Ông Trịnh Khắc Nghĩa – Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Chấn cho biết: với 31 đơn vị hành chính, 374 làng, bản, tổ dân phố với tổng số trên 37.800 hộ dân, trong đó có 8 xã vùng đặc biệt khó khăn nơi đồng bào thiểu số sinh sống.
Xác định triển khai nghiêm túc Quyết định 308/2005/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ là một trong nội dung nhằm xây dựng đời sống văn hóa, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc làm giàu thêm truyền thống quê hương, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, Văn Chấn đã nghiêm túc triển khai thực hiện. Các cấp ủy, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể đã thực sự vào cuộc, chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các bước đi thích hợp, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng, qua đó đã thu được những kết quả đáng phấn khởi.
Điều này được thể hiện rõ qua 10 năm triển khai nghiêm túc Quyết định, với trên 13.500 đám cưới diễn ra, hầu hết đã thực hiện theo nếp sống mới đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình khi không mở loa đài qua 22 giờ và trước 5 giờ sáng; hầu hết các đám cưới đều tổ chức trong 1 ngày, tiệc mặn chỉ tổ chức gọn nhẹ trong anh em họ hàng và bạn bè thân thiết. Đối với việc tang, với 5.480 đám tang trong 10 năm qua, mỗi làng, bản, tổ dân phố đã có ban tang lễ và có quỹ thăm hỏi, phúng viếng. Khi gia đình có người chết đã kịp thời báo cáo chính quyền làm thủ tục khai tử, thành lập ban tang lễ do chính quyền địa phương cùng với đoàn thể đứng ra tổ chức.
Thời gian khâm liệm cho người chết được tiến hành đúng nghi lễ, phong tục, tập quán của dân tộc, không để quá 24 giờ; đối với người có bệnh truyền nhiễm được cán bộ y tế hướng dẫn chôn cất và không để quá 12 giờ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, thực hiện đề án “Vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang” giai đoạn 2013 - 2015, đến nay 100% hộ đồng bào Mông ở Văn Chấn đã ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Cụ thể, đã có 139 trường hợp người Mông qua đời thực hiện chôn cất trong quan tài, không bắn súng, bón cơm, phơi nắng hay để người chết trong nhà quá lâu.
Trong lễ hội, với trên 40 lễ hội tổ chức hưởng ứng Chương trình du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ và 60 lễ hội truyền thống của địa phương như: Lồng tồng, Hạn khuống, Tết nhảy… Hàng năm, huyện đã ban hành các văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội theo đúng quy chế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh. Các lễ hội đều thành lập ban tổ chức, được tổ chức đúng nghi lễ, thiết thực, phù hợp với phong tục tập quán mỗi dân tộc; không để xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan. Ngoài bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, qua lễ hội đã quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người, quê hương Văn Chấn đến bạn bè trong và ngoài huyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện Văn Chấn cũng còn những tồn tại, hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện Quyết định; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, thường xuyên, chưa tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhân dân; nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác triển khai còn hạn chế…
Điều này dẫn đến trong việc cưới, một số cán bộ, công chức, một số gia đình có điều kiện kinh tế tổ chức cưới mời đông khách, làm cỗ bàn rinh rang tốn kém lãng phí, gây dư luận không tốt trong nhân dân; một số đám cưới còn xảy ra tình trạng say rượu gây mất trật tự hay dựng rạp lấn chiếm lòng, lề đường gây cản trở giao thông. Trong việc tang, phúng viếng còn nhiều thủ tục rườm rà, ăn uống còn linh đình; vẫn còn tình trạng phúng viếng quá nhiều vòng hoa, bức trướng hay tổ chức 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày linh đình, đốt vàng mã nhiều gây tốn kém, lãng phí…
Để việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn theo nếp sống mới, theo ông Trịnh Khắc Nghĩa, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thực sự kiên trì và sáng tạo, tập trung vào các điển hình, mô hình mẫu, những nhân tố mới, đồng thời chỉ rõ những khuyết điểm yếu kém, những tồn tại chậm khắc phục, những phát sinh biến tướng mới. Bên cạnh đó là việc nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức, cấp ủy đảng, sự phối hợp của ban, ngành, đoàn thể; gắn việc thực hiện Quyết định với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Cùng với đó là việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; tăng cường chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện, kiên quyết xử lý những vi phạm…
Với những giải pháp đề ra, chắc chắn việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện Văn Chấn tiếp tục có chuyển biến tích cực, không chỉ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp mà còn góp phần vào xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương Văn Chấn ngày thêm giàu mạnh.
(Theo Báo Yên Bái)