Đảm bảo
vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) dịp tết và lễ hội mùa xuân 2016 đang là
nhiệm vụ cấp thiết đặt ra. Người tiêu dùng cần đến chỗ dựa là các cơ quan chức
năng, cơ quan chức năng cũng cần có sự vào cuộc với những hành động thiết thực
của người tiêu dùng, doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh. Phòng ngừa, ngăn
chặn những hành vi vi phạm pháp luật về ATVSTP, hơn lúc nào hết cần quyết liệt
và đồng bộ…
Không
còn “đến hẹn lại lên”
Trên
các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua, liên tục phản ánh, cập nhật
về mối nguy hại mất an toàn vệ sinh của thực phẩm ôi thiu tuồn vào trong nước
bị các cơ quan chức năng phát hiện và tịch thu; các cơ sở sản xuất, chế biến
rượu giả, bánh, mứt, kẹo bị phát giác; các sản phẩm thực phẩm có chứa các chất
phụ gia, các loại rau phun hóa chất; dùng chất cấm cho vào thức ăn chăn nuôi…
Tất cả như những hồi chuông cảnh báo nối tiếp nhau, gây tâm lý lo ngại và cả lo
sợ cho người tiêu dùng. Vấn đề này, càng được dư luận, người tiêu dùng
quan tâm trong dịp tết về, sau đó là mùa lễ hội.
Chị
Nguyễn Thị Yến ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái e ngại: “Rất khó phân
biệt đâu là thực phẩm sạch hay bẩn, không có chất kích thích, chất cấm; mứt,
bánh kẹo không có chất độc hại… Tết đang tới rồi, chúng tôi mong các cơ quan
chức năng tích cực vào cuộc kiểm tra kỹ, thu hồi và tiêu hủy thực phẩm không
đảm bảo, phạt nặng những cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng”. Chị
Phạm Trang Nhung ở phường Minh Tâm, thành phố Yên Bái đồng tình: “Nhà báo đến
các chợ mà xem, đồ nướng thì vàng ươm hấp dẫn, thịt cứ tươi roi rói, rau thì
tươi mơn mởn... làm sao mà phân biệt được”.
Chị Đỗ
Thị Nga, phường Hồng Hà cũng chung suy nghĩ như vậy: “Trước đây, kinh nghiệm
của bản thân là thực phẩm càng đẹp mắt càng dễ “bị lừa”. Hoa quả thì chỉ mua về
thắp hương nên không lo mấy, còn các loại rau, dưa thì chọn loại xấu hơn một
tý. Nhưng giờ kinh nghiệm đó cũng không cho an toàn khi sự nguy hiểm không đến
từ hóa chất độc hại hay chất bảo quản mà có thể đến từ việc nhiễm khuẩn”.
Sự lo
lắng của đa số người tiêu dùng là hoàn toàn đúng bởi đã được minh chứng khá cụ
thể từ số liệu thống kê của Chi cục ATVSTP qua đợt kiểm tra, thanh tra tại các
cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên
địa bàn tỉnh dịp tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Trong 2.117 cơ sở được thanh tra,
kiểm tra, số cơ sở có vi phạm là 397 và 105 cơ sở vi phạm bị xử lý. Đoàn thanh
tra, kiểm tra đã cảnh cáo 22 và phạt tiền 36 cơ sở vi phạm; 39 cơ sở bị tiêu
hủy sản phẩm với tổng số 563 sản phẩm bị tiêu hủy, ngoài ra có gần 300 cơ sở bị
nhắc nhở...
Ông
Lương Quốc Dũng – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y
tế cho biết: “Từ đầu năm 2015 đến nay, đã tiến hành thanh, kiểm tra 3.998 cơ
sở, trong đó có 762 cơ sở vi phạm và 439 cơ sở bị xử lý. Cụ thể: cảnh cáo 216
cơ sở, phạt tiền 69 cơ sở, 15 cơ sở bị đình chỉ lưu hành sản phẩm; 20 cơ sở có
số sản phẩm bị đình chỉ lưu hành; 160 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với các mặt
hàng thực phẩm không đảm bảo yêu cầu VSATTP như: xúc xích, thịt bò, nội tạng
động vật, cá mực sấy đóng hộp, trứng gia cầm, nấm linh chi, tương ớt, đậu phụ
nhự, củ cải khô, hạt hạnh nhân, nước tương, xì dầu, cà phê, bim bim, sữa, sữa
đậu nành, lạc, cháo, bột nêm... với các nội dung vi phạm sử dụng nguyên liệu,
phụ gia thực phẩm, hóa chất, vi phạm về giấy chứng nhận... trong quá trình sản
xuất, kinh doanh thực phẩm và hàng hóa”.
Chính
sự tắc trách của người sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm không đảm
bảo VSATTP hiện nay không chỉ gây tâm lý hoang mang mà còn ảnh hưởng trực tiếp
đến sức khỏe người tiêu dùng. Đơn cử trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh Yên Bái
xảy ra 12 ca ngộ độc thực phẩm với trên 200 người bị mắc, trong đó có 4 ca tử
vong (2 ca ở huyện Trạm Tấu, 1 ca ở huyện Yên Bình và 1 ca ở huyện Văn Yên).
Quyết
liệt nhưng cần đồng bộ
Các Bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Chi cục trưởng Chi cục
Quản lý Chất lượng Nông - lâm sản và Thủy sản tỉnh (Sở Nông nghiệp và phát
triển nông thôn):
Kiểm tra 176 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản có
nguồn gốc động vật thì có 59 cơ sở không đạt yêu cầu. Trong đó, 12/54 cơ sở
kinh doanh thịt không đạt yêu cầu, 29/62 cơ sở chăn nuôi gia súc không đạt
yêu cầu, 10/21 cơ sở chăn nuôi gia cầm không đạt yêu cầu, 4/23 cơ sở chế biến
giò, chả không đạt yêu cầu, 3/12 cơ sở kinh doanh giò, chả không đạt yêu cầu;
1/4 cơ sở chế biến thịt sấy không đạt yêu cầu... Đoàn tiến hành kiểm tra 198
cơ sở trồng và kinh doanh nông sản nguồn gốc thực vật thì có 74 cơ sở không
đạt yêu cầu.
|
Để đảm
bảo các nguồn thực phẩm vệ sinh, an toàn, chất lượng phục vụ người dân trong
dịp tết Nguyên đán Bính Thân, Ban chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
tỉnh sẽ thành lập 2 đoàn thanh tra liên ngành gồm tuyến tỉnh và tuyến huyện từ
ngày 25/12/2015 đến 25/3/2016, tập trung kiểm tra quyết liệt các mặt hàng thực
phẩm Tết trong toàn tỉnh...
Bên
cạnh việc các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc thì đề cao đạo đức của những
người sản xuất, kinh doanh là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định đến chất lượng
thực phẩm.
Ông
Lương Quốc Dũng – Chi cục trưởng Chi cục VSATTP trao đổi: "Trong điều kiện
hiện nay, dù có thanh tra, kiểm tra đến đâu nhưng không tích cực tuyên truyền
và tự nâng cao đạo đức kinh doanh của người sản xuất, kinh doanh thì không thể
làm tốt công tác đảm bảo VSATTP; người sản xuất, kinh doanh vẫn cố tình vi phạm
thì các sản phẩm kém chất lượng vẫn lọt ra ngoài thị trường".
Sản phẩm nông lâm sản cần được quản lý chặt để đảm bảo
VSATTP ngày tết cho người tiêu dùng.
Bà
Nguyễn Thị Thúy – Phó Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh
cho biết: “Có một thực trạng khá phổ biến hiện nay là nhiều cơ sở sản xuất chấp
hành đầy đủ việc đăng kí, công bố tiêu chuẩn sản phẩm nhưng đến khi sản xuất
thì lại "công bố một đằng, làm một nẻo". Chính vì vậy, bên cạnh việc
làm tốt công tác tiền kiểm, cần phải đẩy mạnh công tác hậu kiểm nhằm đánh giá
tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường. Khi phát hiện các
sai phạm cần được xử lí nghiêm để tránh tình trạng tái diễn”. Một thực tế hiện
nay là công tác quản lý của các cơ quan chức năng còn vẫn “phân khúc”.
Đơn cử,
khi kiểm tra ATVSTP thực phẩm thì Chi cục VSATTP thuộc Sở Y tế chỉ kiểm tra
khâu thức ăn đã “lên mâm”; còn xuất xứ, nguồn gốc nông - lâm sản, thực phẩm do
Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và phát
triển nông thôn); kiểm tra các mặt hàng như rượu, mứt, bánh, kẹo... tại các cơ
sở sản xuất, kinh doanh lại thuộc về đơn vị Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở
Công thương. Chính vì “phân khúc” như vậy, nên các ngành trong quá trình quản
lý chất lượng VSATTP đã gặp nhiều khó khăn, không tập trung và rất khó kiểm
soát.
Để có
một thị trường hàng hóa, thực phẩm an toàn, chất lượng và đảm bảo sức khỏe cho
thị trường, sức khỏe của mọi người, không thể thiếu vai trò, trách nhiệm, thái
độ của người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần chủ động nâng cao nhận thức để trở
thành người tiêu dùng thông thái; có hành động cụ thể, thiết thực để phòng
ngừa, cùng cơ quan chức năng phát giác, đấu tranh, loại trừ một “mối họa”
chung cho toàn xã hội.