Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Bảo tồn văn hóa phi vật thể cấp quốc gia >> Văn hóa - Xã hội

Lễ hội cầu mùa của người Dao đỏ

15/11/2017 10:40:34 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Người Dao quan niệm vạn vật có linh hồn, thiên nhiên xung quanh chúng ta như: trời, đất, nương rẫy...đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Do vậy, lễ cầu mùa phản ánh niềm tin vào các thế lực siêu nhiên của người Dao thuở sơ khai, đồng thời thể hiện ước muốn về mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, đầy đủ như khát vọng ngàn đời của các cư dân nông nghiệp trên miền đất này.

Lễ hội cầu mùa người Dao đỏ Yên Bái

I. Loại hình: Tập quán xã hội.

II. Địa điểm : Di sản văn hóa phi vật thể lễ Cầu mùa của người Dao Đỏ diễn ra ở xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Đường đi đến di sản văn hóa phi vật thể: xã Khai Trung nằm ở Phía Bắc tỉnh Yên Bái. Từ trung tâm thành phố Yên Bái theo quốc lộ 70, đi khoảng 65 km tới chợ Tân Lĩnh rẽ trái vào đường liên xã khoảng 7 km là đến làng người Dao Đỏ (thôn Tắc Én) - nơi có di sản văn hóa phi vật thể lễ cầu mùa.

III. Chủ thể văn hóa:

Cộng đồng người Dao Đỏ xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái

            Những người đại diện gồm:

(1) Họ và tên: Phùng Xuân Hương

Ngày, tháng, năm sinh: 17/10/1960                                            

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Khai Trung

Địa chỉ liên lạc: thôn Tắc Én, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

(2) Họ và tên: Đặng Phúc Chu

Năm sinh: 1957                                                            

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Nông dân

Địa chỉ liên lạc: thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

(3) Họ và tên: Triệu Tài Lục

Ngày, tháng, năm sinh: 1966                                         

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Chủ tịch mặt trận tổ quốc xã Khai Trung

Địa chỉ liên lạc: thôn Khe Rùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

(4) Họ và tên: Bàn Văn Liên

Ngày, tháng, năm sinh: 1977                             

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Nông dân

Địa chỉ liên lạc: thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

(5) Họ và tên: Đặng Thị Luyến

Ngày, tháng, năm sinh: 1978                                         

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Nông dân

Địa chỉ liên lạc: thôn Khe Rùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

(6) Họ và tên: Đặng Thị Mây

Ngày, tháng, năm sinh: 1955                                         

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Nông dân

Địa chỉ liên lạc: thôn Khe Rùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

IV. Khái quát về người Dao Đỏ, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

1. Đặc điểm cư trú: Theo khảo sát ở những địa phương có người Dao sinh sống thì người Dao có nguồn gốc xa xưa ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) họ bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê (vào khoảng cuối thế kỷ XVII), với hai hướng chính là đường bộ và đường biển. Người Dao di cư vào Việt Nam theo nhiều đợt sớm nhất từ thế kỷ XIII, các nhóm Dao ở tỉnh Yên Bái chủ yếu di cư từ các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng sang.

Người Dao sinh sống ở Yên Bái, hiện nay có khoảng 83.888 người chiếm 11,05% dân số toàn tỉnh. Địa bàn cư trú của người Dao chủ yếu ở rẻo giữa - nơi tiếp giáp giữa vùng thấp và vùng cao. Đồng bào sống tập trung đông nhất ở huyện Văn Yên, chiếm đến hơn 30% tổng số người Dao ở Yên Bái, sau đó đến các huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn và Trấn Yên.

Người Dao hiện sinh sống ở tỉnh Yên Bái có 4 nhóm chính là: Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản), Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu), Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển (còn gọi là Dao Tuyển). Để phân biệt các nhóm Dao, chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong bộ trang phục của phụ nữ. Người Dao đỏ ở Yên Bái cư trú ở các huyện Lục Yên bao gồm các xã: Phúc Lợi, Khai Trung, Trung Tâm, Minh Tiến, Lâm Thượng, Tân Phượng, An Lạc, Khánh Hòa, Trúc Lâu, Tân Lĩnh. Huyện Văn Yên bao gồm các xã: An Bình, Lâm Giang, Lăng Khít, Tân Hợp, Quang Minh, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Châu Quế Hạ, Xuân Tầm, Ngòi A, Đại Sơn. Huyện Văn Chấn: Nậm Búng, Suối Quyền, An Lương, Nậm Lành, Nậm Mười. Trong chuyên đề này chúng tôi chỉ tập chung nghiên cứu người Dao Đỏ ở xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

Xã Khai Trung là xã vùng núi cao phía Tây Bắc huyện Lục Yên có phía Bắc và Đông giáp xã Lâm Thượng, phía Nam giáp xã Tân Lĩnh. Tổng dân số toàn xã có 1.142 người trong đó người Dao Đỏ có 694 người với 162 hộ chiếm 58% dân số toàn xã. Họ cư trú chủ yếu ở bản Giáp Luồng, Khe Rùng và Giáp Cang.

2. Một số đặc điểm kinh tế: Hình thái kinh tế chủ yếu của người Dao Đỏ ở Yên Bái là sản xuất nông nghiệp với hai loại hình: lúa nương và lúa nước. Trong đó lúa nước chiếm tỷ lệ ít hơn. Ngoài ra, đồng bào còn trồng một số loại cây hoa màu như ngô, sắn, ... Rau của người Dao có các loại bầu, bí, mướp đắng, các cây họ đậu, khoai, củ từ, dưa gang, .... Đặc biệt ở người Dao Yên Bái phát triển mạnh hai loại cây công nghiệp đó là cây quế và cây chè. Ngoài cây lúa, hoa màu, quế và chè đồng bào còn có thu nhập thêm từ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà...Người Dao có các nghề thủ công truyền thống phong phú, đa dạng và phát triển rất sớm, trong đó nổi bật là làm giấy dó, dệt vải, nhuộm chăn, in và thêu hoa văn trên vải, đan lát các đồ đựng bằng tre, nứa, giang, mây song, nghề rèn.

Nghề rèn của đồng bào Dao cũng phát triển, chủ yếu là các nông cụ như: dao, cuốc, cào cỏ, lưỡi cày. Nghề làm đồ trang sức bằng bạc, sanh căng và bằng đồng làm thành vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, nhẫn, xà tích.

3.  Một số yếu tố về văn hóa vật chất: Trung Tâm là địa bàn sinh sống chủ yếu của nhóm Dao Đỏ, vậy nên nhà đất là loại hình nhà ở chủ yếu của đồng bào. Đó là loại nhà hình chữ nhật, nhà thường được xây dựng 2 gian, 2 trái cột bằng các loại gỗ ít mối mọt, lợp bằng cọ, vách nhà thường làm bằng các tấm dát vầu, hốc gắn kết bằng các thanh ngang, bộ sườn nhà được chế tạo khá đơn giản. Nguyên vật liệu làm nhà thường kiếm ngay tại chỗ, chủ yếu là cây rừng. Phần gian nhà bên phải dành đặt giường ngủ của khách, buồng ngủ của chủ nhà đặt ở phía bên phải bàn thờ, giường ngủ của con trai thường đặt sau giường của khách, còn phòng ngủ của con gái thường đặt phía trong gần bếp. Bàn thờ được đặt ở gian giữa, nhà thường có hai bếp (một bếp ở gian ngoài để sưởi ấm vào mùa đông dành cho đàn ông và khi có khách đến). Nhà của người Dao thường được bố trí: bếp là nơi tập trung của cả gia đình vào mùa đông, là nơi rộng nhất trong nhà. Nhà ở của người Dao có ít cửa ra vào, đặc biệt là ít của sổ, đa số chỉ có một cửa sổ đặt ở giường nằm ngủ. Đây là loại nhà tổng hợp bếp, chuồng gia súc, các công cụ sản xuất và sinh hoạt đều thuộc phạm vi nhà ở

Trang phục của người Dao Đỏ: Trong các nhóm Dao thì trang phục của người Dao Đỏ thường được làm cầu kỳ và sử dụng nhiều màu sắc hơn cả. Đối với trang phục nam giới không có gì khác biệt lắm so với trang phục nam giới trong các ngành Dao. Đàn ông Dao Đỏ thường đội mũ nồi hoặc vấn khăn dài, áo chàm được may theo lối cổ khoanh bí, áo dài gần trùm mông, vạt áo may thẳng có cài khuy lộn dọc từ ngực xuống bụng, sau lưng áo có miếng vải hoa văn hình bùa chú. Quần của đàn ông là quần thụng vải đen, may kiểu chân què bổ đũng dài gần chạm cổ chân và cạp quần luồn dây rút bằng sợi vải hoặc sợi gai. Trang phục của nữ giới Dao Đỏ được tạo điểm nhấn bằng những gam màu đỏ của vải hoặc sợi trên nền vải đen và thường được may công phu hơn, gồm có các bộ phận: khăn, áo, thắt lưng, quần, xà cạp cùng đồ trang sức bằng bạc như vòng cổ, vòng tay….. Để  tạo thành bộ y phục đẹp phải có vải đen làm nền để thêu hoa văn, chỉ thêu gồm 5 màu cơ bản: đỏ, trắng, đen, xanh, vàng, nhưng chủ yêu là màu đỏ. Người Dao Đỏ thích dùng mầu đỏ tươi rực rỡ để trang trí: khăn đỏ, ngực áo, cổ áo đỏ, khăn đỏ, tua đỏ, yếm đỏ, nẹp ngực áo đỏ, yếm lưng đỏ...

Văn hoá ẩm thực của người Dao đơn giản thức ăn chính của người Dao là lúa nước và lúa nương, thực phẩm hàng ngày chủ yếu là các loại rau hái trong rừng, măng, mộc nhĩ, các loại rau trồng trong vườn nhà và các loại thảo mộc khác. Cùng với đó là các thức ăn từ gia súc gia cầm. Các món ăn chủ yếu của người Dao trong ngày thường được chế biến theo kiểu luộc và xào, thỉnh thoảng cũng nướng và lam. Người Dao rất thích ăn ớt, gừng, riềng, lá sả, hạt dổi, lá chanh, các thứ rau thơm và các thứ nước chua. Hàng ngày đồng bào uống nước chè, nước vối, nước từ các loại cây thuốc... Người Dao cũng uống các loại rượu cất từ gạo, ngô, khoai, sắn và các loại cây có bột như: báng, móc. Men rượu đều chế biến bằng các thứ lá và rễ cây rừng.

4. Một  số đặc điểm về văn hóa tinh thần:

- Tiếng nói - chữ viết: Tiếng Dao nói chung và Dao Đỏ nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao, nằm trong ngữ hệ Nam Á. Chữ viết của người Dao còn trong một số tài liệu lưu giữ được là chữ Hán và chữ Nôm Dao.

- Một số nghi lễ truyền thống:

+ Lễ cấp sắc:  Đây là một nghi lễ truyền thống độc đáo có tính lịch sử lâu đời trong đời sống sinh hoạt xã hội - gia đình của người Dao công nhận sự trưởng thành cả về vật chất lẫn tinh thần của người đàn ông. Theo quan niệm của người Dao thì cấp sắc là để được thánh thần công nhận, được âm binh và có thể làm nghề cúng bái. Nghi lễ của lễ cấp sắc rất mở, có thể là một, hay nhiều cá nhân của một gia đình, dòng họ hay cả một tập thể của nhiều gia đình, nhiều dòng họ, nhiều bàn làng khác nhau tổ chức.  Lễ cấp sắc có rất nhiều bậc, bậc đầu tiên họ được cấp 3 đèn và 36 binh mã, bậc hai được cấp 7 đèn và 72 binh mã, bậc ba được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Lễ cấp sắc 3 đèn và 7 đèn được tổ chức thường xuyên trong cộng đồng tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện của các gia đình, dòng họ. Riêng nghi lễ cấp sắc 12 đèn có quy mô lớn hơn hai nghi lễ trên nên phải hai, ba mươi năm mới có một lần. Nội dung chính của lễ cấp sắc tiến hành theo trình tự sau:  lễ lên đèn, lễ ban mũ thầy cúng, Lễ trình diện Ngọc Hoàng, Lễ cấp tinh, Lễ hạ đèn và giao quân, lễ qua cầu, lễ đặt tên. Các nghi thức trong lễ cấp sắc đều nhằm mục đích hướng thiện, giúp con người trưởng thành hơn, đạo đức hơn, sống tốt hơn và quan trọng là những lời giáo huấn này được thực hiện bằng những lời thề trước sự giám sát của tổ tiên và nhiều quan binh nên càng làm tăng tính giáo dục. Đây là một nghi lễ giao tiếp có tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa giữa các thế hệ chứa đựng nhiều thành tố quan trọng của bản sắc văn hóa Dao. Đồng thời lễ cấp sắc cũng là dịp để cộng đồng cùng thưởng thức các hoạt động văn hóa văn nghệ, nhảy múa hết sức hấp dẫn. Các điệu múa trong lễ cấp sắc rất đặc sắc. Múa ở đây có sự đan xen hòa quyện giữa yếu tố lao động trần thế và tôn giáo thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới, điệu múa đặc trưng, đặc sắc, vui nhộn nhất là Múa Rùa. Múa Rùa diễn ra trong không khí vui tươi, những động tác múa nhịp nhàng, khỏe khoắn của các chàng trai miêu tả lại việc đuổi  rùa, tìm rùa, bắt rùa, giết rùa. Múa Rùa là một nét đẹp, thể hiện tính phồn thực và mối giao hòa trong cộng đồng dân tộc.

+ Tết nhảy: Đây là tết riêng của mỗi gia đình, cũng mang tính dòng họ. Tết này này nhằm mục đích luyện âm binh cho bộ tranh Đại đường để thờ phụng các thần linh, bảo vệ cuộc sống gia đình. Vì vậy nó mang màu sắc tín ngưỡng tôn giáo rất rõ rệt. Tết nhảy được tiến hành vào tháng chạp, năm nào cũng tổ chức nghi lễ này cứ ba năm làm thành một chu kỳ. Chỉ có gia đình nào có bàn thờ tổ và đã sắm tranh Đại đường thì mới có tết nhảy. Tết nhảy đòi hỏi một quá trình chuẩn bị khá lâu, phải nấu rượu, nuôi lợn, thanh niên luyện tập các điệu múa, chuẩn bị dao, gươm bằng gỗ.

Quá trình của tết nhảy trải qua các bước sau: lập đàn tẩy uế, làm lễ khấn các thần thánh. Nội dung chính của nghi lễ là nhảy múa và khấn tụng được tổ chức liên tục trong suốt những ngày đêm làm tết. Mỗi người múa tay đều cầm cờ, trống chiêng, sập sèng... múa theo điệu quay vòng. Rồi sau đó là nhiều điệu múa truyền thống được trình diễn như: múa kiếm, múa dạo (lạp miên a dạo), múa nhảy rùa (Pẻo tộ)... Tất cả những động tác của các điệu múa này đều được thực hiện một cách liên tục với sự khéo léo và tinh tế của người trình diễn. Những điệu múa, lời hát trong Tết nhảy thường hướng đến những điều tốt lành, hạnh phúc. Lễ "nhìang chầm đao" chủ yếu phục vụ cho tôn giáo tín ngưỡng, nhưng ít nhiều có mầu sắc văn nghệ, toát lên ý nghĩa văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Dao sống đoàn kết, thủy chung, tình nghĩa.

-  Một số lễ tết khác của tộc người trong năm:

+ Tết Nguyên Đán: Khác với dân miền xuôi, người miền núi lại có phong tục đón tết rất đặc trưng mang đậm nét văn hóa dân tộc mình. Với người Dao cũng vậy họ cũng có cách đón năm mới rất riêng của mình. Đồng bào Dao đón tết đơn giản nhưng lễ nghi lại cầu kỳ và độc đáo. Với người Dao, tết nguyên Đán là mở đầu cho một năm mới đã bận rộn chuẩn bị từ 27, 28 tháng chạp. Từ 27/12 nhân dân đã chuẩn bị mọi thứ cho việc đón tết như: gạo, bột, lá gai, củi, rau, bò, lợn, trang trí nhà của và đặc biệt sắp đặt quần áo.

Ngày 30 tết nhà nào cũng phải nấu một nồi nước thơm thật to để ai cũng phải tắm. Theo quan niệm của người Dao thì tất cả mọi người phải tắm rửa sạch sẽ để rũ bỏ mọi xấu xa, bẩn thỉu của năm cũ bước vào năm mới sạch sẽ, trong lành. Chiều 30 tết nhà nào cũng lập đàn cúng để mời gia tiên và các thần linh về ăn tết với con cháu. Bao giờ cũng vậy tối 30 tết mọi người trong gia đình quây quần bên nồi bánh trưng để trò truyện về năm đã qua. Các thứ bánh được người Dao cúng trong ngày tết ngoài bánh trưng còn có các thứ bánh khác như bánh dầy, bánh gai, bánh bột nếp....Cũng giống người kinh trên bàn thờ của mỗi gia đình người Dao có thêm cành đào, trong chén lúc nào cũng có rượu và nước, hương được đốt liên tục. Ngoài ra người Dao còn quan niệm kiêng không mở hòm trong 3 ngày tết nên phải lấy sẵn quần áo và đồ dùng trước giao thừa. Trong 3 ngày tết cũng không được san sẻ hay cho ai bất cứ thứ gì. Đêm giao thừa người Dao có tục thay nước đầu năm mới trên bàn thờ. Từ đêm giao thừa đến mùng một, họ kiêng không ăn rau chỉ ăn cơm, các loại bánh và thịt động vật. Sau khi cúng giao thừa song mọi người trong gia đình quây quần vui vẻ, ăn uống, ca hát và chúc tụng nhau những lời chúc tốt lành cho năm mới. Sáng mùng một sau khi song xuôi mọi thủ tục ở gia đình, mỗi nhà một người nam giới mặc trang phục truyền thống tạo thành một đoàn đi chúc tết tất cả các nhà.Tết cũng là dịp trai, gái trong bản rủ nhau đi chơi hội ngày xuân.

+ Tết cùng năm: Đây là tết của gia đình, dòng họ. Dòng họ nào cũng tổ chức tết này vào tháng 12 âm lịch, nhưng tập chung nhất vào các ngày 15 đến 25 tết. Các gia đình luân phiên nhau tổ chức tết, luân phiên mời nhau.Mục đích của tết này trước là để lập đàn cúng tạ ơn gia tiên, các thần linh đã phù hộ cho gia cho, dòng tộc một năm may mắn thành công... Sau là ngày xum họp của anh em ruột thịt, họ tộc, bạn bè thân thiết để trò chuyện thông báo cho nhau về một năm qua. Lễ vật chuẩn bị cho tết năm cùng khá đầy đủ với thịt lợn, gà, bánh dầy. Bánh dầy là một trong những lễ vật không thể thiếu được trong tết năm cùng.

+ Tết cơm mới: Đây là một trong những lễ cúng quan trọng của mỗi gia đình Dao được tổ chức tại nhà. Cúng cơm mới là để tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi, lúa ngô có thể thu hoạch được. Lễ cúng được tổ chức trong nhà. Khi lúa sắp được thu hoạch, người ta chọn ngày tốt, gặt lấy ít thóc đầu mùa đem phơi khô, lấy gạo nấu cơm cúng. Nếu lúa chưa chín  họ lấy gạo cũ về thổi cơm, ngắt lấy vài bông bỏ vào nồi cơm để có hương vị cơm mới và coi đó là cơm mới. Đàn cúng gồm: 5 bát cơm, 5 chén rượi, 1 chén nước, 1con gà luộc, một ít tiền ma, một bát hương. Chủ nhà đứng trang nghiêm trước bà thờ kế công ơn cử tổ tiên và cầu mong tổ tiên tiếp tục phù hộ mãi mãi về sau để công việc làm ăn ngày càng gặp nhiều may mắn. Sau lễ này, đồng bào chuẩn bị những dụng cụ cần thiết để thu hoạch lúa mới.

- Các tập quán xã hội và tín ngưỡng

+ Các tập quán theo chu kỳ đời người:

 * Sinh đẻ: Người Dao đẻ ngồi và đẻ ngay trong buồng ngủ, không được đẻ ở nơi khác, do mẹ chồng, mẹ đẻ hoặc chồng đỡ cho. Khi đứa trẻ lọt lòng mẹ, người ta chờ khi nào nó khóc mới bế mới bế lên, tắm rửa bằng nước nóng. Người ta cắt rốn bằng dao nứa. Ngay từ khi đẻ sản phụ được ăn các thức ăn nấu với gừng và rượi. Trẻ sinh được ba ngày thì gia đình lập giàn cúng mụ gọi là làm lễ "nam khan". Sau khi sinh khoảng từ 3 đến 7 ngày, họ chọn ngày tốt để làm lễ để đặt tên cho trẻ. Tên của bé cũng được chọn rất kỹ, không được trùng với tên của gia tiên, ông bà, chú bác, anh em nội ngoại gần xa. Người Dao Đỏ thường đặt tên con đầu là: Cấu, San, Lộ... Con trai út lại thường đặt tên là: Lai, Lĩu...

* Cưới hỏi: Lễ cưới của người Dao Đỏ có nhiều nét đọc đáo, trước ngày cưới khoảng một năm bên nhà trai phải trao các khoản thách cưới bằng tiền để cô dâu chuẩn bị cho ngày cưới. Suốt thời gian một năm ấy, cô gái phải dành thời gian để thiêu thùa, sắm sửa trang phục, chuẩn bị của hồi môn. Đến ngày cưới nhà trai cử người đến đón dâu, tùy theo giờ tốt, người ta đưa cô dâu vào nhà chồng theo các hướng theo quy định. Khi ăn cỗ, họ nhà trai ngồi riêng, nhà gái ngồi riêng. Người Dao Đỏ còn có tục bất kỳ ai trong họ nhà trai cũng như nhà gái đến dự đám cưới đều có phần thịt, bánh mang về.

* Làm nhà mới: Việc làm nhà mới với người Dao Đỏ là rất quan trọng. Việc chọn địa điểm làm nhà là quan trọng hơn cả. Đồng bào thường làm ở nơi khuất gió, cao ráo, gần khe suối, gần ruộng nương thuận tiện cho việc lấy củi, hái rau.Nghi lễ chon đất cũng rất được coi trọng, đồng bào quan niệm nếu gặp được điền lành khi chọn đất làm nhà thì sẽ gặp nhiều may mắn làm ăn gặp nhiều thuận lợi. Sau khi dựng nhà song, theo giờ tốt đã chọn, đồng bào sẽ làm lễ vào nhà mới như sau: một cụ già cầm  đuốc đi trước, theo sau là chủ nhà và những người trong gia đình đem theo bàn thờ tổ tiên và một số đồ vật tượng trưng. Sau đó họ làm cơm để kính báo và mời tổ tiên về nhà mới cùng con cháu.

* Tang ma: Ngay sau khi người chết tắt thở, người ta bắn ba phát súng, nếu là người trưởng tộc hoặc được cấp sắc 7 đèn trở lên thì chọc thủng nóc nhà bắn chỉ thiên báo cho Ngọc Hoàng và báo cho dân làng biết. Đám ma cử người Dao Đỏ cũng tiến hành tất cả các thủ tục như các nhóm Dao khác. Mồ mả người chết được chôn vĩnh viễn. Đồng bào quan niệm đám ma chỉ là bước đem người chết đi cất giấu để không cho ma xấu bắt hồn và làm nhục thể xác.

- Một số tín ngưỡng thờ cúng dân gian

+ Thờ cúng tổ tiên: Cũng như người Kinh, thờ cúng tổ tiên là một việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình đồng bào người Dao, nhằm giáo dục, nhắc nhở con cháu luôn hướng về tổ tiên, cội nguồn, giữ gìn truyền thống gia tộc, dòng họ. Theo quan niệm của người Dao tổ tiên là loại ma lành phù hộ con cháu, tuy nhiên nếu không thờ cúng cận thận tổ tiên cũng có thể bắt tội làm con cháu ốm đau bệnh tật. Thường người Dao thờ tổ tiên chín đời. Điều này thể hiện rõ trong các nghi lễ lớn như cấp sắc, tảo mộ hoặc trong các dịp tết của gia đình.

Việc lập bàn thờ tổ phải tuân thủ theo quy định rất nghiêm ngặt. Bởi vậy nó thể hiện bề dày truyền thống gia đình và cũng là niềm tự hào của truyền thống gia đình. Bàn thờ tổ luôn được đặt ở gian giữa nơi tôn nghiêm nhất trong nhà. Đằng trước hay bên cạnh bàn thờ người ta treo một cái trống bằng dây thừng hay da thú, dây này buộc lên thượng lương của nhà. Ngay trên vách cạnh bàn thờ người ta treo hai ống nứa hay hai túi vải đựng hai bộ tranh "Tam thanh lớn" và "Tam thanh nhỏ". Vì bàn thờ tổ là nơi tôn nghiêm nên phụ nữ đặc biệt là các cô dâu ít được gần nhà thờ, đặc biệt là không bao giờ được thắp hương hoặc bê lễ vật lên bàn thờ cúng. Ngay từ khi quét nhà người ta luôn luôn chú ý quay mặt về phía bàn thờ mà quét quay lui trở ra, quay lưng về phía bàn thờ bị coi như là một thái độ thiếu tôn kính đối với tổ tiên. Việc thờ cúng tổ tiên thường là do chủ gia đình hoặc con trai trưởng chủ trì. Nếu nhà không có đàn ông thì đến ngày lễ tết, đốt hương ở phen thờ, cúng lễ cũng phải nhờ đàn ông khác trong họ đến cúng.

+ Thờ cúng Bàn Vương (Chẩu đàng):  Thờ cúng Bàn Vương là một tục lệ khá điển hình trong sinh hoạt của người Dao. Bàn Vương được đồng bào coi là thủy tổ của dòng họ nên việc thờ cúng Bàn Vương được người Dao coi như một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và của cả dân tộc. Thường ngày, Bàn Vương được thờ cúng chung với tổ tiên của từng gia đình, từng họ. Trong các nghi lễ lớn lễ cấp sắc, tết nhảy... đều phải cúng Bàn Vương. Ngoài việc cúng Bàn Vương hàng ngày còn có những lễ cúng bàn vương riêng với các nghi lẽ chính sau: Lễ khuất, lễ cúng Bàn Vương, lễ tiễn đưa.Việc thờ cúng Bàn Vương không phải chỉ là sự chung thủy uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn của tổ tiên, mà còn là yếu tố văn hóa quan trọng được lưu truyền qua nhiều thế hệ của người Dao.

+ Văn học dân gian: Dân tộc Dao vốn có một lịch sử và một nền văn hóa lâu đời, một nền văn học nghệ thuật và những tri thức dân gian rất phong phú, phản ánh lên cuộc đấu tranh dũng cảm và bền bỉ của người Dao. Trong các sáng tác dân gian của dân tộc Dao, văn học dân gian (Truyện cổ, thơ ca, câu đố, Hát, Múa, Tục ngữ, Vẽ...) chiếm phần lớn. Dân tộc Dao không có văn tự riêng nhưng họ sử dụng chữ Hán đã Dao hóa. Cùng với các tác phẩm truyền miệng còn có các tác phẩm khuyết danh bằng chữ nôm Dao. Các sáng tác bằng truyền miệng được diễn đạt bằng ngôn ngữ bình dân nên phong phú và khá phổ biến. Nội dung của văn học dân gian chủ yếu đề cập đến nguồn gốc của dân tộc Dao, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu trai gái,đề cao lao động, kinh nghiệm cuộc sống.

+ Tri thức dân gian

* Cách tính thời gian dân gian: Đối với người Dao, việc tính tớn thời gian rất quan trọng và phải tiến hành thường xuyên để biết thời vụ sản xuất, biết ngày tốt, ngày xấu, ngày cho phép khởi điểm các công việc có tính chất đặt nền móng, biết được những ngày kiêng kỵ không đi làm nương. Song đồng bào không có hệ thống lịch riêng mà chỉ dựa hoàn toàn theo cách tính lịch Trung Quốc. Cách tính tháng hoặc năm, người ta dựa vào chu kỳ mặt trăng như cách tính thời gian theo lịch âm của người Việt, cũng theo lục giáp (10 can, 12 chi) và gọi tên theo tên 12 con vật.

* Cách phán đoán thời tiết, khí hậu: Đồng bào Dao có một số kinh nghiệm phán đoán thời tiết, khí hậu để sản xuất cho kịp thời vụ. Những kinh nghiệm đó đã được đúc kết, tích lũy từ lâu đời trên cơ sở nhận xét sự thay đổi của các hiện tượng tự nhiên như: khi thấy " xâu kỉa piáo" (kiến dọn tổ) thì báo hiệu trời sắp mưa, nếu kiến ở bờ suối dọn tổ thì sắp có nước lũ. Hoa " xấu dòng phăng" (rau muống rừng) nở đỏ rực, báo hiệu không lo rét trở lại, cấy lúa sớm......

* Y học dân gian: dân tộc Dao đã tích lũy được nhiều vốn y học cổ truyền quý giá. Các vị thuốc chủ yếu hái lượm ở rừng, ít khi trồng sẵn. Có loại lấy rễ, có loại lấy lá hoặc vỏ, cũng có loại lấy quả hoặc hoa .... Có vị thuốc sắc uống để chữa bệnh đường ruột, đau xương ...; có vị giã nhỏ để rịt hoặc bó hư chữa gẫy xương, vết thương nhỏ... ; có vị đem đun lấy nước tắm gội, rửa như các bệnh ngứa, lở loét, phù thũng... Nhìn chung có thể chia làm ba loại thuốc chính: thuốc bổ, thuốc trị bệnh và thuốc độc giết hại thú rừng.

V. Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể

1. Quá trình ra đời và tồn tại của lễ cầu mùa của người Dao Đỏ xã Khai Trung: Lễ cầu mùa có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Dao Đỏ xã Khai Trung. Họ quan niệm, vạn vật đều có tổ tiên và người cai quản và đều có linh hồn. Các linh hồn, các vị thần đều có tác động trực tiếp đến đời sống của con người và  để được phù hộ thì phải cúng bái chu đáo. Mong cuộc sống ngày càng ấm no, tốt đẹp hơn đồng bào Dao Đỏ ở Khai Trung đã đều đặn duy trì việc tổ chức Lễ cầu mùa và đây đã trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh lớn nhất trong năm ở địa phương.

Là một cư dân nông nghiệp, người Dao cũng như nhiều tộc người khác, có niềm tin vào vị Thần cai quản mùa màng, làm ra bát cơm hạt gạo, củ sắn, củ khoai (Thần Nông). Với mong muốn luôn có mùa màng bội thu, người an vật thịnh trong năm, người ta tổ chức Lễ cầu mùa vào mỗi dịp đầu xuân năm mới để cầu mong các vị thần linh phù hộ cho cộng đồng một năm mới trồng cấy tốt tươi, con người no đủ, nhà nhà bình an, hạnh phúc.

Theo ông Đặng Phúc Chu, 60 tuổithầy mo có tiếng ở cư trú tại thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên cho biết theo người xưa kể lại rằng: Lễ hội cầu mùa của đồng bào Dao Đỏ ở Khai Trung đã có từ hơn 400 năm nay, được lưu truyền qua 7 đời chủ lễ. Ông còn cho biết: vùng đất Khai Trung từ trước đến nay được gọi là bình nguyên xanh vốn rừng núi hoang vu, nhiều thú dữ phá phách hoa màu của nhân dân. Cùng với đó hạn hán dịch bệnh hoành hành cả năm trời không có một hạt mưa, rộng đồng, cây cối khô cằn  mùa màng thất bát đời sống của nhân dân vô cùng khổ cực, đồng bào thiếu đói. Trước cuộc sống thiếu đói khổ cực ấy đồng bào đã tập trung tất cả thóc ngô còn lại trong bản tiến hành lễ cúng cầu mùa mong cho mưa thuận gió hòa cuộc sống nhân dân bớt khổ. Tiếng kêu than của nhân dân đã thấu đến Bàn Vương - vua của người Dao và các vị thần linh nên đã cho ban mưa xuống cứu cuộc sống của đồng bào.

Chính vì lẽ vậy nên đã thành lệ ba năm một lần cứ vào tháng giêng và tháng bảy nhân dân lại tổ chức lễ hội cầu mùa. Trước là để trả lễ cho Bàn Vương - vua của người Dao, sau là để cầu xin các vị thánh thần ban cho con người sức khỏe, bình an, cầu hồn lúa mong cho mùa màng tốt tươi. Lễ cầu mùa không chỉ cầu cho quốc thái dân an, cầu mùa tươi tốt mà còn là dịp củng cố mối quan hệ giao tiếp.

2. Mô tả về di sản văn hóa phi vật thể:

- Thời gian và địa điểm thực hiện di sản:

+ Thời gian: Lễ cầu mùa diễn vào ngày thân đầu tiên của năm mới và ngày thân tháng 7 âm lịch hàng năm, cứ ba năm tổ chức lễ lớn.

+ Địa điểm: Tại lán thiêng ở thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

- Công tác chuẩn bị lễ cầu mùa.

- Chuẩn bị địa điểm: lễ cúng được diễn ra ở lán thiêng (Sìa lìu)  được dựng ở thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung. Lán thiêng được dựng trên một bãi đất bằng phẳng cạnh hang thờ Triệu Tiến Hùng - ông tổ của người Dao Đỏ ở Khai Trung. Cấu trúc của lán thiêng được dựng như nhà ở của đồng bào nhưng đơn giản hơn gồm ba gian và được lợp bằng cọ, vách làm bằng phên nứa.

- Chuẩn bị bàn thờ: bàn thờ làm bằng hai mảnh gỗ có kích thước dài 1,2m, rộng 0,7m, cao 0,75m, trên bàn thờ đặt cây dấu, ba bát hương được làm bằng ống tre, ba cây sớ được gói bằng giấy đỏ đặt trên ba bát gạo gồm sớ Khai sơn, sớ cầu mùa và sớ cầu phúc lộc; bốn túm gạo đã được đặt vòng bạc to vây tròn gọi là siếu chiên; 15 chén rượu; một con dao; 1 cái búa.

- Công tác chuẩn bị tiền vàng, ngựa giấy: để in tiền vàng và người giấy người ta sử dụng Chụ chậy, mà thây có bốn mặt: Sun pâu (thuồng luồng), tày pâu(con hổ), giàn kên (con ngựa), pày họ (chim hạc). Các con vật này đại diện cho các con đường để đón các thần linh đường không chung, đường bộ, đường sông và đường dưới mặt đất. Người ta quét sơn vào bốn mặt rồi lần lượt in lên giấy bản. Ngựa tiền được làm từ thấp đến cao có loại 24 con, 36 con, 60 con và 120 con. In chẵn bốn bó tạo thành một tòng, 10 tòng tạo thành 1 xe.

- Vật dụng của thầy cúng.

* Tranh cúng: gồm 18 bộ bao gồm đầy đủ các chủ đề về các vị thần từ cao đến thấp.

* Tù và (troong): Làm bằng sừng trâu, dùng để thổi thông báo với thần linh mỗi khi vào lễ hoặc kết thúc lễ.

* Mõ: Làm bằng một ống tre già có khả năng phát ra âm thanh.

* Sách nho (Sâu píu): là các cuốn sách cúng của các thầy được viết bằng chữ nho chỉ những người được cấp sắc 12 đèn mới có thể đọc được.

* Thẻ âm dương (cháo): Thẻ dài khoảng 10cm, làm bằng gốc cây tre vọt nhọn hình móng vuốt, bổ làm 2 mảnh.

* Chuông đồng: Là loại chuông cầm tay, đúc bằng đồng, ở phần giữa trên đầu có làm cán để cầm lắc khi làm lễ.

* Gậy: làm bằng gỗ cong (Ngạ kến) trên đầu gậy có một khối hình vuông.

* Trống: Là loại nhạc cụ phổ biến, trong đó phổ biến là trống tang được bưng bằng có kích thước dài từ 40 – 60 cm, thân trống hình trụ, được trang trí hoa văn đơn giản. Âm thanh trống phụ thuộc vào chất lượng da và độ căng khi bưng, trống giữ vai trò chủ đạo, giữ nhịp cho các nhạc cụ khác và cho bài múa

- Thành phần tham gia trong Lễ cầu mùa.

Thầy "Khoi kiềm sai": ông Phùng Xuân Hương, sinh năm 1960, thôn Tắc Én, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Thầy "Ừ cú sai": Ông Triệu Tài Lục, sinh năm 1966, thôn Khe Dùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Thầy "Khoi tàn sai": Ông Đặng Phúc Chu, sinh năm 1957, thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Thầy "Đàng sai": Bàn Văn Liên, sinh năm 1977, thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Người giúp việc cắt giấy in tiền: Ông Đặng Phúc Lâm, sinh năm 1975, thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

Người giúp việc: Bà Đặng Thị Luyến, sinh năm 1978, thôn Khe Rùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Đàng ton, đàng xiếc: ba cặp nam nữ chưa lập gia đình gồm:

Đàng ton:

           1. Bàn Văn Tuyến, 15 tuổi, thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

           2. Triệu Văn Vượng, 14 tuổi, thôn Khe Rùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

           3. Đặng Phúc Ân, 14 tuổi, thôn Giáp Cang, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

           Đàng xiếc:

           1. Đặng Thị Huyên,13 tuổi, Thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

           2. Bàn Thị Mấy, 13 tuổi, thôn Giáp Chảy, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

           3. Triệu Thị Vân, 14 tuổi, thôn Tắc Én, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

Cùng toàn thể lãnh đạo xã, bà con người Dao trong xã Khai Trung, huyện Lục yên, tỉnh Yên Bái.

- Quy trình diễn ra Lễ cầu mùa

Để chuẩn bị cho nghi lễ cầu mùa ngay từ mấy ngày hôm trước khi tổ chức đồng bào đã họp chọn ngày tốt phù hợp với điều kiện công việc của bản. Trước tiên là phân công công việc cho dân bản chuẩn bị vật liệu để dựng lán và đưa ra mức đóng góp lễ vật phục vụ cho lễ hội. Đồng bào cũng họp bàn để chọn ra bốn ông thầy cúng, một người giúp việc cắt giấy in tiền, một người phụ nữ chăm sóc đời sống và các đàng ton, đàng xiếc.

Cách hai ngày tiến hành lễ hội chính thức bốn ông thầy cúng tiến hành viết sớ và in tiền.

Thầy Khoi kiềm sai phải viết 5 tờ sớ và một số câu đối và Póng: 1 tờ sớ (khoi sên só), 1 tờ sớ (tẩy chiếu só), tờ sớ (khòi sén piằng píu) được viết bằng giấy màu vàng, tờ sớ (khoi sên chửa diểu), tờ sớ (thính sính pẹ póng).

Thầy ừ cú sai viết 8 sớ: Ừ cú só, ừ cú viằng píu, Ừ cú chuấ diển, Ừ cú chổng, Ừ cú quan, Ừ cú tịp, Ừ cú siêu háo tịp, Vìa soong chếp. Thầy cúng Đàng sai viết 1 tờ sớ là sìa hùng só.

Tất cả các tờ sớ này các thầy và các đệ tự thay nhau viết phải hoàn tất trong một ngày.

Sáng sớm hôm chính lễ tại gia đình ông chủ thờ thần linh ở thôn Giáp Luồng mọi người nam, nữ dân bản tập trung đông đủ, lúc này ông chủ thần linh tay cầm bó hương đót sẵn và một một tập tiền và trống nổi lên mời lần lượt xứng mời và đón các vị thần linh rước đến lán thiêng ở thôn Giáp Luồng để chính thức tổ chức lễ cầu mùa.

- Phần lễ

* Bữa cơm khai trương (Khí trị tưu).

Khi các hộ gia đình và bốn thầy cúng đã đến lán thiêng (sìa lìu) đầy đủ thì bắt chuẩn bị bữa cơm khai trương hay còn gọi là Khí trị. Đây là bữa cơm đầu tiên để khai trương mở màn công việc lễ hội. Bữa cơm này dành riêng cho các thầy và đệ tử nên phải đặt ngay ở gian giữa bên dưới bàn cúng. Thay mặt cho các vị thầy và các đệ tử ngồi trong mâm thầy Khoi kiềm sai đại diện khấn báo và mời các vị thần linh về dự lễ. Đó là thần coi bản (Tẩy chiếu miền), tổ tiên các hộ dân bản (Chà phin chiếu chiếu), các vị thánh sư của các thầy cúng (hành phây), cuốn tam thanh thánh thượng ngọc hoàng (phẩm thinh tải tổ phẩy phẩy cồng chồng), thần coi trời (chằng trái miên), thần coi địa phủ (hạ trái miên). Thầy Khoi kiềm sai khấn báo với nội dung "Hôm nay là ngày lành tháng tốt nhân dân của xã Khai Trung tiến hành lễ lễ cầu mùa mời các vị thần Tẩy chiếu miền, chà phin chiếu, hành phây, phẩm thinh tải tổ phẩy phẩy cồng chồng, chằng trái miên, hạ trái miên về dự bữa cơm khai trương mở màn công việc lễ hội và chứng kiến lễ hội cầu mùa của dân bản mong các vị thần linh bảo vệ con cháu coi sóc tổ tiên, cầu mong mọi bình an tiền tài lúa gạo sẽ về với các gia đình trong bản. Mong các vị thần coi sóc bản (tày chiếu miên, tổ tiên (hành phây) và các vị thánh sư của thầy cúng (hành phây) vốn là các thầy cúng cao tay ở thế giới bên kia cõi âm về chứng kiến và đừng để điều gì không tốt sảy ra với con cháu, gọi hồn cơn người và hồn lúa, hồn súc vật bị thất lạc về".  Cùng với việc khấn báo và mời các vị thần linh về dự bữa cơm khai trương và lễ cầu mùa cùng dân bản thầy cúng còn mở chiếc piu (sớ) chiếu theo danh sách bài cúng  tổ tiên cho từng hộ gia đình trong bản.

Để cảm ơn các thầy cúng thì ông chủ thờ thần linh đại diện cho dân bản lấy năm bát rượu đặt ngay ngắn trong chiếc chiêng đồng đưa cho các thầy cúng với hàm ý cám ơn thầy cúng và các đệ  tử đã tham gia vào lễ cầu mùa. Sau đó thầy Khoi kềm sai đại diện cho bốn ông thầy tiếp tục mời và đón tiếp các vị thánh sư của bốn thầy cúng và cuốn tam thanh thánh thượng ngọc hoàng đến dự và nhận lấy bát rượu của sư đệ làm công việc lễ hội cầu mùa cho dân bản được thuận lợi theo ý muốn. Sau mỗi lần khấn mời các vị thần về dự lễ và chứng kiến công việc của bản thầy khoi kềm sai lại gieo một quẻ âm dương xem mọi việc có hanh thông hay không. Lúc này tiếng trống chiêng nổi lên báo hiệu lễ cầu mùa đi vào chính thức.

* Lễ treo tranh và lập bàn thờ.

Sau khi bữa cơm khai trương, các thầy cúng lại tiếp tục công việc lập bàn thờ và treo tranh cúng. Tranh cúng là những hình ảnh linh thiêng nên trước khi mở bao tranh ra các thầy phải tẩy uế, chỉnh sửa quần áo mũ mão chỉnh tề. Thầy Khoi tàn sai và các đệ tử lấy các cuốn tranh ra đặt lên bàn ngăn nắp gọn gàng và từ từ mở ra. Khi đưa tranh ra mỗi lần lấy tranh ra đều đều được được phụ họa bằng tiếng tù và chiêng trống dòn rã. Trong lễ cầu mùa người ta sử dụng 18 bộ tranh bao gồm tranh hình tượng Ngọc hoàng thượng đế, tranh thánh sư, tranh âm binh, tranh thiên tề, địa tề, tranh thần liên lạc, tranh dương tề, tranh thủy tề. Tranh treo cũng theo một thứ tự nhất tự nhất định tranh các vị thần tối cao treo chính giữa các vị nhỏ hơn treo hai bên, dải vải trắng phủ trên hàng tranh tượng trưng cho mũ ngọc hoàng thượng đế để thể hiện sức mạnh của ngài.

Sau khi treo tranh song thầy Khoi kiềm sai cùng các đệ tử chuẩn bị bàn thờ để cúng. Bàn thờ được làm bằng cách mảnh gỗ ghép lại. Bàn thờ có ba bát hương, bốn chiếc vòng bạc đặt trên miệng các bốn gói gạo (siếu chiên), 15 chén rượu, ba cây sớ được bọc giấy đỏ đặt trên ba bát gao bao gồm sớ Khai sơn (khoi sên), sớ cầu mùa (tẩy chiếu só), sớ cầu phúc (ứ cú só) và một số lễ vật như bánh phật (dúa chiang), bánh này được làm bằng gạo nếp đồ chín đổ ra trộn đều với vừng rồi nắm thành hình tròn gói bằng lá chít. Đây là loại bánh đặc trưng không thể thiếu trong lễ cầu mùa của người Dao đỏ. Ngoài ra còn có các đồ vật khác như: một con dao; một cái búa và 12 bó đuốc nhỏ dài khoảng 45-50cm, mười hai bó đuốc đại diện cho 12 họ của người Dao.

* Lễ mời và đón thần linh.

Khi bàn thờ được sắp đặt song thầy "Khoi tàn sai" và các đệ tử mặc quần áo cúng chỉnh tề, buộc các tấm vải sô trắng vào bụng, các tấm vải đỏ lên đầu tay cầm hai quẻ đứng thành hàng ngang từ thầy chính đến thầy phụ. Chiêng trống nổi lên rộn rã là lúc thầy khoi tàn sai và các đệ tử bắt đầu tiến hành các nghi thức dâng lễ mời và đón tiếp các vị thần linh. Các thầy vừa khấn mời vừa gieo thẻ âm dương nếu thẻ sấp thẻ ngửa là được. Sau khi lần lượt đón tiếp các vị thần linh lần hai thì các thầy lại tiếp tục mời đón các vị thần linh coi bản Chắp (tẩy chiếu miên), tổ tiên của các họ dân bản (Chà phin). Chắp tẩy chiếu miên là thần coi bản từ đầu bản đến cuối bản, Trà phin chấu chiếu là tổ tiên của các hộ dân bản. Việc mời và đón tiếp các vị tẩy chiêu miên, Chà phin, hành phây đến chứng kiếm buổi lễ cầu mùa là nhiệm vụ chính của thầy Khoi tàn sai. Tiếp thầy khoi kiềm sai chưa mời ngay các vị thần vì ma quỷ còn xung quanh chìa lừu có thể làm ô uế việc đón tiếp các vị thần nên thầy khoi kiềm sai phải tiến hành vận pháp chấn yểm các vị trí và tẩy uế các vật dụng giao tiếp tế lễ với các thần linh. Các vật được tẩy uế bao gồm các lễ vật ở trên bàn thờ, bát nước phép, cuốn sách cúng và cả thân thể thầy cúng. Cứ mỗi lần như thế thầy cúng lại gieo một quẻ âm dương xem có hanh thông hay không. Thầy khoi kiềm sai cùng với hai thầy cúng khác hợp sức nhau chấn cửa chìa lừu và các vị trí bên ngoài.

Với sự hợp sức của các thày cúng các ma quấy nhiễu nhanh chóng bị đẩy ra xa lán thờ. Thầy khoi kiềm sai và thầy khoi tàn sai dùng tù và thỉnh gọi tẩy chiêu miên, chà phin và hành phây xuống tham gia lễ cầu mùa cùng dân bản. Sau khi thỉnh chung thì thầy tiến hành mời riêng từng người động tác của thầy lúc này gồm đọc khấn kết hợp với thỉnh chuông. Các vị tổ tiên thần linh ứng báo ngay lập tức thầy khoi kiềm sai cử 6 đệ tử ra đón tiếp. Các đệ tử tay cầm màn pên là một thanh tre nhỏ đi vòng quanh nhún nhẩy theo một quy tắc nhất định chuyển động một cách chậm chạp theo chiều ngược kim đồng hồ. Tiếp theo đó là việc các thầy thỉnh mời chắp tam thanh Ngọc hoàng thượng đế là vị thần tối cao có thể gọi là vua; chắp (chẳng cháy miến) thần gửi trời, thần khai thiên lập địa; chắp (hạ cháy miến) thần cai quản địa phủ, cai quản các loại thú trong rừng. Việc đón tiếp các vị thần được tiến hành liên tục ba lần, sau khi đón mời các vị thần đến theo nghi thức các đệ tử phải cúi lậy mời các vị thần xuống ngựa sau đó tiếp tục nghi thức dâng lễ giót trà mời rượu các vị thần vui vẻ hợp binh, hợp tướng. Cùng lúc đó thầy Khoi kiềm sai đứng trước bàn cúng tay cầm mõ đi vòng tròn vừa đi vừa cúng với nội dung báo cáo lý do và nguyên nhân tiến hành lễ cúng cầu mùa của dân bản. Ngoài ra thầy khoi kiềm sai còn báo cáo đầy đủ, tỉ mỉ nội dung công việc phải tiến hành trong buổi lễ được viết trong ba chiếc piu (sớ) được việt bằng chữ Hán đặt trên bàn thờ: piu Khai sơn, piu Phúc lộc và piu Cầu mùa. Theo quy ước thì thầy khoi kiềm sai đọc piu Khai Sơn, Thầy Ừ cú sai đọc piu phúc lộc.

* Lễ dâng tiền, gạo.

Tiếp theo đó là đến nghi thức dâng tiền và gạo. Nghi thức dâng tiền có ý nghĩa trình cho Chà phin, tầy chiếu miên, hành phây biết số tiền mà toàn bộ số tiền mà dân bản sử dụng làm vật dâng cúng. Trong lúc ông thầy Khoi kiềm sai báo cáo với các vị thần thì có một ông thầy là đệ tử của thầy Khoi kiềm sai thay mặt thầy Khoi kiềm sai dâng lễ nộp tiền đầu tiên trong lễ cúng được gọi là (lệ bái miến chấy) số tiền giao nộp, tiền này được nhân dân in cắt từ giấy bản còn thầy khoi kiềm sai và các đệ tử dùng tay bốc gạo ném về bốn phía nhằm chuyển gạo cho tổ tiên và thần linh. Để kết thúc phần nghi lễ đón tiếp các vị thầy thầy Khoi kiềm sai cùng các đệ tử dùng các động tác múa đi vòng tròn năm lần thể hiện cho việc đón tiếp năm vị thần, họ vừa đi vừa cúng mời kết thúc nghi lễ đón tiếp đầu tiên.

Sau khi nghi lễ này kết thúc chuyển sang tiếp tục động tác lệ miến chíp. Trong lễ này các đệ tử phải chuẩn bị các lễ vật để cúng bao gồm 5 cái chén, 5 chai rượu, 4 cái xạ pính đặt trên lá chít, một cái đèn và tiền, chuông đồng và bánh phật. Thầy khoi tàn sai lúc này vừa cúng vừa dâng tiền vàng giao nộp cho các vị thần linh bằng cách hóa tiền vàng thành tiền thần gọi là (xiêuchiây) và tự tay giót rượu ra chén dâng lên các vị thần thỉnh cầu thần linh giúp cho công việc cầu mùa của dân bản gặp nhiều thuận lợi. Sau khi giao nộp tiền vàng song thầy gieo quẻ âm dương để xem mọi việc có hanh thông không, các vị thần linh có đồng ý hay không. Nghi lễ được tiến hành đầy đủ song xuôi thầy khoi tàn sai tiến hành phát bánh mật và mọi người xung quanh cùng được hưởng lộc. 

*  Ngày cúng chính thức.

Khi đồng hồ đã chuyển sang canh thì lúc này ba ông "khoi kiềm sai", "ừ cú sai" và thầy "khoi tàn sai" chuẩn bị trang phục để tiến hành lễ cúng cầu mùa chính thức. Các thầy mặc quần áo thầy cúng đầu đội các hình ảnh của các vị tam thanh đó là (sàn nghẹ, sên tào) mỗi thầy đội một hình ảnh khác nhau. Thầy "khoi kiềm sai" đội hình ảnh của đạo đức thiên tôn, thầy "ừ cú sai" đội hình ảnh nguyên thủy thiên tôn, thầy "khoi tàn sai" đội hình ảnh của linh bảo Thiên tôn. Đây chính là ba bức tranh ở vị trí trung tâm của bộ tranh Đại Đường. Ba thầy bắt đầu tiến hành nghi thức pháo (tòm diền goăng) để nghênh đón các vị thánh sư của ba ông thầy cúng đến phù hộ và hỗ trợ giúp cho ba đệ tử làm công việc lễ hội cầu mùa. Khát vọng để nhìn thấy các vị thầy của mình được các thầy cúng thể hiện bằng điệu múa "páo goen" đặc sắc các thầy phụ tay cầm chuông, chân bước đi chậm chạp vừa đi vừa nhúm một cách nhịp nhàng nhuần nhuyễn. Nghi lễ đón tiếp thánh sư được các thầy thể hiện một cách trang trọng, các thầy cùng các đệ tử đi theo vòng tròn chân bước ngược kim đồng hồ, tay đưa lên cao tay và chân kết hợp nhịp nhàng thể hiện sự bày tỏ tấm lòng tôn sư trọng đạo, gắn bó trung thành giữa thầy và trò. Nghi lễ này là cơ hội cho các thầy cúng thể hiện tài năng trước các vị thánh sư là những người thầy của mình. Các thầy vừa đi vòng tròn tay cầm nến, đèn vừa đi vừa khấn dâng đèn và nến cho các thánh sư để thể hiện lòng biết ơn công lao to lớn của các vị thần đối với dân bản.

Tiếp đến là bài "tiếp diềng goeng" tức khấn mượn đèn được tiến hành khi các thầy cúng đi mời "sài tía", theo phong tục của người Dao Đỏ chiếc đèn là một vật tượng trưng rất đặc biệt rất nó không chỉ là phương tiện giao cảm giữa thế giới thần linh tổ tiên và  thế giới con người mà còn biểu hiện cho vị thế và quyền năng của một thầy cúng. Trong nghi lễ cấp sắc thành đinh cấp số lượng đèn ban cấp càng lớn thì vị thế của người được phong sắc càng cao về nguyên tắc chỉ những người đàn ông được cấp sắc tùy theo từ 3 đèn, 7 đèn hoặc 12 đèn thì mới có quyền đảm nhiệm vai trò làm thầy cúng và lập bàn thờ tổ tiên. Chính vì thế người Dao rất coi trọng đèn và đèn có thể xem là một vật tối linh trong thế giới tinh thần của họ. Thầy Khoi tàn sai và các đệ tử mang đèn đi đón được "Sài tía" thì bày ra bữa tiệc rượu để chúc mừng . Bữa tiệc khá giản dị nhưng trạng trọng, thầy ngồi xuống chiếu ghế đối diện với các vị thánh sư vừa tiếp rượu vừa đọc bài cúng mừng có tên gọi "On diềng goàng". Sau khi mời được các vị thánh sư đến các ông thầy lần lượt thay nhau đi vào nhiệm vụ chính của mình.

*) Nghi lễ do thầy "Khoi kiềm sai" đảm nhiệm: Các đệ tử làm nhiệm vụ sắp xếp các tờ sớ, tiền, tiền ngựa, hương đèn được đặt trên tấm ván hay còn gọi là "Vần thoi" được kê sẵn ở hiên lán (Sìa lìu) để tiến hành cúng khao chúng sinh. Sau khi lễ vật đã được chuẩn bị song thầy khoi tàn sai đứng trước bàn cúng khao chúng sinh lần lượt mời các vị thần phù hộ. Trong lúc đó thầy khoi kiềm sai ra ngoài hiên lán (Sìa lìu) chân bước lên tấm ván (khoi vần) miệng khấn để đón tiếp mời Ngọc hoàng đại đế xuống trần gian để chứng giám lễ cầu mùa của dân bản. Sau khi  được thầy khoi kiềm sai báo cáo lý do và nguyên nhân giao nộp tiền giấy, tiền ngựa đầy đủ xong. Tờ sớ viết bằng giấy mầu vàng với nội dung báo cáo với ngọc hoàng đại đế về việc tiến hành lễ cầu mùa. Sau đó thầy khoi kiềm sai nhẹ nhàng cho tờ sớ vào phong bì kèm theo tiền ngựa để cúng trình tấu lên Ngọc Hoàng thánh thượng lão quân. Mỗi lần trình tấu lễ vật song thì thầy khoi kiềm sai lại gieo quẻ âm dương xem Ngọc hoàng, thánh thượng lão quân đã tiếp nhận hay chưa và mọi việc có hanh thông hay không. Sau khi mọi biết việc hanh thông thì tiếp đến các thầy bắt đầu điệu múa xuất phanh (tức múa xuất quân), là một nghi thức miêu tả cuộc tranh đấu giữa con người và thế lực tà ác. Để chống lại ma quỷ con người dùng mọi vũ khí khác nhau. Theo lời cúng mở đầu xuất phanh thì sức mạnh của dân bản dựa vào các vũ khí được các vị thần linh ban sức mạnh cho. Các vị thần đã dùng phép thuật để biến hóa con dao, cái búa, và 12 bó đuốc, cung tên để dùng để làm vũ khí tiêu diệt yêu ma ở khu rừng u tối. Trên chiến trường tưởng tượng vô cùng ác liệt người ta nghe thấy xen lẫn tiếng trống trống trận là tiếng tiếng hò reo và tiếng binh khí va chạm nhau chan chát. Vừa đánh vừa đỡ các chiến binh chuyển dần cục diện sang thế thắng cuối cùng đã đến được sào huyệt của ma qủy. Đó là một khu rừng tăm tối có nhiều đá cứng lởn chởm và những dòng nước độc mà không sinh vật nào sống nổi, đất đá nhiều không canh tác được. Bị khống chế bởi sức mạnh của bùa phép ma quỷ nằm yên không dám nhúc nhích.  Sau khi bao vây canh giữ cẩn thận khu rừng ác thì họ chấn yểm bàn thờ và các vật cúng. Nghi thức chẩn yểm rất tỉ mỉ những đồ vật được yểm bùa được gọi tên đích danh và tẩy uế. Sự bình yên lại trở về với bản làng của người Dao ở Khai Trung.

Khi thế lực đen tối đã bị tiêu diệt, khu rừng đen tối đã được trấn yểm lúc này thầy "khoi kiềm sai" lập lên khu rừng mới (còn gọi tẩy mẩy kềm) để dân khai phá canh tác. Thầy khoi kiềm cùng đệ tử đã dùng các vũ khí có trong tay  như búa, dao, lửa, nước, gạo đã chặt cây, đập vỡ đá cứng đốt nương làm rẫy, khơi phá nước độc khai hoang trồng lúa, trồng ngô. Nhưng lúc này trong khu rừng mới có đến 12 cái mặt trời chiếu xuống khu rừng nên bắt buộc các thầy đã dùng lửa để bắt bớt 10 cái mặt trời chỉ để lại 2 cái, một cái là mặt trăng còn  một cái là mặt trời để có ngày có đêm phục vụ cuộc sống của dân bản. Sau khi làm lễ khai phá lập rừng mới song các thầy làm lễ nhập rừng cho dân bản. Ma quỷ không còn nơi ẩn náu nữa đã bị dồn lên thuyền ma. Đây là một phương tiện đặc biệt thuyền được đan bằng nứa bên ngoài trang hoàng bằng giấy màu bên trong để nhiều tiền vàng để thu hút, hấp dẫn ma quỷ, một khi ma quỷ đã lên thuyền sẽ không còn đường xuống phá phách dân bản. Thầy "Khoi kiềm sai" vừa dụ dỗ vừa dùng phép thuật ép buộc ma quỷ lên thuyền đi đến nơi thật xa chân trời phía tây không bao giờ quay về quấy nhiễu con người.

Khi mọi việc đã hoàn tất các thầy tiếp tục nghi lễ múa cúng thu quân đồng nghĩa ăn mừng chiến thắng của đồng bào Dao ở Khai Trung. Nghi lễ múa thu quân bao gồm ba phần khác nhau: là troang ngằn, sịt phuông, thiện quyên. Với mục đích thu quân ăn mừng còn có ý nghĩa cảm tạ các vị thần linh, thánh binh, tổ sư những đấng tối cao có quyền lực  vô song đã giúp đỡ dân bản trừng trị ma ác lập lên khu rừng mới tươi tốt hơn cho nhân dân canh tác. Để bày tỏ tấm lòng biết ơn của mình dân bản mang rượu, tiền gạo ra thiết đãi các ân nhân. Giống như một cuộc đưa tiễn trước tiên các đệ tử của thầy "khoi kiềm sai" dùng đèn để làm phép mở đường, sau đó dùng ngựa để chở hết tiền vàng sang thế giới bên kia giao nộp cho Ngọc Hoàng đại đế và các vị thần linh.  Nghi thức đưa tiễn Ngọc Hoàng đại đế, Thái Thượng lão quân về điện trời được tiến hành từng bước, có bốn hồi tù và tiễn đưa từng bước lên trời. Mở đầu nghi thức đưa tiễn thầy "khoi kiềm sai" đã dùng cháo để gieo quẻ xin mở và đóng cổng trời. Thầy "khoi kiềm sai" gieo bốn tương ứng với bốn cửa ở bốn phương đông, tây, nam, bắc mở đón Ngọc Hoàng đại đế và các vị thần linh về trời sau đó xin đóng các cửa đó lại.

Sau khi đưa tiễn song các thầy cúi lậy cảm tạ ơn các vị thánh sư đã phù hộ các đệ tử làm song công việc ở sân bãi và mong muốn Ngọc Hoàng thượng đế và các vị thần linh sau khi về trời luôn nhìn xuống dân gian phù hộ cho nhân dân Khai Trung. Công việc của thầy "khoi kiềm sai" tạm dừng ở đây.

*) Nghi lễ cúng Đàng: Tiếp tục công việc là nghi lễ cúng Đàng và cầu hồn lúa diễn ra cùng một thời gian. Nghi lễ cúng Đàng (cúng Bàn Vương). Đây là công việc chính của thầy "Đàng sai". Công việc chuẩn bị cúng Đàng diễn ra rất cẩn thận và khắt khe. Những người giúp việc được cử đi bắt lợn cúng đàng phải hết sức cẩn thận và lưu ý không được nói to, cười đùa phải tuân thủ sự hướng dẫn của thầy cúng. Trước khi giết mổ, nơi và vị trí giết mổ phải được tách riêng một nơi khác và phải đào một cái hố để thải những chất bẩn, tuyệt đối không được để những chất thải bừa bãi, không để súc vật tha đi.

Lễ vật cúng Đàng bao gồm: 1 con lợn, 1 bát hương, 1 chén nước lá, 6 cái chén đặt hàng ngang, 1 hũ rượu bầu, 1 ống nứa để rót rượu mời thầy, 7 túm tiền treo trên bàn, bánh chay, 1 bát rau xanh, một túm gạo có vòng bạc, một tờ sớ, sách cúng (tồm cháo sâu), một cái chuông đồng, một bộ áo thêu (và phà chìm sền tào tái), thịt chuột.

Bàn thờ cúng Đàng được làm ở một gian khác có vách ngăn kín đáo chỉ để lại một cửa đi lại ra vào. Gian này chỉ được giành riêng cho việc cúng đàng, thầy cúng đàng ton, đàng xiếc và người chăm sóc đời sống đàng ton, đàng xiếc có phận sự mới được vào.

Lợn dùng để cúng trong nghi lễ này dùng cả con đặt trên bàn cúng. Khi mọi việc chuẩn bị song các "đàng ton đàng xiếc" chuẩn bị quần áo chỉnh tề đầu đội mũ "phà chìm sền táo tài". Khi tất cả chuẩn bị song sẽ đứng thành hàng sau thầy cúng, đôi nam cao nhất đứng giữa một nam tay cầm "chiằng muẩ cấu" còn người nam còn lại cầm kèn nứa (vành sui tuấ ty) và nữ cao hơn đứng ở giữa đầu đội khăn cưới hở mặt đứng thành hàng ngang. Lúc này thầy cúng đàng sai mới bắt đầu nghi lễ đón tiếp các vị thần. Đó là các vị thần long thành cao Vương thánh chủ (lồng chình cồ lùng sính chiếu), thần Ngã sơn binh mã (ừ chề pành mả) và đón tiếp thánh sư vị thầy của các thầy cúng cùng các vị tổ tiên đến dự buổi lễ cầu mùa. Sau khi thầy lần lượt đón tiếp các vị thần xong cũng như mọi nghi lễ khác thầy trình bày lý do và nguyên nhân mời các vị thần linh xuống trần gian để tham dự buổi lễ của bà con dân bản xã Khai Trung cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống của nhân dân gặp nhiều may mắn.

Tiếp theo thầy cúng dâng trà và mời rượu các vị thần. Trong nghi lễ này có một điều đặc biệt dâng trà và dâng rượu thì dâng riêng từng vị thần không được phép mời chung. Sau đó tiến hành dâng nộp tiền cho các vị thần linh, việc dâng lễ giao nộp tiền không đơn giản phải báo cáo tỉ mỉ chi tiết mọi việc phải làm trong nghi lễ. "Diệu tê" là tên điệu múa miêu tả các động tác giao nộp tiền với các vị thần linh. Đối với thầy cúng dùng "sạn phún" không chỉ là vũ khí đắc lực dùng tiêu diệt yêu ma mà còn để chuyển tiền sang thế giới bên kia. Tiếp đó "Thầy khoi tàn" dùng thẻ âm dương hỏi các vị thần số lượng lễ vật dâng cúng họ đã nhận đủ các lễ vật hay chưa. Dâng lễ song các vị thầy cầu xin cho dân bản luôn được khỏe mạnh, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho mùa màng được tốt tươi, gia súc gia cầm sinh sôi nảy nở, phúc lộc đầy nhà.

Sau nghi lễ dâng nộp tiền là nghi lễ là "chuổi chị lô nhần". Nghi lễ này được coi trọng hàng đầu đòi hỏi hết sức cẩn thận và nghiêm ngặt khắt khe. Trong nghi lễ này các đệ tử phải đặt thêm một bàn cúng ở dưới. Lễ vật trong nghi lễ này chỉ có món thịt chuột, trong những đệ tử phục vụ nghi lễ này cử ra một người hết sức cẩn thận mang thịt chuột đi chặt nhỏ để sào chín không được cho muối, không nếm thử và được mang ra cho vào 6 bát, 6 đôi đũa. "Đàng sai" phải chọn 6 người nam giới có tuổi, hiểu biết về chữ Hán và đã trải qua cấp sắc bảy đèn. Những người được chọn ngồi vào bàn cúng đó phải nghiêm túc không được ngồi kê chân, không nói thô tục và tuân theo sự hướng dẫn của thầy cúng. Khi mâm lễ đã chuẩn bị hoàn tất thầy "Đàng sai" tay cầm một tập tiền mời các vị thần linh đến dự mâm lễ này và nhận mâm lễ vật này.

Mở đầu bài cúng các thầy mời các vị thần đến dự ăn uống, ngồi vui vẻ nghe các thầy và các "Đàng ca" hát cho các vị thần nghe. Nội dung của các bài hát trong sách chữ Hán kể về sự ra đời và di cư của tộc người. Xưa kia, khi cuộc sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn cuộc sống nay đây mai đó, hạn hán thiên tai dịch bệnh liên miên đe dọa cuộc sống của đồng bào. Trước cuộc sống khó khăn đồng bào đã cùng nhau đóng bè vượt biển khơi tìm cuộc sống mới tươi đẹp hơn. Trong lúc hoảng loạn đồng bào đã cầu khấn thần Ngũ Sơn binh mã, Long Thành cao vương thánh chủ và Tô Liên đến phù hộ cho thuyền vượt biển may mắn đến bờ. Nhờ sự giúp sức của các vị thần linh, thuyền đã cặp bờ an toàn mọi người hân hoan vui mừng phấn khởi lên núi dùng giây bắt lợn rừng về để cúng tạ ơn các vị thần. Mọi người hân hoan ca hát phục vụ các vị thần.

Tiếp tục chương trình cúng Đàng thầy "Đàng sai" cùng ba cặp nam nữ là các "Đàng ton", "Đàng xiếc" cùng ra ngoài bãi để tiếp tục nghi lễ cúng. Thầy cúng tiếp tục động tác vừa đọc cúng kể công ơn của các vị thần linh vừa đi vòng tròn từ trái sang phải thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của dân bản. Cùng với thầy cúng thì các đàng ton và đàng xiếc vừa múa vừa hát tiếp tục phục vụ các vị thần. Tiết mục múa này có tên gọi (thiắng quyía phà lụa cò chiằng síe diển có khiuố) cũng là tiết mục kết thúc bài cúng theo cuốn sách nho. Song tiết mục múa thầy đằng sai lấy một sấp tiền mua lấy lá gan lợn thái nhỏ sào chín và nấu canh đem ra bát xắp lấy 13 bát canh đặt lên bàn cúng lễ tạ ơn 6 người là chuổi chị lô nhần và ba cặp năm nữ "Đàng ton", "Đàng xiếc" đã hưởng ứng bài cúng ca hát. Khi mọi người thụ lễ song "Đàng sai" tiếp tục lại gieo quẻ âm dương để xem các thần linh đã nhận đủ tiền và lễ vật cúng chưa, mọi việc có hanh thông hay không. Sau bài cúng và xin âm dương thầy "Đàng sai" và 6 người chuẩn bị (chuổi chị lò nhần), ba cặp "Đàng ton", "Đàng xiếc" cùng nhau khiêng bàn cúng ra ngoài bãi sân để cúng theo cuốn sách (ghieng ghiắng xuất cành). Sách này có nội dung tạm thời tiễn đưa vị thần cao tay về nơi xuất xứ và hứa từ nay nay con cháu sẽ không làm cúng Đàng nữa, cầu mong được các vị thần phù hộ cho nhân dân của bản. Sau nghi lễ này thì thầy cúng và ba cặp "Đằng ton, "Đàng xiếc" phải chỉnh sửa gọn gàng để đón tiếp các vị thần lần thứ hai. Lần này chỉ đón tiếp hai lần không cần những nghi lễ cầu kì như lần đầu đón tiếp.

Thầy cúng tay cầm thẻ âm dương miệng khấn mời các vị thần xuống chứng kiến phù hộ cho nghi lễ cúng Đàng của đồng bào Dao Khai Trung vừa cúng thầy vừa gieo quẻ xem mọi việc có hanh thông hay không. Khi việc mời các vị thần đã tiến hành xong thì tiếp tục nghi lễ dâng trà dâng rượu kính dâng lên các vị thần. Những người phụ việc chuẩn bị sẵn một chiếc bàn và bốn chiếc ghế xung quanh thầy ngồi đối diện với bàn thờ có sẵn vừa khấn vừa dâng rượu và tiến hành báo cáo lý do cúng lễ này để cảm tạ các vị thần đàng đã giúp đỡ phù hộ cho dân bản có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau đó là đến nghi lễ dâng tiền giao nộp lần thứ cho các vị thần. Tiền giao nộp được để trong chiếc sàng to dải đều ra sau đó thầy cúng vừa khấn vừa dùng "sạn phún" chỉ vào chỗ tiền dâng nộp với dụng ý đang dâng nộp tiền.

Cùng lúc đó các "đàng xiếc", "đàng ton" cùng nhau múa điệu múa dâng tiền một các uyển chuyển, tay đưa lên nhẹ nhàng, chân bước đều theo chiều kim đồng hồ. Sau điệu múa thầy cúng đưa toàn bộ tiền vàng đên trước bàn thờ mang hết số tiền vàng vừa cúng để đốt chuyển cho thế giới thần linh. Việc đốt hóa tiền vàng là biện pháp duy nhất của người Dao để giao nộp tiền. Thầy cúng tay dùng "sạ phin" vừa múa vừa cúng thể hiện các động tác giao nộp tiền cho các vị thần. Tiếp đến thầy cúng lại tiếp tục dùng thẻ âm dương gieo quẻ xem các vị thần đã nhận được đầy đủ lễ đã giao nộp chưa và thỉnh cầu các vị thần giúp dân bản hoàn thành mong muốn của dân bản có một năm với mùa màng tốt tươi. Cùng với việc dâng tiền nhân dân còn coi là nghi lễ trả lẽ cho các vị thần trong suốt năm qua giúp đỡ bảo vệ dân bản.

Tiếp tục thầy cúng lại làm nghi lễ cúng theo sách hứa hay còn gọi là tan háu nhủn. Đây là cuốn sách màu trắng và được tháo gỡ thành từng mảnh nhỏ xíu và được tháo gỡ ba lần mới song. Mỗi lần tháo gỡ thầy đều phải gieo que âm dương để xem các vị thần đã đồng ý hay chưa, các thần đa cho tháo gỡ hoàn toàn hay chưa. Khi thẻ âm dương một mặt sấp một mặt ngửa là được các vị thần đã đồng ý các thầy tháo gỡ hết ba lần. Tiếp đó thầy cúng lấy một bát nước đã được chuẩn bị trước và dùng sách phép thuật biến hóa thành nước Thái Thượng Lão Quân để giải uế cho các vị tổ tiên thánh sư và tất cả các lễ vật cúng trong nghi lễ này. Dùng nước phép để giải hết ô uế trước khi vào nghi lễ là một việc quan trọng mà trong bất kể nghi lễ nào của người Dao cũng  phải tiến hành. Thầy cúng vừa đọc khấn vừa dùng "sạ phin" như cây gậy phép vẩy nước thánh vào các đồ vật. Khi tất cả được giải uế song thầy cúng lại tiếp tục dâng tiền lần thứ 2 để tạ ơn các vị thánh sư và các vị thần đến giúp đỡ thầy cúng tiến hành song buổi cúng. Lúc này thầy cúng vừa khấn vừa đốt hóa thành tiền thần chuyển hóa thành tiền âm và từng bước chuyển đến nơi cho các vị thần. Song nghi lễ chuyển tiền thì cũng là lúc kết thúc nghi lễ cúng đàng. Lúc này thầy cúng tiến hành mời các vị thần linh, tổ tiên và thánh sư về về điện xuất xứ. Thầy "Đàng sai" và ba cặp "Đàng ton", "Đàng xiếc" vừa cúng vừa múa theo sách cúng mời các vị thần về điện. Thầy cúng hai tay vắt chéo vào nhau một tay cầm bát hương còn một tay cầm chén nước chân bước lùi về phía sau nhịp nhàng vừa đi vừa khấn nhẩm thần chú. Cùng với đó, "Đàng ton", "Đàng xiếc" cũng múa phụ họa tay đưa lên cao bước lùi chân về phía sau theo quy tác nhất định. Kết thúc cuốn sách cúng thầy cúng đi ra cửa quỳ xuống đất tay úp lên bát hương còn một tay úp chén nước xuống đất mỗi thứ úp ở một bên cửa. Nghi lễ này làm phép để chấn yểm bảo vệ khu vực cúng đàng. Kết thúc nghi lễ này là kết thúc nghi lễ cúng Đàng.

*) Nghi lễ cầu hồn lúa: Theo quan niệm của đồng bào Dao ở Khai Trung hồn lúa là yếu tố quyết định sự thành bại của vụ mùa. Bởi vậy hồn lúa được đồng bào thờ cúng và cầu viện mỗi dịp sắp sửa gieo trồng. Nghi lễ cầu hồn lúa này là do thầy "Ừ cú sai" phụ trách. Trước khi tiến hành nghi lễ thầy "Ừ cú sai" cho các đệ tử đi gom các lễ vật do dân bản mang đến. Mỗi gia đình trong bản góp một ít nông sản tùy tâm do gia đình sản xuất ra để làm lễ vật. Có nhà mang từ một đến hai cân thóc, ít hạt giống rau hay mang một đến hai bắp ngô buộc vào nhau có ghi rõ tên chủ hộ để đến khi thầy cúng tán lộc của nhà ai mang về nhà đó làm giống để cấy cày vụ sau.

Khi bắt đầu vào lễ thầy "Ừ cú sai" cùng các đệ tử sắp xếp bàn cúng ngay ở cửa ra vào. Thầy cúng phải chuẩn bị hai bàn thờ, một bàn thờ trong nhà và một bàn thờ ngoài hiên lán. Bàn thờ bên ngoài gồm có một bát hương, một chén nước, năm chén rượu, một chai rượu, tiền âm và ngoài ra còn có một cái mẹt đựng thóc, ngô, một cái cân. Bàn thờ cúng đặt ở ngoài cửa được đặt một con gà trống đã được chế biến sẵn và trứng gà. Nghi lễ cúng ở ngoài song mới thực hiện nghi lễ cúng ở trong. Sau khi chuẩn bị song mọi thủ tục thầy "Ừ cú sai" bắt làm nghi lễ cúng. Đầu tiên thầy cúng thực hiện nghi lễ "Thiăm pái" là nghi lễ quan trọng đón thánh sư về phù hộ công việc. Nghi lễ này có ý nghĩ tôn sư trọng đạo, thể hiện sự thân thiết gắn bó giữa thầy và trò tiếp thêm sức mạnh cho các thầy cúng. Tiếp tục công việc thầy cúng bắt đầu công việc mời Ngọc Hoàng đại đế và các vị thần linh đến phù hộ yểm trợ cho lễ cầu mùa may mắn, thành công. Thầy "Ừ cú sai" ra hiên lán chuẩn bị một tấm ván còn gọi là Vần thoi với mục đích làm cầu nối để đưa Ngọc Hoàng đại đế xuống trần gian. Trong nghi lễ cầu mùa thì việc đón tiếp Ngọc Hoàng đại đế là rất quan trọng. Đây là vị thần không thể thiếu trong nghi lễ cầu mùa của người Dao. Ngọc Hoàng đại đế là người có uy lực nhất trong vũ trụ dùng phép thuật giúp trời đất thuận hòa, cây cối tốt tươi. Mở đầu thầy ừ cú sai dùng tù và thổi ba hồi liên tục với mục đích mời Ngọc Hoàng đại đế xuống dự lễ cầu mùa. Sau đó thầy cúng bắt đầu khấn mời, vừa khấn thầy vừa dùng thẻ âm dương gieo quẻ để xem có được không. Sau khi đón tiếp Ngọc Hoàng song thầy "Ừ cú sai" tiếp tục khấn nói rõ lý do nguyên nhân cúng cầu mùa. Nội dung khấn như sau "Hôm nay là ngày lành tháng tốt nhân dân Khai Trung tổ chức lễ cúng cầu mùa. Tổ chức lễ cầu mùa mong đón hồn lúa, ngô còn bơ vơ còn sót lại trên nương về cùng dân bản, thu hết tất cả hồn lúa về nhà để vụ sau lúa được tốt tươi. Kính mong Ngọc Hoàng đại đế phù hộ cho dân bản có một vụ mùa bội thu, cây cối tốt tươi".  Cùng với đó thầy cúng còn dâng các sớ cầu mùa đó là những tờ sớ (ừ cú diển), sớ (ừ cú viằng píu). Những tờ sớ này được cho vào chiếc phong bì màu vàng và đặt ngay ngắn cùng với tiền ngựa. Những tờ sớ này cũng ghi đầy đủ nội dung chi tiết lễ cầu mùa và mục đích tổ chức. Sau khi khấn nói rõ lý do tổ chức cầu mùa với Ngọc Hoàng đại đế thì thầy ừ cú sai tiếp tục giao nộp tiền ngựa, vừa giao nộp thầy vừa khấn và gieo quẻ âm dương xem Ngọc Hoàng đã nhận được đầy đủ lễ vật chưa. Tiếp tục thầy cúng dùng động tác dọn đường, thu phục ma đói sang một bên để tiến hành nghi thức bắc cầu qua sông sâu, qua núi cao để binh ngựa đi qua đến nơi hồn lúa xuất xứ, hồn lúa đi lạc để đón hồn lúa về đưa đến nơi có nhiều phúc lộc, kim ngân. Thầy cúng vừa khấn vừa múa với các động tác uyển chuyển tay đưa từ trên xuống dưới sau đó từ trái đưa sang phải, chân bước vòng tròn theo hướng ngược kim đồng hồ.

Sau khi thầy làm các động tác đó song thầy tiếp tục đem các tờ sớ còn lại trình báo với các vị thần và đốt hóa các tờ sớ với một tập tiền. Tập tiền này là tiền đi đường và dẫn đường các tờ sớ sang thế giới thần linh để các thần có thể nhận được sớ. Sau khi đốt hóa các tờ sớ này thì tổ tiên của các họ dân bản được thánh sư của các thầy cúng cùng lên đường để tìm kiếm hồn lúa, hồn ngô, phúc lộc, kim ngân, trâu, bò, bò, lợn, gà. Khi đã tìm được hồn của tất thì thầy cúng vừa khấn và gieo quẻ âm dương xem mọi việc tìm hồn lúa đã được chưa để tiếp tục thực hiện quy trình thu gọi hồn lúa, ngô, trâu bò, kim ngân. Thầy cúng tiến hành nghi thức cân thóc. Để cân thóc thầy phải tiến hành nhiều nghi thức kèm theo lần đầu thầy cúng dùng dao điểm vào cân để không có điều gì làm sai lệch, cài tiền vào các bó thóc và các gói hạt giống để làm tăng khả năng sinh sôi của hạt giống. Một nghi thức quan trọng nhất là phải tưới nước bón lúa thầy cúng dùng sách phép thuật biến hóa bát nước thành nước suối trong lành để tưới cho cây ngô cây lúa tốt tươi. Sau đó thầy cúng tung các hạt gạo về bốn phương để hồn lúa nhập vào bó cây và hạt giống của từng gia đình. Sau khi thực hiện song các nghi thức song thầy cúng mắc tất cả các lễ vật và hạt giống vào cân vừa cúng vừa đi vòng tròn để các hồn lúa về ngự ở các bó giống, các gói hạt rau thầy cúng trả về các gia đình kèm theo các lời chúc năm mới sức khỏe dồi dào và ngày mùa bội thu. Các gói hạt giống này sẽ đưa hồn lúa về với gia đình để giúp làm cho kho thóc sinh sôi, nảy nở đồng thời đem lại sức khỏe, hạnh phúc cho gia đình. Sau đó thầy cúng lại tiếp tục lễ cân thóc lần 2 là cách thức độc đáo để dự đoán mùa màng năm mới. Số lễ vật cân lại sau khi cúng nặng hơn ban đầu thì mùa màng năm tới sẽ bội thu, cây cối tốt tươi. Cùng với việc cúng ở hiên nhà thì mâm cúng ở bên trong cũng được tiến hành nhưng không phải do thầy ừ cú sai thực hiện mà thầy nhờ một thầy khác. Thầy này sẽ làm nhiệm vụ cúng để cùng với thầy ừ cú sai đón thần lúa, ngô và các nông sản vào nhà. Khi việc đón hồn lúa diễn ra song thì các thầy cùng dân bản ăn uống khao làng để chuẩn bị phụ giúp cho dân bản việc canh tác trồng cấy, mùa màng tươi tốt.

Không chỉ gọi hồn lúa, hồn ngô mà thầy "Ừ cú sai" còn phải cầu thêm binh mã giúp cho dân bản gọi và thu binh về mọi nhà. Quy trình này cũng được tiến hành một cách bài bản hai lần. Thầy cúng lậy bốn phương tay cầm lá cờ vừa khấn vừa múa mời âm long binh dương long tướng về. Tướng âm long binh dương long tướng khi về được buộc vào lá cờ với mong muốn tướng về bảo vệ dân bản có cuộc sống ấm no, mùa màng tốt tươi. Sau đó thầy "Ừ cú sai" tay cầm lá cờ có vô số âm binh dương long tướng cùng một đệ tử cúng gọi là (tỏi ừ cú) tay cầm cây nứa có lá buộc sẵn một nắm lúa và vài bắp ngô vừa múa vừa khấn với mục đích đưa hồn ngô, hồn lúa, binh âm, binh dương về mọi nhà. Sau khi kết thúc công việc thầy "Ừ cú sai" ra tấm vắn (vần thoi) thổi ba hồi tù và báo hiệu đưa tiền ngựa tạ ơn Ngọc Hoàng thượng đế, các vị thánh sư và tổ tiên của các gia đình. Tiếp đó thầy cúng bắt đầu hóa tiền ngựa để chuyển hóa cho các vị thần linh.

Khi nghi lễ chuyển hóa tiền song thầy cúng bắt đầu nghi thức tiễn đưa Ngọc Hoàng thượng đế về trời.Việc tiễn đưa Ngọc Hoàng thượng đế về trời cũng được tiến hành từng bước. Mở đầu Thầy "Ừ cú sai" thồi bốn hồi tù và sau đó khấn bốn hướng và gieo quẻ xin mở bốn phương cổng trời để đón Ngọc Hoàng thượng đế về điện. Khi gieo quẻ thấy mọi việc đã hanh thông cửa điện đã mở thi thầy khẫn tiễn Ngọc Hoàng và mong ngài phù hộ cho dân bản có một năm mới có vụ mùa bội thu, dân gặp nhiều may mắn sức khỏe, bình an.

Sau khi các thầy "Khoi kiềm sai", "Ừ cú sai",  "Khoi tàn sai" làm song nhiệm vụ của mình thì tất cả cùng tập trung vào nghi lễ cúng cuối cùng giao nộp lễ vật và khao quân. Lúc này các đệ tử và người giúp việc nhanh chóng lấy con lợn và lễ vật bày ra bàn như bánh phật (ghiuố chiăng), xạ pinh, tiền giấy, tiền ngựa, tiền hứa cầu khấn, chén rượu. Số lễ vật này được chia làm hai vị trí khấn: vị trí đầu tiên còn được gọi (tòng hấu chẩy mả) dùng một cái mâm đặt trên bàn đã chuẩn bị sẵn bao gồm có 7 cái chén được đặt theo vòng tròn và bên trong được đặt tiền ngựa, xạ pính và tiền hứa, rượu được chia làm 4 chai riêng được bày ở các vị trí nhất định, đèn dầu, chuông đồng. Vị trí thứ hai còn được gọi (xùng panh) gồm có năm cái chén đặt ngang hàng, tiền ngưa, xạ pính. Khi lễ vật đã chuẩn bị song thầy "Khoi kiềm sai" cùng với một thầy phụ chuẩn bị quần áo chỉnh tề, mặc áo cà sa là áo dành riêng cho các thầy cúng, đầu đội khăn. Hai thầy đứng ở hai đầu bàn thầy bên trái gọi là "Óm dung" đề ra một bài cúng còn thầy bên phải "Tào dung" trả lời bài cúng, các thầy hỏi - đáp qua lại theo làn điệu dân ca hay còn gọi là "Pá dung". Nghi thức cúng hát giữa hai thầy diễn ra trong khoảng 30 phút.           

Khi nghi thức song thầy "Khoi tàn sai" cùng các đệ tử tất cả gồm có 4 người ngồi vào ghế dùng chuông đồng thỉnh mời các vị thần linh, tổ tiên, thánh sư ngồi vào mâm uống rượu và mời trà. Đây là lần mời các vị thần linh cuối cùng trong nghi lễ cầu mùa. Các thầy vừa khấn vừa thỉnh chuông mời các vị thần linh uống rượu, uống trà cùng dân bản.

Sau khi đón tiếp đầy đủ, lúc này thầy "Khoi kiềm sai", thầy "Ừ cú sai" và thầy "Khoi tàn sai" cùng một đệ tử đã được chọn sẵn làm nghi lễ dâng tiền tệp và tiền ngựa. Đây là cũng là nghi lễ dâng tiền cuối cùng. Sau khi vừa dâng tiền và đốt hóa chuyển đến thế giới thần linh thì các thầy vừa đi xung quanh đống lửa vừa khấn và gieo thẻ âm dương xem các thầy đã nhận đầy đủ tiền hay chưa, các vị thần đã đồng ý với số tiền tệp và tiền ngựa dân bản dâng nộp chưa. Khi đã dâng tiền song thầy "Khoi kiềm sai" lại tiếp tục dâng nộp tiền hứa. Tiền hứa là số tiền dân bản đã hứa nộp cho các thần linh trong lần cúng cầu mùa lần trước. Tiền hứa được trả lần lượt theo cuốn sách nho có tên (tòng hấu chẩu mả). Thầy cúng vừa khấn vừa tháo cuộn dây gọi là "Nhủn pêu" nhưng cũng phải lần lượt theo sách hứa, từng mục được tháo dỡ song vò nát từng mảnh. Việc trả tiền và tháo dỡ cuộn dây được thầy thanh toán làm đi làm lại ba lần mới kết thúc. Sau khi tháo gỡ song "Nhủn pêu" thầy cúng phải gieo quẻ âm dương xin xem chắc chắn việc thanh toán tiền hứa đã được các vị thần linh hoàn toàn đồng ý hay chưa. Thầy cúng tay cầm quẻ âm dương và bắt đầu hỏi các các vị thần linh trong mâm lễ 1 có 7 cái chén các vị thần lấy bao nhiêu còn lại các thầy giao lộc âm dương. Sau khi mọi việc hoàn thành cả ba thầy cùng nhau hóa hết tiền hứa và các sớ để thế giới thần linh nhận được.

Sau khi xin quẻ âm dương song, lúc này thầy "Khoi tàn sai" lần lượt đi phát những chiếc bánh lộc cho mọi người cùng nhau thụ hưởng, khi đã hưởng lộc song thầy lại đi xin lại cái lá trao trả lại cho các vị thần thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới con người và thánh thần.

Cuối cùng các thầy thực hiện bài cúng tiễn đưa các vị thần linh, tổ tiên và các vị thánh sư về cung điện xuất xứ. Lúc này tất cả các thầy cùng nhau thực hiện điệu múa tiễn các vị thần linh, động tác nhịp nhàng uyển chuyển theo hướng ngược kim đồng hồ kết hợp với điệu múa là tiếng chiêng trống náo nhiệt hòa nhịp cùng làm cho buổi lễ càng tưng bừng.

Kết thúc điệu múa các thầy cởi bỏ áo cà sa và mũ Ngọc Hoàng Thượng đế và chắp tay bái tạ ơn thánh sư thầy trò tạm thời chia tay hẹn ngày gặp lại. Kết thúc lễ cúng thầy cúng cùng các đệ tử lại cẩn thận nhẹ nhàng thu dọn những bộ tranh cúng gói gọn để lễ cúng sau dùng tiếp. Sau lễ cúng mọi người tập trung liên hoan để chuẩn bị cho vụ mùa mới với mong muốn may mắn, mưa thuận gió hòa. Nhưng khi ngồi vào mâm tất cả chưa được ăn ngay mà thầy khoi kiềm sai lại tiếp tục tiến hành bài cúng tạ ơn các vị thần linh đã phù trợ cho buổi lễ thành công tốt đẹp. Tất cả mọi người trong bản cùng nhau nâng chén rượu cầu chúc một vụ mùa mới tràn đầy niềm vui, thóc lúa đầy nhà và chia tay hẹn lễ cầu mùa năm sau.

5. Phần hội: Sau phần lễ kết thúc là phần hội náo nhiệt thu hút đông đảo bà con dân bản, đặc biệt nam thanh nữ tú tham gia tập trung ở sân bãi của "Chìa lìu" (miếu thiêng) cùng nhau tham gia. Đặc biệt không khí lễ hội sôi nổi hơn cả trong các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, ném còn.

* Kéo co: Trong các lễ của người Dao Đỏ ở Khai Trung trò chơi kéo co thường có trong phần hội, thể hiện tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ. Kéo co là trò chơi có cách thức tổ chức, đạo cụ và sân chơi đơn giản. Một cuộc thi kéo co có 2 đội, số lượng người đều nhau gồm 8 đến 10 người. Thành viên trong đội thường là những chàng trai, cô gái trong làng có thể hình cao lớn, có sức khỏe dẻo dai, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Khi bắt đầu kéo 2 đội sẽ nắm vào một sợi dây thừng, ở điểm giữa của dây được đánh dấu bằng một dây lụa đỏ làm mốc. Khi hiệu lệnh vang lên, các thành viên của mỗi đội chơi nắm chặt hai tay vào dây, đội nào kéo điểm đánh dấu sang phía mình là đội đó thắng cuộc. Mỗi cuộc thi đấu gồm 3 hiệp, đội nào thắng liên tiếp 2 hiệp thì đội đó giành phần thắng, không cần thi đấu hiệp thứ 3. Mỗi hiệp thường không kéo dài quá 2 phút, nên đòi hỏi các thành viên của các đội chơi phải rất nỗ lực.

* Đẩy gậy: Đẩy gậy vừa là trò chơi dân gian, vừa là môn thể thao truyền thống của người Dao đỏ thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, trong những ngày Tết, ngày lễ hội dân tộc. Để tổ chức thi đấu môn Đẩy gậy chỉ cần có gậy thi đấu làm bằng tre già (tre đực) thẳng hay những thành gỗ tốt có chiều dài 2m, đường kính từ 4- 5cm, được sơn 2 màu đỏ và trắng (mỗi màu 1m); đầu và thân gậy phải được bào nhẵn và có đường kính bằng nhau. Sân chơi là một vòng tròn có đường kính 5m, vạch giới hạn rộng 5 cm nằm trong phạm vi của sân có màu trắng hoặc khác với màu nền sân. Cứ hai người làm thành một cặp đấu, đứng đối diện nhau trong vòng tròn, mỗi người cầm chắc một đầu gậy, chờ khi có hiệu lệnh của người chủ trò thì dùng sức, dùng mẹo, căng ra mà đẩy. Luật đẩy gậy cũng rất đơn giản, cấm người chơi tỳ tay lên đùi hay tỳ đầu gậy vào bụng, cấm chửi mắng đối phương, bên nào để chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Để thắng được trong trò đẩy gậy, sức khỏe chỉ có ý nghĩa một phần, yếu tố quyết định phải là ở chiến thuật, kỹ thuật, sự khéo léo, dẻo dai và tâm lý ổn định. Tham gia trò chơi đẩy gậy không chỉ có những chàng trai, cô gái cường tráng, khỏe mạnh mà ngay cả các bậc cao niên, trưởng lão cũng có thể tham gia.

* Bắn nỏ: Bắn nỏ là một trò chơi dân gian thường được tổ chức trong các dịp lễ hội của dân tộc. Nỏ được làm bằng gỗ tốt, dây nỏ thường được làm bằng vỏ lụa của một loại cây rừng dẻo dai và có tính đàn hồi. Mũi tên làm bằng tre. Bắn nỏ là trò chơi tiêu biểu cho truyền thống thượng võ của dân tộc Dao và được nhiều thanh niên nam, nữ ham thích. VII. Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể với đời sống cộng đồng.

Là một nghi lễ truyền thống của tộc người Dao Đỏ, lễ cầu mùa mang trong mình nhiều giá trị không chỉ với cộng đồng tộc người là chủ thể văn hóa mà còn với các cộng đồng xung quanh về truyền thống và ý nghĩa nhân văn cao cả của nghi lễ. Có thể nhận thấy một số giá trị tiêu biểu của nghi lễ như sau:

1. Giá trị lịch sử:

Lễ cầu mùa là một nghi lễ truyền thống rất độc đáo phản ánh một tập quán xã hội có lịch sử lâu đời trong đời sống xã hội cộng đồng, phản ánh quá trình lịch sử, đặc điểm kinh tế, lịch sử cư trú và một số yếu tố văn hoá, xã hội của tộc người rất rõ nét.

Lễ hội cầu mùa còn là một nghi lễ mang đậm dấu ấn tín ngưỡng văn minh nông nghiệp, tuy có quy mô nhỏ, ngắn gọn nhưng có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện đời sống của tộc người Dao từ xưa đến nay.

2. Giá trị văn hóa: Đây là di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng tộc người. Nghi lễ thể hiện quan niệm của cộng đồng về thế giới tâm linh, thể hiện những đặc điểm tôn giáo - tín ngưỡng của tộc người, thể hiện các giá trị văn hóa văn nghệ của cộng đồng, những phong tục tập quán, tính giáo dục của cộng đồng. Lễ cầu mùa được cộng đồng duy trì qua nhiều thế hệ; các nghi lễ, thủ tục cúng tế, các giá trị nghệ thuật độc đáo luôn được bảo tồn và phát huy, do đó nó có giá trị duy trì thuần phong mỹ tục của cộng đồng.

3. Giá trị khoa học:  Lễ cầu mùa ngoài tính giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ còn là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của tộc người Dao Đỏ. Qua các hình thức chuẩn bị, các bước tiến hành thủ tục nghi lễ, thầy mo cúng tế giúp các nhà nghiên cứu có thêm tri thức dân gian về đời sống vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng người Dao.

4. Giá trị giáo dục:  Lễ cầu mùa thể hiện rất rõ giá trị giáo dục của mình đối với cộng đồng người Dao nói riêng và các tộc người khác nói chung. Đây là nghi thức nhớ ơn người xưa đã tìm ra cây lúa, cây hoa màu cho tộc người. Nghi lễ này giáo dục cho con người trong tộc người biết về ý thức bảo vệ cây lúa. Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ cầu mùa còn có vai trò, tác dụng to lớn trong việc gắn kết cộng đồng các dân tộc, gắn con người với thiên nhiên, vì vậy đã trải qua nhiều thế hệ, song lễ hội cầu mùa của người Dao vẫn còn nguyên giá trị và được lưu truyền từ đời nay sang đời khác.

5. Vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng: Lễ hội cầu mùa là sinh hoạt văn hóa cộng đồng cổ vũ, động viên bà con bước vào một vụ sản xuất mới với tinh thần lao động, sản xuất hăng say. Người Dao quan niệm vạn vật có linh hồn, thiên nhiên xung quanh chúng ta như: trời, đất, nương rẫy...đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Do vậy, lễ cầu mùa phản ánh niềm tin vào các thế lực siêu nhiên của người Dao thuở sơ khai, đồng thời thể hiện ước muốn về mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, đầy đủ như khát vọng ngàn đời của các cư dân nông nghiệp trên miền đất này. Vì vậy nghi lễ cúng rất quan trọng trong đời sống tâm linh, đời sống sinh hoạt xã hội của tộc người gắn với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp.

Đây không chỉ là một nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh cầu phúc mà còn hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, sự hòa quyện giữa tín ngưỡng và hiện thực đã làm nên nét đẹp giữ rừng, bảo vệ tài nguyên rừng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái của đồng bào.

Lễ cầu mùa được tổ chức cả tập thể cộng đồng, lễ cúng nhằm mục đích hướng thiện, giúp con người có một tinh thần thoải mái, tự tin bắt tay vào những công việc đồng áng, chăn nuôi và phấn đấu những việc mà họ chưa đạt được trong cuộc sống. Hiện nay lễ cầu mùa vẫn thường xuyên được tổ chức và trở thành món ăn tinh thần quan trọng không thể thiếu trong đời sống của đồng bào người Dao nơi vùng cao này. Do đó, đây là một di sản văn hóa phi vật thể có vai trò quan trọng và ý nghĩa thiết thực trong đời sống cộng đồng tộc người nói chung.

Nghi lễ này giống như sợi dây bền chắc nối liền quá khứ, hiện tại của dân tộc Dao Đỏ góp phần đáng kể mới liên kết cộng đồng và tạo nên đời sống tinh thần phong phú. Chính nhờ sự đoàn kết xã hội chặt chẽ hàng trăm năm ấy tạo nên lễ hội ra đời và hiện đang tiếp tục diễn ra.

VIII. Hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể.

Lễ cầu mùa là một nghi lễ mang tính chất truyền thống của cộng đồng người Dao đỏ nói chung cũng như người Dao Đỏ Yên Bái nói riêng. Đây là một nghi lễ mang đậm dấu ấn tín ngưỡng văn minh nông  nghiệp qua một thời gian dài bị mai một thì đến năm trở lại đây lễ cầu mùa được người Dao Đỏ xã Khai Trung khôi phục và duy trì khá tốt. Đến năm 2015 thì lễ hội cầu mùa đã được tổ chức thành lễ hội lớn của xã Khai Trung thu hút được sự đồng tình ủng hộ của 100% các hộ dân ở năm thôn bản và trở thành lễ hội chính của xã. Lễ cầu mùa được tổ chức một năm hai lần vào dịp đầu tháng giêng và tháng bảy âm lịch cứ ba năm tổ chức thành lễ lớn. Có thể nói lễ hội cầu mùa của người Dao Đỏ là lễ hội có sức sống và khả năng duy trì tốt.

IX. Các biện pháp bảo vệ

Lễ Cầu mùa của người Dao Đỏ ở xã Khai Trung là một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống tâm linh của tộc người gắn với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp. Có thể khẳng định, lễ cầu mùa luôn được cộng đồng tự bảo tồn và duy trì thường xuyên, liên tục trong đời sống của mình dù là mức độ và hình thức biểu hiện có khác nhau. Đồng thời, cộng đồng cũng tự trao truyền cho nhau qua các thế hệ. Những năm gần đây, có sự tác động của các cấp, các ngành lễ cầu mùa ở Khai Trung đã có những bước tiến mới gần với truyền thống hơn, quy mô và chất lượng được nâng lên.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ cầu mùa ở Khai Trung, chính quyền địa phương đã có những biện pháp bảo vệ cụ thể.  Trước kia chỉ tổ chức ở các thôn bản nhỏ lẻ nhưng từ năm 2015 trở đi xã đã tổ chức thành lễ lớn tập chung toàn bộ nhân cả năm thôn. Để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hoạt động lễ hội cầu mùa này trong tương lai, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Trước hết là phải coi trọng vai trò của chủ thể văn hóa trong mọi hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ cầu mùa. Luôn lấy người dân là đối tượng, là trung tâm trong các hoạt động khai thác di sản phục vụ các chương trình du lịch của địa phương. Có chính sách, chế độ cho các nghệ nhân, các cá nhân có công sức trong việc giữ gìn, bảo tồn di sản. Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về giá trị của di sản nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tình yêu, lòng tự hào với truyền thống của cộng đồng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản.

Gắn loại hình di sản này với các hoạt động du lịch, các hoạt động quảng bá văn hóa tại địa phương cũng như các lễ hội khác trong vùng và trong nước nhằm giới thiệu tới bạn bè trong nước và quốc tế về giá trị của loại hình nghệ thuật này, giúp cho người dân tự quảng bá về các giá trị văn hóa của chính mình, để rồi từ đó họ tự bảo vệ, tự trao truyền và nuôi dưỡng các giá trị văn hóa ấy một cách lâu dài và bền vững nhất. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với di sản nhằm đảm bảo cho di sản được duy trì, bảo tồn và phát huy một cách bền vững và hiệu quả nhất.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

Ban Biên tập Cổng TTĐT

 

 

I. Loại hình: Tập quán xã hội.

II. Địa điểm : Di sản văn hóa phi vật thể lễ Cầu mùa của người Dao Đỏ diễn ra ở xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Đường đi đến di sản văn hóa phi vật thể: xã Khai Trung nằm ở Phía Bắc tỉnh Yên Bái. Từ trung tâm thành phố Yên Bái theo quốc lộ 70, đi khoảng 65 km tới chợ Tân Lĩnh rẽ trái vào đường liên xã khoảng 7 km là đến làng người Dao Đỏ (thôn Tắc Én) - nơi có di sản văn hóa phi vật thể lễ cầu mùa.

III. Chủ thể văn hóa:

Cộng đồng người Dao Đỏ xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái

            Những người đại diện gồm:

(1) Họ và tên: Phùng Xuân Hương

Ngày, tháng, năm sinh: 17/10/1960                                            

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Khai Trung

Địa chỉ liên lạc: thôn Tắc Én, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

(2) Họ và tên: Đặng Phúc Chu

Năm sinh: 1957                                                            

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Nông dân

Địa chỉ liên lạc: thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

(3) Họ và tên: Triệu Tài Lục

Ngày, tháng, năm sinh: 1966                                         

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Chủ tịch mặt trận tổ quốc xã Khai Trung

Địa chỉ liên lạc: thôn Khe Rùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

(4) Họ và tên: Bàn Văn Liên

Ngày, tháng, năm sinh: 1977                             

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Nông dân

Địa chỉ liên lạc: thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

(5) Họ và tên: Đặng Thị Luyến

Ngày, tháng, năm sinh: 1978                                         

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Nông dân

Địa chỉ liên lạc: thôn Khe Rùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

(6) Họ và tên: Đặng Thị Mây

Ngày, tháng, năm sinh: 1955                                         

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Nông dân

Địa chỉ liên lạc: thôn Khe Rùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

IV. Khái quát về người Dao Đỏ, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

1. Đặc điểm cư trú: Theo khảo sát ở những địa phương có người Dao sinh sống thì người Dao có nguồn gốc xa xưa ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) họ bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê (vào khoảng cuối thế kỷ XVII), với hai hướng chính là đường bộ và đường biển. Người Dao di cư vào Việt Nam theo nhiều đợt sớm nhất từ thế kỷ XIII, các nhóm Dao ở tỉnh Yên Bái chủ yếu di cư từ các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng sang.

Người Dao sinh sống ở Yên Bái, hiện nay có khoảng 83.888 người chiếm 11,05% dân số toàn tỉnh. Địa bàn cư trú của người Dao chủ yếu ở rẻo giữa - nơi tiếp giáp giữa vùng thấp và vùng cao. Đồng bào sống tập trung đông nhất ở huyện Văn Yên, chiếm đến hơn 30% tổng số người Dao ở Yên Bái, sau đó đến các huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn và Trấn Yên.

Người Dao hiện sinh sống ở tỉnh Yên Bái có 4 nhóm chính là: Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản), Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu), Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển (còn gọi là Dao Tuyển). Để phân biệt các nhóm Dao, chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong bộ trang phục của phụ nữ. Người Dao đỏ ở Yên Bái cư trú ở các huyện Lục Yên bao gồm các xã: Phúc Lợi, Khai Trung, Trung Tâm, Minh Tiến, Lâm Thượng, Tân Phượng, An Lạc, Khánh Hòa, Trúc Lâu, Tân Lĩnh. Huyện Văn Yên bao gồm các xã: An Bình, Lâm Giang, Lăng Khít, Tân Hợp, Quang Minh, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Châu Quế Hạ, Xuân Tầm, Ngòi A, Đại Sơn. Huyện Văn Chấn: Nậm Búng, Suối Quyền, An Lương, Nậm Lành, Nậm Mười. Trong chuyên đề này chúng tôi chỉ tập chung nghiên cứu người Dao Đỏ ở xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

Xã Khai Trung là xã vùng núi cao phía Tây Bắc huyện Lục Yên có phía Bắc và Đông giáp xã Lâm Thượng, phía Nam giáp xã Tân Lĩnh. Tổng dân số toàn xã có 1.142 người trong đó người Dao Đỏ có 694 người với 162 hộ chiếm 58% dân số toàn xã. Họ cư trú chủ yếu ở bản Giáp Luồng, Khe Rùng và Giáp Cang.

2. Một số đặc điểm kinh tế: Hình thái kinh tế chủ yếu của người Dao Đỏ ở Yên Bái là sản xuất nông nghiệp với hai loại hình: lúa nương và lúa nước. Trong đó lúa nước chiếm tỷ lệ ít hơn. Ngoài ra, đồng bào còn trồng một số loại cây hoa màu như ngô, sắn, ... Rau của người Dao có các loại bầu, bí, mướp đắng, các cây họ đậu, khoai, củ từ, dưa gang, .... Đặc biệt ở người Dao Yên Bái phát triển mạnh hai loại cây công nghiệp đó là cây quế và cây chè. Ngoài cây lúa, hoa màu, quế và chè đồng bào còn có thu nhập thêm từ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà...Người Dao có các nghề thủ công truyền thống phong phú, đa dạng và phát triển rất sớm, trong đó nổi bật là làm giấy dó, dệt vải, nhuộm chăn, in và thêu hoa văn trên vải, đan lát các đồ đựng bằng tre, nứa, giang, mây song, nghề rèn.

Nghề rèn của đồng bào Dao cũng phát triển, chủ yếu là các nông cụ như: dao, cuốc, cào cỏ, lưỡi cày. Nghề làm đồ trang sức bằng bạc, sanh căng và bằng đồng làm thành vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, nhẫn, xà tích.

3.  Một số yếu tố về văn hóa vật chất: Trung Tâm là địa bàn sinh sống chủ yếu của nhóm Dao Đỏ, vậy nên nhà đất là loại hình nhà ở chủ yếu của đồng bào. Đó là loại nhà hình chữ nhật, nhà thường được xây dựng 2 gian, 2 trái cột bằng các loại gỗ ít mối mọt, lợp bằng cọ, vách nhà thường làm bằng các tấm dát vầu, hốc gắn kết bằng các thanh ngang, bộ sườn nhà được chế tạo khá đơn giản. Nguyên vật liệu làm nhà thường kiếm ngay tại chỗ, chủ yếu là cây rừng. Phần gian nhà bên phải dành đặt giường ngủ của khách, buồng ngủ của chủ nhà đặt ở phía bên phải bàn thờ, giường ngủ của con trai thường đặt sau giường của khách, còn phòng ngủ của con gái thường đặt phía trong gần bếp. Bàn thờ được đặt ở gian giữa, nhà thường có hai bếp (một bếp ở gian ngoài để sưởi ấm vào mùa đông dành cho đàn ông và khi có khách đến). Nhà của người Dao thường được bố trí: bếp là nơi tập trung của cả gia đình vào mùa đông, là nơi rộng nhất trong nhà. Nhà ở của người Dao có ít cửa ra vào, đặc biệt là ít của sổ, đa số chỉ có một cửa sổ đặt ở giường nằm ngủ. Đây là loại nhà tổng hợp bếp, chuồng gia súc, các công cụ sản xuất và sinh hoạt đều thuộc phạm vi nhà ở

Trang phục của người Dao Đỏ: Trong các nhóm Dao thì trang phục của người Dao Đỏ thường được làm cầu kỳ và sử dụng nhiều màu sắc hơn cả. Đối với trang phục nam giới không có gì khác biệt lắm so với trang phục nam giới trong các ngành Dao. Đàn ông Dao Đỏ thường đội mũ nồi hoặc vấn khăn dài, áo chàm được may theo lối cổ khoanh bí, áo dài gần trùm mông, vạt áo may thẳng có cài khuy lộn dọc từ ngực xuống bụng, sau lưng áo có miếng vải hoa văn hình bùa chú. Quần của đàn ông là quần thụng vải đen, may kiểu chân què bổ đũng dài gần chạm cổ chân và cạp quần luồn dây rút bằng sợi vải hoặc sợi gai. Trang phục của nữ giới Dao Đỏ được tạo điểm nhấn bằng những gam màu đỏ của vải hoặc sợi trên nền vải đen và thường được may công phu hơn, gồm có các bộ phận: khăn, áo, thắt lưng, quần, xà cạp cùng đồ trang sức bằng bạc như vòng cổ, vòng tay….. Để  tạo thành bộ y phục đẹp phải có vải đen làm nền để thêu hoa văn, chỉ thêu gồm 5 màu cơ bản: đỏ, trắng, đen, xanh, vàng, nhưng chủ yêu là màu đỏ. Người Dao Đỏ thích dùng mầu đỏ tươi rực rỡ để trang trí: khăn đỏ, ngực áo, cổ áo đỏ, khăn đỏ, tua đỏ, yếm đỏ, nẹp ngực áo đỏ, yếm lưng đỏ...

Văn hoá ẩm thực của người Dao đơn giản thức ăn chính của người Dao là lúa nước và lúa nương, thực phẩm hàng ngày chủ yếu là các loại rau hái trong rừng, măng, mộc nhĩ, các loại rau trồng trong vườn nhà và các loại thảo mộc khác. Cùng với đó là các thức ăn từ gia súc gia cầm. Các món ăn chủ yếu của người Dao trong ngày thường được chế biến theo kiểu luộc và xào, thỉnh thoảng cũng nướng và lam. Người Dao rất thích ăn ớt, gừng, riềng, lá sả, hạt dổi, lá chanh, các thứ rau thơm và các thứ nước chua. Hàng ngày đồng bào uống nước chè, nước vối, nước từ các loại cây thuốc... Người Dao cũng uống các loại rượu cất từ gạo, ngô, khoai, sắn và các loại cây có bột như: báng, móc. Men rượu đều chế biến bằng các thứ lá và rễ cây rừng.

4. Một  số đặc điểm về văn hóa tinh thần:

- Tiếng nói - chữ viết: Tiếng Dao nói chung và Dao Đỏ nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao, nằm trong ngữ hệ Nam Á. Chữ viết của người Dao còn trong một số tài liệu lưu giữ được là chữ Hán và chữ Nôm Dao.

- Một số nghi lễ truyền thống:

+ Lễ cấp sắc:  Đây là một nghi lễ truyền thống độc đáo có tính lịch sử lâu đời trong đời sống sinh hoạt xã hội - gia đình của người Dao công nhận sự trưởng thành cả về vật chất lẫn tinh thần của người đàn ông. Theo quan niệm của người Dao thì cấp sắc là để được thánh thần công nhận, được âm binh và có thể làm nghề cúng bái. Nghi lễ của lễ cấp sắc rất mở, có thể là một, hay nhiều cá nhân của một gia đình, dòng họ hay cả một tập thể của nhiều gia đình, nhiều dòng họ, nhiều bàn làng khác nhau tổ chức.  Lễ cấp sắc có rất nhiều bậc, bậc đầu tiên họ được cấp 3 đèn và 36 binh mã, bậc hai được cấp 7 đèn và 72 binh mã, bậc ba được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Lễ cấp sắc 3 đèn và 7 đèn được tổ chức thường xuyên trong cộng đồng tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện của các gia đình, dòng họ. Riêng nghi lễ cấp sắc 12 đèn có quy mô lớn hơn hai nghi lễ trên nên phải hai, ba mươi năm mới có một lần. Nội dung chính của lễ cấp sắc tiến hành theo trình tự sau:  lễ lên đèn, lễ ban mũ thầy cúng, Lễ trình diện Ngọc Hoàng, Lễ cấp tinh, Lễ hạ đèn và giao quân, lễ qua cầu, lễ đặt tên. Các nghi thức trong lễ cấp sắc đều nhằm mục đích hướng thiện, giúp con người trưởng thành hơn, đạo đức hơn, sống tốt hơn và quan trọng là những lời giáo huấn này được thực hiện bằng những lời thề trước sự giám sát của tổ tiên và nhiều quan binh nên càng làm tăng tính giáo dục. Đây là một nghi lễ giao tiếp có tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa giữa các thế hệ chứa đựng nhiều thành tố quan trọng của bản sắc văn hóa Dao. Đồng thời lễ cấp sắc cũng là dịp để cộng đồng cùng thưởng thức các hoạt động văn hóa văn nghệ, nhảy múa hết sức hấp dẫn. Các điệu múa trong lễ cấp sắc rất đặc sắc. Múa ở đây có sự đan xen hòa quyện giữa yếu tố lao động trần thế và tôn giáo thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới, điệu múa đặc trưng, đặc sắc, vui nhộn nhất là Múa Rùa. Múa Rùa diễn ra trong không khí vui tươi, những động tác múa nhịp nhàng, khỏe khoắn của các chàng trai miêu tả lại việc đuổi  rùa, tìm rùa, bắt rùa, giết rùa. Múa Rùa là một nét đẹp, thể hiện tính phồn thực và mối giao hòa trong cộng đồng dân tộc.

+ Tết nhảy: Đây là tết riêng của mỗi gia đình, cũng mang tính dòng họ. Tết này này nhằm mục đích luyện âm binh cho bộ tranh Đại đường để thờ phụng các thần linh, bảo vệ cuộc sống gia đình. Vì vậy nó mang màu sắc tín ngưỡng tôn giáo rất rõ rệt. Tết nhảy được tiến hành vào tháng chạp, năm nào cũng tổ chức nghi lễ này cứ ba năm làm thành một chu kỳ. Chỉ có gia đình nào có bàn thờ tổ và đã sắm tranh Đại đường thì mới có tết nhảy. Tết nhảy đòi hỏi một quá trình chuẩn bị khá lâu, phải nấu rượu, nuôi lợn, thanh niên luyện tập các điệu múa, chuẩn bị dao, gươm bằng gỗ.

Quá trình của tết nhảy trải qua các bước sau: lập đàn tẩy uế, làm lễ khấn các thần thánh. Nội dung chính của nghi lễ là nhảy múa và khấn tụng được tổ chức liên tục trong suốt những ngày đêm làm tết. Mỗi người múa tay đều cầm cờ, trống chiêng, sập sèng... múa theo điệu quay vòng. Rồi sau đó là nhiều điệu múa truyền thống được trình diễn như: múa kiếm, múa dạo (lạp miên a dạo), múa nhảy rùa (Pẻo tộ)... Tất cả những động tác của các điệu múa này đều được thực hiện một cách liên tục với sự khéo léo và tinh tế của người trình diễn. Những điệu múa, lời hát trong Tết nhảy thường hướng đến những điều tốt lành, hạnh phúc. Lễ "nhìang chầm đao" chủ yếu phục vụ cho tôn giáo tín ngưỡng, nhưng ít nhiều có mầu sắc văn nghệ, toát lên ý nghĩa văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Dao sống đoàn kết, thủy chung, tình nghĩa.

-  Một số lễ tết khác của tộc người trong năm:

+ Tết Nguyên Đán: Khác với dân miền xuôi, người miền núi lại có phong tục đón tết rất đặc trưng mang đậm nét văn hóa dân tộc mình. Với người Dao cũng vậy họ cũng có cách đón năm mới rất riêng của mình. Đồng bào Dao đón tết đơn giản nhưng lễ nghi lại cầu kỳ và độc đáo. Với người Dao, tết nguyên Đán là mở đầu cho một năm mới đã bận rộn chuẩn bị từ 27, 28 tháng chạp. Từ 27/12 nhân dân đã chuẩn bị mọi thứ cho việc đón tết như: gạo, bột, lá gai, củi, rau, bò, lợn, trang trí nhà của và đặc biệt sắp đặt quần áo.

Ngày 30 tết nhà nào cũng phải nấu một nồi nước thơm thật to để ai cũng phải tắm. Theo quan niệm của người Dao thì tất cả mọi người phải tắm rửa sạch sẽ để rũ bỏ mọi xấu xa, bẩn thỉu của năm cũ bước vào năm mới sạch sẽ, trong lành. Chiều 30 tết nhà nào cũng lập đàn cúng để mời gia tiên và các thần linh về ăn tết với con cháu. Bao giờ cũng vậy tối 30 tết mọi người trong gia đình quây quần bên nồi bánh trưng để trò truyện về năm đã qua. Các thứ bánh được người Dao cúng trong ngày tết ngoài bánh trưng còn có các thứ bánh khác như bánh dầy, bánh gai, bánh bột nếp....Cũng giống người kinh trên bàn thờ của mỗi gia đình người Dao có thêm cành đào, trong chén lúc nào cũng có rượu và nước, hương được đốt liên tục. Ngoài ra người Dao còn quan niệm kiêng không mở hòm trong 3 ngày tết nên phải lấy sẵn quần áo và đồ dùng trước giao thừa. Trong 3 ngày tết cũng không được san sẻ hay cho ai bất cứ thứ gì. Đêm giao thừa người Dao có tục thay nước đầu năm mới trên bàn thờ. Từ đêm giao thừa đến mùng một, họ kiêng không ăn rau chỉ ăn cơm, các loại bánh và thịt động vật. Sau khi cúng giao thừa song mọi người trong gia đình quây quần vui vẻ, ăn uống, ca hát và chúc tụng nhau những lời chúc tốt lành cho năm mới. Sáng mùng một sau khi song xuôi mọi thủ tục ở gia đình, mỗi nhà một người nam giới mặc trang phục truyền thống tạo thành một đoàn đi chúc tết tất cả các nhà.Tết cũng là dịp trai, gái trong bản rủ nhau đi chơi hội ngày xuân.

+ Tết cùng năm: Đây là tết của gia đình, dòng họ. Dòng họ nào cũng tổ chức tết này vào tháng 12 âm lịch, nhưng tập chung nhất vào các ngày 15 đến 25 tết. Các gia đình luân phiên nhau tổ chức tết, luân phiên mời nhau.Mục đích của tết này trước là để lập đàn cúng tạ ơn gia tiên, các thần linh đã phù hộ cho gia cho, dòng tộc một năm may mắn thành công... Sau là ngày xum họp của anh em ruột thịt, họ tộc, bạn bè thân thiết để trò chuyện thông báo cho nhau về một năm qua. Lễ vật chuẩn bị cho tết năm cùng khá đầy đủ với thịt lợn, gà, bánh dầy. Bánh dầy là một trong những lễ vật không thể thiếu được trong tết năm cùng.

+ Tết cơm mới: Đây là một trong những lễ cúng quan trọng của mỗi gia đình Dao được tổ chức tại nhà. Cúng cơm mới là để tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi, lúa ngô có thể thu hoạch được. Lễ cúng được tổ chức trong nhà. Khi lúa sắp được thu hoạch, người ta chọn ngày tốt, gặt lấy ít thóc đầu mùa đem phơi khô, lấy gạo nấu cơm cúng. Nếu lúa chưa chín  họ lấy gạo cũ về thổi cơm, ngắt lấy vài bông bỏ vào nồi cơm để có hương vị cơm mới và coi đó là cơm mới. Đàn cúng gồm: 5 bát cơm, 5 chén rượi, 1 chén nước, 1con gà luộc, một ít tiền ma, một bát hương. Chủ nhà đứng trang nghiêm trước bà thờ kế công ơn cử tổ tiên và cầu mong tổ tiên tiếp tục phù hộ mãi mãi về sau để công việc làm ăn ngày càng gặp nhiều may mắn. Sau lễ này, đồng bào chuẩn bị những dụng cụ cần thiết để thu hoạch lúa mới.

- Các tập quán xã hội và tín ngưỡng

+ Các tập quán theo chu kỳ đời người:

 * Sinh đẻ: Người Dao đẻ ngồi và đẻ ngay trong buồng ngủ, không được đẻ ở nơi khác, do mẹ chồng, mẹ đẻ hoặc chồng đỡ cho. Khi đứa trẻ lọt lòng mẹ, người ta chờ khi nào nó khóc mới bế mới bế lên, tắm rửa bằng nước nóng. Người ta cắt rốn bằng dao nứa. Ngay từ khi đẻ sản phụ được ăn các thức ăn nấu với gừng và rượi. Trẻ sinh được ba ngày thì gia đình lập giàn cúng mụ gọi là làm lễ "nam khan". Sau khi sinh khoảng từ 3 đến 7 ngày, họ chọn ngày tốt để làm lễ để đặt tên cho trẻ. Tên của bé cũng được chọn rất kỹ, không được trùng với tên của gia tiên, ông bà, chú bác, anh em nội ngoại gần xa. Người Dao Đỏ thường đặt tên con đầu là: Cấu, San, Lộ... Con trai út lại thường đặt tên là: Lai, Lĩu...

* Cưới hỏi: Lễ cưới của người Dao Đỏ có nhiều nét đọc đáo, trước ngày cưới khoảng một năm bên nhà trai phải trao các khoản thách cưới bằng tiền để cô dâu chuẩn bị cho ngày cưới. Suốt thời gian một năm ấy, cô gái phải dành thời gian để thiêu thùa, sắm sửa trang phục, chuẩn bị của hồi môn. Đến ngày cưới nhà trai cử người đến đón dâu, tùy theo giờ tốt, người ta đưa cô dâu vào nhà chồng theo các hướng theo quy định. Khi ăn cỗ, họ nhà trai ngồi riêng, nhà gái ngồi riêng. Người Dao Đỏ còn có tục bất kỳ ai trong họ nhà trai cũng như nhà gái đến dự đám cưới đều có phần thịt, bánh mang về.

* Làm nhà mới: Việc làm nhà mới với người Dao Đỏ là rất quan trọng. Việc chọn địa điểm làm nhà là quan trọng hơn cả. Đồng bào thường làm ở nơi khuất gió, cao ráo, gần khe suối, gần ruộng nương thuận tiện cho việc lấy củi, hái rau.Nghi lễ chon đất cũng rất được coi trọng, đồng bào quan niệm nếu gặp được điền lành khi chọn đất làm nhà thì sẽ gặp nhiều may mắn làm ăn gặp nhiều thuận lợi. Sau khi dựng nhà song, theo giờ tốt đã chọn, đồng bào sẽ làm lễ vào nhà mới như sau: một cụ già cầm  đuốc đi trước, theo sau là chủ nhà và những người trong gia đình đem theo bàn thờ tổ tiên và một số đồ vật tượng trưng. Sau đó họ làm cơm để kính báo và mời tổ tiên về nhà mới cùng con cháu.

* Tang ma: Ngay sau khi người chết tắt thở, người ta bắn ba phát súng, nếu là người trưởng tộc hoặc được cấp sắc 7 đèn trở lên thì chọc thủng nóc nhà bắn chỉ thiên báo cho Ngọc Hoàng và báo cho dân làng biết. Đám ma cử người Dao Đỏ cũng tiến hành tất cả các thủ tục như các nhóm Dao khác. Mồ mả người chết được chôn vĩnh viễn. Đồng bào quan niệm đám ma chỉ là bước đem người chết đi cất giấu để không cho ma xấu bắt hồn và làm nhục thể xác.

- Một số tín ngưỡng thờ cúng dân gian

+ Thờ cúng tổ tiên: Cũng như người Kinh, thờ cúng tổ tiên là một việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình đồng bào người Dao, nhằm giáo dục, nhắc nhở con cháu luôn hướng về tổ tiên, cội nguồn, giữ gìn truyền thống gia tộc, dòng họ. Theo quan niệm của người Dao tổ tiên là loại ma lành phù hộ con cháu, tuy nhiên nếu không thờ cúng cận thận tổ tiên cũng có thể bắt tội làm con cháu ốm đau bệnh tật. Thường người Dao thờ tổ tiên chín đời. Điều này thể hiện rõ trong các nghi lễ lớn như cấp sắc, tảo mộ hoặc trong các dịp tết của gia đình.

Việc lập bàn thờ tổ phải tuân thủ theo quy định rất nghiêm ngặt. Bởi vậy nó thể hiện bề dày truyền thống gia đình và cũng là niềm tự hào của truyền thống gia đình. Bàn thờ tổ luôn được đặt ở gian giữa nơi tôn nghiêm nhất trong nhà. Đằng trước hay bên cạnh bàn thờ người ta treo một cái trống bằng dây thừng hay da thú, dây này buộc lên thượng lương của nhà. Ngay trên vách cạnh bàn thờ người ta treo hai ống nứa hay hai túi vải đựng hai bộ tranh "Tam thanh lớn" và "Tam thanh nhỏ". Vì bàn thờ tổ là nơi tôn nghiêm nên phụ nữ đặc biệt là các cô dâu ít được gần nhà thờ, đặc biệt là không bao giờ được thắp hương hoặc bê lễ vật lên bàn thờ cúng. Ngay từ khi quét nhà người ta luôn luôn chú ý quay mặt về phía bàn thờ mà quét quay lui trở ra, quay lưng về phía bàn thờ bị coi như là một thái độ thiếu tôn kính đối với tổ tiên. Việc thờ cúng tổ tiên thường là do chủ gia đình hoặc con trai trưởng chủ trì. Nếu nhà không có đàn ông thì đến ngày lễ tết, đốt hương ở phen thờ, cúng lễ cũng phải nhờ đàn ông khác trong họ đến cúng.

+ Thờ cúng Bàn Vương (Chẩu đàng):  Thờ cúng Bàn Vương là một tục lệ khá điển hình trong sinh hoạt của người Dao. Bàn Vương được đồng bào coi là thủy tổ của dòng họ nên việc thờ cúng Bàn Vương được người Dao coi như một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và của cả dân tộc. Thường ngày, Bàn Vương được thờ cúng chung với tổ tiên của từng gia đình, từng họ. Trong các nghi lễ lớn lễ cấp sắc, tết nhảy... đều phải cúng Bàn Vương. Ngoài việc cúng Bàn Vương hàng ngày còn có những lễ cúng bàn vương riêng với các nghi lẽ chính sau: Lễ khuất, lễ cúng Bàn Vương, lễ tiễn đưa.Việc thờ cúng Bàn Vương không phải chỉ là sự chung thủy uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn của tổ tiên, mà còn là yếu tố văn hóa quan trọng được lưu truyền qua nhiều thế hệ của người Dao.

+ Văn học dân gian: Dân tộc Dao vốn có một lịch sử và một nền văn hóa lâu đời, một nền văn học nghệ thuật và những tri thức dân gian rất phong phú, phản ánh lên cuộc đấu tranh dũng cảm và bền bỉ của người Dao. Trong các sáng tác dân gian của dân tộc Dao, văn học dân gian (Truyện cổ, thơ ca, câu đố, Hát, Múa, Tục ngữ, Vẽ...) chiếm phần lớn. Dân tộc Dao không có văn tự riêng nhưng họ sử dụng chữ Hán đã Dao hóa. Cùng với các tác phẩm truyền miệng còn có các tác phẩm khuyết danh bằng chữ nôm Dao. Các sáng tác bằng truyền miệng được diễn đạt bằng ngôn ngữ bình dân nên phong phú và khá phổ biến. Nội dung của văn học dân gian chủ yếu đề cập đến nguồn gốc của dân tộc Dao, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu trai gái,đề cao lao động, kinh nghiệm cuộc sống.

+ Tri thức dân gian

* Cách tính thời gian dân gian: Đối với người Dao, việc tính tớn thời gian rất quan trọng và phải tiến hành thường xuyên để biết thời vụ sản xuất, biết ngày tốt, ngày xấu, ngày cho phép khởi điểm các công việc có tính chất đặt nền móng, biết được những ngày kiêng kỵ không đi làm nương. Song đồng bào không có hệ thống lịch riêng mà chỉ dựa hoàn toàn theo cách tính lịch Trung Quốc. Cách tính tháng hoặc năm, người ta dựa vào chu kỳ mặt trăng như cách tính thời gian theo lịch âm của người Việt, cũng theo lục giáp (10 can, 12 chi) và gọi tên theo tên 12 con vật.

* Cách phán đoán thời tiết, khí hậu: Đồng bào Dao có một số kinh nghiệm phán đoán thời tiết, khí hậu để sản xuất cho kịp thời vụ. Những kinh nghiệm đó đã được đúc kết, tích lũy từ lâu đời trên cơ sở nhận xét sự thay đổi của các hiện tượng tự nhiên như: khi thấy " xâu kỉa piáo" (kiến dọn tổ) thì báo hiệu trời sắp mưa, nếu kiến ở bờ suối dọn tổ thì sắp có nước lũ. Hoa " xấu dòng phăng" (rau muống rừng) nở đỏ rực, báo hiệu không lo rét trở lại, cấy lúa sớm......

* Y học dân gian: dân tộc Dao đã tích lũy được nhiều vốn y học cổ truyền quý giá. Các vị thuốc chủ yếu hái lượm ở rừng, ít khi trồng sẵn. Có loại lấy rễ, có loại lấy lá hoặc vỏ, cũng có loại lấy quả hoặc hoa .... Có vị thuốc sắc uống để chữa bệnh đường ruột, đau xương ...; có vị giã nhỏ để rịt hoặc bó hư chữa gẫy xương, vết thương nhỏ... ; có vị đem đun lấy nước tắm gội, rửa như các bệnh ngứa, lở loét, phù thũng... Nhìn chung có thể chia làm ba loại thuốc chính: thuốc bổ, thuốc trị bệnh và thuốc độc giết hại thú rừng.

V. Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể

1. Quá trình ra đời và tồn tại của lễ cầu mùa của người Dao Đỏ xã Khai Trung: Lễ cầu mùa có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Dao Đỏ xã Khai Trung. Họ quan niệm, vạn vật đều có tổ tiên và người cai quản và đều có linh hồn. Các linh hồn, các vị thần đều có tác động trực tiếp đến đời sống của con người và  để được phù hộ thì phải cúng bái chu đáo. Mong cuộc sống ngày càng ấm no, tốt đẹp hơn đồng bào Dao Đỏ ở Khai Trung đã đều đặn duy trì việc tổ chức Lễ cầu mùa và đây đã trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh lớn nhất trong năm ở địa phương.

Là một cư dân nông nghiệp, người Dao cũng như nhiều tộc người khác, có niềm tin vào vị Thần cai quản mùa màng, làm ra bát cơm hạt gạo, củ sắn, củ khoai (Thần Nông). Với mong muốn luôn có mùa màng bội thu, người an vật thịnh trong năm, người ta tổ chức Lễ cầu mùa vào mỗi dịp đầu xuân năm mới để cầu mong các vị thần linh phù hộ cho cộng đồng một năm mới trồng cấy tốt tươi, con người no đủ, nhà nhà bình an, hạnh phúc.

Theo ông Đặng Phúc Chu, 60 tuổithầy mo có tiếng ở cư trú tại thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên cho biết theo người xưa kể lại rằng: Lễ hội cầu mùa của đồng bào Dao Đỏ ở Khai Trung đã có từ hơn 400 năm nay, được lưu truyền qua 7 đời chủ lễ. Ông còn cho biết: vùng đất Khai Trung từ trước đến nay được gọi là bình nguyên xanh vốn rừng núi hoang vu, nhiều thú dữ phá phách hoa màu của nhân dân. Cùng với đó hạn hán dịch bệnh hoành hành cả năm trời không có một hạt mưa, rộng đồng, cây cối khô cằn  mùa màng thất bát đời sống của nhân dân vô cùng khổ cực, đồng bào thiếu đói. Trước cuộc sống thiếu đói khổ cực ấy đồng bào đã tập trung tất cả thóc ngô còn lại trong bản tiến hành lễ cúng cầu mùa mong cho mưa thuận gió hòa cuộc sống nhân dân bớt khổ. Tiếng kêu than của nhân dân đã thấu đến Bàn Vương - vua của người Dao và các vị thần linh nên đã cho ban mưa xuống cứu cuộc sống của đồng bào.

Chính vì lẽ vậy nên đã thành lệ ba năm một lần cứ vào tháng giêng và tháng bảy nhân dân lại tổ chức lễ hội cầu mùa. Trước là để trả lễ cho Bàn Vương - vua của người Dao, sau là để cầu xin các vị thánh thần ban cho con người sức khỏe, bình an, cầu hồn lúa mong cho mùa màng tốt tươi. Lễ cầu mùa không chỉ cầu cho quốc thái dân an, cầu mùa tươi tốt mà còn là dịp củng cố mối quan hệ giao tiếp.

2. Mô tả về di sản văn hóa phi vật thể:

- Thời gian và địa điểm thực hiện di sản:

+ Thời gian: Lễ cầu mùa diễn vào ngày thân đầu tiên của năm mới và ngày thân tháng 7 âm lịch hàng năm, cứ ba năm tổ chức lễ lớn.

+ Địa điểm: Tại lán thiêng ở thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

- Công tác chuẩn bị lễ cầu mùa.

- Chuẩn bị địa điểm: lễ cúng được diễn ra ở lán thiêng (Sìa lìu)  được dựng ở thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung. Lán thiêng được dựng trên một bãi đất bằng phẳng cạnh hang thờ Triệu Tiến Hùng - ông tổ của người Dao Đỏ ở Khai Trung. Cấu trúc của lán thiêng được dựng như nhà ở của đồng bào nhưng đơn giản hơn gồm ba gian và được lợp bằng cọ, vách làm bằng phên nứa.

- Chuẩn bị bàn thờ: bàn thờ làm bằng hai mảnh gỗ có kích thước dài 1,2m, rộng 0,7m, cao 0,75m, trên bàn thờ đặt cây dấu, ba bát hương được làm bằng ống tre, ba cây sớ được gói bằng giấy đỏ đặt trên ba bát gạo gồm sớ Khai sơn, sớ cầu mùa và sớ cầu phúc lộc; bốn túm gạo đã được đặt vòng bạc to vây tròn gọi là siếu chiên; 15 chén rượu; một con dao; 1 cái búa.

- Công tác chuẩn bị tiền vàng, ngựa giấy: để in tiền vàng và người giấy người ta sử dụng Chụ chậy, mà thây có bốn mặt: Sun pâu (thuồng luồng), tày pâu(con hổ), giàn kên (con ngựa), pày họ (chim hạc). Các con vật này đại diện cho các con đường để đón các thần linh đường không chung, đường bộ, đường sông và đường dưới mặt đất. Người ta quét sơn vào bốn mặt rồi lần lượt in lên giấy bản. Ngựa tiền được làm từ thấp đến cao có loại 24 con, 36 con, 60 con và 120 con. In chẵn bốn bó tạo thành một tòng, 10 tòng tạo thành 1 xe.

- Vật dụng của thầy cúng.

* Tranh cúng: gồm 18 bộ bao gồm đầy đủ các chủ đề về các vị thần từ cao đến thấp.

* Tù và (troong): Làm bằng sừng trâu, dùng để thổi thông báo với thần linh mỗi khi vào lễ hoặc kết thúc lễ.

* Mõ: Làm bằng một ống tre già có khả năng phát ra âm thanh.

* Sách nho (Sâu píu): là các cuốn sách cúng của các thầy được viết bằng chữ nho chỉ những người được cấp sắc 12 đèn mới có thể đọc được.

* Thẻ âm dương (cháo): Thẻ dài khoảng 10cm, làm bằng gốc cây tre vọt nhọn hình móng vuốt, bổ làm 2 mảnh.

* Chuông đồng: Là loại chuông cầm tay, đúc bằng đồng, ở phần giữa trên đầu có làm cán để cầm lắc khi làm lễ.

* Gậy: làm bằng gỗ cong (Ngạ kến) trên đầu gậy có một khối hình vuông.

* Trống: Là loại nhạc cụ phổ biến, trong đó phổ biến là trống tang được bưng bằng có kích thước dài từ 40 – 60 cm, thân trống hình trụ, được trang trí hoa văn đơn giản. Âm thanh trống phụ thuộc vào chất lượng da và độ căng khi bưng, trống giữ vai trò chủ đạo, giữ nhịp cho các nhạc cụ khác và cho bài múa

- Thành phần tham gia trong Lễ cầu mùa.

Thầy "Khoi kiềm sai": ông Phùng Xuân Hương, sinh năm 1960, thôn Tắc Én, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Thầy "Ừ cú sai": Ông Triệu Tài Lục, sinh năm 1966, thôn Khe Dùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Thầy "Khoi tàn sai": Ông Đặng Phúc Chu, sinh năm 1957, thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Thầy "Đàng sai": Bàn Văn Liên, sinh năm 1977, thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Người giúp việc cắt giấy in tiền: Ông Đặng Phúc Lâm, sinh năm 1975, thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

Người giúp việc: Bà Đặng Thị Luyến, sinh năm 1978, thôn Khe Rùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Đàng ton, đàng xiếc: ba cặp nam nữ chưa lập gia đình gồm:

Đàng ton:

           1. Bàn Văn Tuyến, 15 tuổi, thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

           2. Triệu Văn Vượng, 14 tuổi, thôn Khe Rùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

           3. Đặng Phúc Ân, 14 tuổi, thôn Giáp Cang, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

           Đàng xiếc:

           1. Đặng Thị Huyên,13 tuổi, Thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

           2. Bàn Thị Mấy, 13 tuổi, thôn Giáp Chảy, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

           3. Triệu Thị Vân, 14 tuổi, thôn Tắc Én, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

Cùng toàn thể lãnh đạo xã, bà con người Dao trong xã Khai Trung, huyện Lục yên, tỉnh Yên Bái.

- Quy trình diễn ra Lễ cầu mùa

Để chuẩn bị cho nghi lễ cầu mùa ngay từ mấy ngày hôm trước khi tổ chức đồng bào đã họp chọn ngày tốt phù hợp với điều kiện công việc của bản. Trước tiên là phân công công việc cho dân bản chuẩn bị vật liệu để dựng lán và đưa ra mức đóng góp lễ vật phục vụ cho lễ hội. Đồng bào cũng họp bàn để chọn ra bốn ông thầy cúng, một người giúp việc cắt giấy in tiền, một người phụ nữ chăm sóc đời sống và các đàng ton, đàng xiếc.

Cách hai ngày tiến hành lễ hội chính thức bốn ông thầy cúng tiến hành viết sớ và in tiền.

Thầy Khoi kiềm sai phải viết 5 tờ sớ và một số câu đối và Póng: 1 tờ sớ (khoi sên só), 1 tờ sớ (tẩy chiếu só), tờ sớ (khòi sén piằng píu) được viết bằng giấy màu vàng, tờ sớ (khoi sên chửa diểu), tờ sớ (thính sính pẹ póng).

Thầy ừ cú sai viết 8 sớ: Ừ cú só, ừ cú viằng píu, Ừ cú chuấ diển, Ừ cú chổng, Ừ cú quan, Ừ cú tịp, Ừ cú siêu háo tịp, Vìa soong chếp. Thầy cúng Đàng sai viết 1 tờ sớ là sìa hùng só.

Tất cả các tờ sớ này các thầy và các đệ tự thay nhau viết phải hoàn tất trong một ngày.

Sáng sớm hôm chính lễ tại gia đình ông chủ thờ thần linh ở thôn Giáp Luồng mọi người nam, nữ dân bản tập trung đông đủ, lúc này ông chủ thần linh tay cầm bó hương đót sẵn và một một tập tiền và trống nổi lên mời lần lượt xứng mời và đón các vị thần linh rước đến lán thiêng ở thôn Giáp Luồng để chính thức tổ chức lễ cầu mùa.

- Phần lễ

* Bữa cơm khai trương (Khí trị tưu).

Khi các hộ gia đình và bốn thầy cúng đã đến lán thiêng (sìa lìu) đầy đủ thì bắt chuẩn bị bữa cơm khai trương hay còn gọi là Khí trị. Đây là bữa cơm đầu tiên để khai trương mở màn công việc lễ hội. Bữa cơm này dành riêng cho các thầy và đệ tử nên phải đặt ngay ở gian giữa bên dưới bàn cúng. Thay mặt cho các vị thầy và các đệ tử ngồi trong mâm thầy Khoi kiềm sai đại diện khấn báo và mời các vị thần linh về dự lễ. Đó là thần coi bản (Tẩy chiếu miền), tổ tiên các hộ dân bản (Chà phin chiếu chiếu), các vị thánh sư của các thầy cúng (hành phây), cuốn tam thanh thánh thượng ngọc hoàng (phẩm thinh tải tổ phẩy phẩy cồng chồng), thần coi trời (chằng trái miên), thần coi địa phủ (hạ trái miên). Thầy Khoi kiềm sai khấn báo với nội dung "Hôm nay là ngày lành tháng tốt nhân dân của xã Khai Trung tiến hành lễ lễ cầu mùa mời các vị thần Tẩy chiếu miền, chà phin chiếu, hành phây, phẩm thinh tải tổ phẩy phẩy cồng chồng, chằng trái miên, hạ trái miên về dự bữa cơm khai trương mở màn công việc lễ hội và chứng kiến lễ hội cầu mùa của dân bản mong các vị thần linh bảo vệ con cháu coi sóc tổ tiên, cầu mong mọi bình an tiền tài lúa gạo sẽ về với các gia đình trong bản. Mong các vị thần coi sóc bản (tày chiếu miên, tổ tiên (hành phây) và các vị thánh sư của thầy cúng (hành phây) vốn là các thầy cúng cao tay ở thế giới bên kia cõi âm về chứng kiến và đừng để điều gì không tốt sảy ra với con cháu, gọi hồn cơn người và hồn lúa, hồn súc vật bị thất lạc về".  Cùng với việc khấn báo và mời các vị thần linh về dự bữa cơm khai trương và lễ cầu mùa cùng dân bản thầy cúng còn mở chiếc piu (sớ) chiếu theo danh sách bài cúng  tổ tiên cho từng hộ gia đình trong bản.

Để cảm ơn các thầy cúng thì ông chủ thờ thần linh đại diện cho dân bản lấy năm bát rượu đặt ngay ngắn trong chiếc chiêng đồng đưa cho các thầy cúng với hàm ý cám ơn thầy cúng và các đệ  tử đã tham gia vào lễ cầu mùa. Sau đó thầy Khoi kềm sai đại diện cho bốn ông thầy tiếp tục mời và đón tiếp các vị thánh sư của bốn thầy cúng và cuốn tam thanh thánh thượng ngọc hoàng đến dự và nhận lấy bát rượu của sư đệ làm công việc lễ hội cầu mùa cho dân bản được thuận lợi theo ý muốn. Sau mỗi lần khấn mời các vị thần về dự lễ và chứng kiến công việc của bản thầy khoi kềm sai lại gieo một quẻ âm dương xem mọi việc có hanh thông hay không. Lúc này tiếng trống chiêng nổi lên báo hiệu lễ cầu mùa đi vào chính thức.

* Lễ treo tranh và lập bàn thờ.

Sau khi bữa cơm khai trương, các thầy cúng lại tiếp tục công việc lập bàn thờ và treo tranh cúng. Tranh cúng là những hình ảnh linh thiêng nên trước khi mở bao tranh ra các thầy phải tẩy uế, chỉnh sửa quần áo mũ mão chỉnh tề. Thầy Khoi tàn sai và các đệ tử lấy các cuốn tranh ra đặt lên bàn ngăn nắp gọn gàng và từ từ mở ra. Khi đưa tranh ra mỗi lần lấy tranh ra đều đều được được phụ họa bằng tiếng tù và chiêng trống dòn rã. Trong lễ cầu mùa người ta sử dụng 18 bộ tranh bao gồm tranh hình tượng Ngọc hoàng thượng đế, tranh thánh sư, tranh âm binh, tranh thiên tề, địa tề, tranh thần liên lạc, tranh dương tề, tranh thủy tề. Tranh treo cũng theo một thứ tự nhất tự nhất định tranh các vị thần tối cao treo chính giữa các vị nhỏ hơn treo hai bên, dải vải trắng phủ trên hàng tranh tượng trưng cho mũ ngọc hoàng thượng đế để thể hiện sức mạnh của ngài.

Sau khi treo tranh song thầy Khoi kiềm sai cùng các đệ tử chuẩn bị bàn thờ để cúng. Bàn thờ được làm bằng cách mảnh gỗ ghép lại. Bàn thờ có ba bát hương, bốn chiếc vòng bạc đặt trên miệng các bốn gói gạo (siếu chiên), 15 chén rượu, ba cây sớ được bọc giấy đỏ đặt trên ba bát gao bao gồm sớ Khai sơn (khoi sên), sớ cầu mùa (tẩy chiếu só), sớ cầu phúc (ứ cú só) và một số lễ vật như bánh phật (dúa chiang), bánh này được làm bằng gạo nếp đồ chín đổ ra trộn đều với vừng rồi nắm thành hình tròn gói bằng lá chít. Đây là loại bánh đặc trưng không thể thiếu trong lễ cầu mùa của người Dao đỏ. Ngoài ra còn có các đồ vật khác như: một con dao; một cái búa và 12 bó đuốc nhỏ dài khoảng 45-50cm, mười hai bó đuốc đại diện cho 12 họ của người Dao.

* Lễ mời và đón thần linh.

Khi bàn thờ được sắp đặt song thầy "Khoi tàn sai" và các đệ tử mặc quần áo cúng chỉnh tề, buộc các tấm vải sô trắng vào bụng, các tấm vải đỏ lên đầu tay cầm hai quẻ đứng thành hàng ngang từ thầy chính đến thầy phụ. Chiêng trống nổi lên rộn rã là lúc thầy khoi tàn sai và các đệ tử bắt đầu tiến hành các nghi thức dâng lễ mời và đón tiếp các vị thần linh. Các thầy vừa khấn mời vừa gieo thẻ âm dương nếu thẻ sấp thẻ ngửa là được. Sau khi lần lượt đón tiếp các vị thần linh lần hai thì các thầy lại tiếp tục mời đón các vị thần linh coi bản Chắp (tẩy chiếu miên), tổ tiên của các họ dân bản (Chà phin). Chắp tẩy chiếu miên là thần coi bản từ đầu bản đến cuối bản, Trà phin chấu chiếu là tổ tiên của các hộ dân bản. Việc mời và đón tiếp các vị tẩy chiêu miên, Chà phin, hành phây đến chứng kiếm buổi lễ cầu mùa là nhiệm vụ chính của thầy Khoi tàn sai. Tiếp thầy khoi kiềm sai chưa mời ngay các vị thần vì ma quỷ còn xung quanh chìa lừu có thể làm ô uế việc đón tiếp các vị thần nên thầy khoi kiềm sai phải tiến hành vận pháp chấn yểm các vị trí và tẩy uế các vật dụng giao tiếp tế lễ với các thần linh. Các vật được tẩy uế bao gồm các lễ vật ở trên bàn thờ, bát nước phép, cuốn sách cúng và cả thân thể thầy cúng. Cứ mỗi lần như thế thầy cúng lại gieo một quẻ âm dương xem có hanh thông hay không. Thầy khoi kiềm sai cùng với hai thầy cúng khác hợp sức nhau chấn cửa chìa lừu và các vị trí bên ngoài.

Với sự hợp sức của các thày cúng các ma quấy nhiễu nhanh chóng bị đẩy ra xa lán thờ. Thầy khoi kiềm sai và thầy khoi tàn sai dùng tù và thỉnh gọi tẩy chiêu miên, chà phin và hành phây xuống tham gia lễ cầu mùa cùng dân bản. Sau khi thỉnh chung thì thầy tiến hành mời riêng từng người động tác của thầy lúc này gồm đọc khấn kết hợp với thỉnh chuông. Các vị tổ tiên thần linh ứng báo ngay lập tức thầy khoi kiềm sai cử 6 đệ tử ra đón tiếp. Các đệ tử tay cầm màn pên là một thanh tre nhỏ đi vòng quanh nhún nhẩy theo một quy tắc nhất định chuyển động một cách chậm chạp theo chiều ngược kim đồng hồ. Tiếp theo đó là việc các thầy thỉnh mời chắp tam thanh Ngọc hoàng thượng đế là vị thần tối cao có thể gọi là vua; chắp (chẳng cháy miến) thần gửi trời, thần khai thiên lập địa; chắp (hạ cháy miến) thần cai quản địa phủ, cai quản các loại thú trong rừng. Việc đón tiếp các vị thần được tiến hành liên tục ba lần, sau khi đón mời các vị thần đến theo nghi thức các đệ tử phải cúi lậy mời các vị thần xuống ngựa sau đó tiếp tục nghi thức dâng lễ giót trà mời rượu các vị thần vui vẻ hợp binh, hợp tướng. Cùng lúc đó thầy Khoi kiềm sai đứng trước bàn cúng tay cầm mõ đi vòng tròn vừa đi vừa cúng với nội dung báo cáo lý do và nguyên nhân tiến hành lễ cúng cầu mùa của dân bản. Ngoài ra thầy khoi kiềm sai còn báo cáo đầy đủ, tỉ mỉ nội dung công việc phải tiến hành trong buổi lễ được viết trong ba chiếc piu (sớ) được việt bằng chữ Hán đặt trên bàn thờ: piu Khai sơn, piu Phúc lộc và piu Cầu mùa. Theo quy ước thì thầy khoi kiềm sai đọc piu Khai Sơn, Thầy Ừ cú sai đọc piu phúc lộc.

* Lễ dâng tiền, gạo.

Tiếp theo đó là đến nghi thức dâng tiền và gạo. Nghi thức dâng tiền có ý nghĩa trình cho Chà phin, tầy chiếu miên, hành phây biết số tiền mà toàn bộ số tiền mà dân bản sử dụng làm vật dâng cúng. Trong lúc ông thầy Khoi kiềm sai báo cáo với các vị thần thì có một ông thầy là đệ tử của thầy Khoi kiềm sai thay mặt thầy Khoi kiềm sai dâng lễ nộp tiền đầu tiên trong lễ cúng được gọi là (lệ bái miến chấy) số tiền giao nộp, tiền này được nhân dân in cắt từ giấy bản còn thầy khoi kiềm sai và các đệ tử dùng tay bốc gạo ném về bốn phía nhằm chuyển gạo cho tổ tiên và thần linh. Để kết thúc phần nghi lễ đón tiếp các vị thầy thầy Khoi kiềm sai cùng các đệ tử dùng các động tác múa đi vòng tròn năm lần thể hiện cho việc đón tiếp năm vị thần, họ vừa đi vừa cúng mời kết thúc nghi lễ đón tiếp đầu tiên.

Sau khi nghi lễ này kết thúc chuyển sang tiếp tục động tác lệ miến chíp. Trong lễ này các đệ tử phải chuẩn bị các lễ vật để cúng bao gồm 5 cái chén, 5 chai rượu, 4 cái xạ pính đặt trên lá chít, một cái đèn và tiền, chuông đồng và bánh phật. Thầy khoi tàn sai lúc này vừa cúng vừa dâng tiền vàng giao nộp cho các vị thần linh bằng cách hóa tiền vàng thành tiền thần gọi là (xiêuchiây) và tự tay giót rượu ra chén dâng lên các vị thần thỉnh cầu thần linh giúp cho công việc cầu mùa của dân bản gặp nhiều thuận lợi. Sau khi giao nộp tiền vàng song thầy gieo quẻ âm dương để xem mọi việc có hanh thông không, các vị thần linh có đồng ý hay không. Nghi lễ được tiến hành đầy đủ song xuôi thầy khoi tàn sai tiến hành phát bánh mật và mọi người xung quanh cùng được hưởng lộc. 

*  Ngày cúng chính thức.

Khi đồng hồ đã chuyển sang canh thì lúc này ba ông "khoi kiềm sai", "ừ cú sai" và thầy "khoi tàn sai" chuẩn bị trang phục để tiến hành lễ cúng cầu mùa chính thức. Các thầy mặc quần áo thầy cúng đầu đội các hình ảnh của các vị tam thanh đó là (sàn nghẹ, sên tào) mỗi thầy đội một hình ảnh khác nhau. Thầy "khoi kiềm sai" đội hình ảnh của đạo đức thiên tôn, thầy "ừ cú sai" đội hình ảnh nguyên thủy thiên tôn, thầy "khoi tàn sai" đội hình ảnh của linh bảo Thiên tôn. Đây chính là ba bức tranh ở vị trí trung tâm của bộ tranh Đại Đường. Ba thầy bắt đầu tiến hành nghi thức pháo (tòm diền goăng) để nghênh đón các vị thánh sư của ba ông thầy cúng đến phù hộ và hỗ trợ giúp cho ba đệ tử làm công việc lễ hội cầu mùa. Khát vọng để nhìn thấy các vị thầy của mình được các thầy cúng thể hiện bằng điệu múa "páo goen" đặc sắc các thầy phụ tay cầm chuông, chân bước đi chậm chạp vừa đi vừa nhúm một cách nhịp nhàng nhuần nhuyễn. Nghi lễ đón tiếp thánh sư được các thầy thể hiện một cách trang trọng, các thầy cùng các đệ tử đi theo vòng tròn chân bước ngược kim đồng hồ, tay đưa lên cao tay và chân kết hợp nhịp nhàng thể hiện sự bày tỏ tấm lòng tôn sư trọng đạo, gắn bó trung thành giữa thầy và trò. Nghi lễ này là cơ hội cho các thầy cúng thể hiện tài năng trước các vị thánh sư là những người thầy của mình. Các thầy vừa đi vòng tròn tay cầm nến, đèn vừa đi vừa khấn dâng đèn và nến cho các thánh sư để thể hiện lòng biết ơn công lao to lớn của các vị thần đối với dân bản.

Tiếp đến là bài "tiếp diềng goeng" tức khấn mượn đèn được tiến hành khi các thầy cúng đi mời "sài tía", theo phong tục của người Dao Đỏ chiếc đèn là một vật tượng trưng rất đặc biệt rất nó không chỉ là phương tiện giao cảm giữa thế giới thần linh tổ tiên và  thế giới con người mà còn biểu hiện cho vị thế và quyền năng của một thầy cúng. Trong nghi lễ cấp sắc thành đinh cấp số lượng đèn ban cấp càng lớn thì vị thế của người được phong sắc càng cao về nguyên tắc chỉ những người đàn ông được cấp sắc tùy theo từ 3 đèn, 7 đèn hoặc 12 đèn thì mới có quyền đảm nhiệm vai trò làm thầy cúng và lập bàn thờ tổ tiên. Chính vì thế người Dao rất coi trọng đèn và đèn có thể xem là một vật tối linh trong thế giới tinh thần của họ. Thầy Khoi tàn sai và các đệ tử mang đèn đi đón được "Sài tía" thì bày ra bữa tiệc rượu để chúc mừng . Bữa tiệc khá giản dị nhưng trạng trọng, thầy ngồi xuống chiếu ghế đối diện với các vị thánh sư vừa tiếp rượu vừa đọc bài cúng mừng có tên gọi "On diềng goàng". Sau khi mời được các vị thánh sư đến các ông thầy lần lượt thay nhau đi vào nhiệm vụ chính của mình.

*) Nghi lễ do thầy "Khoi kiềm sai" đảm nhiệm: Các đệ tử làm nhiệm vụ sắp xếp các tờ sớ, tiền, tiền ngựa, hương đèn được đặt trên tấm ván hay còn gọi là "Vần thoi" được kê sẵn ở hiên lán (Sìa lìu) để tiến hành cúng khao chúng sinh. Sau khi lễ vật đã được chuẩn bị song thầy khoi tàn sai đứng trước bàn cúng khao chúng sinh lần lượt mời các vị thần phù hộ. Trong lúc đó thầy khoi kiềm sai ra ngoài hiên lán (Sìa lìu) chân bước lên tấm ván (khoi vần) miệng khấn để đón tiếp mời Ngọc hoàng đại đế xuống trần gian để chứng giám lễ cầu mùa của dân bản. Sau khi  được thầy khoi kiềm sai báo cáo lý do và nguyên nhân giao nộp tiền giấy, tiền ngựa đầy đủ xong. Tờ sớ viết bằng giấy mầu vàng với nội dung báo cáo với ngọc hoàng đại đế về việc tiến hành lễ cầu mùa. Sau đó thầy khoi kiềm sai nhẹ nhàng cho tờ sớ vào phong bì kèm theo tiền ngựa để cúng trình tấu lên Ngọc Hoàng thánh thượng lão quân. Mỗi lần trình tấu lễ vật song thì thầy khoi kiềm sai lại gieo quẻ âm dương xem Ngọc hoàng, thánh thượng lão quân đã tiếp nhận hay chưa và mọi việc có hanh thông hay không. Sau khi mọi biết việc hanh thông thì tiếp đến các thầy bắt đầu điệu múa xuất phanh (tức múa xuất quân), là một nghi thức miêu tả cuộc tranh đấu giữa con người và thế lực tà ác. Để chống lại ma quỷ con người dùng mọi vũ khí khác nhau. Theo lời cúng mở đầu xuất phanh thì sức mạnh của dân bản dựa vào các vũ khí được các vị thần linh ban sức mạnh cho. Các vị thần đã dùng phép thuật để biến hóa con dao, cái búa, và 12 bó đuốc, cung tên để dùng để làm vũ khí tiêu diệt yêu ma ở khu rừng u tối. Trên chiến trường tưởng tượng vô cùng ác liệt người ta nghe thấy xen lẫn tiếng trống trống trận là tiếng tiếng hò reo và tiếng binh khí va chạm nhau chan chát. Vừa đánh vừa đỡ các chiến binh chuyển dần cục diện sang thế thắng cuối cùng đã đến được sào huyệt của ma qủy. Đó là một khu rừng tăm tối có nhiều đá cứng lởn chởm và những dòng nước độc mà không sinh vật nào sống nổi, đất đá nhiều không canh tác được. Bị khống chế bởi sức mạnh của bùa phép ma quỷ nằm yên không dám nhúc nhích.  Sau khi bao vây canh giữ cẩn thận khu rừng ác thì họ chấn yểm bàn thờ và các vật cúng. Nghi thức chẩn yểm rất tỉ mỉ những đồ vật được yểm bùa được gọi tên đích danh và tẩy uế. Sự bình yên lại trở về với bản làng của người Dao ở Khai Trung.

Khi thế lực đen tối đã bị tiêu diệt, khu rừng đen tối đã được trấn yểm lúc này thầy "khoi kiềm sai" lập lên khu rừng mới (còn gọi tẩy mẩy kềm) để dân khai phá canh tác. Thầy khoi kiềm cùng đệ tử đã dùng các vũ khí có trong tay  như búa, dao, lửa, nước, gạo đã chặt cây, đập vỡ đá cứng đốt nương làm rẫy, khơi phá nước độc khai hoang trồng lúa, trồng ngô. Nhưng lúc này trong khu rừng mới có đến 12 cái mặt trời chiếu xuống khu rừng nên bắt buộc các thầy đã dùng lửa để bắt bớt 10 cái mặt trời chỉ để lại 2 cái, một cái là mặt trăng còn  một cái là mặt trời để có ngày có đêm phục vụ cuộc sống của dân bản. Sau khi làm lễ khai phá lập rừng mới song các thầy làm lễ nhập rừng cho dân bản. Ma quỷ không còn nơi ẩn náu nữa đã bị dồn lên thuyền ma. Đây là một phương tiện đặc biệt thuyền được đan bằng nứa bên ngoài trang hoàng bằng giấy màu bên trong để nhiều tiền vàng để thu hút, hấp dẫn ma quỷ, một khi ma quỷ đã lên thuyền sẽ không còn đường xuống phá phách dân bản. Thầy "Khoi kiềm sai" vừa dụ dỗ vừa dùng phép thuật ép buộc ma quỷ lên thuyền đi đến nơi thật xa chân trời phía tây không bao giờ quay về quấy nhiễu con người.

Khi mọi việc đã hoàn tất các thầy tiếp tục nghi lễ múa cúng thu quân đồng nghĩa ăn mừng chiến thắng của đồng bào Dao ở Khai Trung. Nghi lễ múa thu quân bao gồm ba phần khác nhau: là troang ngằn, sịt phuông, thiện quyên. Với mục đích thu quân ăn mừng còn có ý nghĩa cảm tạ các vị thần linh, thánh binh, tổ sư những đấng tối cao có quyền lực  vô song đã giúp đỡ dân bản trừng trị ma ác lập lên khu rừng mới tươi tốt hơn cho nhân dân canh tác. Để bày tỏ tấm lòng biết ơn của mình dân bản mang rượu, tiền gạo ra thiết đãi các ân nhân. Giống như một cuộc đưa tiễn trước tiên các đệ tử của thầy "khoi kiềm sai" dùng đèn để làm phép mở đường, sau đó dùng ngựa để chở hết tiền vàng sang thế giới bên kia giao nộp cho Ngọc Hoàng đại đế và các vị thần linh.  Nghi thức đưa tiễn Ngọc Hoàng đại đế, Thái Thượng lão quân về điện trời được tiến hành từng bước, có bốn hồi tù và tiễn đưa từng bước lên trời. Mở đầu nghi thức đưa tiễn thầy "khoi kiềm sai" đã dùng cháo để gieo quẻ xin mở và đóng cổng trời. Thầy "khoi kiềm sai" gieo bốn tương ứng với bốn cửa ở bốn phương đông, tây, nam, bắc mở đón Ngọc Hoàng đại đế và các vị thần linh về trời sau đó xin đóng các cửa đó lại.

Sau khi đưa tiễn song các thầy cúi lậy cảm tạ ơn các vị thánh sư đã phù hộ các đệ tử làm song công việc ở sân bãi và mong muốn Ngọc Hoàng thượng đế và các vị thần linh sau khi về trời luôn nhìn xuống dân gian phù hộ cho nhân dân Khai Trung. Công việc của thầy "khoi kiềm sai" tạm dừng ở đây.

*) Nghi lễ cúng Đàng: Tiếp tục công việc là nghi lễ cúng Đàng và cầu hồn lúa diễn ra cùng một thời gian. Nghi lễ cúng Đàng (cúng Bàn Vương). Đây là công việc chính của thầy "Đàng sai". Công việc chuẩn bị cúng Đàng diễn ra rất cẩn thận và khắt khe. Những người giúp việc được cử đi bắt lợn cúng đàng phải hết sức cẩn thận và lưu ý không được nói to, cười đùa phải tuân thủ sự hướng dẫn của thầy cúng. Trước khi giết mổ, nơi và vị trí giết mổ phải được tách riêng một nơi khác và phải đào một cái hố để thải những chất bẩn, tuyệt đối không được để những chất thải bừa bãi, không để súc vật tha đi.

Lễ vật cúng Đàng bao gồm: 1 con lợn, 1 bát hương, 1 chén nước lá, 6 cái chén đặt hàng ngang, 1 hũ rượu bầu, 1 ống nứa để rót rượu mời thầy, 7 túm tiền treo trên bàn, bánh chay, 1 bát rau xanh, một túm gạo có vòng bạc, một tờ sớ, sách cúng (tồm cháo sâu), một cái chuông đồng, một bộ áo thêu (và phà chìm sền tào tái), thịt chuột.

Bàn thờ cúng Đàng được làm ở một gian khác có vách ngăn kín đáo chỉ để lại một cửa đi lại ra vào. Gian này chỉ được giành riêng cho việc cúng đàng, thầy cúng đàng ton, đàng xiếc và người chăm sóc đời sống đàng ton, đàng xiếc có phận sự mới được vào.

Lợn dùng để cúng trong nghi lễ này dùng cả con đặt trên bàn cúng. Khi mọi việc chuẩn bị song các "đàng ton đàng xiếc" chuẩn bị quần áo chỉnh tề đầu đội mũ "phà chìm sền táo tài". Khi tất cả chuẩn bị song sẽ đứng thành hàng sau thầy cúng, đôi nam cao nhất đứng giữa một nam tay cầm "chiằng muẩ cấu" còn người nam còn lại cầm kèn nứa (vành sui tuấ ty) và nữ cao hơn đứng ở giữa đầu đội khăn cưới hở mặt đứng thành hàng ngang. Lúc này thầy cúng đàng sai mới bắt đầu nghi lễ đón tiếp các vị thần. Đó là các vị thần long thành cao Vương thánh chủ (lồng chình cồ lùng sính chiếu), thần Ngã sơn binh mã (ừ chề pành mả) và đón tiếp thánh sư vị thầy của các thầy cúng cùng các vị tổ tiên đến dự buổi lễ cầu mùa. Sau khi thầy lần lượt đón tiếp các vị thần xong cũng như mọi nghi lễ khác thầy trình bày lý do và nguyên nhân mời các vị thần linh xuống trần gian để tham dự buổi lễ của bà con dân bản xã Khai Trung cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống của nhân dân gặp nhiều may mắn.

Tiếp theo thầy cúng dâng trà và mời rượu các vị thần. Trong nghi lễ này có một điều đặc biệt dâng trà và dâng rượu thì dâng riêng từng vị thần không được phép mời chung. Sau đó tiến hành dâng nộp tiền cho các vị thần linh, việc dâng lễ giao nộp tiền không đơn giản phải báo cáo tỉ mỉ chi tiết mọi việc phải làm trong nghi lễ. "Diệu tê" là tên điệu múa miêu tả các động tác giao nộp tiền với các vị thần linh. Đối với thầy cúng dùng "sạn phún" không chỉ là vũ khí đắc lực dùng tiêu diệt yêu ma mà còn để chuyển tiền sang thế giới bên kia. Tiếp đó "Thầy khoi tàn" dùng thẻ âm dương hỏi các vị thần số lượng lễ vật dâng cúng họ đã nhận đủ các lễ vật hay chưa. Dâng lễ song các vị thầy cầu xin cho dân bản luôn được khỏe mạnh, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho mùa màng được tốt tươi, gia súc gia cầm sinh sôi nảy nở, phúc lộc đầy nhà.

Sau nghi lễ dâng nộp tiền là nghi lễ là "chuổi chị lô nhần". Nghi lễ này được coi trọng hàng đầu đòi hỏi hết sức cẩn thận và nghiêm ngặt khắt khe. Trong nghi lễ này các đệ tử phải đặt thêm một bàn cúng ở dưới. Lễ vật trong nghi lễ này chỉ có món thịt chuột, trong những đệ tử phục vụ nghi lễ này cử ra một người hết sức cẩn thận mang thịt chuột đi chặt nhỏ để sào chín không được cho muối, không nếm thử và được mang ra cho vào 6 bát, 6 đôi đũa. "Đàng sai" phải chọn 6 người nam giới có tuổi, hiểu biết về chữ Hán và đã trải qua cấp sắc bảy đèn. Những người được chọn ngồi vào bàn cúng đó phải nghiêm túc không được ngồi kê chân, không nói thô tục và tuân theo sự hướng dẫn của thầy cúng. Khi mâm lễ đã chuẩn bị hoàn tất thầy "Đàng sai" tay cầm một tập tiền mời các vị thần linh đến dự mâm lễ này và nhận mâm lễ vật này.

Mở đầu bài cúng các thầy mời các vị thần đến dự ăn uống, ngồi vui vẻ nghe các thầy và các "Đàng ca" hát cho các vị thần nghe. Nội dung của các bài hát trong sách chữ Hán kể về sự ra đời và di cư của tộc người. Xưa kia, khi cuộc sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn cuộc sống nay đây mai đó, hạn hán thiên tai dịch bệnh liên miên đe dọa cuộc sống của đồng bào. Trước cuộc sống khó khăn đồng bào đã cùng nhau đóng bè vượt biển khơi tìm cuộc sống mới tươi đẹp hơn. Trong lúc hoảng loạn đồng bào đã cầu khấn thần Ngũ Sơn binh mã, Long Thành cao vương thánh chủ và Tô Liên đến phù hộ cho thuyền vượt biển may mắn đến bờ. Nhờ sự giúp sức của các vị thần linh, thuyền đã cặp bờ an toàn mọi người hân hoan vui mừng phấn khởi lên núi dùng giây bắt lợn rừng về để cúng tạ ơn các vị thần. Mọi người hân hoan ca hát phục vụ các vị thần.

Tiếp tục chương trình cúng Đàng thầy "Đàng sai" cùng ba cặp nam nữ là các "Đàng ton", "Đàng xiếc" cùng ra ngoài bãi để tiếp tục nghi lễ cúng. Thầy cúng tiếp tục động tác vừa đọc cúng kể công ơn của các vị thần linh vừa đi vòng tròn từ trái sang phải thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của dân bản. Cùng với thầy cúng thì các đàng ton và đàng xiếc vừa múa vừa hát tiếp tục phục vụ các vị thần. Tiết mục múa này có tên gọi (thiắng quyía phà lụa cò chiằng síe diển có khiuố) cũng là tiết mục kết thúc bài cúng theo cuốn sách nho. Song tiết mục múa thầy đằng sai lấy một sấp tiền mua lấy lá gan lợn thái nhỏ sào chín và nấu canh đem ra bát xắp lấy 13 bát canh đặt lên bàn cúng lễ tạ ơn 6 người là chuổi chị lô nhần và ba cặp năm nữ "Đàng ton", "Đàng xiếc" đã hưởng ứng bài cúng ca hát. Khi mọi người thụ lễ song "Đàng sai" tiếp tục lại gieo quẻ âm dương để xem các thần linh đã nhận đủ tiền và lễ vật cúng chưa, mọi việc có hanh thông hay không. Sau bài cúng và xin âm dương thầy "Đàng sai" và 6 người chuẩn bị (chuổi chị lò nhần), ba cặp "Đàng ton", "Đàng xiếc" cùng nhau khiêng bàn cúng ra ngoài bãi sân để cúng theo cuốn sách (ghieng ghiắng xuất cành). Sách này có nội dung tạm thời tiễn đưa vị thần cao tay về nơi xuất xứ và hứa từ nay nay con cháu sẽ không làm cúng Đàng nữa, cầu mong được các vị thần phù hộ cho nhân dân của bản. Sau nghi lễ này thì thầy cúng và ba cặp "Đằng ton, "Đàng xiếc" phải chỉnh sửa gọn gàng để đón tiếp các vị thần lần thứ hai. Lần này chỉ đón tiếp hai lần không cần những nghi lễ cầu kì như lần đầu đón tiếp.

Thầy cúng tay cầm thẻ âm dương miệng khấn mời các vị thần xuống chứng kiến phù hộ cho nghi lễ cúng Đàng của đồng bào Dao Khai Trung vừa cúng thầy vừa gieo quẻ xem mọi việc có hanh thông hay không. Khi việc mời các vị thần đã tiến hành xong thì tiếp tục nghi lễ dâng trà dâng rượu kính dâng lên các vị thần. Những người phụ việc chuẩn bị sẵn một chiếc bàn và bốn chiếc ghế xung quanh thầy ngồi đối diện với bàn thờ có sẵn vừa khấn vừa dâng rượu và tiến hành báo cáo lý do cúng lễ này để cảm tạ các vị thần đàng đã giúp đỡ phù hộ cho dân bản có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau đó là đến nghi lễ dâng tiền giao nộp lần thứ cho các vị thần. Tiền giao nộp được để trong chiếc sàng to dải đều ra sau đó thầy cúng vừa khấn vừa dùng "sạn phún" chỉ vào chỗ tiền dâng nộp với dụng ý đang dâng nộp tiền.

Cùng lúc đó các "đàng xiếc", "đàng ton" cùng nhau múa điệu múa dâng tiền một các uyển chuyển, tay đưa lên nhẹ nhàng, chân bước đều theo chiều kim đồng hồ. Sau điệu múa thầy cúng đưa toàn bộ tiền vàng đên trước bàn thờ mang hết số tiền vàng vừa cúng để đốt chuyển cho thế giới thần linh. Việc đốt hóa tiền vàng là biện pháp duy nhất của người Dao để giao nộp tiền. Thầy cúng tay dùng "sạ phin" vừa múa vừa cúng thể hiện các động tác giao nộp tiền cho các vị thần. Tiếp đến thầy cúng lại tiếp tục dùng thẻ âm dương gieo quẻ xem các vị thần đã nhận được đầy đủ lễ đã giao nộp chưa và thỉnh cầu các vị thần giúp dân bản hoàn thành mong muốn của dân bản có một năm với mùa màng tốt tươi. Cùng với việc dâng tiền nhân dân còn coi là nghi lễ trả lẽ cho các vị thần trong suốt năm qua giúp đỡ bảo vệ dân bản.

Tiếp tục thầy cúng lại làm nghi lễ cúng theo sách hứa hay còn gọi là tan háu nhủn. Đây là cuốn sách màu trắng và được tháo gỡ thành từng mảnh nhỏ xíu và được tháo gỡ ba lần mới song. Mỗi lần tháo gỡ thầy đều phải gieo que âm dương để xem các vị thần đã đồng ý hay chưa, các thần đa cho tháo gỡ hoàn toàn hay chưa. Khi thẻ âm dương một mặt sấp một mặt ngửa là được các vị thần đã đồng ý các thầy tháo gỡ hết ba lần. Tiếp đó thầy cúng lấy một bát nước đã được chuẩn bị trước và dùng sách phép thuật biến hóa thành nước Thái Thượng Lão Quân để giải uế cho các vị tổ tiên thánh sư và tất cả các lễ vật cúng trong nghi lễ này. Dùng nước phép để giải hết ô uế trước khi vào nghi lễ là một việc quan trọng mà trong bất kể nghi lễ nào của người Dao cũng  phải tiến hành. Thầy cúng vừa đọc khấn vừa dùng "sạ phin" như cây gậy phép vẩy nước thánh vào các đồ vật. Khi tất cả được giải uế song thầy cúng lại tiếp tục dâng tiền lần thứ 2 để tạ ơn các vị thánh sư và các vị thần đến giúp đỡ thầy cúng tiến hành song buổi cúng. Lúc này thầy cúng vừa khấn vừa đốt hóa thành tiền thần chuyển hóa thành tiền âm và từng bước chuyển đến nơi cho các vị thần. Song nghi lễ chuyển tiền thì cũng là lúc kết thúc nghi lễ cúng đàng. Lúc này thầy cúng tiến hành mời các vị thần linh, tổ tiên và thánh sư về về điện xuất xứ. Thầy "Đàng sai" và ba cặp "Đàng ton", "Đàng xiếc" vừa cúng vừa múa theo sách cúng mời các vị thần về điện. Thầy cúng hai tay vắt chéo vào nhau một tay cầm bát hương còn một tay cầm chén nước chân bước lùi về phía sau nhịp nhàng vừa đi vừa khấn nhẩm thần chú. Cùng với đó, "Đàng ton", "Đàng xiếc" cũng múa phụ họa tay đưa lên cao bước lùi chân về phía sau theo quy tác nhất định. Kết thúc cuốn sách cúng thầy cúng đi ra cửa quỳ xuống đất tay úp lên bát hương còn một tay úp chén nước xuống đất mỗi thứ úp ở một bên cửa. Nghi lễ này làm phép để chấn yểm bảo vệ khu vực cúng đàng. Kết thúc nghi lễ này là kết thúc nghi lễ cúng Đàng.

*) Nghi lễ cầu hồn lúa: Theo quan niệm của đồng bào Dao ở Khai Trung hồn lúa là yếu tố quyết định sự thành bại của vụ mùa. Bởi vậy hồn lúa được đồng bào thờ cúng và cầu viện mỗi dịp sắp sửa gieo trồng. Nghi lễ cầu hồn lúa này là do thầy "Ừ cú sai" phụ trách. Trước khi tiến hành nghi lễ thầy "Ừ cú sai" cho các đệ tử đi gom các lễ vật do dân bản mang đến. Mỗi gia đình trong bản góp một ít nông sản tùy tâm do gia đình sản xuất ra để làm lễ vật. Có nhà mang từ một đến hai cân thóc, ít hạt giống rau hay mang một đến hai bắp ngô buộc vào nhau có ghi rõ tên chủ hộ để đến khi thầy cúng tán lộc của nhà ai mang về nhà đó làm giống để cấy cày vụ sau.

Khi bắt đầu vào lễ thầy "Ừ cú sai" cùng các đệ tử sắp xếp bàn cúng ngay ở cửa ra vào. Thầy cúng phải chuẩn bị hai bàn thờ, một bàn thờ trong nhà và một bàn thờ ngoài hiên lán. Bàn thờ bên ngoài gồm có một bát hương, một chén nước, năm chén rượu, một chai rượu, tiền âm và ngoài ra còn có một cái mẹt đựng thóc, ngô, một cái cân. Bàn thờ cúng đặt ở ngoài cửa được đặt một con gà trống đã được chế biến sẵn và trứng gà. Nghi lễ cúng ở ngoài song mới thực hiện nghi lễ cúng ở trong. Sau khi chuẩn bị song mọi thủ tục thầy "Ừ cú sai" bắt làm nghi lễ cúng. Đầu tiên thầy cúng thực hiện nghi lễ "Thiăm pái" là nghi lễ quan trọng đón thánh sư về phù hộ công việc. Nghi lễ này có ý nghĩ tôn sư trọng đạo, thể hiện sự thân thiết gắn bó giữa thầy và trò tiếp thêm sức mạnh cho các thầy cúng. Tiếp tục công việc thầy cúng bắt đầu công việc mời Ngọc Hoàng đại đế và các vị thần linh đến phù hộ yểm trợ cho lễ cầu mùa may mắn, thành công. Thầy "Ừ cú sai" ra hiên lán chuẩn bị một tấm ván còn gọi là Vần thoi với mục đích làm cầu nối để đưa Ngọc Hoàng đại đế xuống trần gian. Trong nghi lễ cầu mùa thì việc đón tiếp Ngọc Hoàng đại đế là rất quan trọng. Đây là vị thần không thể thiếu trong nghi lễ cầu mùa của người Dao. Ngọc Hoàng đại đế là người có uy lực nhất trong vũ trụ dùng phép thuật giúp trời đất thuận hòa, cây cối tốt tươi. Mở đầu thầy ừ cú sai dùng tù và thổi ba hồi liên tục với mục đích mời Ngọc Hoàng đại đế xuống dự lễ cầu mùa. Sau đó thầy cúng bắt đầu khấn mời, vừa khấn thầy vừa dùng thẻ âm dương gieo quẻ để xem có được không. Sau khi đón tiếp Ngọc Hoàng song thầy "Ừ cú sai" tiếp tục khấn nói rõ lý do nguyên nhân cúng cầu mùa. Nội dung khấn như sau "Hôm nay là ngày lành tháng tốt nhân dân Khai Trung tổ chức lễ cúng cầu mùa. Tổ chức lễ cầu mùa mong đón hồn lúa, ngô còn bơ vơ còn sót lại trên nương về cùng dân bản, thu hết tất cả hồn lúa về nhà để vụ sau lúa được tốt tươi. Kính mong Ngọc Hoàng đại đế phù hộ cho dân bản có một vụ mùa bội thu, cây cối tốt tươi".  Cùng với đó thầy cúng còn dâng các sớ cầu mùa đó là những tờ sớ (ừ cú diển), sớ (ừ cú viằng píu). Những tờ sớ này được cho vào chiếc phong bì màu vàng và đặt ngay ngắn cùng với tiền ngựa. Những tờ sớ này cũng ghi đầy đủ nội dung chi tiết lễ cầu mùa và mục đích tổ chức. Sau khi khấn nói rõ lý do tổ chức cầu mùa với Ngọc Hoàng đại đế thì thầy ừ cú sai tiếp tục giao nộp tiền ngựa, vừa giao nộp thầy vừa khấn và gieo quẻ âm dương xem Ngọc Hoàng đã nhận được đầy đủ lễ vật chưa. Tiếp tục thầy cúng dùng động tác dọn đường, thu phục ma đói sang một bên để tiến hành nghi thức bắc cầu qua sông sâu, qua núi cao để binh ngựa đi qua đến nơi hồn lúa xuất xứ, hồn lúa đi lạc để đón hồn lúa về đưa đến nơi có nhiều phúc lộc, kim ngân. Thầy cúng vừa khấn vừa múa với các động tác uyển chuyển tay đưa từ trên xuống dưới sau đó từ trái đưa sang phải, chân bước vòng tròn theo hướng ngược kim đồng hồ.

Sau khi thầy làm các động tác đó song thầy tiếp tục đem các tờ sớ còn lại trình báo với các vị thần và đốt hóa các tờ sớ với một tập tiền. Tập tiền này là tiền đi đường và dẫn đường các tờ sớ sang thế giới thần linh để các thần có thể nhận được sớ. Sau khi đốt hóa các tờ sớ này thì tổ tiên của các họ dân bản được thánh sư của các thầy cúng cùng lên đường để tìm kiếm hồn lúa, hồn ngô, phúc lộc, kim ngân, trâu, bò, bò, lợn, gà. Khi đã tìm được hồn của tất thì thầy cúng vừa khấn và gieo quẻ âm dương xem mọi việc tìm hồn lúa đã được chưa để tiếp tục thực hiện quy trình thu gọi hồn lúa, ngô, trâu bò, kim ngân. Thầy cúng tiến hành nghi thức cân thóc. Để cân thóc thầy phải tiến hành nhiều nghi thức kèm theo lần đầu thầy cúng dùng dao điểm vào cân để không có điều gì làm sai lệch, cài tiền vào các bó thóc và các gói hạt giống để làm tăng khả năng sinh sôi của hạt giống. Một nghi thức quan trọng nhất là phải tưới nước bón lúa thầy cúng dùng sách phép thuật biến hóa bát nước thành nước suối trong lành để tưới cho cây ngô cây lúa tốt tươi. Sau đó thầy cúng tung các hạt gạo về bốn phương để hồn lúa nhập vào bó cây và hạt giống của từng gia đình. Sau khi thực hiện song các nghi thức song thầy cúng mắc tất cả các lễ vật và hạt giống vào cân vừa cúng vừa đi vòng tròn để các hồn lúa về ngự ở các bó giống, các gói hạt rau thầy cúng trả về các gia đình kèm theo các lời chúc năm mới sức khỏe dồi dào và ngày mùa bội thu. Các gói hạt giống này sẽ đưa hồn lúa về với gia đình để giúp làm cho kho thóc sinh sôi, nảy nở đồng thời đem lại sức khỏe, hạnh phúc cho gia đình. Sau đó thầy cúng lại tiếp tục lễ cân thóc lần 2 là cách thức độc đáo để dự đoán mùa màng năm mới. Số lễ vật cân lại sau khi cúng nặng hơn ban đầu thì mùa màng năm tới sẽ bội thu, cây cối tốt tươi. Cùng với việc cúng ở hiên nhà thì mâm cúng ở bên trong cũng được tiến hành nhưng không phải do thầy ừ cú sai thực hiện mà thầy nhờ một thầy khác. Thầy này sẽ làm nhiệm vụ cúng để cùng với thầy ừ cú sai đón thần lúa, ngô và các nông sản vào nhà. Khi việc đón hồn lúa diễn ra song thì các thầy cùng dân bản ăn uống khao làng để chuẩn bị phụ giúp cho dân bản việc canh tác trồng cấy, mùa màng tươi tốt.

Không chỉ gọi hồn lúa, hồn ngô mà thầy "Ừ cú sai" còn phải cầu thêm binh mã giúp cho dân bản gọi và thu binh về mọi nhà. Quy trình này cũng được tiến hành một cách bài bản hai lần. Thầy cúng lậy bốn phương tay cầm lá cờ vừa khấn vừa múa mời âm long binh dương long tướng về. Tướng âm long binh dương long tướng khi về được buộc vào lá cờ với mong muốn tướng về bảo vệ dân bản có cuộc sống ấm no, mùa màng tốt tươi. Sau đó thầy "Ừ cú sai" tay cầm lá cờ có vô số âm binh dương long tướng cùng một đệ tử cúng gọi là (tỏi ừ cú) tay cầm cây nứa có lá buộc sẵn một nắm lúa và vài bắp ngô vừa múa vừa khấn với mục đích đưa hồn ngô, hồn lúa, binh âm, binh dương về mọi nhà. Sau khi kết thúc công việc thầy "Ừ cú sai" ra tấm vắn (vần thoi) thổi ba hồi tù và báo hiệu đưa tiền ngựa tạ ơn Ngọc Hoàng thượng đế, các vị thánh sư và tổ tiên của các gia đình. Tiếp đó thầy cúng bắt đầu hóa tiền ngựa để chuyển hóa cho các vị thần linh.

Khi nghi lễ chuyển hóa tiền song thầy cúng bắt đầu nghi thức tiễn đưa Ngọc Hoàng thượng đế về trời.Việc tiễn đưa Ngọc Hoàng thượng đế về trời cũng được tiến hành từng bước. Mở đầu Thầy "Ừ cú sai" thồi bốn hồi tù và sau đó khấn bốn hướng và gieo quẻ xin mở bốn phương cổng trời để đón Ngọc Hoàng thượng đế về điện. Khi gieo quẻ thấy mọi việc đã hanh thông cửa điện đã mở thi thầy khẫn tiễn Ngọc Hoàng và mong ngài phù hộ cho dân bản có một năm mới có vụ mùa bội thu, dân gặp nhiều may mắn sức khỏe, bình an.

Sau khi các thầy "Khoi kiềm sai", "Ừ cú sai",  "Khoi tàn sai" làm song nhiệm vụ của mình thì tất cả cùng tập trung vào nghi lễ cúng cuối cùng giao nộp lễ vật và khao quân. Lúc này các đệ tử và người giúp việc nhanh chóng lấy con lợn và lễ vật bày ra bàn như bánh phật (ghiuố chiăng), xạ pinh, tiền giấy, tiền ngựa, tiền hứa cầu khấn, chén rượu. Số lễ vật này được chia làm hai vị trí khấn: vị trí đầu tiên còn được gọi (tòng hấu chẩy mả) dùng một cái mâm đặt trên bàn đã chuẩn bị sẵn bao gồm có 7 cái chén được đặt theo vòng tròn và bên trong được đặt tiền ngựa, xạ pính và tiền hứa, rượu được chia làm 4 chai riêng được bày ở các vị trí nhất định, đèn dầu, chuông đồng. Vị trí thứ hai còn được gọi (xùng panh) gồm có năm cái chén đặt ngang hàng, tiền ngưa, xạ pính. Khi lễ vật đã chuẩn bị song thầy "Khoi kiềm sai" cùng với một thầy phụ chuẩn bị quần áo chỉnh tề, mặc áo cà sa là áo dành riêng cho các thầy cúng, đầu đội khăn. Hai thầy đứng ở hai đầu bàn thầy bên trái gọi là "Óm dung" đề ra một bài cúng còn thầy bên phải "Tào dung" trả lời bài cúng, các thầy hỏi - đáp qua lại theo làn điệu dân ca hay còn gọi là "Pá dung". Nghi thức cúng hát giữa hai thầy diễn ra trong khoảng 30 phút.           

Khi nghi thức song thầy "Khoi tàn sai" cùng các đệ tử tất cả gồm có 4 người ngồi vào ghế dùng chuông đồng thỉnh mời các vị thần linh, tổ tiên, thánh sư ngồi vào mâm uống rượu và mời trà. Đây là lần mời các vị thần linh cuối cùng trong nghi lễ cầu mùa. Các thầy vừa khấn vừa thỉnh chuông mời các vị thần linh uống rượu, uống trà cùng dân bản.

Sau khi đón tiếp đầy đủ, lúc này thầy "Khoi kiềm sai", thầy "Ừ cú sai" và thầy "Khoi tàn sai" cùng một đệ tử đã được chọn sẵn làm nghi lễ dâng tiền tệp và tiền ngựa. Đây là cũng là nghi lễ dâng tiền cuối cùng. Sau khi vừa dâng tiền và đốt hóa chuyển đến thế giới thần linh thì các thầy vừa đi xung quanh đống lửa vừa khấn và gieo thẻ âm dương xem các thầy đã nhận đầy đủ tiền hay chưa, các vị thần đã đồng ý với số tiền tệp và tiền ngựa dân bản dâng nộp chưa. Khi đã dâng tiền song thầy "Khoi kiềm sai" lại tiếp tục dâng nộp tiền hứa. Tiền hứa là số tiền dân bản đã hứa nộp cho các thần linh trong lần cúng cầu mùa lần trước. Tiền hứa được trả lần lượt theo cuốn sách nho có tên (tòng hấu chẩu mả). Thầy cúng vừa khấn vừa tháo cuộn dây gọi là "Nhủn pêu" nhưng cũng phải lần lượt theo sách hứa, từng mục được tháo dỡ song vò nát từng mảnh. Việc trả tiền và tháo dỡ cuộn dây được thầy thanh toán làm đi làm lại ba lần mới kết thúc. Sau khi tháo gỡ song "Nhủn pêu" thầy cúng phải gieo quẻ âm dương xin xem chắc chắn việc thanh toán tiền hứa đã được các vị thần linh hoàn toàn đồng ý hay chưa. Thầy cúng tay cầm quẻ âm dương và bắt đầu hỏi các các vị thần linh trong mâm lễ 1 có 7 cái chén các vị thần lấy bao nhiêu còn lại các thầy giao lộc âm dương. Sau khi mọi việc hoàn thành cả ba thầy cùng nhau hóa hết tiền hứa và các sớ để thế giới thần linh nhận được.

Sau khi xin quẻ âm dương song, lúc này thầy "Khoi tàn sai" lần lượt đi phát những chiếc bánh lộc cho mọi người cùng nhau thụ hưởng, khi đã hưởng lộc song thầy lại đi xin lại cái lá trao trả lại cho các vị thần thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới con người và thánh thần.

Cuối cùng các thầy thực hiện bài cúng tiễn đưa các vị thần linh, tổ tiên và các vị thánh sư về cung điện xuất xứ. Lúc này tất cả các thầy cùng nhau thực hiện điệu múa tiễn các vị thần linh, động tác nhịp nhàng uyển chuyển theo hướng ngược kim đồng hồ kết hợp với điệu múa là tiếng chiêng trống náo nhiệt hòa nhịp cùng làm cho buổi lễ càng tưng bừng.

Kết thúc điệu múa các thầy cởi bỏ áo cà sa và mũ Ngọc Hoàng Thượng đế và chắp tay bái tạ ơn thánh sư thầy trò tạm thời chia tay hẹn ngày gặp lại. Kết thúc lễ cúng thầy cúng cùng các đệ tử lại cẩn thận nhẹ nhàng thu dọn những bộ tranh cúng gói gọn để lễ cúng sau dùng tiếp. Sau lễ cúng mọi người tập trung liên hoan để chuẩn bị cho vụ mùa mới với mong muốn may mắn, mưa thuận gió hòa. Nhưng khi ngồi vào mâm tất cả chưa được ăn ngay mà thầy khoi kiềm sai lại tiếp tục tiến hành bài cúng tạ ơn các vị thần linh đã phù trợ cho buổi lễ thành công tốt đẹp. Tất cả mọi người trong bản cùng nhau nâng chén rượu cầu chúc một vụ mùa mới tràn đầy niềm vui, thóc lúa đầy nhà và chia tay hẹn lễ cầu mùa năm sau.

5. Phần hội: Sau phần lễ kết thúc là phần hội náo nhiệt thu hút đông đảo bà con dân bản, đặc biệt nam thanh nữ tú tham gia tập trung ở sân bãi của "Chìa lìu" (miếu thiêng) cùng nhau tham gia. Đặc biệt không khí lễ hội sôi nổi hơn cả trong các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, ném còn.

* Kéo co: Trong các lễ của người Dao Đỏ ở Khai Trung trò chơi kéo co thường có trong phần hội, thể hiện tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ. Kéo co là trò chơi có cách thức tổ chức, đạo cụ và sân chơi đơn giản. Một cuộc thi kéo co có 2 đội, số lượng người đều nhau gồm 8 đến 10 người. Thành viên trong đội thường là những chàng trai, cô gái trong làng có thể hình cao lớn, có sức khỏe dẻo dai, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Khi bắt đầu kéo 2 đội sẽ nắm vào một sợi dây thừng, ở điểm giữa của dây được đánh dấu bằng một dây lụa đỏ làm mốc. Khi hiệu lệnh vang lên, các thành viên của mỗi đội chơi nắm chặt hai tay vào dây, đội nào kéo điểm đánh dấu sang phía mình là đội đó thắng cuộc. Mỗi cuộc thi đấu gồm 3 hiệp, đội nào thắng liên tiếp 2 hiệp thì đội đó giành phần thắng, không cần thi đấu hiệp thứ 3. Mỗi hiệp thường không kéo dài quá 2 phút, nên đòi hỏi các thành viên của các đội chơi phải rất nỗ lực.

* Đẩy gậy: Đẩy gậy vừa là trò chơi dân gian, vừa là môn thể thao truyền thống của người Dao đỏ thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, trong những ngày Tết, ngày lễ hội dân tộc. Để tổ chức thi đấu môn Đẩy gậy chỉ cần có gậy thi đấu làm bằng tre già (tre đực) thẳng hay những thành gỗ tốt có chiều dài 2m, đường kính từ 4- 5cm, được sơn 2 màu đỏ và trắng (mỗi màu 1m); đầu và thân gậy phải được bào nhẵn và có đường kính bằng nhau. Sân chơi là một vòng tròn có đường kính 5m, vạch giới hạn rộng 5 cm nằm trong phạm vi của sân có màu trắng hoặc khác với màu nền sân. Cứ hai người làm thành một cặp đấu, đứng đối diện nhau trong vòng tròn, mỗi người cầm chắc một đầu gậy, chờ khi có hiệu lệnh của người chủ trò thì dùng sức, dùng mẹo, căng ra mà đẩy. Luật đẩy gậy cũng rất đơn giản, cấm người chơi tỳ tay lên đùi hay tỳ đầu gậy vào bụng, cấm chửi mắng đối phương, bên nào để chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Để thắng được trong trò đẩy gậy, sức khỏe chỉ có ý nghĩa một phần, yếu tố quyết định phải là ở chiến thuật, kỹ thuật, sự khéo léo, dẻo dai và tâm lý ổn định. Tham gia trò chơi đẩy gậy không chỉ có những chàng trai, cô gái cường tráng, khỏe mạnh mà ngay cả các bậc cao niên, trưởng lão cũng có thể tham gia.

* Bắn nỏ: Bắn nỏ là một trò chơi dân gian thường được tổ chức trong các dịp lễ hội của dân tộc. Nỏ được làm bằng gỗ tốt, dây nỏ thường được làm bằng vỏ lụa của một loại cây rừng dẻo dai và có tính đàn hồi. Mũi tên làm bằng tre. Bắn nỏ là trò chơi tiêu biểu cho truyền thống thượng võ của dân tộc Dao và được nhiều thanh niên nam, nữ ham thích. VII. Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể với đời sống cộng đồng.

Là một nghi lễ truyền thống của tộc người Dao Đỏ, lễ cầu mùa mang trong mình nhiều giá trị không chỉ với cộng đồng tộc người là chủ thể văn hóa mà còn với các cộng đồng xung quanh về truyền thống và ý nghĩa nhân văn cao cả của nghi lễ. Có thể nhận thấy một số giá trị tiêu biểu của nghi lễ như sau:

1. Giá trị lịch sử:

Lễ cầu mùa là một nghi lễ truyền thống rất độc đáo phản ánh một tập quán xã hội có lịch sử lâu đời trong đời sống xã hội cộng đồng, phản ánh quá trình lịch sử, đặc điểm kinh tế, lịch sử cư trú và một số yếu tố văn hoá, xã hội của tộc người rất rõ nét.

Lễ hội cầu mùa còn là một nghi lễ mang đậm dấu ấn tín ngưỡng văn minh nông nghiệp, tuy có quy mô nhỏ, ngắn gọn nhưng có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện đời sống của tộc người Dao từ xưa đến nay.

2. Giá trị văn hóa: Đây là di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng tộc người. Nghi lễ thể hiện quan niệm của cộng đồng về thế giới tâm linh, thể hiện những đặc điểm tôn giáo - tín ngưỡng của tộc người, thể hiện các giá trị văn hóa văn nghệ của cộng đồng, những phong tục tập quán, tính giáo dục của cộng đồng. Lễ cầu mùa được cộng đồng duy trì qua nhiều thế hệ; các nghi lễ, thủ tục cúng tế, các giá trị nghệ thuật độc đáo luôn được bảo tồn và phát huy, do đó nó có giá trị duy trì thuần phong mỹ tục của cộng đồng.

3. Giá trị khoa học:  Lễ cầu mùa ngoài tính giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ còn là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của tộc người Dao Đỏ. Qua các hình thức chuẩn bị, các bước tiến hành thủ tục nghi lễ, thầy mo cúng tế giúp các nhà nghiên cứu có thêm tri thức dân gian về đời sống vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng người Dao.

4. Giá trị giáo dục:  Lễ cầu mùa thể hiện rất rõ giá trị giáo dục của mình đối với cộng đồng người Dao nói riêng và các tộc người khác nói chung. Đây là nghi thức nhớ ơn người xưa đã tìm ra cây lúa, cây hoa màu cho tộc người. Nghi lễ này giáo dục cho con người trong tộc người biết về ý thức bảo vệ cây lúa. Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ cầu mùa còn có vai trò, tác dụng to lớn trong việc gắn kết cộng đồng các dân tộc, gắn con người với thiên nhiên, vì vậy đã trải qua nhiều thế hệ, song lễ hội cầu mùa của người Dao vẫn còn nguyên giá trị và được lưu truyền từ đời nay sang đời khác.

5. Vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng: Lễ hội cầu mùa là sinh hoạt văn hóa cộng đồng cổ vũ, động viên bà con bước vào một vụ sản xuất mới với tinh thần lao động, sản xuất hăng say. Người Dao quan niệm vạn vật có linh hồn, thiên nhiên xung quanh chúng ta như: trời, đất, nương rẫy...đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Do vậy, lễ cầu mùa phản ánh niềm tin vào các thế lực siêu nhiên của người Dao thuở sơ khai, đồng thời thể hiện ước muốn về mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, đầy đủ như khát vọng ngàn đời của các cư dân nông nghiệp trên miền đất này. Vì vậy nghi lễ cúng rất quan trọng trong đời sống tâm linh, đời sống sinh hoạt xã hội của tộc người gắn với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp.

Đây không chỉ là một nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh cầu phúc mà còn hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, sự hòa quyện giữa tín ngưỡng và hiện thực đã làm nên nét đẹp giữ rừng, bảo vệ tài nguyên rừng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái của đồng bào.

Lễ cầu mùa được tổ chức cả tập thể cộng đồng, lễ cúng nhằm mục đích hướng thiện, giúp con người có một tinh thần thoải mái, tự tin bắt tay vào những công việc đồng áng, chăn nuôi và phấn đấu những việc mà họ chưa đạt được trong cuộc sống. Hiện nay lễ cầu mùa vẫn thường xuyên được tổ chức và trở thành món ăn tinh thần quan trọng không thể thiếu trong đời sống của đồng bào người Dao nơi vùng cao này. Do đó, đây là một di sản văn hóa phi vật thể có vai trò quan trọng và ý nghĩa thiết thực trong đời sống cộng đồng tộc người nói chung.

Nghi lễ này giống như sợi dây bền chắc nối liền quá khứ, hiện tại của dân tộc Dao Đỏ góp phần đáng kể mới liên kết cộng đồng và tạo nên đời sống tinh thần phong phú. Chính nhờ sự đoàn kết xã hội chặt chẽ hàng trăm năm ấy tạo nên lễ hội ra đời và hiện đang tiếp tục diễn ra.

VIII. Hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể.

Lễ cầu mùa là một nghi lễ mang tính chất truyền thống của cộng đồng người Dao đỏ nói chung cũng như người Dao Đỏ Yên Bái nói riêng. Đây là một nghi lễ mang đậm dấu ấn tín ngưỡng văn minh nông  nghiệp qua một thời gian dài bị mai một thì đến năm trở lại đây lễ cầu mùa được người Dao Đỏ xã Khai Trung khôi phục và duy trì khá tốt. Đến năm 2015 thì lễ hội cầu mùa đã được tổ chức thành lễ hội lớn của xã Khai Trung thu hút được sự đồng tình ủng hộ của 100% các hộ dân ở năm thôn bản và trở thành lễ hội chính của xã. Lễ cầu mùa được tổ chức một năm hai lần vào dịp đầu tháng giêng và tháng bảy âm lịch cứ ba năm tổ chức thành lễ lớn. Có thể nói lễ hội cầu mùa của người Dao Đỏ là lễ hội có sức sống và khả năng duy trì tốt.

IX. Các biện pháp bảo vệ

Lễ Cầu mùa của người Dao Đỏ ở xã Khai Trung là một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống tâm linh của tộc người gắn với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp. Có thể khẳng định, lễ cầu mùa luôn được cộng đồng tự bảo tồn và duy trì thường xuyên, liên tục trong đời sống của mình dù là mức độ và hình thức biểu hiện có khác nhau. Đồng thời, cộng đồng cũng tự trao truyền cho nhau qua các thế hệ. Những năm gần đây, có sự tác động của các cấp, các ngành lễ cầu mùa ở Khai Trung đã có những bước tiến mới gần với truyền thống hơn, quy mô và chất lượng được nâng lên.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ cầu mùa ở Khai Trung, chính quyền địa phương đã có những biện pháp bảo vệ cụ thể.  Trước kia chỉ tổ chức ở các thôn bản nhỏ lẻ nhưng từ năm 2015 trở đi xã đã tổ chức thành lễ lớn tập chung toàn bộ nhân cả năm thôn. Để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hoạt động lễ hội cầu mùa này trong tương lai, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Trước hết là phải coi trọng vai trò của chủ thể văn hóa trong mọi hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ cầu mùa. Luôn lấy người dân là đối tượng, là trung tâm trong các hoạt động khai thác di sản phục vụ các chương trình du lịch của địa phương. Có chính sách, chế độ cho các nghệ nhân, các cá nhân có công sức trong việc giữ gìn, bảo tồn di sản. Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về giá trị của di sản nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tình yêu, lòng tự hào với truyền thống của cộng đồng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản.

Gắn loại hình di sản này với các hoạt động du lịch, các hoạt động quảng bá văn hóa tại địa phương cũng như các lễ hội khác trong vùng và trong nước nhằm giới thiệu tới bạn bè trong nước và quốc tế về giá trị của loại hình nghệ thuật này, giúp cho người dân tự quảng bá về các giá trị văn hóa của chính mình, để rồi từ đó họ tự bảo vệ, tự trao truyền và nuôi dưỡng các giá trị văn hóa ấy một cách lâu dài và bền vững nhất. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với di sản nhằm đảm bảo cho di sản được duy trì, bảo tồn và phát huy một cách bền vững và hiệu quả nhất.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

Ban Biên tập Cổng TTĐT

 

 

I. Loại hình: Tập quán xã hội.

II. Địa điểm : Di sản văn hóa phi vật thể lễ Cầu mùa của người Dao Đỏ diễn ra ở xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Đường đi đến di sản văn hóa phi vật thể: xã Khai Trung nằm ở Phía Bắc tỉnh Yên Bái. Từ trung tâm thành phố Yên Bái theo quốc lộ 70, đi khoảng 65 km tới chợ Tân Lĩnh rẽ trái vào đường liên xã khoảng 7 km là đến làng người Dao Đỏ (thôn Tắc Én) - nơi có di sản văn hóa phi vật thể lễ cầu mùa.

III. Chủ thể văn hóa:

Cộng đồng người Dao Đỏ xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái

            Những người đại diện gồm:

(1) Họ và tên: Phùng Xuân Hương

Ngày, tháng, năm sinh: 17/10/1960                                            

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Khai Trung

Địa chỉ liên lạc: thôn Tắc Én, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

(2) Họ và tên: Đặng Phúc Chu

Năm sinh: 1957                                                            

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Nông dân

Địa chỉ liên lạc: thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

(3) Họ và tên: Triệu Tài Lục

Ngày, tháng, năm sinh: 1966                                         

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Chủ tịch mặt trận tổ quốc xã Khai Trung

Địa chỉ liên lạc: thôn Khe Rùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

(4) Họ và tên: Bàn Văn Liên

Ngày, tháng, năm sinh: 1977                             

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Nông dân

Địa chỉ liên lạc: thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

(5) Họ và tên: Đặng Thị Luyến

Ngày, tháng, năm sinh: 1978                                         

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Nông dân

Địa chỉ liên lạc: thôn Khe Rùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

(6) Họ và tên: Đặng Thị Mây

Ngày, tháng, năm sinh: 1955                                         

Dân tộc: Dao Đỏ

Nghề nghiệp: Nông dân

Địa chỉ liên lạc: thôn Khe Rùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

IV. Khái quát về người Dao Đỏ, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

1. Đặc điểm cư trú: Theo khảo sát ở những địa phương có người Dao sinh sống thì người Dao có nguồn gốc xa xưa ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) họ bắt đầu di cư sang Việt Nam vào thời Lê (vào khoảng cuối thế kỷ XVII), với hai hướng chính là đường bộ và đường biển. Người Dao di cư vào Việt Nam theo nhiều đợt sớm nhất từ thế kỷ XIII, các nhóm Dao ở tỉnh Yên Bái chủ yếu di cư từ các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng sang.

Người Dao sinh sống ở Yên Bái, hiện nay có khoảng 83.888 người chiếm 11,05% dân số toàn tỉnh. Địa bàn cư trú của người Dao chủ yếu ở rẻo giữa - nơi tiếp giáp giữa vùng thấp và vùng cao. Đồng bào sống tập trung đông nhất ở huyện Văn Yên, chiếm đến hơn 30% tổng số người Dao ở Yên Bái, sau đó đến các huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn và Trấn Yên.

Người Dao hiện sinh sống ở tỉnh Yên Bái có 4 nhóm chính là: Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản), Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu), Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển (còn gọi là Dao Tuyển). Để phân biệt các nhóm Dao, chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong bộ trang phục của phụ nữ. Người Dao đỏ ở Yên Bái cư trú ở các huyện Lục Yên bao gồm các xã: Phúc Lợi, Khai Trung, Trung Tâm, Minh Tiến, Lâm Thượng, Tân Phượng, An Lạc, Khánh Hòa, Trúc Lâu, Tân Lĩnh. Huyện Văn Yên bao gồm các xã: An Bình, Lâm Giang, Lăng Khít, Tân Hợp, Quang Minh, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Châu Quế Hạ, Xuân Tầm, Ngòi A, Đại Sơn. Huyện Văn Chấn: Nậm Búng, Suối Quyền, An Lương, Nậm Lành, Nậm Mười. Trong chuyên đề này chúng tôi chỉ tập chung nghiên cứu người Dao Đỏ ở xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

Xã Khai Trung là xã vùng núi cao phía Tây Bắc huyện Lục Yên có phía Bắc và Đông giáp xã Lâm Thượng, phía Nam giáp xã Tân Lĩnh. Tổng dân số toàn xã có 1.142 người trong đó người Dao Đỏ có 694 người với 162 hộ chiếm 58% dân số toàn xã. Họ cư trú chủ yếu ở bản Giáp Luồng, Khe Rùng và Giáp Cang.

2. Một số đặc điểm kinh tế: Hình thái kinh tế chủ yếu của người Dao Đỏ ở Yên Bái là sản xuất nông nghiệp với hai loại hình: lúa nương và lúa nước. Trong đó lúa nước chiếm tỷ lệ ít hơn. Ngoài ra, đồng bào còn trồng một số loại cây hoa màu như ngô, sắn, ... Rau của người Dao có các loại bầu, bí, mướp đắng, các cây họ đậu, khoai, củ từ, dưa gang, .... Đặc biệt ở người Dao Yên Bái phát triển mạnh hai loại cây công nghiệp đó là cây quế và cây chè. Ngoài cây lúa, hoa màu, quế và chè đồng bào còn có thu nhập thêm từ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà...Người Dao có các nghề thủ công truyền thống phong phú, đa dạng và phát triển rất sớm, trong đó nổi bật là làm giấy dó, dệt vải, nhuộm chăn, in và thêu hoa văn trên vải, đan lát các đồ đựng bằng tre, nứa, giang, mây song, nghề rèn.

Nghề rèn của đồng bào Dao cũng phát triển, chủ yếu là các nông cụ như: dao, cuốc, cào cỏ, lưỡi cày. Nghề làm đồ trang sức bằng bạc, sanh căng và bằng đồng làm thành vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, nhẫn, xà tích.

3.  Một số yếu tố về văn hóa vật chất: Trung Tâm là địa bàn sinh sống chủ yếu của nhóm Dao Đỏ, vậy nên nhà đất là loại hình nhà ở chủ yếu của đồng bào. Đó là loại nhà hình chữ nhật, nhà thường được xây dựng 2 gian, 2 trái cột bằng các loại gỗ ít mối mọt, lợp bằng cọ, vách nhà thường làm bằng các tấm dát vầu, hốc gắn kết bằng các thanh ngang, bộ sườn nhà được chế tạo khá đơn giản. Nguyên vật liệu làm nhà thường kiếm ngay tại chỗ, chủ yếu là cây rừng. Phần gian nhà bên phải dành đặt giường ngủ của khách, buồng ngủ của chủ nhà đặt ở phía bên phải bàn thờ, giường ngủ của con trai thường đặt sau giường của khách, còn phòng ngủ của con gái thường đặt phía trong gần bếp. Bàn thờ được đặt ở gian giữa, nhà thường có hai bếp (một bếp ở gian ngoài để sưởi ấm vào mùa đông dành cho đàn ông và khi có khách đến). Nhà của người Dao thường được bố trí: bếp là nơi tập trung của cả gia đình vào mùa đông, là nơi rộng nhất trong nhà. Nhà ở của người Dao có ít cửa ra vào, đặc biệt là ít của sổ, đa số chỉ có một cửa sổ đặt ở giường nằm ngủ. Đây là loại nhà tổng hợp bếp, chuồng gia súc, các công cụ sản xuất và sinh hoạt đều thuộc phạm vi nhà ở

Trang phục của người Dao Đỏ: Trong các nhóm Dao thì trang phục của người Dao Đỏ thường được làm cầu kỳ và sử dụng nhiều màu sắc hơn cả. Đối với trang phục nam giới không có gì khác biệt lắm so với trang phục nam giới trong các ngành Dao. Đàn ông Dao Đỏ thường đội mũ nồi hoặc vấn khăn dài, áo chàm được may theo lối cổ khoanh bí, áo dài gần trùm mông, vạt áo may thẳng có cài khuy lộn dọc từ ngực xuống bụng, sau lưng áo có miếng vải hoa văn hình bùa chú. Quần của đàn ông là quần thụng vải đen, may kiểu chân què bổ đũng dài gần chạm cổ chân và cạp quần luồn dây rút bằng sợi vải hoặc sợi gai. Trang phục của nữ giới Dao Đỏ được tạo điểm nhấn bằng những gam màu đỏ của vải hoặc sợi trên nền vải đen và thường được may công phu hơn, gồm có các bộ phận: khăn, áo, thắt lưng, quần, xà cạp cùng đồ trang sức bằng bạc như vòng cổ, vòng tay….. Để  tạo thành bộ y phục đẹp phải có vải đen làm nền để thêu hoa văn, chỉ thêu gồm 5 màu cơ bản: đỏ, trắng, đen, xanh, vàng, nhưng chủ yêu là màu đỏ. Người Dao Đỏ thích dùng mầu đỏ tươi rực rỡ để trang trí: khăn đỏ, ngực áo, cổ áo đỏ, khăn đỏ, tua đỏ, yếm đỏ, nẹp ngực áo đỏ, yếm lưng đỏ...

Văn hoá ẩm thực của người Dao đơn giản thức ăn chính của người Dao là lúa nước và lúa nương, thực phẩm hàng ngày chủ yếu là các loại rau hái trong rừng, măng, mộc nhĩ, các loại rau trồng trong vườn nhà và các loại thảo mộc khác. Cùng với đó là các thức ăn từ gia súc gia cầm. Các món ăn chủ yếu của người Dao trong ngày thường được chế biến theo kiểu luộc và xào, thỉnh thoảng cũng nướng và lam. Người Dao rất thích ăn ớt, gừng, riềng, lá sả, hạt dổi, lá chanh, các thứ rau thơm và các thứ nước chua. Hàng ngày đồng bào uống nước chè, nước vối, nước từ các loại cây thuốc... Người Dao cũng uống các loại rượu cất từ gạo, ngô, khoai, sắn và các loại cây có bột như: báng, móc. Men rượu đều chế biến bằng các thứ lá và rễ cây rừng.

4. Một  số đặc điểm về văn hóa tinh thần:

- Tiếng nói - chữ viết: Tiếng Dao nói chung và Dao Đỏ nói riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao, nằm trong ngữ hệ Nam Á. Chữ viết của người Dao còn trong một số tài liệu lưu giữ được là chữ Hán và chữ Nôm Dao.

- Một số nghi lễ truyền thống:

+ Lễ cấp sắc:  Đây là một nghi lễ truyền thống độc đáo có tính lịch sử lâu đời trong đời sống sinh hoạt xã hội - gia đình của người Dao công nhận sự trưởng thành cả về vật chất lẫn tinh thần của người đàn ông. Theo quan niệm của người Dao thì cấp sắc là để được thánh thần công nhận, được âm binh và có thể làm nghề cúng bái. Nghi lễ của lễ cấp sắc rất mở, có thể là một, hay nhiều cá nhân của một gia đình, dòng họ hay cả một tập thể của nhiều gia đình, nhiều dòng họ, nhiều bàn làng khác nhau tổ chức.  Lễ cấp sắc có rất nhiều bậc, bậc đầu tiên họ được cấp 3 đèn và 36 binh mã, bậc hai được cấp 7 đèn và 72 binh mã, bậc ba được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Lễ cấp sắc 3 đèn và 7 đèn được tổ chức thường xuyên trong cộng đồng tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện của các gia đình, dòng họ. Riêng nghi lễ cấp sắc 12 đèn có quy mô lớn hơn hai nghi lễ trên nên phải hai, ba mươi năm mới có một lần. Nội dung chính của lễ cấp sắc tiến hành theo trình tự sau:  lễ lên đèn, lễ ban mũ thầy cúng, Lễ trình diện Ngọc Hoàng, Lễ cấp tinh, Lễ hạ đèn và giao quân, lễ qua cầu, lễ đặt tên. Các nghi thức trong lễ cấp sắc đều nhằm mục đích hướng thiện, giúp con người trưởng thành hơn, đạo đức hơn, sống tốt hơn và quan trọng là những lời giáo huấn này được thực hiện bằng những lời thề trước sự giám sát của tổ tiên và nhiều quan binh nên càng làm tăng tính giáo dục. Đây là một nghi lễ giao tiếp có tính kế thừa, kết nối các giá trị văn hóa giữa các thế hệ chứa đựng nhiều thành tố quan trọng của bản sắc văn hóa Dao. Đồng thời lễ cấp sắc cũng là dịp để cộng đồng cùng thưởng thức các hoạt động văn hóa văn nghệ, nhảy múa hết sức hấp dẫn. Các điệu múa trong lễ cấp sắc rất đặc sắc. Múa ở đây có sự đan xen hòa quyện giữa yếu tố lao động trần thế và tôn giáo thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới, điệu múa đặc trưng, đặc sắc, vui nhộn nhất là Múa Rùa. Múa Rùa diễn ra trong không khí vui tươi, những động tác múa nhịp nhàng, khỏe khoắn của các chàng trai miêu tả lại việc đuổi  rùa, tìm rùa, bắt rùa, giết rùa. Múa Rùa là một nét đẹp, thể hiện tính phồn thực và mối giao hòa trong cộng đồng dân tộc.

+ Tết nhảy: Đây là tết riêng của mỗi gia đình, cũng mang tính dòng họ. Tết này này nhằm mục đích luyện âm binh cho bộ tranh Đại đường để thờ phụng các thần linh, bảo vệ cuộc sống gia đình. Vì vậy nó mang màu sắc tín ngưỡng tôn giáo rất rõ rệt. Tết nhảy được tiến hành vào tháng chạp, năm nào cũng tổ chức nghi lễ này cứ ba năm làm thành một chu kỳ. Chỉ có gia đình nào có bàn thờ tổ và đã sắm tranh Đại đường thì mới có tết nhảy. Tết nhảy đòi hỏi một quá trình chuẩn bị khá lâu, phải nấu rượu, nuôi lợn, thanh niên luyện tập các điệu múa, chuẩn bị dao, gươm bằng gỗ.

Quá trình của tết nhảy trải qua các bước sau: lập đàn tẩy uế, làm lễ khấn các thần thánh. Nội dung chính của nghi lễ là nhảy múa và khấn tụng được tổ chức liên tục trong suốt những ngày đêm làm tết. Mỗi người múa tay đều cầm cờ, trống chiêng, sập sèng... múa theo điệu quay vòng. Rồi sau đó là nhiều điệu múa truyền thống được trình diễn như: múa kiếm, múa dạo (lạp miên a dạo), múa nhảy rùa (Pẻo tộ)... Tất cả những động tác của các điệu múa này đều được thực hiện một cách liên tục với sự khéo léo và tinh tế của người trình diễn. Những điệu múa, lời hát trong Tết nhảy thường hướng đến những điều tốt lành, hạnh phúc. Lễ "nhìang chầm đao" chủ yếu phục vụ cho tôn giáo tín ngưỡng, nhưng ít nhiều có mầu sắc văn nghệ, toát lên ý nghĩa văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Dao sống đoàn kết, thủy chung, tình nghĩa.

-  Một số lễ tết khác của tộc người trong năm:

+ Tết Nguyên Đán: Khác với dân miền xuôi, người miền núi lại có phong tục đón tết rất đặc trưng mang đậm nét văn hóa dân tộc mình. Với người Dao cũng vậy họ cũng có cách đón năm mới rất riêng của mình. Đồng bào Dao đón tết đơn giản nhưng lễ nghi lại cầu kỳ và độc đáo. Với người Dao, tết nguyên Đán là mở đầu cho một năm mới đã bận rộn chuẩn bị từ 27, 28 tháng chạp. Từ 27/12 nhân dân đã chuẩn bị mọi thứ cho việc đón tết như: gạo, bột, lá gai, củi, rau, bò, lợn, trang trí nhà của và đặc biệt sắp đặt quần áo.

Ngày 30 tết nhà nào cũng phải nấu một nồi nước thơm thật to để ai cũng phải tắm. Theo quan niệm của người Dao thì tất cả mọi người phải tắm rửa sạch sẽ để rũ bỏ mọi xấu xa, bẩn thỉu của năm cũ bước vào năm mới sạch sẽ, trong lành. Chiều 30 tết nhà nào cũng lập đàn cúng để mời gia tiên và các thần linh về ăn tết với con cháu. Bao giờ cũng vậy tối 30 tết mọi người trong gia đình quây quần bên nồi bánh trưng để trò truyện về năm đã qua. Các thứ bánh được người Dao cúng trong ngày tết ngoài bánh trưng còn có các thứ bánh khác như bánh dầy, bánh gai, bánh bột nếp....Cũng giống người kinh trên bàn thờ của mỗi gia đình người Dao có thêm cành đào, trong chén lúc nào cũng có rượu và nước, hương được đốt liên tục. Ngoài ra người Dao còn quan niệm kiêng không mở hòm trong 3 ngày tết nên phải lấy sẵn quần áo và đồ dùng trước giao thừa. Trong 3 ngày tết cũng không được san sẻ hay cho ai bất cứ thứ gì. Đêm giao thừa người Dao có tục thay nước đầu năm mới trên bàn thờ. Từ đêm giao thừa đến mùng một, họ kiêng không ăn rau chỉ ăn cơm, các loại bánh và thịt động vật. Sau khi cúng giao thừa song mọi người trong gia đình quây quần vui vẻ, ăn uống, ca hát và chúc tụng nhau những lời chúc tốt lành cho năm mới. Sáng mùng một sau khi song xuôi mọi thủ tục ở gia đình, mỗi nhà một người nam giới mặc trang phục truyền thống tạo thành một đoàn đi chúc tết tất cả các nhà.Tết cũng là dịp trai, gái trong bản rủ nhau đi chơi hội ngày xuân.

+ Tết cùng năm: Đây là tết của gia đình, dòng họ. Dòng họ nào cũng tổ chức tết này vào tháng 12 âm lịch, nhưng tập chung nhất vào các ngày 15 đến 25 tết. Các gia đình luân phiên nhau tổ chức tết, luân phiên mời nhau.Mục đích của tết này trước là để lập đàn cúng tạ ơn gia tiên, các thần linh đã phù hộ cho gia cho, dòng tộc một năm may mắn thành công... Sau là ngày xum họp của anh em ruột thịt, họ tộc, bạn bè thân thiết để trò chuyện thông báo cho nhau về một năm qua. Lễ vật chuẩn bị cho tết năm cùng khá đầy đủ với thịt lợn, gà, bánh dầy. Bánh dầy là một trong những lễ vật không thể thiếu được trong tết năm cùng.

+ Tết cơm mới: Đây là một trong những lễ cúng quan trọng của mỗi gia đình Dao được tổ chức tại nhà. Cúng cơm mới là để tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng tốt tươi, lúa ngô có thể thu hoạch được. Lễ cúng được tổ chức trong nhà. Khi lúa sắp được thu hoạch, người ta chọn ngày tốt, gặt lấy ít thóc đầu mùa đem phơi khô, lấy gạo nấu cơm cúng. Nếu lúa chưa chín  họ lấy gạo cũ về thổi cơm, ngắt lấy vài bông bỏ vào nồi cơm để có hương vị cơm mới và coi đó là cơm mới. Đàn cúng gồm: 5 bát cơm, 5 chén rượi, 1 chén nước, 1con gà luộc, một ít tiền ma, một bát hương. Chủ nhà đứng trang nghiêm trước bà thờ kế công ơn cử tổ tiên và cầu mong tổ tiên tiếp tục phù hộ mãi mãi về sau để công việc làm ăn ngày càng gặp nhiều may mắn. Sau lễ này, đồng bào chuẩn bị những dụng cụ cần thiết để thu hoạch lúa mới.

- Các tập quán xã hội và tín ngưỡng

+ Các tập quán theo chu kỳ đời người:

 * Sinh đẻ: Người Dao đẻ ngồi và đẻ ngay trong buồng ngủ, không được đẻ ở nơi khác, do mẹ chồng, mẹ đẻ hoặc chồng đỡ cho. Khi đứa trẻ lọt lòng mẹ, người ta chờ khi nào nó khóc mới bế mới bế lên, tắm rửa bằng nước nóng. Người ta cắt rốn bằng dao nứa. Ngay từ khi đẻ sản phụ được ăn các thức ăn nấu với gừng và rượi. Trẻ sinh được ba ngày thì gia đình lập giàn cúng mụ gọi là làm lễ "nam khan". Sau khi sinh khoảng từ 3 đến 7 ngày, họ chọn ngày tốt để làm lễ để đặt tên cho trẻ. Tên của bé cũng được chọn rất kỹ, không được trùng với tên của gia tiên, ông bà, chú bác, anh em nội ngoại gần xa. Người Dao Đỏ thường đặt tên con đầu là: Cấu, San, Lộ... Con trai út lại thường đặt tên là: Lai, Lĩu...

* Cưới hỏi: Lễ cưới của người Dao Đỏ có nhiều nét đọc đáo, trước ngày cưới khoảng một năm bên nhà trai phải trao các khoản thách cưới bằng tiền để cô dâu chuẩn bị cho ngày cưới. Suốt thời gian một năm ấy, cô gái phải dành thời gian để thiêu thùa, sắm sửa trang phục, chuẩn bị của hồi môn. Đến ngày cưới nhà trai cử người đến đón dâu, tùy theo giờ tốt, người ta đưa cô dâu vào nhà chồng theo các hướng theo quy định. Khi ăn cỗ, họ nhà trai ngồi riêng, nhà gái ngồi riêng. Người Dao Đỏ còn có tục bất kỳ ai trong họ nhà trai cũng như nhà gái đến dự đám cưới đều có phần thịt, bánh mang về.

* Làm nhà mới: Việc làm nhà mới với người Dao Đỏ là rất quan trọng. Việc chọn địa điểm làm nhà là quan trọng hơn cả. Đồng bào thường làm ở nơi khuất gió, cao ráo, gần khe suối, gần ruộng nương thuận tiện cho việc lấy củi, hái rau.Nghi lễ chon đất cũng rất được coi trọng, đồng bào quan niệm nếu gặp được điền lành khi chọn đất làm nhà thì sẽ gặp nhiều may mắn làm ăn gặp nhiều thuận lợi. Sau khi dựng nhà song, theo giờ tốt đã chọn, đồng bào sẽ làm lễ vào nhà mới như sau: một cụ già cầm  đuốc đi trước, theo sau là chủ nhà và những người trong gia đình đem theo bàn thờ tổ tiên và một số đồ vật tượng trưng. Sau đó họ làm cơm để kính báo và mời tổ tiên về nhà mới cùng con cháu.

* Tang ma: Ngay sau khi người chết tắt thở, người ta bắn ba phát súng, nếu là người trưởng tộc hoặc được cấp sắc 7 đèn trở lên thì chọc thủng nóc nhà bắn chỉ thiên báo cho Ngọc Hoàng và báo cho dân làng biết. Đám ma cử người Dao Đỏ cũng tiến hành tất cả các thủ tục như các nhóm Dao khác. Mồ mả người chết được chôn vĩnh viễn. Đồng bào quan niệm đám ma chỉ là bước đem người chết đi cất giấu để không cho ma xấu bắt hồn và làm nhục thể xác.

- Một số tín ngưỡng thờ cúng dân gian

+ Thờ cúng tổ tiên: Cũng như người Kinh, thờ cúng tổ tiên là một việc thờ cúng chủ yếu trong gia đình đồng bào người Dao, nhằm giáo dục, nhắc nhở con cháu luôn hướng về tổ tiên, cội nguồn, giữ gìn truyền thống gia tộc, dòng họ. Theo quan niệm của người Dao tổ tiên là loại ma lành phù hộ con cháu, tuy nhiên nếu không thờ cúng cận thận tổ tiên cũng có thể bắt tội làm con cháu ốm đau bệnh tật. Thường người Dao thờ tổ tiên chín đời. Điều này thể hiện rõ trong các nghi lễ lớn như cấp sắc, tảo mộ hoặc trong các dịp tết của gia đình.

Việc lập bàn thờ tổ phải tuân thủ theo quy định rất nghiêm ngặt. Bởi vậy nó thể hiện bề dày truyền thống gia đình và cũng là niềm tự hào của truyền thống gia đình. Bàn thờ tổ luôn được đặt ở gian giữa nơi tôn nghiêm nhất trong nhà. Đằng trước hay bên cạnh bàn thờ người ta treo một cái trống bằng dây thừng hay da thú, dây này buộc lên thượng lương của nhà. Ngay trên vách cạnh bàn thờ người ta treo hai ống nứa hay hai túi vải đựng hai bộ tranh "Tam thanh lớn" và "Tam thanh nhỏ". Vì bàn thờ tổ là nơi tôn nghiêm nên phụ nữ đặc biệt là các cô dâu ít được gần nhà thờ, đặc biệt là không bao giờ được thắp hương hoặc bê lễ vật lên bàn thờ cúng. Ngay từ khi quét nhà người ta luôn luôn chú ý quay mặt về phía bàn thờ mà quét quay lui trở ra, quay lưng về phía bàn thờ bị coi như là một thái độ thiếu tôn kính đối với tổ tiên. Việc thờ cúng tổ tiên thường là do chủ gia đình hoặc con trai trưởng chủ trì. Nếu nhà không có đàn ông thì đến ngày lễ tết, đốt hương ở phen thờ, cúng lễ cũng phải nhờ đàn ông khác trong họ đến cúng.

+ Thờ cúng Bàn Vương (Chẩu đàng):  Thờ cúng Bàn Vương là một tục lệ khá điển hình trong sinh hoạt của người Dao. Bàn Vương được đồng bào coi là thủy tổ của dòng họ nên việc thờ cúng Bàn Vương được người Dao coi như một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và của cả dân tộc. Thường ngày, Bàn Vương được thờ cúng chung với tổ tiên của từng gia đình, từng họ. Trong các nghi lễ lớn lễ cấp sắc, tết nhảy... đều phải cúng Bàn Vương. Ngoài việc cúng Bàn Vương hàng ngày còn có những lễ cúng bàn vương riêng với các nghi lẽ chính sau: Lễ khuất, lễ cúng Bàn Vương, lễ tiễn đưa.Việc thờ cúng Bàn Vương không phải chỉ là sự chung thủy uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn của tổ tiên, mà còn là yếu tố văn hóa quan trọng được lưu truyền qua nhiều thế hệ của người Dao.

+ Văn học dân gian: Dân tộc Dao vốn có một lịch sử và một nền văn hóa lâu đời, một nền văn học nghệ thuật và những tri thức dân gian rất phong phú, phản ánh lên cuộc đấu tranh dũng cảm và bền bỉ của người Dao. Trong các sáng tác dân gian của dân tộc Dao, văn học dân gian (Truyện cổ, thơ ca, câu đố, Hát, Múa, Tục ngữ, Vẽ...) chiếm phần lớn. Dân tộc Dao không có văn tự riêng nhưng họ sử dụng chữ Hán đã Dao hóa. Cùng với các tác phẩm truyền miệng còn có các tác phẩm khuyết danh bằng chữ nôm Dao. Các sáng tác bằng truyền miệng được diễn đạt bằng ngôn ngữ bình dân nên phong phú và khá phổ biến. Nội dung của văn học dân gian chủ yếu đề cập đến nguồn gốc của dân tộc Dao, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu trai gái,đề cao lao động, kinh nghiệm cuộc sống.

+ Tri thức dân gian

* Cách tính thời gian dân gian: Đối với người Dao, việc tính tớn thời gian rất quan trọng và phải tiến hành thường xuyên để biết thời vụ sản xuất, biết ngày tốt, ngày xấu, ngày cho phép khởi điểm các công việc có tính chất đặt nền móng, biết được những ngày kiêng kỵ không đi làm nương. Song đồng bào không có hệ thống lịch riêng mà chỉ dựa hoàn toàn theo cách tính lịch Trung Quốc. Cách tính tháng hoặc năm, người ta dựa vào chu kỳ mặt trăng như cách tính thời gian theo lịch âm của người Việt, cũng theo lục giáp (10 can, 12 chi) và gọi tên theo tên 12 con vật.

* Cách phán đoán thời tiết, khí hậu: Đồng bào Dao có một số kinh nghiệm phán đoán thời tiết, khí hậu để sản xuất cho kịp thời vụ. Những kinh nghiệm đó đã được đúc kết, tích lũy từ lâu đời trên cơ sở nhận xét sự thay đổi của các hiện tượng tự nhiên như: khi thấy " xâu kỉa piáo" (kiến dọn tổ) thì báo hiệu trời sắp mưa, nếu kiến ở bờ suối dọn tổ thì sắp có nước lũ. Hoa " xấu dòng phăng" (rau muống rừng) nở đỏ rực, báo hiệu không lo rét trở lại, cấy lúa sớm......

* Y học dân gian: dân tộc Dao đã tích lũy được nhiều vốn y học cổ truyền quý giá. Các vị thuốc chủ yếu hái lượm ở rừng, ít khi trồng sẵn. Có loại lấy rễ, có loại lấy lá hoặc vỏ, cũng có loại lấy quả hoặc hoa .... Có vị thuốc sắc uống để chữa bệnh đường ruột, đau xương ...; có vị giã nhỏ để rịt hoặc bó hư chữa gẫy xương, vết thương nhỏ... ; có vị đem đun lấy nước tắm gội, rửa như các bệnh ngứa, lở loét, phù thũng... Nhìn chung có thể chia làm ba loại thuốc chính: thuốc bổ, thuốc trị bệnh và thuốc độc giết hại thú rừng.

V. Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể

1. Quá trình ra đời và tồn tại của lễ cầu mùa của người Dao Đỏ xã Khai Trung: Lễ cầu mùa có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Dao Đỏ xã Khai Trung. Họ quan niệm, vạn vật đều có tổ tiên và người cai quản và đều có linh hồn. Các linh hồn, các vị thần đều có tác động trực tiếp đến đời sống của con người và  để được phù hộ thì phải cúng bái chu đáo. Mong cuộc sống ngày càng ấm no, tốt đẹp hơn đồng bào Dao Đỏ ở Khai Trung đã đều đặn duy trì việc tổ chức Lễ cầu mùa và đây đã trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh lớn nhất trong năm ở địa phương.

Là một cư dân nông nghiệp, người Dao cũng như nhiều tộc người khác, có niềm tin vào vị Thần cai quản mùa màng, làm ra bát cơm hạt gạo, củ sắn, củ khoai (Thần Nông). Với mong muốn luôn có mùa màng bội thu, người an vật thịnh trong năm, người ta tổ chức Lễ cầu mùa vào mỗi dịp đầu xuân năm mới để cầu mong các vị thần linh phù hộ cho cộng đồng một năm mới trồng cấy tốt tươi, con người no đủ, nhà nhà bình an, hạnh phúc.

Theo ông Đặng Phúc Chu, 60 tuổithầy mo có tiếng ở cư trú tại thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên cho biết theo người xưa kể lại rằng: Lễ hội cầu mùa của đồng bào Dao Đỏ ở Khai Trung đã có từ hơn 400 năm nay, được lưu truyền qua 7 đời chủ lễ. Ông còn cho biết: vùng đất Khai Trung từ trước đến nay được gọi là bình nguyên xanh vốn rừng núi hoang vu, nhiều thú dữ phá phách hoa màu của nhân dân. Cùng với đó hạn hán dịch bệnh hoành hành cả năm trời không có một hạt mưa, rộng đồng, cây cối khô cằn  mùa màng thất bát đời sống của nhân dân vô cùng khổ cực, đồng bào thiếu đói. Trước cuộc sống thiếu đói khổ cực ấy đồng bào đã tập trung tất cả thóc ngô còn lại trong bản tiến hành lễ cúng cầu mùa mong cho mưa thuận gió hòa cuộc sống nhân dân bớt khổ. Tiếng kêu than của nhân dân đã thấu đến Bàn Vương - vua của người Dao và các vị thần linh nên đã cho ban mưa xuống cứu cuộc sống của đồng bào.

Chính vì lẽ vậy nên đã thành lệ ba năm một lần cứ vào tháng giêng và tháng bảy nhân dân lại tổ chức lễ hội cầu mùa. Trước là để trả lễ cho Bàn Vương - vua của người Dao, sau là để cầu xin các vị thánh thần ban cho con người sức khỏe, bình an, cầu hồn lúa mong cho mùa màng tốt tươi. Lễ cầu mùa không chỉ cầu cho quốc thái dân an, cầu mùa tươi tốt mà còn là dịp củng cố mối quan hệ giao tiếp.

2. Mô tả về di sản văn hóa phi vật thể:

- Thời gian và địa điểm thực hiện di sản:

+ Thời gian: Lễ cầu mùa diễn vào ngày thân đầu tiên của năm mới và ngày thân tháng 7 âm lịch hàng năm, cứ ba năm tổ chức lễ lớn.

+ Địa điểm: Tại lán thiêng ở thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

- Công tác chuẩn bị lễ cầu mùa.

- Chuẩn bị địa điểm: lễ cúng được diễn ra ở lán thiêng (Sìa lìu)  được dựng ở thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung. Lán thiêng được dựng trên một bãi đất bằng phẳng cạnh hang thờ Triệu Tiến Hùng - ông tổ của người Dao Đỏ ở Khai Trung. Cấu trúc của lán thiêng được dựng như nhà ở của đồng bào nhưng đơn giản hơn gồm ba gian và được lợp bằng cọ, vách làm bằng phên nứa.

- Chuẩn bị bàn thờ: bàn thờ làm bằng hai mảnh gỗ có kích thước dài 1,2m, rộng 0,7m, cao 0,75m, trên bàn thờ đặt cây dấu, ba bát hương được làm bằng ống tre, ba cây sớ được gói bằng giấy đỏ đặt trên ba bát gạo gồm sớ Khai sơn, sớ cầu mùa và sớ cầu phúc lộc; bốn túm gạo đã được đặt vòng bạc to vây tròn gọi là siếu chiên; 15 chén rượu; một con dao; 1 cái búa.

- Công tác chuẩn bị tiền vàng, ngựa giấy: để in tiền vàng và người giấy người ta sử dụng Chụ chậy, mà thây có bốn mặt: Sun pâu (thuồng luồng), tày pâu(con hổ), giàn kên (con ngựa), pày họ (chim hạc). Các con vật này đại diện cho các con đường để đón các thần linh đường không chung, đường bộ, đường sông và đường dưới mặt đất. Người ta quét sơn vào bốn mặt rồi lần lượt in lên giấy bản. Ngựa tiền được làm từ thấp đến cao có loại 24 con, 36 con, 60 con và 120 con. In chẵn bốn bó tạo thành một tòng, 10 tòng tạo thành 1 xe.

- Vật dụng của thầy cúng.

* Tranh cúng: gồm 18 bộ bao gồm đầy đủ các chủ đề về các vị thần từ cao đến thấp.

* Tù và (troong): Làm bằng sừng trâu, dùng để thổi thông báo với thần linh mỗi khi vào lễ hoặc kết thúc lễ.

* Mõ: Làm bằng một ống tre già có khả năng phát ra âm thanh.

* Sách nho (Sâu píu): là các cuốn sách cúng của các thầy được viết bằng chữ nho chỉ những người được cấp sắc 12 đèn mới có thể đọc được.

* Thẻ âm dương (cháo): Thẻ dài khoảng 10cm, làm bằng gốc cây tre vọt nhọn hình móng vuốt, bổ làm 2 mảnh.

* Chuông đồng: Là loại chuông cầm tay, đúc bằng đồng, ở phần giữa trên đầu có làm cán để cầm lắc khi làm lễ.

* Gậy: làm bằng gỗ cong (Ngạ kến) trên đầu gậy có một khối hình vuông.

* Trống: Là loại nhạc cụ phổ biến, trong đó phổ biến là trống tang được bưng bằng có kích thước dài từ 40 – 60 cm, thân trống hình trụ, được trang trí hoa văn đơn giản. Âm thanh trống phụ thuộc vào chất lượng da và độ căng khi bưng, trống giữ vai trò chủ đạo, giữ nhịp cho các nhạc cụ khác và cho bài múa

- Thành phần tham gia trong Lễ cầu mùa.

Thầy "Khoi kiềm sai": ông Phùng Xuân Hương, sinh năm 1960, thôn Tắc Én, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Thầy "Ừ cú sai": Ông Triệu Tài Lục, sinh năm 1966, thôn Khe Dùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Thầy "Khoi tàn sai": Ông Đặng Phúc Chu, sinh năm 1957, thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Thầy "Đàng sai": Bàn Văn Liên, sinh năm 1977, thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Người giúp việc cắt giấy in tiền: Ông Đặng Phúc Lâm, sinh năm 1975, thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

Người giúp việc: Bà Đặng Thị Luyến, sinh năm 1978, thôn Khe Rùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Đàng ton, đàng xiếc: ba cặp nam nữ chưa lập gia đình gồm:

Đàng ton:

           1. Bàn Văn Tuyến, 15 tuổi, thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

           2. Triệu Văn Vượng, 14 tuổi, thôn Khe Rùng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

           3. Đặng Phúc Ân, 14 tuổi, thôn Giáp Cang, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

           Đàng xiếc:

           1. Đặng Thị Huyên,13 tuổi, Thôn Giáp Luồng, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

           2. Bàn Thị Mấy, 13 tuổi, thôn Giáp Chảy, xã Khai Trung, huyện Lục Yên

           3. Triệu Thị Vân, 14 tuổi, thôn Tắc Én, xã Khai Trung, huyện Lục Yên.

Cùng toàn thể lãnh đạo xã, bà con người Dao trong xã Khai Trung, huyện Lục yên, tỉnh Yên Bái.

- Quy trình diễn ra Lễ cầu mùa

Để chuẩn bị cho nghi lễ cầu mùa ngay từ mấy ngày hôm trước khi tổ chức đồng bào đã họp chọn ngày tốt phù hợp với điều kiện công việc của bản. Trước tiên là phân công công việc cho dân bản chuẩn bị vật liệu để dựng lán và đưa ra mức đóng góp lễ vật phục vụ cho lễ hội. Đồng bào cũng họp bàn để chọn ra bốn ông thầy cúng, một người giúp việc cắt giấy in tiền, một người phụ nữ chăm sóc đời sống và các đàng ton, đàng xiếc.

Cách hai ngày tiến hành lễ hội chính thức bốn ông thầy cúng tiến hành viết sớ và in tiền.

Thầy Khoi kiềm sai phải viết 5 tờ sớ và một số câu đối và Póng: 1 tờ sớ (khoi sên só), 1 tờ sớ (tẩy chiếu só), tờ sớ (khòi sén piằng píu) được viết bằng giấy màu vàng, tờ sớ (khoi sên chửa diểu), tờ sớ (thính sính pẹ póng).

Thầy ừ cú sai viết 8 sớ: Ừ cú só, ừ cú viằng píu, Ừ cú chuấ diển, Ừ cú chổng, Ừ cú quan, Ừ cú tịp, Ừ cú siêu háo tịp, Vìa soong chếp. Thầy cúng Đàng sai viết 1 tờ sớ là sìa hùng só.

Tất cả các tờ sớ này các thầy và các đệ tự thay nhau viết phải hoàn tất trong một ngày.

Sáng sớm hôm chính lễ tại gia đình ông chủ thờ thần linh ở thôn Giáp Luồng mọi người nam, nữ dân bản tập trung đông đủ, lúc này ông chủ thần linh tay cầm bó hương đót sẵn và một một tập tiền và trống nổi lên mời lần lượt xứng mời và đón các vị thần linh rước đến lán thiêng ở thôn Giáp Luồng để chính thức tổ chức lễ cầu mùa.

- Phần lễ

* Bữa cơm khai trương (Khí trị tưu).

Khi các hộ gia đình và bốn thầy cúng đã đến lán thiêng (sìa lìu) đầy đủ thì bắt chuẩn bị bữa cơm khai trương hay còn gọi là Khí trị. Đây là bữa cơm đầu tiên để khai trương mở màn công việc lễ hội. Bữa cơm này dành riêng cho các thầy và đệ tử nên phải đặt ngay ở gian giữa bên dưới bàn cúng. Thay mặt cho các vị thầy và các đệ tử ngồi trong mâm thầy Khoi kiềm sai đại diện khấn báo và mời các vị thần linh về dự lễ. Đó là thần coi bản (Tẩy chiếu miền), tổ tiên các hộ dân bản (Chà phin chiếu chiếu), các vị thánh sư của các thầy cúng (hành phây), cuốn tam thanh thánh thượng ngọc hoàng (phẩm thinh tải tổ phẩy phẩy cồng chồng), thần coi trời (chằng trái miên), thần coi địa phủ (hạ trái miên). Thầy Khoi kiềm sai khấn báo với nội dung "Hôm nay là ngày lành tháng tốt nhân dân của xã Khai Trung tiến hành lễ lễ cầu mùa mời các vị thần Tẩy chiếu miền, chà phin chiếu, hành phây, phẩm thinh tải tổ phẩy phẩy cồng chồng, chằng trái miên, hạ trái miên về dự bữa cơm khai trương mở màn công việc lễ hội và chứng kiến lễ hội cầu mùa của dân bản mong các vị thần linh bảo vệ con cháu coi sóc tổ tiên, cầu mong mọi bình an tiền tài lúa gạo sẽ về với các gia đình trong bản. Mong các vị thần coi sóc bản (tày chiếu miên, tổ tiên (hành phây) và các vị thánh sư của thầy cúng (hành phây) vốn là các thầy cúng cao tay ở thế giới bên kia cõi âm về chứng kiến và đừng để điều gì không tốt sảy ra với con cháu, gọi hồn cơn người và hồn lúa, hồn súc vật bị thất lạc về".  Cùng với việc khấn báo và mời các vị thần linh về dự bữa cơm khai trương và lễ cầu mùa cùng dân bản thầy cúng còn mở chiếc piu (sớ) chiếu theo danh sách bài cúng  tổ tiên cho từng hộ gia đình trong bản.

Để cảm ơn các thầy cúng thì ông chủ thờ thần linh đại diện cho dân bản lấy năm bát rượu đặt ngay ngắn trong chiếc chiêng đồng đưa cho các thầy cúng với hàm ý cám ơn thầy cúng và các đệ  tử đã tham gia vào lễ cầu mùa. Sau đó thầy Khoi kềm sai đại diện cho bốn ông thầy tiếp tục mời và đón tiếp các vị thánh sư của bốn thầy cúng và cuốn tam thanh thánh thượng ngọc hoàng đến dự và nhận lấy bát rượu của sư đệ làm công việc lễ hội cầu mùa cho dân bản được thuận lợi theo ý muốn. Sau mỗi lần khấn mời các vị thần về dự lễ và chứng kiến công việc của bản thầy khoi kềm sai lại gieo một quẻ âm dương xem mọi việc có hanh thông hay không. Lúc này tiếng trống chiêng nổi lên báo hiệu lễ cầu mùa đi vào chính thức.

* Lễ treo tranh và lập bàn thờ.

Sau khi bữa cơm khai trương, các thầy cúng lại tiếp tục công việc lập bàn thờ và treo tranh cúng. Tranh cúng là những hình ảnh linh thiêng nên trước khi mở bao tranh ra các thầy phải tẩy uế, chỉnh sửa quần áo mũ mão chỉnh tề. Thầy Khoi tàn sai và các đệ tử lấy các cuốn tranh ra đặt lên bàn ngăn nắp gọn gàng và từ từ mở ra. Khi đưa tranh ra mỗi lần lấy tranh ra đều đều được được phụ họa bằng tiếng tù và chiêng trống dòn rã. Trong lễ cầu mùa người ta sử dụng 18 bộ tranh bao gồm tranh hình tượng Ngọc hoàng thượng đế, tranh thánh sư, tranh âm binh, tranh thiên tề, địa tề, tranh thần liên lạc, tranh dương tề, tranh thủy tề. Tranh treo cũng theo một thứ tự nhất tự nhất định tranh các vị thần tối cao treo chính giữa các vị nhỏ hơn treo hai bên, dải vải trắng phủ trên hàng tranh tượng trưng cho mũ ngọc hoàng thượng đế để thể hiện sức mạnh của ngài.

Sau khi treo tranh song thầy Khoi kiềm sai cùng các đệ tử chuẩn bị bàn thờ để cúng. Bàn thờ được làm bằng cách mảnh gỗ ghép lại. Bàn thờ có ba bát hương, bốn chiếc vòng bạc đặt trên miệng các bốn gói gạo (siếu chiên), 15 chén rượu, ba cây sớ được bọc giấy đỏ đặt trên ba bát gao bao gồm sớ Khai sơn (khoi sên), sớ cầu mùa (tẩy chiếu só), sớ cầu phúc (ứ cú só) và một số lễ vật như bánh phật (dúa chiang), bánh này được làm bằng gạo nếp đồ chín đổ ra trộn đều với vừng rồi nắm thành hình tròn gói bằng lá chít. Đây là loại bánh đặc trưng không thể thiếu trong lễ cầu mùa của người Dao đỏ. Ngoài ra còn có các đồ vật khác như: một con dao; một cái búa và 12 bó đuốc nhỏ dài khoảng 45-50cm, mười hai bó đuốc đại diện cho 12 họ của người Dao.

* Lễ mời và đón thần linh.

Khi bàn thờ được sắp đặt song thầy "Khoi tàn sai" và các đệ tử mặc quần áo cúng chỉnh tề, buộc các tấm vải sô trắng vào bụng, các tấm vải đỏ lên đầu tay cầm hai quẻ đứng thành hàng ngang từ thầy chính đến thầy phụ. Chiêng trống nổi lên rộn rã là lúc thầy khoi tàn sai và các đệ tử bắt đầu tiến hành các nghi thức dâng lễ mời và đón tiếp các vị thần linh. Các thầy vừa khấn mời vừa gieo thẻ âm dương nếu thẻ sấp thẻ ngửa là được. Sau khi lần lượt đón tiếp các vị thần linh lần hai thì các thầy lại tiếp tục mời đón các vị thần linh coi bản Chắp (tẩy chiếu miên), tổ tiên của các họ dân bản (Chà phin). Chắp tẩy chiếu miên là thần coi bản từ đầu bản đến cuối bản, Trà phin chấu chiếu là tổ tiên của các hộ dân bản. Việc mời và đón tiếp các vị tẩy chiêu miên, Chà phin, hành phây đến chứng kiếm buổi lễ cầu mùa là nhiệm vụ chính của thầy Khoi tàn sai. Tiếp thầy khoi kiềm sai chưa mời ngay các vị thần vì ma quỷ còn xung quanh chìa lừu có thể làm ô uế việc đón tiếp các vị thần nên thầy khoi kiềm sai phải tiến hành vận pháp chấn yểm các vị trí và tẩy uế các vật dụng giao tiếp tế lễ với các thần linh. Các vật được tẩy uế bao gồm các lễ vật ở trên bàn thờ, bát nước phép, cuốn sách cúng và cả thân thể thầy cúng. Cứ mỗi lần như thế thầy cúng lại gieo một quẻ âm dương xem có hanh thông hay không. Thầy khoi kiềm sai cùng với hai thầy cúng khác hợp sức nhau chấn cửa chìa lừu và các vị trí bên ngoài.

Với sự hợp sức của các thày cúng các ma quấy nhiễu nhanh chóng bị đẩy ra xa lán thờ. Thầy khoi kiềm sai và thầy khoi tàn sai dùng tù và thỉnh gọi tẩy chiêu miên, chà phin và hành phây xuống tham gia lễ cầu mùa cùng dân bản. Sau khi thỉnh chung thì thầy tiến hành mời riêng từng người động tác của thầy lúc này gồm đọc khấn kết hợp với thỉnh chuông. Các vị tổ tiên thần linh ứng báo ngay lập tức thầy khoi kiềm sai cử 6 đệ tử ra đón tiếp. Các đệ tử tay cầm màn pên là một thanh tre nhỏ đi vòng quanh nhún nhẩy theo một quy tắc nhất định chuyển động một cách chậm chạp theo chiều ngược kim đồng hồ. Tiếp theo đó là việc các thầy thỉnh mời chắp tam thanh Ngọc hoàng thượng đế là vị thần tối cao có thể gọi là vua; chắp (chẳng cháy miến) thần gửi trời, thần khai thiên lập địa; chắp (hạ cháy miến) thần cai quản địa phủ, cai quản các loại thú trong rừng. Việc đón tiếp các vị thần được tiến hành liên tục ba lần, sau khi đón mời các vị thần đến theo nghi thức các đệ tử phải cúi lậy mời các vị thần xuống ngựa sau đó tiếp tục nghi thức dâng lễ giót trà mời rượu các vị thần vui vẻ hợp binh, hợp tướng. Cùng lúc đó thầy Khoi kiềm sai đứng trước bàn cúng tay cầm mõ đi vòng tròn vừa đi vừa cúng với nội dung báo cáo lý do và nguyên nhân tiến hành lễ cúng cầu mùa của dân bản. Ngoài ra thầy khoi kiềm sai còn báo cáo đầy đủ, tỉ mỉ nội dung công việc phải tiến hành trong buổi lễ được viết trong ba chiếc piu (sớ) được việt bằng chữ Hán đặt trên bàn thờ: piu Khai sơn, piu Phúc lộc và piu Cầu mùa. Theo quy ước thì thầy khoi kiềm sai đọc piu Khai Sơn, Thầy Ừ cú sai đọc piu phúc lộc.

* Lễ dâng tiền, gạo.

Tiếp theo đó là đến nghi thức dâng tiền và gạo. Nghi thức dâng tiền có ý nghĩa trình cho Chà phin, tầy chiếu miên, hành phây biết số tiền mà toàn bộ số tiền mà dân bản sử dụng làm vật dâng cúng. Trong lúc ông thầy Khoi kiềm sai báo cáo với các vị thần thì có một ông thầy là đệ tử của thầy Khoi kiềm sai thay mặt thầy Khoi kiềm sai dâng lễ nộp tiền đầu tiên trong lễ cúng được gọi là (lệ bái miến chấy) số tiền giao nộp, tiền này được nhân dân in cắt từ giấy bản còn thầy khoi kiềm sai và các đệ tử dùng tay bốc gạo ném về bốn phía nhằm chuyển gạo cho tổ tiên và thần linh. Để kết thúc phần nghi lễ đón tiếp các vị thầy thầy Khoi kiềm sai cùng các đệ tử dùng các động tác múa đi vòng tròn năm lần thể hiện cho việc đón tiếp năm vị thần, họ vừa đi vừa cúng mời kết thúc nghi lễ đón tiếp đầu tiên.

Sau khi nghi lễ này kết thúc chuyển sang tiếp tục động tác lệ miến chíp. Trong lễ này các đệ tử phải chuẩn bị các lễ vật để cúng bao gồm 5 cái chén, 5 chai rượu, 4 cái xạ pính đặt trên lá chít, một cái đèn và tiền, chuông đồng và bánh phật. Thầy khoi tàn sai lúc này vừa cúng vừa dâng tiền vàng giao nộp cho các vị thần linh bằng cách hóa tiền vàng thành tiền thần gọi là (xiêuchiây) và tự tay giót rượu ra chén dâng lên các vị thần thỉnh cầu thần linh giúp cho công việc cầu mùa của dân bản gặp nhiều thuận lợi. Sau khi giao nộp tiền vàng song thầy gieo quẻ âm dương để xem mọi việc có hanh thông không, các vị thần linh có đồng ý hay không. Nghi lễ được tiến hành đầy đủ song xuôi thầy khoi tàn sai tiến hành phát bánh mật và mọi người xung quanh cùng được hưởng lộc. 

*  Ngày cúng chính thức.

Khi đồng hồ đã chuyển sang canh thì lúc này ba ông "khoi kiềm sai", "ừ cú sai" và thầy "khoi tàn sai" chuẩn bị trang phục để tiến hành lễ cúng cầu mùa chính thức. Các thầy mặc quần áo thầy cúng đầu đội các hình ảnh của các vị tam thanh đó là (sàn nghẹ, sên tào) mỗi thầy đội một hình ảnh khác nhau. Thầy "khoi kiềm sai" đội hình ảnh của đạo đức thiên tôn, thầy "ừ cú sai" đội hình ảnh nguyên thủy thiên tôn, thầy "khoi tàn sai" đội hình ảnh của linh bảo Thiên tôn. Đây chính là ba bức tranh ở vị trí trung tâm của bộ tranh Đại Đường. Ba thầy bắt đầu tiến hành nghi thức pháo (tòm diền goăng) để nghênh đón các vị thánh sư của ba ông thầy cúng đến phù hộ và hỗ trợ giúp cho ba đệ tử làm công việc lễ hội cầu mùa. Khát vọng để nhìn thấy các vị thầy của mình được các thầy cúng thể hiện bằng điệu múa "páo goen" đặc sắc các thầy phụ tay cầm chuông, chân bước đi chậm chạp vừa đi vừa nhúm một cách nhịp nhàng nhuần nhuyễn. Nghi lễ đón tiếp thánh sư được các thầy thể hiện một cách trang trọng, các thầy cùng các đệ tử đi theo vòng tròn chân bước ngược kim đồng hồ, tay đưa lên cao tay và chân kết hợp nhịp nhàng thể hiện sự bày tỏ tấm lòng tôn sư trọng đạo, gắn bó trung thành giữa thầy và trò. Nghi lễ này là cơ hội cho các thầy cúng thể hiện tài năng trước các vị thánh sư là những người thầy của mình. Các thầy vừa đi vòng tròn tay cầm nến, đèn vừa đi vừa khấn dâng đèn và nến cho các thánh sư để thể hiện lòng biết ơn công lao to lớn của các vị thần đối với dân bản.

Tiếp đến là bài "tiếp diềng goeng" tức khấn mượn đèn được tiến hành khi các thầy cúng đi mời "sài tía", theo phong tục của người Dao Đỏ chiếc đèn là một vật tượng trưng rất đặc biệt rất nó không chỉ là phương tiện giao cảm giữa thế giới thần linh tổ tiên và  thế giới con người mà còn biểu hiện cho vị thế và quyền năng của một thầy cúng. Trong nghi lễ cấp sắc thành đinh cấp số lượng đèn ban cấp càng lớn thì vị thế của người được phong sắc càng cao về nguyên tắc chỉ những người đàn ông được cấp sắc tùy theo từ 3 đèn, 7 đèn hoặc 12 đèn thì mới có quyền đảm nhiệm vai trò làm thầy cúng và lập bàn thờ tổ tiên. Chính vì thế người Dao rất coi trọng đèn và đèn có thể xem là một vật tối linh trong thế giới tinh thần của họ. Thầy Khoi tàn sai và các đệ tử mang đèn đi đón được "Sài tía" thì bày ra bữa tiệc rượu để chúc mừng . Bữa tiệc khá giản dị nhưng trạng trọng, thầy ngồi xuống chiếu ghế đối diện với các vị thánh sư vừa tiếp rượu vừa đọc bài cúng mừng có tên gọi "On diềng goàng". Sau khi mời được các vị thánh sư đến các ông thầy lần lượt thay nhau đi vào nhiệm vụ chính của mình.

*) Nghi lễ do thầy "Khoi kiềm sai" đảm nhiệm: Các đệ tử làm nhiệm vụ sắp xếp các tờ sớ, tiền, tiền ngựa, hương đèn được đặt trên tấm ván hay còn gọi là "Vần thoi" được kê sẵn ở hiên lán (Sìa lìu) để tiến hành cúng khao chúng sinh. Sau khi lễ vật đã được chuẩn bị song thầy khoi tàn sai đứng trước bàn cúng khao chúng sinh lần lượt mời các vị thần phù hộ. Trong lúc đó thầy khoi kiềm sai ra ngoài hiên lán (Sìa lìu) chân bước lên tấm ván (khoi vần) miệng khấn để đón tiếp mời Ngọc hoàng đại đế xuống trần gian để chứng giám lễ cầu mùa của dân bản. Sau khi  được thầy khoi kiềm sai báo cáo lý do và nguyên nhân giao nộp tiền giấy, tiền ngựa đầy đủ xong. Tờ sớ viết bằng giấy mầu vàng với nội dung báo cáo với ngọc hoàng đại đế về việc tiến hành lễ cầu mùa. Sau đó thầy khoi kiềm sai nhẹ nhàng cho tờ sớ vào phong bì kèm theo tiền ngựa để cúng trình tấu lên Ngọc Hoàng thánh thượng lão quân. Mỗi lần trình tấu lễ vật song thì thầy khoi kiềm sai lại gieo quẻ âm dương xem Ngọc hoàng, thánh thượng lão quân đã tiếp nhận hay chưa và mọi việc có hanh thông hay không. Sau khi mọi biết việc hanh thông thì tiếp đến các thầy bắt đầu điệu múa xuất phanh (tức múa xuất quân), là một nghi thức miêu tả cuộc tranh đấu giữa con người và thế lực tà ác. Để chống lại ma quỷ con người dùng mọi vũ khí khác nhau. Theo lời cúng mở đầu xuất phanh thì sức mạnh của dân bản dựa vào các vũ khí được các vị thần linh ban sức mạnh cho. Các vị thần đã dùng phép thuật để biến hóa con dao, cái búa, và 12 bó đuốc, cung tên để dùng để làm vũ khí tiêu diệt yêu ma ở khu rừng u tối. Trên chiến trường tưởng tượng vô cùng ác liệt người ta nghe thấy xen lẫn tiếng trống trống trận là tiếng tiếng hò reo và tiếng binh khí va chạm nhau chan chát. Vừa đánh vừa đỡ các chiến binh chuyển dần cục diện sang thế thắng cuối cùng đã đến được sào huyệt của ma qủy. Đó là một khu rừng tăm tối có nhiều đá cứng lởn chởm và những dòng nước độc mà không sinh vật nào sống nổi, đất đá nhiều không canh tác được. Bị khống chế bởi sức mạnh của bùa phép ma quỷ nằm yên không dám nhúc nhích.  Sau khi bao vây canh giữ cẩn thận khu rừng ác thì họ chấn yểm bàn thờ và các vật cúng. Nghi thức chẩn yểm rất tỉ mỉ những đồ vật được yểm bùa được gọi tên đích danh và tẩy uế. Sự bình yên lại trở về với bản làng của người Dao ở Khai Trung.

Khi thế lực đen tối đã bị tiêu diệt, khu rừng đen tối đã được trấn yểm lúc này thầy "khoi kiềm sai" lập lên khu rừng mới (còn gọi tẩy mẩy kềm) để dân khai phá canh tác. Thầy khoi kiềm cùng đệ tử đã dùng các vũ khí có trong tay  như búa, dao, lửa, nước, gạo đã chặt cây, đập vỡ đá cứng đốt nương làm rẫy, khơi phá nước độc khai hoang trồng lúa, trồng ngô. Nhưng lúc này trong khu rừng mới có đến 12 cái mặt trời chiếu xuống khu rừng nên bắt buộc các thầy đã dùng lửa để bắt bớt 10 cái mặt trời chỉ để lại 2 cái, một cái là mặt trăng còn  một cái là mặt trời để có ngày có đêm phục vụ cuộc sống của dân bản. Sau khi làm lễ khai phá lập rừng mới song các thầy làm lễ nhập rừng cho dân bản. Ma quỷ không còn nơi ẩn náu nữa đã bị dồn lên thuyền ma. Đây là một phương tiện đặc biệt thuyền được đan bằng nứa bên ngoài trang hoàng bằng giấy màu bên trong để nhiều tiền vàng để thu hút, hấp dẫn ma quỷ, một khi ma quỷ đã lên thuyền sẽ không còn đường xuống phá phách dân bản. Thầy "Khoi kiềm sai" vừa dụ dỗ vừa dùng phép thuật ép buộc ma quỷ lên thuyền đi đến nơi thật xa chân trời phía tây không bao giờ quay về quấy nhiễu con người.

Khi mọi việc đã hoàn tất các thầy tiếp tục nghi lễ múa cúng thu quân đồng nghĩa ăn mừng chiến thắng của đồng bào Dao ở Khai Trung. Nghi lễ múa thu quân bao gồm ba phần khác nhau: là troang ngằn, sịt phuông, thiện quyên. Với mục đích thu quân ăn mừng còn có ý nghĩa cảm tạ các vị thần linh, thánh binh, tổ sư những đấng tối cao có quyền lực  vô song đã giúp đỡ dân bản trừng trị ma ác lập lên khu rừng mới tươi tốt hơn cho nhân dân canh tác. Để bày tỏ tấm lòng biết ơn của mình dân bản mang rượu, tiền gạo ra thiết đãi các ân nhân. Giống như một cuộc đưa tiễn trước tiên các đệ tử của thầy "khoi kiềm sai" dùng đèn để làm phép mở đường, sau đó dùng ngựa để chở hết tiền vàng sang thế giới bên kia giao nộp cho Ngọc Hoàng đại đế và các vị thần linh.  Nghi thức đưa tiễn Ngọc Hoàng đại đế, Thái Thượng lão quân về điện trời được tiến hành từng bước, có bốn hồi tù và tiễn đưa từng bước lên trời. Mở đầu nghi thức đưa tiễn thầy "khoi kiềm sai" đã dùng cháo để gieo quẻ xin mở và đóng cổng trời. Thầy "khoi kiềm sai" gieo bốn tương ứng với bốn cửa ở bốn phương đông, tây, nam, bắc mở đón Ngọc Hoàng đại đế và các vị thần linh về trời sau đó xin đóng các cửa đó lại.

Sau khi đưa tiễn song các thầy cúi lậy cảm tạ ơn các vị thánh sư đã phù hộ các đệ tử làm song công việc ở sân bãi và mong muốn Ngọc Hoàng thượng đế và các vị thần linh sau khi về trời luôn nhìn xuống dân gian phù hộ cho nhân dân Khai Trung. Công việc của thầy "khoi kiềm sai" tạm dừng ở đây.

*) Nghi lễ cúng Đàng: Tiếp tục công việc là nghi lễ cúng Đàng và cầu hồn lúa diễn ra cùng một thời gian. Nghi lễ cúng Đàng (cúng Bàn Vương). Đây là công việc chính của thầy "Đàng sai". Công việc chuẩn bị cúng Đàng diễn ra rất cẩn thận và khắt khe. Những người giúp việc được cử đi bắt lợn cúng đàng phải hết sức cẩn thận và lưu ý không được nói to, cười đùa phải tuân thủ sự hướng dẫn của thầy cúng. Trước khi giết mổ, nơi và vị trí giết mổ phải được tách riêng một nơi khác và phải đào một cái hố để thải những chất bẩn, tuyệt đối không được để những chất thải bừa bãi, không để súc vật tha đi.

Lễ vật cúng Đàng bao gồm: 1 con lợn, 1 bát hương, 1 chén nước lá, 6 cái chén đặt hàng ngang, 1 hũ rượu bầu, 1 ống nứa để rót rượu mời thầy, 7 túm tiền treo trên bàn, bánh chay, 1 bát rau xanh, một túm gạo có vòng bạc, một tờ sớ, sách cúng (tồm cháo sâu), một cái chuông đồng, một bộ áo thêu (và phà chìm sền tào tái), thịt chuột.

Bàn thờ cúng Đàng được làm ở một gian khác có vách ngăn kín đáo chỉ để lại một cửa đi lại ra vào. Gian này chỉ được giành riêng cho việc cúng đàng, thầy cúng đàng ton, đàng xiếc và người chăm sóc đời sống đàng ton, đàng xiếc có phận sự mới được vào.

Lợn dùng để cúng trong nghi lễ này dùng cả con đặt trên bàn cúng. Khi mọi việc chuẩn bị song các "đàng ton đàng xiếc" chuẩn bị quần áo chỉnh tề đầu đội mũ "phà chìm sền táo tài". Khi tất cả chuẩn bị song sẽ đứng thành hàng sau thầy cúng, đôi nam cao nhất đứng giữa một nam tay cầm "chiằng muẩ cấu" còn người nam còn lại cầm kèn nứa (vành sui tuấ ty) và nữ cao hơn đứng ở giữa đầu đội khăn cưới hở mặt đứng thành hàng ngang. Lúc này thầy cúng đàng sai mới bắt đầu nghi lễ đón tiếp các vị thần. Đó là các vị thần long thành cao Vương thánh chủ (lồng chình cồ lùng sính chiếu), thần Ngã sơn binh mã (ừ chề pành mả) và đón tiếp thánh sư vị thầy của các thầy cúng cùng các vị tổ tiên đến dự buổi lễ cầu mùa. Sau khi thầy lần lượt đón tiếp các vị thần xong cũng như mọi nghi lễ khác thầy trình bày lý do và nguyên nhân mời các vị thần linh xuống trần gian để tham dự buổi lễ của bà con dân bản xã Khai Trung cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống của nhân dân gặp nhiều may mắn.

Tiếp theo thầy cúng dâng trà và mời rượu các vị thần. Trong nghi lễ này có một điều đặc biệt dâng trà và dâng rượu thì dâng riêng từng vị thần không được phép mời chung. Sau đó tiến hành dâng nộp tiền cho các vị thần linh, việc dâng lễ giao nộp tiền không đơn giản phải báo cáo tỉ mỉ chi tiết mọi việc phải làm trong nghi lễ. "Diệu tê" là tên điệu múa miêu tả các động tác giao nộp tiền với các vị thần linh. Đối với thầy cúng dùng "sạn phún" không chỉ là vũ khí đắc lực dùng tiêu diệt yêu ma mà còn để chuyển tiền sang thế giới bên kia. Tiếp đó "Thầy khoi tàn" dùng thẻ âm dương hỏi các vị thần số lượng lễ vật dâng cúng họ đã nhận đủ các lễ vật hay chưa. Dâng lễ song các vị thầy cầu xin cho dân bản luôn được khỏe mạnh, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho mùa màng được tốt tươi, gia súc gia cầm sinh sôi nảy nở, phúc lộc đầy nhà.

Sau nghi lễ dâng nộp tiền là nghi lễ là "chuổi chị lô nhần". Nghi lễ này được coi trọng hàng đầu đòi hỏi hết sức cẩn thận và nghiêm ngặt khắt khe. Trong nghi lễ này các đệ tử phải đặt thêm một bàn cúng ở dưới. Lễ vật trong nghi lễ này chỉ có món thịt chuột, trong những đệ tử phục vụ nghi lễ này cử ra một người hết sức cẩn thận mang thịt chuột đi chặt nhỏ để sào chín không được cho muối, không nếm thử và được mang ra cho vào 6 bát, 6 đôi đũa. "Đàng sai" phải chọn 6 người nam giới có tuổi, hiểu biết về chữ Hán và đã trải qua cấp sắc bảy đèn. Những người được chọn ngồi vào bàn cúng đó phải nghiêm túc không được ngồi kê chân, không nói thô tục và tuân theo sự hướng dẫn của thầy cúng. Khi mâm lễ đã chuẩn bị hoàn tất thầy "Đàng sai" tay cầm một tập tiền mời các vị thần linh đến dự mâm lễ này và nhận mâm lễ vật này.

Mở đầu bài cúng các thầy mời các vị thần đến dự ăn uống, ngồi vui vẻ nghe các thầy và các "Đàng ca" hát cho các vị thần nghe. Nội dung của các bài hát trong sách chữ Hán kể về sự ra đời và di cư của tộc người. Xưa kia, khi cuộc sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn cuộc sống nay đây mai đó, hạn hán thiên tai dịch bệnh liên miên đe dọa cuộc sống của đồng bào. Trước cuộc sống khó khăn đồng bào đã cùng nhau đóng bè vượt biển khơi tìm cuộc sống mới tươi đẹp hơn. Trong lúc hoảng loạn đồng bào đã cầu khấn thần Ngũ Sơn binh mã, Long Thành cao vương thánh chủ và Tô Liên đến phù hộ cho thuyền vượt biển may mắn đến bờ. Nhờ sự giúp sức của các vị thần linh, thuyền đã cặp bờ an toàn mọi người hân hoan vui mừng phấn khởi lên núi dùng giây bắt lợn rừng về để cúng tạ ơn các vị thần. Mọi người hân hoan ca hát phục vụ các vị thần.

Tiếp tục chương trình cúng Đàng thầy "Đàng sai" cùng ba cặp nam nữ là các "Đàng ton", "Đàng xiếc" cùng ra ngoài bãi để tiếp tục nghi lễ cúng. Thầy cúng tiếp tục động tác vừa đọc cúng kể công ơn của các vị thần linh vừa đi vòng tròn từ trái sang phải thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của dân bản. Cùng với thầy cúng thì các đàng ton và đàng xiếc vừa múa vừa hát tiếp tục phục vụ các vị thần. Tiết mục múa này có tên gọi (thiắng quyía phà lụa cò chiằng síe diển có khiuố) cũng là tiết mục kết thúc bài cúng theo cuốn sách nho. Song tiết mục múa thầy đằng sai lấy một sấp tiền mua lấy lá gan lợn thái nhỏ sào chín và nấu canh đem ra bát xắp lấy 13 bát canh đặt lên bàn cúng lễ tạ ơn 6 người là chuổi chị lô nhần và ba cặp năm nữ "Đàng ton", "Đàng xiếc" đã hưởng ứng bài cúng ca hát. Khi mọi người thụ lễ song "Đàng sai" tiếp tục lại gieo quẻ âm dương để xem các thần linh đã nhận đủ tiền và lễ vật cúng chưa, mọi việc có hanh thông hay không. Sau bài cúng và xin âm dương thầy "Đàng sai" và 6 người chuẩn bị (chuổi chị lò nhần), ba cặp "Đàng ton", "Đàng xiếc" cùng nhau khiêng bàn cúng ra ngoài bãi sân để cúng theo cuốn sách (ghieng ghiắng xuất cành). Sách này có nội dung tạm thời tiễn đưa vị thần cao tay về nơi xuất xứ và hứa từ nay nay con cháu sẽ không làm cúng Đàng nữa, cầu mong được các vị thần phù hộ cho nhân dân của bản. Sau nghi lễ này thì thầy cúng và ba cặp "Đằng ton, "Đàng xiếc" phải chỉnh sửa gọn gàng để đón tiếp các vị thần lần thứ hai. Lần này chỉ đón tiếp hai lần không cần những nghi lễ cầu kì như lần đầu đón tiếp.

Thầy cúng tay cầm thẻ âm dương miệng khấn mời các vị thần xuống chứng kiến phù hộ cho nghi lễ cúng Đàng của đồng bào Dao Khai Trung vừa cúng thầy vừa gieo quẻ xem mọi việc có hanh thông hay không. Khi việc mời các vị thần đã tiến hành xong thì tiếp tục nghi lễ dâng trà dâng rượu kính dâng lên các vị thần. Những người phụ việc chuẩn bị sẵn một chiếc bàn và bốn chiếc ghế xung quanh thầy ngồi đối diện với bàn thờ có sẵn vừa khấn vừa dâng rượu và tiến hành báo cáo lý do cúng lễ này để cảm tạ các vị thần đàng đã giúp đỡ phù hộ cho dân bản có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau đó là đến nghi lễ dâng tiền giao nộp lần thứ cho các vị thần. Tiền giao nộp được để trong chiếc sàng to dải đều ra sau đó thầy cúng vừa khấn vừa dùng "sạn phún" chỉ vào chỗ tiền dâng nộp với dụng ý đang dâng nộp tiền.

Cùng lúc đó các "đàng xiếc", "đàng ton" cùng nhau múa điệu múa dâng tiền một các uyển chuyển, tay đưa lên nhẹ nhàng, chân bước đều theo chiều kim đồng hồ. Sau điệu múa thầy cúng đưa toàn bộ tiền vàng đên trước bàn thờ mang hết số tiền vàng vừa cúng để đốt chuyển cho thế giới thần linh. Việc đốt hóa tiền vàng là biện pháp duy nhất của người Dao để giao nộp tiền. Thầy cúng tay dùng "sạ phin" vừa múa vừa cúng thể hiện các động tác giao nộp tiền cho các vị thần. Tiếp đến thầy cúng lại tiếp tục dùng thẻ âm dương gieo quẻ xem các vị thần đã nhận được đầy đủ lễ đã giao nộp chưa và thỉnh cầu các vị thần giúp dân bản hoàn thành mong muốn của dân bản có một năm với mùa màng tốt tươi. Cùng với việc dâng tiền nhân dân còn coi là nghi lễ trả lẽ cho các vị thần trong suốt năm qua giúp đỡ bảo vệ dân bản.

Tiếp tục thầy cúng lại làm nghi lễ cúng theo sách hứa hay còn gọi là tan háu nhủn. Đây là cuốn sách màu trắng và được tháo gỡ thành từng mảnh nhỏ xíu và được tháo gỡ ba lần mới song. Mỗi lần tháo gỡ thầy đều phải gieo que âm dương để xem các vị thần đã đồng ý hay chưa, các thần đa cho tháo gỡ hoàn toàn hay chưa. Khi thẻ âm dương một mặt sấp một mặt ngửa là được các vị thần đã đồng ý các thầy tháo gỡ hết ba lần. Tiếp đó thầy cúng lấy một bát nước đã được chuẩn bị trước và dùng sách phép thuật biến hóa thành nước Thái Thượng Lão Quân để giải uế cho các vị tổ tiên thánh sư và tất cả các lễ vật cúng trong nghi lễ này. Dùng nước phép để giải hết ô uế trước khi vào nghi lễ là một việc quan trọng mà trong bất kể nghi lễ nào của người Dao cũng  phải tiến hành. Thầy cúng vừa đọc khấn vừa dùng "sạ phin" như cây gậy phép vẩy nước thánh vào các đồ vật. Khi tất cả được giải uế song thầy cúng lại tiếp tục dâng tiền lần thứ 2 để tạ ơn các vị thánh sư và các vị thần đến giúp đỡ thầy cúng tiến hành song buổi cúng. Lúc này thầy cúng vừa khấn vừa đốt hóa thành tiền thần chuyển hóa thành tiền âm và từng bước chuyển đến nơi cho các vị thần. Song nghi lễ chuyển tiền thì cũng là lúc kết thúc nghi lễ cúng đàng. Lúc này thầy cúng tiến hành mời các vị thần linh, tổ tiên và thánh sư về về điện xuất xứ. Thầy "Đàng sai" và ba cặp "Đàng ton", "Đàng xiếc" vừa cúng vừa múa theo sách cúng mời các vị thần về điện. Thầy cúng hai tay vắt chéo vào nhau một tay cầm bát hương còn một tay cầm chén nước chân bước lùi về phía sau nhịp nhàng vừa đi vừa khấn nhẩm thần chú. Cùng với đó, "Đàng ton", "Đàng xiếc" cũng múa phụ họa tay đưa lên cao bước lùi chân về phía sau theo quy tác nhất định. Kết thúc cuốn sách cúng thầy cúng đi ra cửa quỳ xuống đất tay úp lên bát hương còn một tay úp chén nước xuống đất mỗi thứ úp ở một bên cửa. Nghi lễ này làm phép để chấn yểm bảo vệ khu vực cúng đàng. Kết thúc nghi lễ này là kết thúc nghi lễ cúng Đàng.

*) Nghi lễ cầu hồn lúa: Theo quan niệm của đồng bào Dao ở Khai Trung hồn lúa là yếu tố quyết định sự thành bại của vụ mùa. Bởi vậy hồn lúa được đồng bào thờ cúng và cầu viện mỗi dịp sắp sửa gieo trồng. Nghi lễ cầu hồn lúa này là do thầy "Ừ cú sai" phụ trách. Trước khi tiến hành nghi lễ thầy "Ừ cú sai" cho các đệ tử đi gom các lễ vật do dân bản mang đến. Mỗi gia đình trong bản góp một ít nông sản tùy tâm do gia đình sản xuất ra để làm lễ vật. Có nhà mang từ một đến hai cân thóc, ít hạt giống rau hay mang một đến hai bắp ngô buộc vào nhau có ghi rõ tên chủ hộ để đến khi thầy cúng tán lộc của nhà ai mang về nhà đó làm giống để cấy cày vụ sau.

Khi bắt đầu vào lễ thầy "Ừ cú sai" cùng các đệ tử sắp xếp bàn cúng ngay ở cửa ra vào. Thầy cúng phải chuẩn bị hai bàn thờ, một bàn thờ trong nhà và một bàn thờ ngoài hiên lán. Bàn thờ bên ngoài gồm có một bát hương, một chén nước, năm chén rượu, một chai rượu, tiền âm và ngoài ra còn có một cái mẹt đựng thóc, ngô, một cái cân. Bàn thờ cúng đặt ở ngoài cửa được đặt một con gà trống đã được chế biến sẵn và trứng gà. Nghi lễ cúng ở ngoài song mới thực hiện nghi lễ cúng ở trong. Sau khi chuẩn bị song mọi thủ tục thầy "Ừ cú sai" bắt làm nghi lễ cúng. Đầu tiên thầy cúng thực hiện nghi lễ "Thiăm pái" là nghi lễ quan trọng đón thánh sư về phù hộ công việc. Nghi lễ này có ý nghĩ tôn sư trọng đạo, thể hiện sự thân thiết gắn bó giữa thầy và trò tiếp thêm sức mạnh cho các thầy cúng. Tiếp tục công việc thầy cúng bắt đầu công việc mời Ngọc Hoàng đại đế và các vị thần linh đến phù hộ yểm trợ cho lễ cầu mùa may mắn, thành công. Thầy "Ừ cú sai" ra hiên lán chuẩn bị một tấm ván còn gọi là Vần thoi với mục đích làm cầu nối để đưa Ngọc Hoàng đại đế xuống trần gian. Trong nghi lễ cầu mùa thì việc đón tiếp Ngọc Hoàng đại đế là rất quan trọng. Đây là vị thần không thể thiếu trong nghi lễ cầu mùa của người Dao. Ngọc Hoàng đại đế là người có uy lực nhất trong vũ trụ dùng phép thuật giúp trời đất thuận hòa, cây cối tốt tươi. Mở đầu thầy ừ cú sai dùng tù và thổi ba hồi liên tục với mục đích mời Ngọc Hoàng đại đế xuống dự lễ cầu mùa. Sau đó thầy cúng bắt đầu khấn mời, vừa khấn thầy vừa dùng thẻ âm dương gieo quẻ để xem có được không. Sau khi đón tiếp Ngọc Hoàng song thầy "Ừ cú sai" tiếp tục khấn nói rõ lý do nguyên nhân cúng cầu mùa. Nội dung khấn như sau "Hôm nay là ngày lành tháng tốt nhân dân Khai Trung tổ chức lễ cúng cầu mùa. Tổ chức lễ cầu mùa mong đón hồn lúa, ngô còn bơ vơ còn sót lại trên nương về cùng dân bản, thu hết tất cả hồn lúa về nhà để vụ sau lúa được tốt tươi. Kính mong Ngọc Hoàng đại đế phù hộ cho dân bản có một vụ mùa bội thu, cây cối tốt tươi".  Cùng với đó thầy cúng còn dâng các sớ cầu mùa đó là những tờ sớ (ừ cú diển), sớ (ừ cú viằng píu). Những tờ sớ này được cho vào chiếc phong bì màu vàng và đặt ngay ngắn cùng với tiền ngựa. Những tờ sớ này cũng ghi đầy đủ nội dung chi tiết lễ cầu mùa và mục đích tổ chức. Sau khi khấn nói rõ lý do tổ chức cầu mùa với Ngọc Hoàng đại đế thì thầy ừ cú sai tiếp tục giao nộp tiền ngựa, vừa giao nộp thầy vừa khấn và gieo quẻ âm dương xem Ngọc Hoàng đã nhận được đầy đủ lễ vật chưa. Tiếp tục thầy cúng dùng động tác dọn đường, thu phục ma đói sang một bên để tiến hành nghi thức bắc cầu qua sông sâu, qua núi cao để binh ngựa đi qua đến nơi hồn lúa xuất xứ, hồn lúa đi lạc để đón hồn lúa về đưa đến nơi có nhiều phúc lộc, kim ngân. Thầy cúng vừa khấn vừa múa với các động tác uyển chuyển tay đưa từ trên xuống dưới sau đó từ trái đưa sang phải, chân bước vòng tròn theo hướng ngược kim đồng hồ.

Sau khi thầy làm các động tác đó song thầy tiếp tục đem các tờ sớ còn lại trình báo với các vị thần và đốt hóa các tờ sớ với một tập tiền. Tập tiền này là tiền đi đường và dẫn đường các tờ sớ sang thế giới thần linh để các thần có thể nhận được sớ. Sau khi đốt hóa các tờ sớ này thì tổ tiên của các họ dân bản được thánh sư của các thầy cúng cùng lên đường để tìm kiếm hồn lúa, hồn ngô, phúc lộc, kim ngân, trâu, bò, bò, lợn, gà. Khi đã tìm được hồn của tất thì thầy cúng vừa khấn và gieo quẻ âm dương xem mọi việc tìm hồn lúa đã được chưa để tiếp tục thực hiện quy trình thu gọi hồn lúa, ngô, trâu bò, kim ngân. Thầy cúng tiến hành nghi thức cân thóc. Để cân thóc thầy phải tiến hành nhiều nghi thức kèm theo lần đầu thầy cúng dùng dao điểm vào cân để không có điều gì làm sai lệch, cài tiền vào các bó thóc và các gói hạt giống để làm tăng khả năng sinh sôi của hạt giống. Một nghi thức quan trọng nhất là phải tưới nước bón lúa thầy cúng dùng sách phép thuật biến hóa bát nước thành nước suối trong lành để tưới cho cây ngô cây lúa tốt tươi. Sau đó thầy cúng tung các hạt gạo về bốn phương để hồn lúa nhập vào bó cây và hạt giống của từng gia đình. Sau khi thực hiện song các nghi thức song thầy cúng mắc tất cả các lễ vật và hạt giống vào cân vừa cúng vừa đi vòng tròn để các hồn lúa về ngự ở các bó giống, các gói hạt rau thầy cúng trả về các gia đình kèm theo các lời chúc năm mới sức khỏe dồi dào và ngày mùa bội thu. Các gói hạt giống này sẽ đưa hồn lúa về với gia đình để giúp làm cho kho thóc sinh sôi, nảy nở đồng thời đem lại sức khỏe, hạnh phúc cho gia đình. Sau đó thầy cúng lại tiếp tục lễ cân thóc lần 2 là cách thức độc đáo để dự đoán mùa màng năm mới. Số lễ vật cân lại sau khi cúng nặng hơn ban đầu thì mùa màng năm tới sẽ bội thu, cây cối tốt tươi. Cùng với việc cúng ở hiên nhà thì mâm cúng ở bên trong cũng được tiến hành nhưng không phải do thầy ừ cú sai thực hiện mà thầy nhờ một thầy khác. Thầy này sẽ làm nhiệm vụ cúng để cùng với thầy ừ cú sai đón thần lúa, ngô và các nông sản vào nhà. Khi việc đón hồn lúa diễn ra song thì các thầy cùng dân bản ăn uống khao làng để chuẩn bị phụ giúp cho dân bản việc canh tác trồng cấy, mùa màng tươi tốt.

Không chỉ gọi hồn lúa, hồn ngô mà thầy "Ừ cú sai" còn phải cầu thêm binh mã giúp cho dân bản gọi và thu binh về mọi nhà. Quy trình này cũng được tiến hành một cách bài bản hai lần. Thầy cúng lậy bốn phương tay cầm lá cờ vừa khấn vừa múa mời âm long binh dương long tướng về. Tướng âm long binh dương long tướng khi về được buộc vào lá cờ với mong muốn tướng về bảo vệ dân bản có cuộc sống ấm no, mùa màng tốt tươi. Sau đó thầy "Ừ cú sai" tay cầm lá cờ có vô số âm binh dương long tướng cùng một đệ tử cúng gọi là (tỏi ừ cú) tay cầm cây nứa có lá buộc sẵn một nắm lúa và vài bắp ngô vừa múa vừa khấn với mục đích đưa hồn ngô, hồn lúa, binh âm, binh dương về mọi nhà. Sau khi kết thúc công việc thầy "Ừ cú sai" ra tấm vắn (vần thoi) thổi ba hồi tù và báo hiệu đưa tiền ngựa tạ ơn Ngọc Hoàng thượng đế, các vị thánh sư và tổ tiên của các gia đình. Tiếp đó thầy cúng bắt đầu hóa tiền ngựa để chuyển hóa cho các vị thần linh.

Khi nghi lễ chuyển hóa tiền song thầy cúng bắt đầu nghi thức tiễn đưa Ngọc Hoàng thượng đế về trời.Việc tiễn đưa Ngọc Hoàng thượng đế về trời cũng được tiến hành từng bước. Mở đầu Thầy "Ừ cú sai" thồi bốn hồi tù và sau đó khấn bốn hướng và gieo quẻ xin mở bốn phương cổng trời để đón Ngọc Hoàng thượng đế về điện. Khi gieo quẻ thấy mọi việc đã hanh thông cửa điện đã mở thi thầy khẫn tiễn Ngọc Hoàng và mong ngài phù hộ cho dân bản có một năm mới có vụ mùa bội thu, dân gặp nhiều may mắn sức khỏe, bình an.

Sau khi các thầy "Khoi kiềm sai", "Ừ cú sai",  "Khoi tàn sai" làm song nhiệm vụ của mình thì tất cả cùng tập trung vào nghi lễ cúng cuối cùng giao nộp lễ vật và khao quân. Lúc này các đệ tử và người giúp việc nhanh chóng lấy con lợn và lễ vật bày ra bàn như bánh phật (ghiuố chiăng), xạ pinh, tiền giấy, tiền ngựa, tiền hứa cầu khấn, chén rượu. Số lễ vật này được chia làm hai vị trí khấn: vị trí đầu tiên còn được gọi (tòng hấu chẩy mả) dùng một cái mâm đặt trên bàn đã chuẩn bị sẵn bao gồm có 7 cái chén được đặt theo vòng tròn và bên trong được đặt tiền ngựa, xạ pính và tiền hứa, rượu được chia làm 4 chai riêng được bày ở các vị trí nhất định, đèn dầu, chuông đồng. Vị trí thứ hai còn được gọi (xùng panh) gồm có năm cái chén đặt ngang hàng, tiền ngưa, xạ pính. Khi lễ vật đã chuẩn bị song thầy "Khoi kiềm sai" cùng với một thầy phụ chuẩn bị quần áo chỉnh tề, mặc áo cà sa là áo dành riêng cho các thầy cúng, đầu đội khăn. Hai thầy đứng ở hai đầu bàn thầy bên trái gọi là "Óm dung" đề ra một bài cúng còn thầy bên phải "Tào dung" trả lời bài cúng, các thầy hỏi - đáp qua lại theo làn điệu dân ca hay còn gọi là "Pá dung". Nghi thức cúng hát giữa hai thầy diễn ra trong khoảng 30 phút.           

Khi nghi thức song thầy "Khoi tàn sai" cùng các đệ tử tất cả gồm có 4 người ngồi vào ghế dùng chuông đồng thỉnh mời các vị thần linh, tổ tiên, thánh sư ngồi vào mâm uống rượu và mời trà. Đây là lần mời các vị thần linh cuối cùng trong nghi lễ cầu mùa. Các thầy vừa khấn vừa thỉnh chuông mời các vị thần linh uống rượu, uống trà cùng dân bản.

Sau khi đón tiếp đầy đủ, lúc này thầy "Khoi kiềm sai", thầy "Ừ cú sai" và thầy "Khoi tàn sai" cùng một đệ tử đã được chọn sẵn làm nghi lễ dâng tiền tệp và tiền ngựa. Đây là cũng là nghi lễ dâng tiền cuối cùng. Sau khi vừa dâng tiền và đốt hóa chuyển đến thế giới thần linh thì các thầy vừa đi xung quanh đống lửa vừa khấn và gieo thẻ âm dương xem các thầy đã nhận đầy đủ tiền hay chưa, các vị thần đã đồng ý với số tiền tệp và tiền ngựa dân bản dâng nộp chưa. Khi đã dâng tiền song thầy "Khoi kiềm sai" lại tiếp tục dâng nộp tiền hứa. Tiền hứa là số tiền dân bản đã hứa nộp cho các thần linh trong lần cúng cầu mùa lần trước. Tiền hứa được trả lần lượt theo cuốn sách nho có tên (tòng hấu chẩu mả). Thầy cúng vừa khấn vừa tháo cuộn dây gọi là "Nhủn pêu" nhưng cũng phải lần lượt theo sách hứa, từng mục được tháo dỡ song vò nát từng mảnh. Việc trả tiền và tháo dỡ cuộn dây được thầy thanh toán làm đi làm lại ba lần mới kết thúc. Sau khi tháo gỡ song "Nhủn pêu" thầy cúng phải gieo quẻ âm dương xin xem chắc chắn việc thanh toán tiền hứa đã được các vị thần linh hoàn toàn đồng ý hay chưa. Thầy cúng tay cầm quẻ âm dương và bắt đầu hỏi các các vị thần linh trong mâm lễ 1 có 7 cái chén các vị thần lấy bao nhiêu còn lại các thầy giao lộc âm dương. Sau khi mọi việc hoàn thành cả ba thầy cùng nhau hóa hết tiền hứa và các sớ để thế giới thần linh nhận được.

Sau khi xin quẻ âm dương song, lúc này thầy "Khoi tàn sai" lần lượt đi phát những chiếc bánh lộc cho mọi người cùng nhau thụ hưởng, khi đã hưởng lộc song thầy lại đi xin lại cái lá trao trả lại cho các vị thần thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới con người và thánh thần.

Cuối cùng các thầy thực hiện bài cúng tiễn đưa các vị thần linh, tổ tiên và các vị thánh sư về cung điện xuất xứ. Lúc này tất cả các thầy cùng nhau thực hiện điệu múa tiễn các vị thần linh, động tác nhịp nhàng uyển chuyển theo hướng ngược kim đồng hồ kết hợp với điệu múa là tiếng chiêng trống náo nhiệt hòa nhịp cùng làm cho buổi lễ càng tưng bừng.

Kết thúc điệu múa các thầy cởi bỏ áo cà sa và mũ Ngọc Hoàng Thượng đế và chắp tay bái tạ ơn thánh sư thầy trò tạm thời chia tay hẹn ngày gặp lại. Kết thúc lễ cúng thầy cúng cùng các đệ tử lại cẩn thận nhẹ nhàng thu dọn những bộ tranh cúng gói gọn để lễ cúng sau dùng tiếp. Sau lễ cúng mọi người tập trung liên hoan để chuẩn bị cho vụ mùa mới với mong muốn may mắn, mưa thuận gió hòa. Nhưng khi ngồi vào mâm tất cả chưa được ăn ngay mà thầy khoi kiềm sai lại tiếp tục tiến hành bài cúng tạ ơn các vị thần linh đã phù trợ cho buổi lễ thành công tốt đẹp. Tất cả mọi người trong bản cùng nhau nâng chén rượu cầu chúc một vụ mùa mới tràn đầy niềm vui, thóc lúa đầy nhà và chia tay hẹn lễ cầu mùa năm sau.

5. Phần hội: Sau phần lễ kết thúc là phần hội náo nhiệt thu hút đông đảo bà con dân bản, đặc biệt nam thanh nữ tú tham gia tập trung ở sân bãi của "Chìa lìu" (miếu thiêng) cùng nhau tham gia. Đặc biệt không khí lễ hội sôi nổi hơn cả trong các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, ném còn.

* Kéo co: Trong các lễ của người Dao Đỏ ở Khai Trung trò chơi kéo co thường có trong phần hội, thể hiện tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ. Kéo co là trò chơi có cách thức tổ chức, đạo cụ và sân chơi đơn giản. Một cuộc thi kéo co có 2 đội, số lượng người đều nhau gồm 8 đến 10 người. Thành viên trong đội thường là những chàng trai, cô gái trong làng có thể hình cao lớn, có sức khỏe dẻo dai, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Khi bắt đầu kéo 2 đội sẽ nắm vào một sợi dây thừng, ở điểm giữa của dây được đánh dấu bằng một dây lụa đỏ làm mốc. Khi hiệu lệnh vang lên, các thành viên của mỗi đội chơi nắm chặt hai tay vào dây, đội nào kéo điểm đánh dấu sang phía mình là đội đó thắng cuộc. Mỗi cuộc thi đấu gồm 3 hiệp, đội nào thắng liên tiếp 2 hiệp thì đội đó giành phần thắng, không cần thi đấu hiệp thứ 3. Mỗi hiệp thường không kéo dài quá 2 phút, nên đòi hỏi các thành viên của các đội chơi phải rất nỗ lực.

* Đẩy gậy: Đẩy gậy vừa là trò chơi dân gian, vừa là môn thể thao truyền thống của người Dao đỏ thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, trong những ngày Tết, ngày lễ hội dân tộc. Để tổ chức thi đấu môn Đẩy gậy chỉ cần có gậy thi đấu làm bằng tre già (tre đực) thẳng hay những thành gỗ tốt có chiều dài 2m, đường kính từ 4- 5cm, được sơn 2 màu đỏ và trắng (mỗi màu 1m); đầu và thân gậy phải được bào nhẵn và có đường kính bằng nhau. Sân chơi là một vòng tròn có đường kính 5m, vạch giới hạn rộng 5 cm nằm trong phạm vi của sân có màu trắng hoặc khác với màu nền sân. Cứ hai người làm thành một cặp đấu, đứng đối diện nhau trong vòng tròn, mỗi người cầm chắc một đầu gậy, chờ khi có hiệu lệnh của người chủ trò thì dùng sức, dùng mẹo, căng ra mà đẩy. Luật đẩy gậy cũng rất đơn giản, cấm người chơi tỳ tay lên đùi hay tỳ đầu gậy vào bụng, cấm chửi mắng đối phương, bên nào để chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Để thắng được trong trò đẩy gậy, sức khỏe chỉ có ý nghĩa một phần, yếu tố quyết định phải là ở chiến thuật, kỹ thuật, sự khéo léo, dẻo dai và tâm lý ổn định. Tham gia trò chơi đẩy gậy không chỉ có những chàng trai, cô gái cường tráng, khỏe mạnh mà ngay cả các bậc cao niên, trưởng lão cũng có thể tham gia.

* Bắn nỏ: Bắn nỏ là một trò chơi dân gian thường được tổ chức trong các dịp lễ hội của dân tộc. Nỏ được làm bằng gỗ tốt, dây nỏ thường được làm bằng vỏ lụa của một loại cây rừng dẻo dai và có tính đàn hồi. Mũi tên làm bằng tre. Bắn nỏ là trò chơi tiêu biểu cho truyền thống thượng võ của dân tộc Dao và được nhiều thanh niên nam, nữ ham thích. VII. Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể với đời sống cộng đồng.

Là một nghi lễ truyền thống của tộc người Dao Đỏ, lễ cầu mùa mang trong mình nhiều giá trị không chỉ với cộng đồng tộc người là chủ thể văn hóa mà còn với các cộng đồng xung quanh về truyền thống và ý nghĩa nhân văn cao cả của nghi lễ. Có thể nhận thấy một số giá trị tiêu biểu của nghi lễ như sau:

1. Giá trị lịch sử:

Lễ cầu mùa là một nghi lễ truyền thống rất độc đáo phản ánh một tập quán xã hội có lịch sử lâu đời trong đời sống xã hội cộng đồng, phản ánh quá trình lịch sử, đặc điểm kinh tế, lịch sử cư trú và một số yếu tố văn hoá, xã hội của tộc người rất rõ nét.

Lễ hội cầu mùa còn là một nghi lễ mang đậm dấu ấn tín ngưỡng văn minh nông nghiệp, tuy có quy mô nhỏ, ngắn gọn nhưng có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện đời sống của tộc người Dao từ xưa đến nay.

2. Giá trị văn hóa: Đây là di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng tộc người. Nghi lễ thể hiện quan niệm của cộng đồng về thế giới tâm linh, thể hiện những đặc điểm tôn giáo - tín ngưỡng của tộc người, thể hiện các giá trị văn hóa văn nghệ của cộng đồng, những phong tục tập quán, tính giáo dục của cộng đồng. Lễ cầu mùa được cộng đồng duy trì qua nhiều thế hệ; các nghi lễ, thủ tục cúng tế, các giá trị nghệ thuật độc đáo luôn được bảo tồn và phát huy, do đó nó có giá trị duy trì thuần phong mỹ tục của cộng đồng.

3. Giá trị khoa học:  Lễ cầu mùa ngoài tính giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ còn là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của tộc người Dao Đỏ. Qua các hình thức chuẩn bị, các bước tiến hành thủ tục nghi lễ, thầy mo cúng tế giúp các nhà nghiên cứu có thêm tri thức dân gian về đời sống vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng người Dao.

4. Giá trị giáo dục:  Lễ cầu mùa thể hiện rất rõ giá trị giáo dục của mình đối với cộng đồng người Dao nói riêng và các tộc người khác nói chung. Đây là nghi thức nhớ ơn người xưa đã tìm ra cây lúa, cây hoa màu cho tộc người. Nghi lễ này giáo dục cho con người trong tộc người biết về ý thức bảo vệ cây lúa. Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ cầu mùa còn có vai trò, tác dụng to lớn trong việc gắn kết cộng đồng các dân tộc, gắn con người với thiên nhiên, vì vậy đã trải qua nhiều thế hệ, song lễ hội cầu mùa của người Dao vẫn còn nguyên giá trị và được lưu truyền từ đời nay sang đời khác.

5. Vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng: Lễ hội cầu mùa là sinh hoạt văn hóa cộng đồng cổ vũ, động viên bà con bước vào một vụ sản xuất mới với tinh thần lao động, sản xuất hăng say. Người Dao quan niệm vạn vật có linh hồn, thiên nhiên xung quanh chúng ta như: trời, đất, nương rẫy...đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Do vậy, lễ cầu mùa phản ánh niềm tin vào các thế lực siêu nhiên của người Dao thuở sơ khai, đồng thời thể hiện ước muốn về mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, đầy đủ như khát vọng ngàn đời của các cư dân nông nghiệp trên miền đất này. Vì vậy nghi lễ cúng rất quan trọng trong đời sống tâm linh, đời sống sinh hoạt xã hội của tộc người gắn với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp.

Đây không chỉ là một nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh cầu phúc mà còn hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, sự hòa quyện giữa tín ngưỡng và hiện thực đã làm nên nét đẹp giữ rừng, bảo vệ tài nguyên rừng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái của đồng bào.

Lễ cầu mùa được tổ chức cả tập thể cộng đồng, lễ cúng nhằm mục đích hướng thiện, giúp con người có một tinh thần thoải mái, tự tin bắt tay vào những công việc đồng áng, chăn nuôi và phấn đấu những việc mà họ chưa đạt được trong cuộc sống. Hiện nay lễ cầu mùa vẫn thường xuyên được tổ chức và trở thành món ăn tinh thần quan trọng không thể thiếu trong đời sống của đồng bào người Dao nơi vùng cao này. Do đó, đây là một di sản văn hóa phi vật thể có vai trò quan trọng và ý nghĩa thiết thực trong đời sống cộng đồng tộc người nói chung.

Nghi lễ này giống như sợi dây bền chắc nối liền quá khứ, hiện tại của dân tộc Dao Đỏ góp phần đáng kể mới liên kết cộng đồng và tạo nên đời sống tinh thần phong phú. Chính nhờ sự đoàn kết xã hội chặt chẽ hàng trăm năm ấy tạo nên lễ hội ra đời và hiện đang tiếp tục diễn ra.

VIII. Hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể.

Lễ cầu mùa là một nghi lễ mang tính chất truyền thống của cộng đồng người Dao đỏ nói chung cũng như người Dao Đỏ Yên Bái nói riêng. Đây là một nghi lễ mang đậm dấu ấn tín ngưỡng văn minh nông  nghiệp qua một thời gian dài bị mai một thì đến năm trở lại đây lễ cầu mùa được người Dao Đỏ xã Khai Trung khôi phục và duy trì khá tốt. Đến năm 2015 thì lễ hội cầu mùa đã được tổ chức thành lễ hội lớn của xã Khai Trung thu hút được sự đồng tình ủng hộ của 100% các hộ dân ở năm thôn bản và trở thành lễ hội chính của xã. Lễ cầu mùa được tổ chức một năm hai lần vào dịp đầu tháng giêng và tháng bảy âm lịch cứ ba năm tổ chức thành lễ lớn. Có thể nói lễ hội cầu mùa của người Dao Đỏ là lễ hội có sức sống và khả năng duy trì tốt.

IX. Các biện pháp bảo vệ

Lễ Cầu mùa của người Dao Đỏ ở xã Khai Trung là một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống tâm linh của tộc người gắn với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp. Có thể khẳng định, lễ cầu mùa luôn được cộng đồng tự bảo tồn và duy trì thường xuyên, liên tục trong đời sống của mình dù là mức độ và hình thức biểu hiện có khác nhau. Đồng thời, cộng đồng cũng tự trao truyền cho nhau qua các thế hệ. Những năm gần đây, có sự tác động của các cấp, các ngành lễ cầu mùa ở Khai Trung đã có những bước tiến mới gần với truyền thống hơn, quy mô và chất lượng được nâng lên.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ cầu mùa ở Khai Trung, chính quyền địa phương đã có những biện pháp bảo vệ cụ thể.  Trước kia chỉ tổ chức ở các thôn bản nhỏ lẻ nhưng từ năm 2015 trở đi xã đã tổ chức thành lễ lớn tập chung toàn bộ nhân cả năm thôn. Để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hoạt động lễ hội cầu mùa này trong tương lai, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Trước hết là phải coi trọng vai trò của chủ thể văn hóa trong mọi hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ cầu mùa. Luôn lấy người dân là đối tượng, là trung tâm trong các hoạt động khai thác di sản phục vụ các chương trình du lịch của địa phương. Có chính sách, chế độ cho các nghệ nhân, các cá nhân có công sức trong việc giữ gìn, bảo tồn di sản. Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về giá trị của di sản nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tình yêu, lòng tự hào với truyền thống của cộng đồng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản.

Gắn loại hình di sản này với các hoạt động du lịch, các hoạt động quảng bá văn hóa tại địa phương cũng như các lễ hội khác trong vùng và trong nước nhằm giới thiệu tới bạn bè trong nước và quốc tế về giá trị của loại hình nghệ thuật này, giúp cho người dân tự quảng bá về các giá trị văn hóa của chính mình, để rồi từ đó họ tự bảo vệ, tự trao truyền và nuôi dưỡng các giá trị văn hóa ấy một cách lâu dài và bền vững nhất. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với di sản nhằm đảm bảo cho di sản được duy trì, bảo tồn và phát huy một cách bền vững và hiệu quả nhất.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

Ban Biên tập Cổng TTĐT

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3330 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h