Đây là
một biện pháp hữu hiệu tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, ngăn chặn sự phát
sinh, bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cũng như góp
phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường và bảo vệ đàn vật nuôi.
Theo
báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trong năm 2015 ngành
chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm
soát tốt. Tổng đàn gia súc chính đạt trên 643.515 con, tăng 3,5% so với cùng
kỳ; đàn gia cầm ước đạt 3.900 ngàn con, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Những
năm gần đây do được tuyên truyền nên người chăn nuôi cũng đã có ý thức chú
trọng bảo vệ đàn vật nuôi bằng việc tiêm phòng đầy đủ và thường xuyên vệ sinh
tiêu độc khử trùng (VSTĐKT) khu vực chăn nuôi.
Chị
Trần Thị Huế ở thôn Văn Quỳ, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái cho biết: “Nhà tôi
chăn nuôi gà nhiều năm nay với số lượng vài trăm con nên để bảo đảm an toàn
dịch bệnh thì ngoài việc tiêm phòng định kỳ, tôi luôn quan tâm vệ sinh chuồng
trại như phun thuốc tiêu độc khử trùng theo định kỳ và rắc vôi bột quanh khu
vực chăn nuôi. Nhờ vậy, đàn gà phát triển tốt, chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm.
Theo kinh nghiệm chăn nuôi của gia đình thì thường xuyên VSTĐKT không những là
biện pháp phòng bệnh hiệu quả trong chăn nuôi mà còn bảo vệ được môi trường
xung quanh, cũng như hạn chế ô nhiễm, không ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và
cộng đồng”.
Từ cuối
tháng 12/2015, Chi cục Thú y tỉnh yêu cầu các trạm thú y huyện, thị xã, thành
phố thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt II/2015 tại các hộ chăn
nuôi gia cầm, cơ sở chăn nuôi gia cầm, cơ sở ấp nở, chợ, điểm bán, điểm giết mổ
gia cầm, nhà hàng, khu vực chăn nuôi gia cầm ở nông thôn, nơi công cộng, đường
làng, ngõ xóm.
Đối với
các cơ sở chăn nuôi tập trung, chăn nuôi hộ gia đình cần tiến hành phun thuốc
sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, nhốt gia súc, gia cầm và vùng lân cận 1
lần/ tuần.
Đối với
cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm thì phun thuốc tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn
bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở ấp, các phương tiện vận chuyển
trứng giống và gia cầm mới ấp nở...
Đối với
các cơ sở giết mổ tập trung cần VSTĐKT toàn bộ nơi nhốt gia súc, gia cầm chờ
giết mổ, phương tiện vận chuyển, nơi giết mổ sau mỗi ca sản xuất.
Đối với
chợ có buôn bán gia súc, gia cầm sống và sản phẩm động vật cần VSTĐKT các
phương tiện, dụng cụ vận chuyển khi ra vào chợ và các quầy bán thịt đều phải
được VSTĐKT sau mỗi buổi chợ.
Tổng số
thôn, bản, cơ sở chăn nuôi gia cầm, cơ sở ấp nở, chợ, điểm bán, điểm giết mổ
gia cầm, nhà hàng thực hiện tiêu độc khử trùng được thực hiện trong đợt này là
2.217 cơ sở với 6.194 lít thuốc. Trong đó, có 1.940 thôn bản; 187 chợ, điểm
bán, điểm giết mổ gia cầm, nhà hàng, cơ sở chăn nuôi, cơ sở ấp nở.
Ông
Đặng Bình Nguyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Thời gian
qua, đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách
nhiệm của người dân, nhất là các cơ sở chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia súc,
gia cầm đối với công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, bảo đảm an toàn
dịch bệnh và phát triển chăn nuôi bền vững. Cùng với đó, có sự kiểm tra, giám
sát, đôn đốc thực hiện hiệu quả ở từng cở sở”.
Để bảo
đảm lượng thực phẩm phục vụ cho dịp tết Nguyên đán sắp tới thì cùng với thực
hiện tốt Tháng VSTĐKT, các địa phương cũng cần tăng cường chỉ đạo các biện pháp
phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, trong đó cần tiêm phòng triệt
để cho đàn gia súc, gia cầm, đẩy mạnh công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát
giết mổ, kiểm tra thú y tại chợ, các cơ sở chăn nuôi và giết mổ, nhất là vào thời
điểm giáp Tết, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên địa bàn, phát hiện
nhanh và xử lý kịp thời khi có dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh
gây ra.
(Theo Báo Yên Bái)