Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Kinh tế

Những triệu phú vùng cam Trần Phú

18/12/2017 17:26:45 Xem cỡ chữ Google
Về thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn hôm nay, chúng tôi như lạc giữa những con phố lớn. Nhiều ngôi nhà biệt thự lộng lẫy và hoành tráng mọc lên xen lẫn những đồi cam bạt ngàn, trĩu quả. Chủ nhân của những ngôi "biệt thự" này không phải ai khác mà chính là những nông dân chân lấm tay bùn…

Người dân thị trấn Nông trường Trần Phú vui một mùa cam bội thu.

Hôm đó là ngày rằm, từng đoàn xe của các thương lái đến từ Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, thành phố Hồ Chí Minh... nối đuôi nhau vào làng cam, tiếp đón là những nụ cười rạng ngời của người nông dân khi một mùa cam nữa bội thu.

Thấy tôi mê mải trước sự đổi thay của nơi đây, chị Trần Thị Loan – Phó Chủ tịch UBND thị trấn vỗ nhẹ vai tôi: "Cứ vào ngày mồng một, ngày rằm, ngày lễ, cả thị trấn này sôi động hẳn bởi từng đoàn xe của các tỉnh về đây mua cam, có ngày người dân xuất bán ra thị trường trên 70 tấn cam các loại. Đặc biệt, vừa rồi lần đầu tiên có một công-ten - nơ ở tận thành phố Hồ Chí Minh ra mua cam. Nhờ cam mà nhiều hộ xây được nhà biệt thự, mua ô tô con rồi nhà báo ạ!”.

Dứt lời, chị Loan dẫn tôi ghé thăm vườn cam của gia đình anh Nguyễn Văn Thống ở tổ 8. Là một trong những gia đình trồng cam đầu tiên ở đất này và cũng nhờ cây cam mà hiện tại cuộc sống của anh Thống đã trở nên giàu có. "Gia đình anh trồng cam lâu chưa?” - tôi hỏi.

Nhấp chén trà nóng, anh Thống nhớ lại: "Vào những năm 1994, 1995, bố tôi lấy 5 - 10 cây cam ở xuôi lên trồng, mục đích ban đầu là trồng để ăn và cho đẹp vườn nhưng cây cam qua năm tháng không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình mà còn mang lại giá trị kinh tế cao. Thấy cây cam ở vùng đất này ngày càng được thị trường ưa chuộng, lúc đầu gia đình mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích chè bị cằn cỗi, thoái hóa cho thu nhập thấp sang trồng cam. Cứ như vậy, đến nay gia đình có trên 2 ha cam, chủ yếu cam sành và cam canh, mỗi năm xuất ra thị trường trên 30 tấn, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/ năm”.

Nói xong, anh dẫn chúng tôi đi một vòng thăm vườn trồng cam đỏ trĩu cả một vùng quê. Anh Thống giới thiệu cho tôi từng gốc cam được trồng từ năm nào và mỗi năm cây nào cho thu nhập cao, cây nào cho thu nhập thấp. Khi tôi đưa mắt về ngôi nhà biệt thự lộng lẫy nằm bề thế giữa vườn cam, anh Thống vỗ vai tôi phấn khởi khoe: "Tất cả nhờ cam đấy chú ạ". Không riêng gì hộ anh Thống, hiện tổ 8, thị trấn Nông trường Trần Phú có 61 hộ thì cả 61 hộ đều trồng cam, nhà nhiều thì 3- 4 ha, hộ ít cũng xấp xỉ 1.000m2.

Chị Trịnh Thị Trâm - Bí thư Chi bộ tổ 8 khẳng định: "Đến nay, đời sống của 100% số hộ trong tổ đều phụ thuộc vào cây cam, nhờ sản phẩm này mà đời sống của người dân được đổi thay rõ nét, cả tổ đã có trên 45 nhà xây kiên cố dạng biệt thự, nhiều hộ đã mua ô tô con”. Vừa nói, chị Trâm vừa bấm ngón tay liệt kê những ngôi nhà đang và đã hoàn thành trong năm 2017. Tiêu biểu như hộ anh Nguyễn Văn Thắng vừa hoàn thành ngôi biệt thự trị giá gần 2 tỷ đồng.

Nhờ cây cam, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà cao tầng trị giá hàng tỷ đồng.


Người dân thị trấn Nông trường Trần Phú bắt đầu trồng cam từ những năm 1990 với khoảng 20 héc - ta, nhưng phát triển mạnh từ năm 2010. Theo chị Trần Thị Loan - Phó Chủ tịch UBND thị trấn thì lúc bắt tay vào trồng cam người dân cũng gặp không ít khó khăn, bởi họ đã quen với việc trồng chè. Nhưng có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây có múi vào thay thế diện tích chè kém hiệu quả cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, người dân đã chủ động và xem việc trồng cam trở thành phong trào làm giàu giữa đất đồi bạc màu.

Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây hợp với việc trồng cam nên những năm qua số diện tích chè thoái hóa, cằn cỗi, kém chất lượng, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cam và cho hiệu quả kinh tế cao. Điều đặc biệt, việc trồng cam đối với người dân nơi đây giờ đã trở thành phong trào, những câu chuyện làm giàu từ cam được lan truyền từ tổ dân phố này sang tổ dân phố khác, đến 9/11 tổ dân phố của thị trấn người dân đã trồng cam. Vui hơn khi thương hiệu cam của họ đã được người dân các tỉnh: Phú Thọ, Hà Nội, Sơn La, Thái Bình, thành phố Hồ Chí Minh ưa chuộng.

Chị Trần Thị Loan – Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: "Đảng bộ thị trấn xác định cây cam là cây mũi nhọn trong việc xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Nên bên cạnh duy trì, chăm sóc số diện tích cam hiện có, năm 2018 thị trấn tiếp tục chỉ đạo trồng mới 68 ha cây”.

Thị trấn Nông trường Trần Phú hiện có 550 ha cam với các giống cam: Đường canh, cam Vinh, cam sành... Tổng sản lượng năm 2017 ước đạt 4.000 tấn, giá bán trung bình 15 ngàn đồng/kg, ước đạt trên 60 tỷ đồng. Nhờ cây cam mà đời sống của người dân nơi đây từng bước được khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo nay chỉ còn trên 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm.

Nhờ cây cam mà người dân giàu lên từng ngày. Mỗi năm, mỗi tổ dân phố có 4 -5 căn nhà biệt thự được xây dựng từ tiền bán cam, mỗi nhà trị giá từ 700 triệu đồng – 1,5 tỷ đồng trở lên. Nhiều hộ không chỉ có của ăn của để mà còn mua được xe hơi, con em được học hành đàng hoàng, an ninh trật tự luôn được đảm bảo.

Tạm biệt vùng cam, tôi tin rằng, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của những người nông dân thời đổi mới, vùng quê núi này sẽ nhanh chóng trở nên giàu có như niềm tin của nhân dân các dân tộc nơi đây đã gửi vào trong nghị quyết của Đảng.

1916 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h