Chỉ đạo quyết liệt
Ngay sau khi
Nghị quyết 29/NQ-TW ban hành, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ
chức quán triệt, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và
nhân dân về nội dung của Nghị quyết. Trong đó, tỉnh yêu cầu các cơ quan thông tin
đại chúng trên địa bàn tập trung tuyên truyền sâu rộng về các mục tiêu, nhiệm
vụ và giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh
thần của Nghị quyết số 20/NQ-TW. Công tác tuyên truyền, quán triệt các nội dung
của Nghị quyết trong những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thực của các cấp,
các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về ý
nghĩa, vai trò quan trọng của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào
tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tiếp đó, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chương
trình hành động số 70-CTr/TU ngày 10/1/2014 về việc triển khai thực hiện Nghị
quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng
yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban
hành kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản toàn diện
giáo dục và đào tạo trong Chương trình hành động và kế hoạch công tác hàng năm,
gắn mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục với các mục tiêu phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh và của từng địa phương.
Tỉnh Yên Bái xác định mục tiêu phát triển
giáo dục và đào tạo ổn định về quy mô, nâng cao về chất lượng, phấn đấu đến năm
2030 có nguồn nhân lực phát triển với trình độ chuyên môn, khả năng sáng tạo và
thực hành đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, phục vụ sự nghiệp phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đã tập
trung chỉ đạo quyết liệu ưu tiên phát triển giáo dục vùng khó khăn, tăng cường
tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong việc vận động và giúp đỡ học sinh trên
địa bàn ra lớp chuyên cần, huy động các nguồn lực, tập trung ưu tiên cho các
trường PTDTNT, PTDTBT. Tổ chức các cuộc vận động để ủng hộ giải quyết khó khăn
cho học sinh trường PTDTBT và các trường mầm non thuộc các xã khó khăn của
huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Cùng với đó, tăng cường đổi mới căn bản công
tác quản lý, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã
hội của các cơ sở giáo dục đào tạo, coi trọng quản lý chất lượng; thực hiện đổi
mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả theo quy định của Bộ và thực hiện
quy chế dân chủ, quy chế công khai trong trường học.
Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông
Trong giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh Yên Bái
đã thực hiện việc đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học ở các cấp
học. Đặc biệt, năm học 2015 - 2016 có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng,
triển khai thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020; năm học đầu
tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị
quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết
29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn
diện giáo dục và đào tạo. Do đó, ngành Giáo dục và Đạo tạo tỉnh đã xây dựng
chương trình, kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học tập,
quan tâm đến hoạt động thực hành, thí nghiệm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm
sáng tạo. Triển khai mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) ở cấp tiểu học
trong 5 năm với 14 trường và 4.300 học sinh. Riêng năm học 2015 - 2016, tỉnh
triển khai lớp 6 với 20 trường, 1.515 học sinh và triển khai thí điểm chương
trình phổ thông môn tiếng Anh. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị trường học tiếp
tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng tập trung dạy cách học,
tự hõ, phát huy tính chủ động sáng tạo và vận dụng kiến thức người học. Tỉnh
cũng thực hiện đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục để kịp thời
điều chỉnh hoạt động dạy và học theo yêu cầu đạt chuẩn đề ra. Đánh giá đúng
thực chất để tạo động lực nâng cao chất lượng dạy và học. Triển khai kỳ thi
THPT quốc gia, sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các
trường ĐH, CĐ. Năm 2015, toàn tỉnh có 6.018 học sinh thi tốt nghiệp, trong đó
94% đỗ tốt nghiệp THPT, 88,9% đỗ tốt nghiệp BTTHPT.
Ngoài ra, tỉnh đã nâng cao chất lượng giáo
dục phổ thông theo hướng phát hiện, phát huy năng lực sở trường, định hướng
nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn của giáo
viên như đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; tổ chức
dạy tích hợp, liên môn; triển khai các hoạt động chuyên môn trên trang mạng
“Trường học kết nối”. Chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học; thực hiện đổi
mới công tác quản lý, tăng cường phân cấp, tự chủ cho các địa phương và cơ sở
giáo dục; quan tâm công tác đổi mới, điện tử hóa hồ sơ, bài giảng, sổ sách
trong các nhà trường cũng như thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền,
tạo sự đồng thuận của xã hội vào công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục và đào
tạo.
Đại diện Bộ GD-ĐT ký kết Biên bản
Kiểm tra công nhận tỉnh Yên Bái đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5
tuổi, năm 2015
Tập trung công tác
phát triển nguồn nhân lực
Để đạt được mục tiêu đổi mới toàn diện, căn
bản giáo dục và đào tạo, tỉnh Yên Bái xác định công tác phát triển nguồn nhân
lực phải được ưu tiên hàng đầu. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày
22/12/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển nguồn nhân
lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020;
Quyết định số 231/QĐ-UBND ngày 13/2/2012 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê
duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020.
Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục và Đào tạo
tỉnh đã chủ động rà soát, đánh giá, bố trí sắp xếp lại đội ngũ. UBND tỉnh đã
giao kế hoạch về quy mô trường lớp, biên chế cho các địa phương; bổ sung chỉ
tiêu biên chế theo hướng giảm sự chênh lệch về biên chế giữa các huyện, thị
trong tỉnh; ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn, ngành học mầm non, các trường
phổ thông dân tộc bán trú (DTBT), dân tộc nội trú (DTNT)... 5 năm qua, tỉnh đã
bổ sung gần 3.000 biên chế, tỷ lệ biên chế năm 2014 đạt 91%, tăng 12,5%. Chất
lượng đội ngũ được nâng lên, toàn tỉnh 2 tiến sỹ, 44,5% giáo viên có trình độ
thạc sỹ trở lên; tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trở lên đạt 100%. Công
tác phát triển đảng viên cũng được quan tâm, đến nay toàn ngành giáo dục có
6.756 đảng viên, chiếm tỷ lệ 43,1% tổng số đội ngũ toàn ngành.
Ngành Giáo dục và Đào tạo còn quan tâm phát
triển quy mô, mạng lưới trường lớp. Tới nay, Yên Bái đã có 590 cơ sở giáo dục
từ mầm non, phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp và dạy nghề. Trong đó, giáo
dục mầm non và phổ thông có 568 trường, 6.718 lớp, nhóm lớp, 194.199 cháu mầm
non, học sinh.
Quy mô, mạng lưới trường lớp, đội ngũ được
quan tâm, đã làm cho các chỉ số về phát triển giáo dục của tỉnh tiếp tục được
nâng lên, đạt mức khá so với khu vực và trung bình so với quốc gia. Tỷ lệ trẻ
suy dinh dưỡng bậc học mầm non giảm trên 5%, tỷ lệ học sinh phổ thông học lực
khá giỏi tăng từ 5 đến 20%, loại yếu kém giảm từ 2 đến 7% ở các cấp học. Tỷ lệ
học sinh hoàn thành khóa học tăng 9,2%, học sinh đỗ vào các trường đại học, cao
đẳng đạt 35,1%, tăng 7,7% so với năm 2010. Yên Bái luôn có học sinh đạt thủ
khoa các trường đại học lớn trong nước. Số lượng học sinh giỏi đạt giải các kỳ
thi quốc gia hàng năm xếp vị trí thứ 5, thứ 6 so với 15 tỉnh vùng I. Năm học
2014 - 2015, tỉnh đã có học sinh đạt giải Khuyến khích quốc tế (khu vực Châu Á
-Thái Bình Dương), 03 học sinh đỗ thủ khoa các trường đại học. Số thí sinh đỗ
đại học, cao đẳng tăng từ 27,4% năm 2010 lên 37,6% năm 2015.
Hướng
tới bền vững phát triển GD-ĐT và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2015 - 2020
Giai đoạn
2015 - 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường sự lãnh
đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới GD-ĐT. Tổ chức
triển khai, quán triệt sâu rộng đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong
ngành và tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, có
hiệu quả Nghị quyết số 29. Chú trọng công tác phát triển Đảng trong trường học.
Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, tăng cường ứng dụng CNTT trong giáo
dục.
Một trong những
nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện hệ thống giáo dục
quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội
học tập. Trong đó tập trung rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển sự nghiệp
Giaos dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015 - 2020, Quy hoạch phát triển
nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái đến năm 2020. Rà soát, hoàn thiện mạng lưới trường,
lớp các cấp học từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp,
giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp nghề; phát triển quy mô
một cách hợp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Xây dựng
và phát triển trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành trở thành cơ sở giáo dục chất
lượng cao. Xây dựng trường phổ thông trọng điểm chất lượng cao các huyện, thị,
thành phố đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Xây
dựng trường Cao đẳng nghề Yên Bái thành trường cao đẳng nghề chất lượng cao.
Cùng với đó, ngành tiếp tục sắp xếp và hoàn thiện hệ thống giáo dục thường
xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, đảm bảo tỷ lệ sinh viên
đại học, cao đẳng so với học sinh nghề,
học trung cấp chuyên nghiệp phù hợp với nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh. Xây
dựng lộ trình phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở học nghề.
Nâng cao
chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông theo hướng coi trọng năng lực, phẩm chất
của người học. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện
đại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Áp dụng phương
pháp dạy học dựa trên sự tìm tòi, trải nghiệm khoa học của học sinh. Thực hiện
tốt Đề án dạy và học ngoại ngữ, thực
hiện có hiệu quả nội dung giáo dục phổ thông theo hướng chuẩn hóa, tinh gọn,
hiện đại, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở
các lớp học trên. Đổi mới quản lý giáo dục, nâng cao hiệu quả dạy học, chú ý hỗ
trợ dạy và học phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt quan tâm nâng cao chất
lượng dạy và học của trường PTDTNT tỉnh.
Bên cạnh đó,
quan tâm phát triển giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Thực
hiện cơ chế tuyển sinh và cử tuyển theo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực, từ đó
phát triển các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh theo hướng đa dạng hóa về loại
hình, phương thức và ngành nghề đào tạo. Xác định rõ danh mục các ngành nghề
then chốt, thế mạnh, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh để quy
hoạch, đầu tư có trọng điểm.
Ông Trần Xuân
Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết: “Thời gian tới,
ngành tăng cường đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo đảm bảo dân
chủ, thống nhất, tăng cường trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo
và coi trọng quản lý chất lượng. Đồng thời phát triển đội ngũ nhà giáo và cán
bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Tăng cường đầu tư
nguồn lực, cơ sở vật chất trường, lớp học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động sự tham gia đóng góp của toàn
xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh nhà”.
Dưới sự lãnh đạo
của Tỉnh ủy – HĐND - UBND tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức cùng cả hệ thống chính
trị và nhân dân các dân tộc đưa sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo phát triển đi lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, việc làm của xã
hội, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc xóa
đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Một mùa xuân mới đã
về, mở ra những khát vọng và niềm tin mới. Với những kết quả
đã đạt được, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái sẽ ngày càng vững bước trên
con đường đổi mới, tiếp tục lập những thành tích mới trên con đường đi tới
tương lai./.