Thầy
giáo Nguyễn Văn Tuyến – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: từ khi được chuyển
đổi thành trường PTDTBT, học sinh đến trường được hưởng chế độ bán trú theo quy
định của Nhà nước là 460.000/học sinh/tháng và hỗ trợ nhà ở là 115.000/học
sinh/tháng. Đây là cơ hội tốt để nhà trường hoạt động hiệu quả, góp phần nâng
cao tỷ lệ học sinh ra lớp, tỷ lệ học sinh chuyên cần, từng bước nâng cao chất
lượng giáo dục.
Em
Giàng Thị Anh ở thôn Tà Xùa đã 5 năm đi học tại Trường PTDTBT Bản Công phấn
khởi chia sẻ: “Được Nhà nước hỗ trợ, bữa ăn của chúng em đã có thịt và ngon hơn
ở nhà rất nhiều. Các thầy cô giáo rất quan tâm dạy dỗ, tổ chức các hoạt động
ngoại khóa, giúp chúng em đỡ nhớ nhà và chất lượng học cũng được tốt hơn. Em
mong Nhà nước tiếp tục duy trì sự hỗ trợ này để học sinh vùng cao được đến
trường đầy đủ, học tập tốt, góp sức xây dựng quê hương".
Ông Đỗ
Văn Khanh – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Trạm Tấu cho
biết: theo Nghị quyết số 22/2009 – HĐND, ngày 16/12/2009 của HĐND tỉnh Yên Bái
về xây dựng trường PTDTBT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 – 2015, toàn huyện có 10
trường PTDTBT tiểu học và THCS được hưởng chế độ bán trú. Từ khi có trường bán
trú, đã thu hút các em học sinh đến trường đông hơn, tỷ lệ chuyên cần cao hơn,
do vậy chất lượng giáo dục được nâng lên nhiều so với trước đây. Đây là mô hình
hiệu quả để phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, nên Nhà nước
cần tiếp tục duy trì các chế độ cho học sinh bán trú, xây dựng thêm chỗ ở cho
học sinh để các em đến trường được chăm sóc ngày càng tốt hơn.
Hiện
tại, toàn tỉnh có 47 trường PTDTBT (15 trường PTDTBT tiểu học, 17 trường PTDTBT
THCS, 15 trường PTDTBT tiểu học và THCS) và 53 trường có học sinh bán trú với
tổng số 14.740 em được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 85/2010 ngày
21/12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong
những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát
triển giáo dục mầm non và xây dựng hệ thống trường PTDTBT, các cấp chính quyền
và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư
về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh và
trung ương đối với học sinh... đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
vùng khó khăn. Tuy nhiên, công tác phát triển GD&ĐT ở vùng có điều kiện
kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi
mầm non chưa được ra lớp còn cao; kết quả chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu
học, phổ cập giáo dục THCS chưa thực sự bền vững; chất lượng giáo dục còn thấp
so với mặt bằng chung của tỉnh.
Đặc
biệt, các điều kiện đảm bảo cho việc giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng học sinh
còn nhiều khó khăn như: thiếu phòng học, phòng ở, công tình phụ trợ, trang
thiết bị phục vụ cho học sinh bán trú vẫn còn nhiều khó khăn... Vì vậy, tại Kỳ
họp thứ 15 – HĐND tỉnh khóa XVII đã ban hành Nghị quyết về nâng cao chất lượng
hiệu quả hệ thống trường PTDTBT, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện đặc
biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 – 2020; huy động các nguồn lực đầu tư
cho cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện cho việc nâng cao chất lượng giáo
dục, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh.
Bà Lê
Thị Liêm – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh cho biết: Nghị quyết được
thông qua sẽ tiếp tục củng cố hệ thống trường PTDTBT nhằm huy động tối đa trẻ
trong độ tuổi ra lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học
sinh; duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và THCS ở vùng khó khăn;
tích cực huy động các nguồn lực và phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo đủ phòng ở, đủ
bếp ăn, công trình vệ sinh, nước sạch… cho học sinh bán trú theo quy định; tổ
chức tốt các hoạt động giáo dục trong nhà trường; xây dựng và thực hiện tốt
chính sách hỗ trợ đối với người dạy, người học, tăng cường dạy 2 buổi/ngày.
Đặc
biệt, Nghị quyết được thông qua, đã tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ kinh
phí cho các trường học có học sinh bán trú, thuê khoán người nấu ăn cho học
sinh với định mức 50 học sinh/nhân viên và mức hỗ trợ bằng 2,0 mức lương cơ sở;
hỗ trợ cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn học nội trú tại trường nhưng không
được hưởng các chế độ chính sách của nhà nước với mức hỗ trợ bằng 20% mức lương
cơ sở.