Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Lịch sử Yên Bái >> Chính trị

Yên Bái ra sức tranh thủ thời gian chuẩn bị kháng chiến chống Pháp

20/11/2019 10:16:50 Xem cỡ chữ Google
Những tháng cuối năm 1946, quan hệ giữa ta và Pháp hết sức căng thẳng. Chiến tranh đang tới gần vì thực dân Pháp âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Tháng 11/1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng và thị xã Lạng Sơn. Ngày 12 tháng 12 năm 1946, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Toàn dân Kháng chiến, vạch rõ mục đích kháng chiến là giành độc lập thống nhất Tổ quốc. Đường lối chung chỉ đạo toàn bộ cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh. Đường lối này được quán triệt về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa.

Đoàn xe đạp thồ trên đường vào Chiến dịch Điện Biên Phủ

Về chính trị: đoàn kết toàn dân, thực hiện quân, chính, dân nhất trí; động viên nhân lực, vật lực, tài lực; đoàn kết tranh thủ sự ủng hộ của Lào, Campuchia và các lực lượng tiến bộ, yêu hòa bình trên thế giới; củng cố chế độ Cộng hòa dân chủ, đánh đổ chế độ bù nhìn; Trung, Nam, Bắc nhất định thống nhất; lập ra ủy ban kháng chiến các cấp để chỉ đạo kháng chiến.

Về quân sự: triệt để dùng “du kích vận động chiến”; thực hành chiến tranh phá hoại “Làm cho địch đói, khát, què, mù, điếc, câm, tiêu hao, mệt mỏi, chán nản”; tản cư nhân dân ra xa các vùng có chiến sự; vừa đánh vừa xây dựng lực lượng; cuộc kháng chiến phải trải qua ba giai đoạn: phòng ngự, cầm cự và phản công.

Về kinh tế: tăng gia sản xuất, tự cấp, tự túc; tự sản xuất vũ khí và lấy súng giặc đánh giặc; tiếp tế cho bộ đội; vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

Về văn hóa: chống nạn mù chữ; thực hiện cần kiệm, liêm, chính; văn nghệ sĩ ủng hộ kháng chiến.

Đường lối này chỉ đạo xuyên suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân cả nước ta.

Ngày 18/12/1946, chúng gửi tối hậu thư đòi ta giải tán chính quyền Trung ương và lực lượng vũ trang, đặt Hà Nội dưới sự quản lý của quân Pháp. Ngày 18 và 19 tháng 12, Ban thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phát động Toàn quốc kháng chiến. Tối ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ.

Cuối năm 1946, quân Pháp chiếm huyện Than Uyên. Chúng lập ra ngụy quyền, ra sức bắt thanh niên các dân tộc đi lính, lập ngụy quân, chờ cơ hội mở rộng vùng chiếm đóng. Tháng 1 năm 1947, Bộ tư lệnh khu 10 quyết định mở mặt trận Tây Tiến nhằm mục đích ngăn chặn quân Pháp đánh lấn vào vùng tự do của ta, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng. Trung đoàn 92 (chủ lực Quân khu 10) được sự hỗ trợ của du kích địa phương đã tấn công địch ở Kim Nọi (Than Uyên), Khau Co, Dương Quỳ (Văn Bàn), Ít Ong, Quang Huy (Sơn La), gây cho địch một số thiệt hại.

Thắng lợi trên đây, đã có tác dụng động viên tinh thần và quyết tâm kháng chiến của quân dân Yên Bái. Về phía địch, từ đó cho đến tháng 9 năm 1947, chúng không có hoạt động quân sự nào đáng kể. Tranh thủ thời gian này, Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo xây dựng lực lượng mọi mặt để kháng chiến mà ta biết rằng không thể nào tránh khỏi.

Ở những nơi trước đây bọn phản động Việt Quốc chiếm đóng, ta khẩn trương lập lại chính quyền cách mạng, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho ủy ban kháng chiến hành chính huyện và xã; chỉnh đốn lại các ủy ban liên xã; tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân xã của huyện Trấn Yên; kiện toàn lại cơ quan chuyên môn của tỉnh như công an, canh nông, thông tin, giáo dục. Vì vậy hiệu lực quản lý, điều hành của cơ quan chính quyền các cấp được nâng lên một bước. Để tăng cường mở rộng khối đoàn kết dân tộc thống nhất, Tỉnh ủy quyết định thành lập các Ban chấp hành Việt Minh cấp tỉnh và huyện; chỉ đạo đưa một số nhân vật thuộc tầng lớp trên của xã hội, có uy tín trong nhân dân tham gia công tác chính quyền và mặt trận; phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên trực tiếp trực tiếp phụ trách công tác vận động quần chúng và làm Bí thư Huyện bộ Việt Minh; đôn đốc việc củng cố các đoàn thể cứu quốc và lập các hội vận động kháng chiến. Đến cuối năm 1947, số hội viên cứu quốc toàn tỉnh lên tới 3 vạn người, tăng gần ba lần so với cuối năm 1946. Công tác tuyên truyền cổ động chính trị được quan tâm đặc biệt. Tỉnh thành lập 3 đội tuyên truyền xung phong đi các làng, xã dùng hình thức ca, kịch, nói chuyện để phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, nói rõ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta sẽ lâu dài, gian khổ, hy sinh nhưng cuối cùng nhất định sẽ giành thắng lợi. Thông qua đó đã thống  nhất được nhận thức, ý thức và hành động của toàn Đảng bộ, lực lượng  vũ trang và nhân dân.

Việc củng cố, phát triển lực lượng vũ trang địa phương được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Tháng 5 năm 1947, Ban dân quân của tỉnh được thành  lập, có nhiệm vụ vừa làm tham mưu cho cấp ủy, vừa tổ chức xây dựng, chỉ đạo hoạt động của bộ đội địa phương và dân quân du kích. Ta đã tập trung cán bộ, bộ đội thành lập một tiểu đoàn cảnh vệ. Thị xã Yên Bái phát triển các đội tự vệ. Hầu hết các xã đều có trung đội du kích. Hai xưởng sửa chữa và sản xuất vũ khí được xây dựng, đi vào  hoạt động. Đến sát trước chiến tranh lan rộng, trên địa bàn Yên Bái có trung đoàn 92, chủ lực của khu 10 (sau đổi thành E.115), một tiểu đoàn cảnh vệ của tỉnh và hơn 2.000 dân quân du kích và tự vệ. Các đơn vị vũ trang tập trung đã được bố trí ở các địa bàn xung yếu và sẵn sàng chiến đấu.

Từ cuối năm 1946, Đảng bộ thấy cần phải giải quyết vấn đề kinh tế cơ bản, nhằm mục tiêu  lớn hơn không những chỉ để bảo đảm đời sống của nhân dân mà còn phải từng bước tạo ra nguồn cung cấp ngày càng nhiều cho cuộc kháng chiến, đã vận động nhân dân khai hoang thêm diện tích lúa nước, trồng thêm lúa mộ và lúa nương, đồng thời tiếp tục coi trọng các cây màu như ngô, khoai; các đơn vị bộ đội, du kích ở những nơi có điều kiện phải lập trại tăng gia sản xuất để tự túc một phần lương thực, thực phẩm. Năm 1947 toàn tỉnh trồng thêm được hơn 1.000 mẫu lúa mộ, gần 3.000 mẫu lúa nương. Các nhà buôn đã khắc phục khó khăn do giao thông cách trở và biến động của chiến tranh mua được khối lượng lớn hàng, trong đó có những mặt hàng đặc biệt quan trọng như muối ăn từ đồng bằng lên địa phương bán, góp phần ổn định thị trường giá cả.

Phong trào bình dân học vụ, xóa mù chữ, giáo dục tiểu học tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 1947, cả tỉnh có 1.200 học sinh tiểu học, mở được 1 lớp trung học, 600 lớp bình dân học vụ với gần 800 giáo viên. Hơn 8.000 người được cấp giấy chúng nhận biết đọc biết viết. Công tác y tế được chú trọng; tất cả các cơ quan, đơn vị bộ đội và một số xã có túi thuốc chữa bệnh; phong trào vệ sinh phòng dịch bệnh được phát động rộng rãi.

Về xây dựng Đảng: lúc thành lập Đảng bộ ( 30/6/1945) chỉ có 2 chi bộ (chi bộ Ban cán sự và chi bộ thị xã) với 7 đảng viên. Đến tháng 10 năm 1946 có 3 chi bộ (chi  bộ bộ đội Văn Chấn, chi bộ thị xã và chi bộ toàn tỉnh) với 68 đảng viên. Trước yêu cầu của tình hình mới, công tác xây dựng Đảng trở lên đặc biệt cấp bách, Đảng bộ vững mạnh mới so thể chỉ đạo cuộc kháng chiến địa phương đến thành công. Tháng 10 năm 1946 đồng chí Nguyễn Chấn được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Giữa năm 1947 đồng chí Nguyễn Chấn được điều đi công tác ở tỉnh khác, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Từ cuối năm 1946, Tỉnh ủy đặt trọng tâm vào việc lập các Ban huyện ủy và phát triển đảng viên mới. Ban cán sự Đảng Trấn Yên được thành lập đầu tiên (bí danh B52). Đầu năm 1947, Tỉnh ủy quyết định thành lập Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Lục Yên, tháng 4, lập Huyện ủy lâm thời Văn Chấn, tháng 11, lập Huyện ủy Văn Bàn (bí danh B15), còn huyện ủy Yên Bình (thuộc Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang) được lập từ cuối năm 1946.

Đồng thời với quá trình hình thành của hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh đến các huyện, công tác phát triển Đảng có tiến bộ rất quan trọng; Tỉnh ủy đã chỉ đạo mở một số lớp đối tượng Đảng mang tên “Lớp tháng Tám” bồi dưỡng lý luận chính trị cho gần 200 quần chúng tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong chiến đấu và công tác ở đơn vị bộ đội, du kích và các đoàn thể. Sau các lớp bồi dưỡng này, 147 đồng chí được kết nạp vào Đảng. Đến cuối năm 1947, Đảng bộ tỉnh Yên Bái có 213 đảng viên, tổ chức thành 18 chi bộ.

Đảng viên được kết nạp trong thời gian này trình độ và nhận thức về Đảng còn hạn chế nhưng có nhiệt tình cách mạng và ý thức trách nhiệm rất cao; có kinh nghiệm công tác; gần gũi với quần chúng, rất gương mẫu trong công tác và sinh hoạt.

Công tác tư tưởng, giáo dục đảng viên được các cấp ủy quan tâm thường xuyên. Tất cả đảng viên đều được học chương trình Cộng sản sơ giải và thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các đồng chí Bắc Bộ và Trung Bộ. Qua đó, toàn thể đảng viên của Đảng bộ nhận thức sâu sắc hơn nhiệm vụ đối với cuộc kháng chiến của dân tộc, cảnh giác với các bệnh quan liêu, chủ quan vô kỷ luật, hủ hóa, thống nhất ý chí và hành động. Hàng tháng, hàng quý các tổ chức đảng đều sơ kết việc chỉ đạo các công tác nêu lên những ưu điểm cần phát huy, vạch rõ những thiếu sót, tìm nguyên nhân và cách khắc phục. Đảng bộ thực hiện nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình xây dựng, tạo được tình đồng chí gắn bó thân thiết. Tuyệt đại đa số đảng viên sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh để thực hiện các nhiệm vụ tổ chức phân công, gương mẫu trước quần chúng. Vì vậy, tổ chức đảng và đảng viên có uy tín, sức hấp dẫn rất lớn đối với quần chúng.

Từ giữa năm 1947, tình hình ngày một căng thẳng, quân đội Pháp đã tập trung ở sát phía Tây - Tây Bắc của tỉnh và có thể tấn công ta bất cứ lúc nào. Thực hiện Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể vận động nhân dân sẵn sàng làm: vườn không nhà trống”, cất giấu tài sản, làm kho dự trữ lương thực, thực phẩm; thành lập ban tản cư các cấp để tổ chức cho nhân dân tản cư khi chiến sự lan tới; các huyện, xã, làng, bản, đặt kế hoạch phòng không, phòng gian, bảo mật, thực hiện: "ba không” (không biết, không nghe, không thấy). Trên các đường bộ từ tỉnh xuống Phú Thọ, sang Tuyên Quang, đường thị xã vào Nghĩa Lộ… đều được đắp ụ, chuẩn bị sẵn vật cản chặn bước tiến của quân giặc. Nhân dân các huyện Yên Bình, Văn Chấn, Trấn Yên đã vót hàng chục vạn chông tre, nứa và cắm thành các bãi chông ở những nơi quân Pháp có thể nhảy dù. Phong trào “hũ gạo kháng chiến”, góp quỹ nuôi quân, mua công phiếu kháng chiến diễn ra rất sôi nổi. Việc tiêu thổ kháng chiến được tiến hành khẩn trương. Ta đã huy động hơn một vạn lượt người bóc toàn bộ đoạn đường sắt từ Văn Phú đến Bảo Hà, đánh sập hàng chục cầu lớn, nhỏ. Nhân dân  thị xã Yên Bái đã phá gần 500 ngôi nhà, trong đó có rất nhiều nhà xây kiên cố. Tuy nhiên việc tiêu thổ kháng chiến làm quá tràn lan, ở cả những nơi không thật cần thiết, gây nên những thiệt hại đáng tiếc.

Có thể nói Đảng bộ, quân dân Yên Bái đã chuẩn bị đến mức cao nhất và sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

                                             (Bài viết sử dụng tài liệu trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái)

7696 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h