Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Nghị quyết 30a - Thay sắc áo mới cho các huyện vùng cao

15/02/2016 08:16:30 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT- Trong năm năm qua việc triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ đã nhanh chóng tác động tích cực đến tập quán canh tác của người dân vùng cao, động viên họ yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhờ đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững trên địa bàn 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi các cháu học sinh Trường PTDT bán trú xã Trạm Tấu.

Nhờ được đầu tư 524.644 triệu đồng nên việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế…, hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục và dạy nghề cho người dân đã làm thay đổi đáng kể đời sống nhân dân của hai huyện.

Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đã giảm dần trên 6%/năm, năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của huyện Trạm Tấu dự kiến giảm còn dưới 49% theo tiêu chí cũ; người dân phấn khởi, tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước. Còn đối với huyện Mù Cang Chải tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 còn 56,5% (giảm 24% so với năm 2011, bình quân giảm 6%/năm)

Cùng với đó, người dân ở hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã được nhà nước giao khoán và bảo vệ 370.359 lượt ha rừng cho các hộ gia đình, đồng thời thực hiện hỗ trợ kinh phí theo chính sách hiện hành. Việc giao khoán và bảo vệ rừng cho các hộ gia đình đã góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chương trình 30a đã hỗ trợ 5.135 ha giống lúa, ngô, phân bón cho các hộ dân giúp thực hiện tốt công tác bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi đúng hướng, tập trung phát triển những cây trồng vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy tập quán canh tác, chăn nuôi của đồng bào vùng cao cũng được thay đổi, người dân tập trung đầu tư sản xuất để vươn lên thoát nghèo và có tích luỹ.

Nói đến thực hiện Nghị quyết 30a tại huyện Trạm Tấu, cần nói đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, Trạm Tấu có địa hình đồi núi chia cắt mạnh, thời tiết khắc nghiệt thường xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, hạn hán, gió lào, rét đậm, rét hại vào mùa Đông. Diện tích đất tự nhiên rộng nhưng quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ít, do phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu dẫn đến năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, vấn đề an ninh lương thực tại chỗ chưa được bảo đảm, vẫn còn nhiều trường hợp phải cứu đói trong mùa giáp hạt. Từ năm 2009 thực hiện Nghị quyết 30a, huyện đã thực hiện chuyển đổi gần 980ha lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi cho thu nhập cao. Bước đầu tại Trạm Tấu đã hình thành một số vùng sản xuất ngô hàng hóa ở các xã: Tà Si Láng, Trạm Tấu, Xà Hồ, Pá Hu... Đây chính là một điển hình minh họa cho sự chuyển biến rõ trong tư duy và phương thức sản xuất của người dân. Nói đi đôi với làm, để khuyến khích các hộ dân chuyển đổi diện tích gieo trồng lúa nương sang trồng ngô, huyện đã hỗ trợ 20kg ngô giống và khoảng 2 triệu đồng tiền phân bón cho 1ha chuyển đổi. Trong điều kiện thâm canh bình thường ngô vẫn đạt năng suất trên 4 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 6 - 7 lần lúa nương.   

 Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2011, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện trong việc xây dựng mô hình trồng ngô thử nghiệm trên đất trồng lúa nương với 41ha ở xã Pá Lau với các giống ngô lai NK4300, B256, B21...,  sau đó, nhân rộng ở hầu hết các xã, trong đó tập trung nhiều ở Xà Hồ, Bản Công, Pá Hu, Tà Si Láng..., năng suất đạt 56 tạ/ha, hiệu quả cao gấp 4 lần so với trồng lúa nương truyền thống.

Đến nay, toàn huyện có 3.500ha diện tích trồng ngô cả năm, tăng 1.334,7ha so với năm 2010, trong đó có 2.500ha trồng ngô vụ xuân và 1.000ha trồng ngô hè thu. Được biết, từ khi thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Trạm Tấu đã chuyển đổi được 929ha diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô, trong đó nhân dân chuyển đổi 885ha, còn lại chuyển đổi thông qua mô hình trình diễn, góp phần giảm diện tích lúa nương từ 1.200ha năm 2010 đến nay xuống còn 250ha. Sản lượng lương thực năm 2014 đạt 19.630 tấn, tăng gần 6.700 tấn so với năm 2010.

Gia đình anh Giàng A Khua ở xã Trạm Tấu có 9 khẩu với 4 lao động chính. Anh cùng với các thành viên trong gia đình bắt đầu trồng ngô cách đây 3 năm, hiện nay anh có 5 ha trồng ngô. Từ khi bắt tay vào canh tác ngô theo sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp năm nào anh cũng có thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Nếu trừ các chi phí khác anh vẫn thu về 50 triệu đồng.  

Cũng ở xã Trạm Tấu, gia đình  ông Mùa A Dê  từ làm lúa, nuôi trâu, và giờ lại thêm trồng ngô, cuộc sống gia đình ngày thêm khấm khá. Ngồi bên bếp lửa ấm cúng trò chuyện quanh việc làm ăn của gia đình mình, ông cho biết, hàng năm, ngoài thu 9 tấn thóc 2 vụ, ông còn nuôi một đàn trâu chục con và 2 con bò, vừa qua, bán 5 con thu 90 triệu đồng. Ngoài ra ông còn trồng 2 ha ngô mỗi năm thu từ 18 - 20 triệu đồng/năm 2 vụ. Nhờ có thêm thu nhập mà mới đây gia đình mua được xe ô tô tải trị giá 240 triệu đồng phục vụ vận chuyển thóc, ngô sau thu hoạch của gia đình và bà con trong xã đi tiêu thụ.

Thế mạnh của huyện Mù Cang Chải lại nằm ở việc chăn nuôi trâu, bò theo mô hình bán công nghiệp, bởi địa phương này có nguồn thức ăn tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp dồi dào. Từ điều kiện thực tế của địa phương huyện đã xác định lấy phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng đi chính trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân, chính quyền xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận dễ dàng hơn với kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn cách phòng bệnh cho trâu, bò.

Để giúp người dân biết và hiểu được kỹ thuật chăn thả gia súc, tránh rét và đảm bảo cho gia súc sinh trưởng và phát triển tốt cán bộ khuyến nông của huyện đã xuống cơ sở tận tình hướng dẫn nhân dân kỹ thuật làm cây rơm để dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông và phòng dịch cho trâu, bò; làm chuồng nuôi nhốt cho trâu, bò xa nhà, không để ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân; trồng cỏ voi VA06 để chủ động nguồn thức ăn trong chăn nuôi, tránh thả rông gia súc.

Ông Sùng A Làng, bản Háng Tráng Lừ, xã Khao Mang cho biết: “Trước đây, gia đình cũng nuôi nhiều nhưng vì không chăm sóc chúng, cứ để chúng tự đi kiếm ăn, nếu chúng có chết đói, chết rét thì mổ ăn thôi! Nhưng giờ một con trâu đực bán cũng được 50 triệu đồng, nếu cần chỉ bán 1, 2 con cũng có tiền để lo công việc rồi. Mỗi năm, mình bán được trên 50 triệu tiền trâu giống đấy nên phải bảo vệ chúng cẩn thận. Hiện nay trong chuồng của ông đang có 16 con trâu bò”.

Ông Sùng A Làng cho biết đầu tiên gia đình được hỗ trợ 01 con trâu cái từ chương trình 30a của Chính phủ. Từ việc nuôi nấng chăm sóc theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp nên đàn trâu của gia đình ông đã sinh sôi nảy nở, trong chuồng của gia đình lúc nào cũng có đôi trâu nái sinh sản.

Có phong trào chăn nuôi đại gia súc phát triển với gần 1.000 con trâu, trên 390 con bò, những năm qua, chính quyền xã Khao Mang luôn vận động người dân chăm sóc tốt đàn gia súc, dự trữ thức ăn, phòng chống đói rét, phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin. Đảm bảo nguồn thức ăn, địa phương đã vận động bà con trồng cỏ voi, chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô.

Đồng chí Vũ Tiến Đức - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: “Việc hỗ trợ con giống của Chương trình 30a đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo nhưng với số lượng lớn cấp phát dàn đều, mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng mua con giống, 1 triệu đồng làm chuồng và 200 nghìn đồng tiền trồng cỏ như thế này khó có thể thoát nghèo nhanh chóng. Trên thực tế, một con trâu "dò dò" cũng tầm khoảng 30 triệu đồng, do vậy một số hộ đã mạnh dạn dùng nguồn vốn cá nhân kết hợp vốn vay Nhà nước với lãi suất ưu đãi để phát triển chăn nuôi.

Có thể nói cùng với nhiều nguồn lực đầu tư khác của nhà nước, Nghị quyết 30a đã và đang thay sắc áo mới cho các huyện vùng cao. Nhờ Nghị quyết 30a giờ đây bộ mặt nông thôn ở vùng cao Mù Cang Chải   Trạm Tấu đã có thay đổi đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên, nhiều hộ nghèo được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ trực tiếp đã vươn lên thoát nghèo bền vững. 

 

526 lượt xem
Thanh Thủy

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h