Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở Yên Bình

08/03/2016 08:37:41 Xem cỡ chữ Google
5 năm qua, huyện Yên Bình đã hỗ trợ đóng mới 220 lồng cá, đưa tổng số lồng nuôi cá đạt 393 lồng, hỗ trợ 42 ha nuôi cá bằng biện pháp quây lưới trên eo, ngách hồ Thác Bà.

Sản lượng thủy sản đánh bắt năm 2015 của huyện Yên Bình đạt 3.500 tấn, tăng 1.500 tấn so với năm trước. (Ảnh: Thanh Tân)

Không phải huyện vùng cao nhưng Yên Bình cũng gặp không ít khó khăn trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Ruộng nương manh mún, nhỏ lẻ, tập quán canh tác lạc hậu, địa hình chia cắt, trình độ thâm canh không đồng đều, xuất phát điểm thấp, thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất... là những lực cản trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhưng bằng những chính sách hỗ trợ, hướng đi đúng, sản xuất nông nghiệp đã vượt lên chính mình.

Xác định rõ những hạn chế, tồn tại, những năm qua, Yên Bình đã có những hoạch định chiến lược trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Đối với các xã vùng cao, vùng khó khăn, việc trước mắt là làm sao bảo đảm an ninh lương thực, cùng với đó là phát huy lợi thế, tiềm năng từng xã để phát triển sản xuất.

Đối với các xã vùng thấp, vùng có trình độ thâm canh cao thì sản xuất theo hướng hàng hoá và thị trường. Riêng các xã dọc tuyến quốc lộ 70 có thế mạnh về rừng và đất rừng thì đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp.

Không chỉ chỉ đạo chung chung, hô hào mà huyện đã xây dựng thành các nghị quyết chuyên đề, chương trình phát triển kinh tế gắn với thế mạnh với từng vùng, từng địa phương cụ thể.

Đồng thời, quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, vùng sản xuất tập trung cụ thể như: vùng lúa cao sản trên 500 ha, vùng chè nguyên liệu trồng các giống tiến bộ kỹ thuật trên 700 ha, vùng cây ăn quả đặc sản bưởi Đại Minh 200 ha, vùng trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ tại các xã: Mông Sơn, Bạch Hà, Vĩnh Kiên, Mỹ Gia, Tích Cốc, quy mô trên 500 ha; vùng tre măng Bát độ trên 300 ha; vùng quế 1.000 ha...

Huyện cũng chỉ đạo tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh và đề án phát triển sản xuất của huyện, làm cơ sở chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đặc biệt, từ khi thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, nông thôn từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2015, từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh, của huyện đã hỗ trợ trên 23 tỷ đồng cho sản xuất, hỗ trợ cho các đề án như: hỗ trợ chăn nuôi lợn thả chuồng, hỗ trợ chăn nuôi gia cầm, hỗ trợ giống lúa, ngô, trồng chè... hay như đề án phát triển cây quế, chăn nuôi bò tập trung...

Những hướng đi đó đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở Yên Bình một cách mạnh mẽ. Các xã đã tích cực đầu tư cơ giới vào sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Người dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất; trong đó, chú trọng đầu tư máy móc, nhà xưởng phục vụ sản xuất, chế biến lâm sản.

Tiêu biểu nhất, hiệu quả nhất trong các chính sách hỗ trợ sản xuất ở Yên Bình trong những năm qua phải kể đến chăn nuôi thuỷ sản trên hồ Thác Bà. Với trên 23 ngàn héc-ta mặt nước nhưng kể từ khi xoá bỏ cơ chế bao cấp thì toàn bộ người dân vùng hồ chủ yếu là đánh bắt tự nhiên.

Phát triển cây ăn quả có múi góp phần xóa đói giảm nghèo ở xã Bạch Hà, huyện Yên Bình.

Từ đó, nguồn lợi thuỷ sản giảm dần theo năm tháng và cạn kiệt. Nhưng vài năm trở lại đây, với thế mạnh về mặt nước, nhất là đối với các xã ven vùng hồ Thác Bà, huyện đã chỉ đạo phát triển toàn diện cả khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Chỉ tính riêng 5 năm qua, huyện đã hỗ trợ đóng mới 220 lồng cá, đưa tổng số lồng nuôi cá đạt 393 lồng, hỗ trợ 42 ha nuôi cá bằng biện pháp quây lưới trên eo, ngách hồ Thác Bà, xây dựng hàng chục mô hình nuôi cá nheo trong lồng.

Nhờ hướng đi đúng đắn ấy, hôm nay, chăn nuôi thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế mạnh của huyện, góp phần không nhỏ trong xóa đói giảm nghèo. Sản lượng thủy sản đánh bắt năm 2015 ước đạt 3.500 tấn, tăng 1.500 tấn so với năm 2010, giá trị thủy sản tăng bình quân 17%/năm.

Hay như các đề án hỗ trợ phát triển vùng cây ăn quả đặc sản bưởi Đại Minh, lúa gạo Bạch Hà, cuộc sống người dân đã khá giả, giàu có trông thấy.

Từ một huyện nghèo nay Yên Bình đã có bước phát triển toàn diện, số hộ giàu trong nông nghiệp, nông thôn ngày một tăng. Quan trọng hơn là huyện đã phát triển một nền nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của gắn với xây dựng nông thôn mới; ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hoá, chuyển từ phát triển bề rộng sang chiều sâu; nâng cao cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống của dân cư nông nghiệp, ổn định chính trị - xã hội.

526 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h