Vụ thu đông năm nay, gia đình ông Vàng Súa
Tính ở bản Tà Chơ, xã Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải) có thêm một vụ ngô trên diện
tích đất có độ dốc lớn. Trước nay, diện tích này chỉ trồng được cây ngô vụ xuân
hè, còn lại vẫn bỏ không trong vụ thu đông vì mùa này mưa nhiều, đất bị xói mòn
rửa trôi mạnh, không thể canh tác được.
Từ vụ thu đông năm 2014, gia đình ông cùng
19 hộ dân thôn Tà Chơ tham gia thực hiện mô hình “Ứng dụng tiến bộ kĩ thuật
canh tác ngô vụ thu đông bền vững trên đất dốc tại huyện Mù Cang Chải” do Sở
Khoa học và Công nghệ Yên Bái phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Mù Cang Chải
thực hiện.
Gia đình ông Tính được đăng ký thực hiện
360 m2, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 1,2 tấn sản lượng. Ông đồng thời
cũng là nhóm trưởng hộ dân tham gia thực hiện mô hình ở Tà Chơ. Qua nắm bắt
tình hình thực hiện Mô hình của nhóm, ông cho biết: "Trồng được cây ngô vụ
thu đông này lại cho năng suất cao bà con phấn khởi lắm, có thêm nhiều ngô để
chăn nuôi, đỡ đi phần nào việc lo thức ăn cho mùa đông của vật
nuôi".
Cùng với bản Tà Chơ ở Cao Phạ, các bản Nả
Háng A, Nả Háng B, Mí Háng Tủa Chử ở xã Púng Luông (Mù Cang Chải) cũng được
tham gia Mô hình. Mỗi xã thực hiện 3 ha một vụ, triển khai từ vụ thu đông
năm 2014. Trước nay, những diện tích có độ dốc lớn trên địa bàn huyện rất khó
canh tác cây ngô trong vụ thu đông vì với phương thức canh tác truyền thống của
bà con thì đất rất dễ bị xói mòn, rửa trôi, ảnh hướng lớn đến cây trồng. Với mô
hình này, bà con được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, đảm bảo
cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt.
Anh Trần Quyết Tiến - cán bộ Trạm Khuyến
nông huyện Mù Cang Chải là Chủ nhiệm Dự án khoa học mô hình ứng dụng tiến bộ kĩ
thuật canh tác ngô vụ thu đông bền vững trên đất dốc tại huyện Mù Cang Chải cho
biết: "Phương thức canh tác này áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu và tận
dụng tàn dư cây trồng vụ trước xếp thành băng theo đường đồng mức, sẽ hạn chế
xói mòn và tạo mùn hữu cơ cho đất, kết hợp bón phân cân đối hợp lý theo quy
trình sẽ đảm bảo dưỡng chất cho cây trồng; gieo hạt theo hàng cách hàng, hố
cách hố đảm bảo khoảng cách hợp lý. Việc tận dụng tàn dư cây trồng vụ hè còn
giúp bà con giảm công lao động dọn đất. Thân lá cây ngô trong vụ này bà con còn
có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông".
Quá trình triển khai mô hình, cán bộ Trạm
Khuyến nông huyện kết hợp với khuyến nông viên cơ sở ngoài hướng dẫn cụ thể
trên thực địa kỹ thuật cho bà con còn thường xuyên theo sát người dân đảm bảo
tuân thủ tốt quy trình. Theo anh Trần Quyết Tiến, năng suất trung bình của cây
ngô qua thu hoạch thực tế đạt 60-65 tạ/ha - còn cao hơn năng suất trung bình
ngô thu đông chính vụ của huyện từ 20-25 tạ/ha.
Qua hai vụ thực hiện đã cho thấy hiệu quả
thực tế của mô hình, từ việc giảm công lao động cho đến năng suất cây trồng và
cả việc tận dụng được nguồn thức ăn cho gia súc.
Bí thư Đảng ủy xã Cao Phạ Sùng A Dê cho
biết: "Với kỹ thuật canh tác này, việc sản xuất được cây ngô đông trên đất
có độ dốc lớn thường bỏ không trước đây và xã còn tận dụng được cả nguồn lao
động nhàn rỗi trong thời gian này. Đảng ủy xã sẽ tiếp tục chỉ đạo để nhân rộng
mô hình trên địa bàn xã".
Không chỉ riêng đối với Cao Phạ hay Púng
Luông, thành công của Mô hình trong hai vụ thực hiện là cơ sở để triển khai
rộng kỹ thuật canh tác tiến bộ này tới người dân trên địa bàn nhiều xã của
huyện.
(Theo Báo Yên Bái)