Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái

09/02/2016 08:13:58 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong xu thế hội nhập hiện nay, khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong các yếu tố quan trọng có tác động tích cực đến việc tăng trưởng và phát triển kinh tế của nước ta. Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh: "Phát triển mạnh khoa học, công nghệ làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước".

Với vai trò là động lực của sự phát triển, trong những năm qua các hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình hành động số 76-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XI) về "Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", với mục tiêu: Tập trung cho phát triển khoa học và công nghệ để khoa học và công nghệ thực sự là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Trong những năm qua, hoạt động KH&CN tỉnh Yên Bái đã không ngừng đổi mới và phát huy hiệu quả thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng thành tựu về công nghệ sinh học, thông qua việc tuyển chọn, chuyển đổi, sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Xây dựng, nhân rộng mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Công tác triển khai thực hiện các đề tài, dự án KH&CN được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hàng năm, tỉnh đã dành 50-60% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học cho nghiên cứu, chuyển giao xây dựng các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Các đề tài dự án được xây dựng bám sát mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật để phát triển những giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh của địa phương, xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng, bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn gen cây trồng vật nuôi đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế của tỉnh, như: Bưởi Đại Minh (Yên Bình), Cam sành Lục Yên, Lúa nếp Tú Lệ (Văn Chấn), Gà của dân tộc Mông, Sơn tra (Mù Cang Chải), Lúa Chiêm Hương (Đại Phác, Văn Yên), Mô hình trồng thâm canh Chuối Tiêu Hồng, Hoa Lan Hồ Điệp, Lúa ĐS1...; Hầu hết các đề tài, dự án khoa học thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp đều tập trung hỗ trợ trực tiếp nông dân về giống mới, vật tư, đặc biệt về kỹ năng canh tác và năng lực tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; đã có tác động tốt đến đời sống kinh tế xã hội của vùng triển khai đề tài, dự án. Thông qua thực hiện các đề tài, dự án đã đưa nhiều công nghệ mới vào sản xuất, qua đó người dân đã từng bước tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đã tạo được động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, hàm lượng khoa học công nghệ trong giá trị sản phẩm, hàng hoá đã được nâng lên, góp phần tăng năng suất lao động, tăng chất lượng, sản lượng hàng hoá.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các nhiệm vụ KH&CN tập trung nghiên cứu nhằm củng cố các luận cứ khoa học, đề xuất các giải pháp để giải quyết các vấn đề về văn hóa, dân tộc, an ninh, quốc phòng mang tính đặc thù của tỉnh, như: Thực trạng và giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với các lễ hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Nghiên cứu bảo tồn, lưu truyền 6 điệu xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò; Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về An ninh trật tự đối với phụ nữ Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài trên địa bàn huyện Lục Yên; Sưu tầm, nghiên cứu các điệu múa dân gian trong lễ hội văn hóa các dân tộc Tày, Thái, Khơ Mú ở Huyện Văn Chấn và Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái; Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Yên Bái; Nghiên cứu bảo tồn Hội “Hạn khuống” của đồng bào dân tộc Thái vùng Mường Lò – Nghĩa Lộ...

Đẩy mạnh việc hướng dẫn, xây dựng xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm đặc sản có thế mạnh của tỉnh, như: Xây dựng chỉ dẫn địa lý Quế Văn Yên; Nhãn hiệu chứng nhận Chè Suối Giàng, Sơn Tra Mù Cang Chải, Bưởi Đại Minh; Nhãn hiệu tập thể: Miến Đao Giới Phiên, Gạo Chiêm Hương Đại Phú An... qua việc xây dựng và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm trên đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân.

Có thể nói hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN của tỉnh thời gian qua đã từng bước đổi mới, ngay từ bước xác định nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng với tiêu chí đề tài, dự án KH&CN phải có địa chỉ ứng dụng và đối tượng thụ hưởng kết quả, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

                                                                           

Vũ Xuân Hợi

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

568 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h