 thửa/313,1
ha cho 369 lượt hộ, cá nhân. Trong đó: giao 15,42 ha cho 15 hộ là đồng bào dân
tộc thiểu số nghèo; thiết lập hồ sơ thuê đất đối với 515 thửa (trên 620ha).
Qua đó, góp phần để sản xuất lâm nghiệp
trên địa bàn được đầu tư và phát triển, công tác trồng, bảo vệ rừng được đẩy
mạnh, dần hình thành vùng sản xuất lâm nghiệp gắn với chế biến gỗ rừng trồng
tại thôn Khe Chè, An Phú, Minh An, An Thành, An Hoà.
Hiện nay, Y Can có trên 1.850 ha rừng
trồng, khai thác hợp lý cây lâm nghiệp, cây quế và cây nguyên liệu. Hàng năm,
bình quân địa phương khai thác và trồng rừng tập trung 150 ha và trên 140.000
cây phân tán. Sản lượng gỗ khai thác hàng năm 6.106 m3 chủ yếu là gỗ
keo, bồ đề, trị giá trên 6,9 tỷ đồng, sản lượng khai thác vỏ quế tươi hàng năm bình
quân đạt 320 tấn, trị giá 5,2 tỷ đồng.
Thực hiện Phương án giao rừng, cho thuê
rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ sản xuất lâm nghiệp ở Y
Can đã góp phần tích cực ổn định tình hình quản lý và sử dụng đất theo hướng
bền vững, hiệu quả trong phát triển kinh tế rừng của địa phương theo chủ trương
của Chính phủ, tạo thuận lợi trong công tác quản lý đất đai ở địa phương, đảm
bảo ổn định đời sống cho nhân dân trong xã.
(Theo Báo Yên Bái)