Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành
chính và các văn bản hướng dẫn liên quan, việc áp dụng biện pháp xử lý hành
chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải dựa trên cơ sở quyết
định của TAND cấp huyện. Thực tiễn triển khai do nhiều quy định chưa phù hợp
với thực tế, trình tự, thủ tục trải qua nhiều “tầng nấc”, nhiều loại giấy tờ trùng
lặp... đã khiến cơ quan chức năng gặp không ít vướng mắc, khó khăn trong việc
đưa người nghiện đi cai.
Năm 2015, toàn tỉnh có 2.193 người nghiện
ma túy có hồ sơ kiểm soát, trong đó có 99 đối tượng nghiện mới. Việc thực hiện
đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc rất khó khăn nên số người nghiện
ở ngoài đang gây nhiều nhức nhối cho xã hội. Việc đưa người nghiện ma túy đi
cai bắt buộc được thực hiện theo Nghị định số 221/NĐ-CP năm 2013 có hiệu lực thi
hành từ ngày 15/2/2014.
Cụ thể, muốn đưa đối tượng nghiện đi cai
bắt buộc phải xác định được tình trạng nghiện rồi tiến hành xử phạt hành chính,
sau đó đưa về giáo dục tại xã, phường, thị trấn; nếu tái nghiện thì mới đưa đi
cai nghiện bắt buộc. Việc xác định tình trạng nghiện cũng khó thực hiện vì Nghị
định số 221/NĐ-CP yêu cầu thẩm quyền xét nghiệm là y, bác sĩ có chứng chỉ hành
nghề và phải qua khóa tập huấn về cai nghiện tại cộng đồng, trong khi phần lớn
y, bác sĩ không đáp ứng được yêu cầu này.
Theo Sở Lao động - Thương binh & Xã
hội, việc chẩn đoán xác định người nghiện ma túy theo quy định tại Quyết định
số 5075/QĐ-BYT, Quyết định số 3556/QĐ-BYT, Thông tư số
17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA chỉ được thực hiện khi đối tượng tự giác khai báo
tình trạng nghiện.
Trong khi thực tế người nghiện ma túy
thường che giấu các triệu chứng lâm sàng nên rất khó khăn cho việc chẩn đoán.
Mặt khác, Khoản 1, Điều 10, Nghị định số 221/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế
độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì
người có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy phải có chứng chỉ hành nghề
khám bệnh theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh và chứng chỉ tập huấn về điều
trị cắt cơn nghiện ma túy do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Chính vì những nguyên nhân đó đã dẫn đến
việc xác định tình trạng nghiện của người nghiện ma túy để đưa đi cai chưa thể
thực hiện. Thiếu tá Trần Văn Hiền - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm
về ma túy, Công an thành phố Yên Bái cho biết: “Trình tự, thủ tục lập hồ sơ
quản lý người nghiện hiện nay cũng phải qua nhiều cơ quan như công an xã, công an
huyện, phòng tư pháp, phòng lao động - thương binh và xã hội, tòa án nhân dân
cấp huyện nên mất rất nhiều thời gian. Nếu thực hiện theo đúng quy trình thì
thời gian đưa ra được quyết định đưa người đi cai nghiện nhanh nhất là 1 tháng.
Trong thời gian chờ có quyết định, người nghiện có hộ khẩu thường trú tại địa
phương sẽ được gửi về gia đình quản lý, những người không rõ nơi cư trú phải
đưa đến các cơ sở xã hội quản lý. Tuy nhiên, các địa phương chưa có nhà lưu
giữ, không có cán bộ chuyên môn để xử lý cắt cơn nghiện nên việc quản lý, lưu
giữ đối tượng là rất khó”.
Có thể nói, những khó khăn, vướng mắc trong
quá trình đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung là vấn đề chung của cả nước.
Trong thời gian chờ các văn bản hướng dẫn, để tăng cường công tác quản lý và
đẩy nhanh việc đưa đối tượng đi cai nghiện theo quy định của pháp luật, tỉnh
đang triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành.
Theo đó, các ngành sẽ chỉ đạo các địa
phương rà soát, giám sát chặt chẽ các đối tượng nghiện hút ma túy, đối tượng
sau cai nghiện nhằm hạn chế những vi phạm có thể gây ra, tăng dần việc điều trị
tự nguyện, giảm dần điều trị bắt buộc; thực hiện công khai, minh bạch, thuận
tiện, dễ tiếp cận các dịch vụ điều trị nghiện ma túy. Đặc biệt là triển khai
các điểm điều trị thay thế bằng thuốc Methadone.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác
tuyên truyền, đấu tranh, phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội tại các tổ dân phố,
khu dân cư, thôn, bản. Đồng thời, cần tổ chức hướng dẫn, đôn đốc thực hiện công
tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng...