Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Văn hóa phi vật thể quốc gia >> Văn hóa - Xã hội

Nghệ thuật khèn của người Mông tỉnh Yên Bái

22/11/2023 13:30:39 Xem cỡ chữ Google
Ngày 01/06/2023, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1401/QĐ-BVHTTDL về việc đưa Nghệ thuật trình diễn dân gian “Nghệ thuật Khèn của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

I. Tên gọi của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: 

Tên Thường gọi: Nghệ thuật khèn của người Mông. Tiếng Mông gọi là "đa kênhx" (múa khèn); "yur kênhx" (thổi khèn)

II. Loại hình:  

- Nghệ thuật khèn- Tập quán xã hội và tín ngưỡng.

- Nghệ thuật trình diễn dân gian.

III. Quyết định công bố Di sản văn hóa phi vật thể:

Quyết định số 1401/QĐ-BVHTTDL ngày 01/06/2023 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận “Nghệ thuật Khèn của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

IV. Địa điểm phân bố Di sản:

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật Khèn của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái” được phân bố trên cơ sở địa bàn cư trú của người Mông tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

V. Chủ thể văn hóa:

Cộng đồng người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

VI. Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

1. Quá trình ra đời và tồn tại của di sản

Khèn (tiếng Mông gọi là "Kềnh" hay "Khềnh") là nhạc cụ độc đáo, gắn liền với hình ảnh những chàng trai dân tộc Mông rắn rỏi, tài hoa hiên ngang giữa đại ngàn gió núi. Cây khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ, đồng thời là nhạc khí linh thiêng kết nối giữa trần gian và thế giới tâm linh, cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, phản ánh sâu sắc những sắc thái tình cảm, tâm tư cuộc sống, sự thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời làm tôn lên vẻ khỏe mạnh, dẻo dai của các chàng trai Mông.

Người Mông ở các địa phương trong tỉnh Yên Bái vẫn kể cho nhau nghe về sự tích ra đời của cây khèn rằng: Ngày xưa, có một nhà cha mẹ mất sớm, để lại sáu anh em trai ở với nhau. Cuộc sống vắng cha vắng mẹ buồn tẻ, sáu anh em đã nghĩ ra một dụng cụ có sáu lỗ và sáu bộ phận để sáu anh em cùng được thổi, xua tan đi cái buồn tẻ thiếu mẹ vắng cha. Ngày ngày, họ đi làm nương làm rẫy, tối về anh em quây quần cùng nhau thổi khèn, tiếng khèn trầm bổng, tha thiết, thu hút sự chú ý của mọi người trong bản nên họ đến chơi rất đông vui. Gia đình không còn buồn tẻ như trước nữa.

Rồi có một ngày, chiến tranh xảy ra, quân giặc ở phương Bắc tràn xuống cướp của, giết người, đốt phá nhà cửa, làng bản. Gia đình sáu anh em, người thì bị giặc giết hại, người thì theo nghĩa quân đánh giặc, người bị phiêu bạt đi nơi khác, tan tác như ong vỡ tổ. Còn lại người em út không nhà không cửa, ở với người chú ruột. Thiếu tiếng khèn của sáu anh em, trong vùng trầm lắng, quạnh hiu hơn nhiều. Vắng mất năm người anh, chàng út buồn rầu suy nghĩ, muốn làm thế nào để một người có thể thổi được cả sáu ống ấy. Một buổi sáng, chàng đang cày nương, bỗng nhiên chàng nghĩ ra một ý, tháo ách thả cho trâu ăn cỏ, rồi vác dao lên rừng đốn cây gỗ ngả xuống, chặt lấy một đoạn mang về làm bầu khèn, rồi chàng chặt trúc, lựa lấy sáu đoạn để làm ống khèn. Hằng ngày, chàng làm mùa liền tay cho kịp thời vụ cùng dân bản, chiều chiều, mặt trời xuống núi, chàng dắt trâu về chuồng nghỉ ngơi là đêm đến lại cặm cụi dùng dao nhọn đẽo gọt bầu khèn, khoét các lỗ trên các đoạn trúc, làm thành cái khèn mà một người cùng thổi được sáu ống. Chàng đem ra thổi thử. Lạ thay, cả vùng rừng núi trầm lặng, quạnh hiu bỗng trở nên xôn xao, da diết, gợi  nhớ, gợi thương. Dân bản từ khắp nơi trong vùng tụ tập về bên chàng nghe tiếng khèn và cũng để tận mắt chứng kiến chàng trai đã làm ra thứ nhạc cụ độc đáo ấy. Sẵn lòng yêu quê hương, căm thù giặc ngoại xâm, tiếng khèn vang lên đã góp phần cổ vũ tinh thần cho đông đảo người con vùng lên đánh tan giặc ngoại xâm. Giặc tan, tiếng khèn được chàng trai truyền lại cho dân bản, họ cùng nhau nhảy múa, âm vang núi rừng. Từ đó, cây khèn gắn bó với cuộc sống của người Mông.

Khèn được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo và tài năng của những người nam giới dân tộc Mông bởi những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương như gỗ, sặt, nứa. Khèn có mặt ở mọi nơi trong đời sống của cộng đồng từ các nghi thức trong tang ma, cưới xin, lễ hội dân gian đến các hoạt động vui chơi giải trí truyền thống của người Mông. Thông qua đó, khèn nhắc nhở con cháu về cội nguồn dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống và giữ gìn bản sắc văn hoá của cộng đồng dân tộc Mông tỉnh Yên Bái.

Xét về quá trình lịch sử, việc ra đời của cây khèn và nghệ thuật khèn có thể xuất phát từ quá trình lao động sản xuất, nhu cầu tập hợp cộng đồng, thưởng thức văn nghệ, đáp ứng đời sống tinh thần trong điều kiện cuộc sống vật chất còn nhiều khó khăn của cộng đồng, cộng với sự sáng tạo nghệ thuật và nguồn nguyên liệu sẵn có trong môi trường cư trú của người rẻo cao đã quy định sự ra đời và tồn tại của di sản độc đáo này.

Nghệ thuật khèn được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Mông, nó gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Người Mông ở Việt Nam thường cư trú trên những triền núi cao, dân cư thưa thớt, nhà nhà sống cách xa nhau trên những quả đồi để canh tác nương rẫy, khai phá đồi thành ruộng bậc thang, trồng lúa nước. Trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển, người Mông luôn cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, anh dũng đấu tranh chống lại kẻ thù và thú dữ. Với môi trường và tập quán cư trú như vậy, mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, cộng đồng muốn tập hợp lại ăn mừng chiến thắng, ăn mừng được mùa hoặc khi có việc cần gọi nhau, cần trao đổi thông tin hoặc tạo âm thanh để tránh thú dữ, để xua đi cảm giác sợ hãi nơi rừng núi vắng bóng người, người ta đã chế tác ra cây khèn với mục đích tạo ra âm thanh từ sản phẩm vật chất đó, lúc đầu có thể chỉ là những âm thanh dời nhau, đứt quãng nhưng phải vang, vọng để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Sau dần, bằng tài năng, óc sáng tạo nghệ thuật và sự bồi đắp qua nhiều thế hệ tộc người đã tạo nên những bài khèn theo giai điệu, có tiết tấu kèm theo những động tác múa, nhảy để diễn ở những không gian và thời gian khác nhau. Hoạt động này được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần được nâng lên cả động tác lẫn ý thức, hình thành nên “văn hóa khèn”. Văn hóa ấy được truyền từ đời này qua đời khác, duy trì và phát triển, trở thành một trong những di sản văn hóa tiêu biểu, mang tính đặc trưng của tộc người, được các cộng đồng khác ưa chuộng và ghi nhận.

Như vậy, có thể nói chính từ môi trường tự nhiên, môi trường lao động sản xuất, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp và nhu cầu về đời sống tinh thần của tộc người Mông đã hình thành nên cây khèn và nghệ thuật khèn để mô phỏng những hoạt động lao động sản xuất, giao tiếp với nhau cũng như giao tiếp với thế giới khác, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người Mông.

Nghệ thuật khèn của người Mông là một thành tố quan trọng của đời sống văn hóa tộc người, ra đời cùng với quá trình hình thành bản sắc văn hóa tộc người. Nó thể hiện ở cả hai phương diện: nội dung và hình thức. Nó gắn với đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Người Mông đã sáng tạo ra nghệ thuật khèn mang đậm sắc thái tộc người. Mỗi điệu khèn đều thể hiện những triết lý sống cao đẹp của cộng đồng, thể hiện óc sáng tạo và trình độ nghệ thuật cao. Đây chính là hình thức nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu của tộc người, được mạch nguồn của môi trường tự nhiên, môi trường lao động, môi trường xã hội, môi trường văn hóa tộc người ươm mầm và nuôi dưỡng.

Là một nhạc cụ quan trọng trong hệ thống âm nhạc của người Mông, khèn cùng với các động tác vũ đạo không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội của tộc người trong suốt quá trình lịch sử. Tiếng khèn luôn hiện hữu trong cuộc sống, là nỗi lòng riêng tư sâu thẳm muốn trao gửi cho nhau trong các dịp hội hè, lễ tết, xuống chợ hay sự sẻ chia nỗi đau buồn, mất mát với những người khi phải tiễn đưa người thân của mình về thế giới bên kia đi gặp tổ tiên. Để đến hôm nay khèn vẫn là bản sắc, là tâm hồn, là ý chí của người Mông nơi rẻo cao tỉnh Yên Bái.

2. Hình thức biểu hiện và quy trình thực hành

2.1. Hình thức biểu hiện: Theo các nguồn sử liệu, vào đầu thế kỷ XVIII, những nhóm người Mông đầu tiên từ Lào Cai, vượt dãy Hoàng Liên Sơn vào cư trú ở Nậm Kim, lập kế sinh nhai. Sau đó, mở rộng địa bàn sinh sống ra toàn huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu, vùng cao của các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên. Trong quá trình lịch sử ấy, người Mông đã tạo cho mình một truyền thống văn hóa riêng, độc đáo mà ở đó chứa đựng đầy đủ các giá trị lịch sử, văn hóa - xã hội, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ. Trong đó, nghệ thuật khèn chính là một trong những yếu tố tạo nên những giá trị ấy. Với sự bảo tồn và phát huy của cộng đồng, của địa phương trong những năm gần đây đã giúp nghệ thuật khèn ngày càng được khẳng định, mang trong mình sức sống mãnh liệt và đã trở thành biểu tượng của văn hóa Mông.

2.2. Quy trình thực hành:

* Cách chế tác cây khèn:  Việc chế tác, diễn tấu khèn được người Mông coi là chuẩn mực đánh giá phẩm chất, tài năng của các chàng trai. Bởi trong cộng đồng người Mông, cùng với thầy cúng, thợ rèn, người làm khèn - thầy khèn luôn được đồng bào kính trọng. Điều đó đã khẳng định vị trí của cây khèn trong đời sống của người Mông. Đây chính là nguồn cội tạo nên sức sống bền bỉ vượt thời gian của nhạc cụ độc đáo này. Để có được một cây khèn tốt với âm thanh chuẩn và hay, các chàng trai Mông cho biết họ phải tiến hành nhiều công đoạn từ chọn gỗ làm thân khèn, làm đai, khoét lỗ, chọn ống khèn cho đến việc đúc đồng làm lam, cắt và chỉnh sửa lam, lắp lam, uốn ống, dùi lỗ, lắp ống vào thân khèn...

Các công đoạn chế tác khèn đều rất quan trọng, mỗi khâu đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và khéo léo của người làm, điều này quyết định đến chất lượng, hình dáng, độ bền, đẹp của khèn. Vì vậy, mỗi công đoạn chế tác khèn đều phải được thực hiện cẩn thận, công phu. Để việc chế tác khèn thuận lợi và chủ động hơn, người Mông thường tìm và sơ chế các nguyên liệu chính từ nhiều ngày trước, như sẻ gỗ pơ mu để khô, chọn và chặt những cây nứa phù hợp về đặt trên gác bếp, lấy vỏ cây đào rừng để khô...

Nguyên vật liệu chế tác cây khèn của người Mông ở Yên Bái gồm: Gỗ pơ mu, vỏ cây đào rừng, kim loại đồng, ống nứa. Dụng cụ chế tác khèn cơ bản gồm có: 02 con dao mũi nhọn dùng để cắt, gọt, tỉa và khoét lỗ; 01 con dao có lưỡi cong hình lưỡi liềm, có tay cầm hai đầu dùng để bào, gọt thân khèn; 02 đục dùng để khoét thân khèn; đe, búa; 01 dùi sắt dài dùng để thông ống khèn; bộ đồ nấu đồng và khuôn đúc đồng; cục đá mài; kẹp sắt; kéo cắt.

Cây khèn của người Mông được chia thành 2 phần chính: Thân khèn (gồm có ống thổi khèn, bầu khèn và đuôi khèn) và ống khèn. Trong mỗi bộ phận chính của khèn còn có nhiều chi tiết như: lỗ thổi - hít, dây đai khèn, lỗ tạo âm, lam khèn (lưỡi gà), lỗ chỉnh âm ...Việc chế tác khèn cũng thực hiện theo từng bộ phận

* Chọn gỗ và làm thân khèn: Người Mông thường chọn gỗ pơ mu để làm thân khèn (cáng kềnh), loại gỗ này có mùi thơm, dẻo, nhẹ, không cong vênh, nứt gãy và không hút ẩm nên rất bền. Gỗ pơ mu sau khi được xẻ thành miếng phù hợp, để khô được người làm khèn đẽo thô thành hình thân khèn, tiếp tục được bào gọt xung quanh sao cho bóng, nhẵn. Khi có được thân khèn vừa ý, người làm khèn khéo léo dùng dao tách dọc thân khèn làm hai phần bằng nhau, sau đó dùng các dụng cụ phù hợp khoét hai nửa thân khèn thành lòng máng, xong công đoạn này, hai nửa thân khèn sẽ được ghép lại. Thân khèn được giữ cố định bằng các đai. Lúc này thân khèn hoàn toàn rỗng và được phân chia thành các phần: Ống thổi khèn, bầu khèn và đuôi khèn. Ống thổi khèn là phần thon nhỏ và dài nhất của thân khèn, phía đầu ống lỗ thổi, thường được bọc một miếng đồng xung quanh vừa có tác dụng trang trí vừa tạo sự chắc bền. Tiếp giáp với ống thổi khèn là phần bầu khèn. Bầu khèn (tâu kềnh) là đoạn thân khèn phình to hơn các phần khác, trên bầu khèn có khoét sáu lỗ xuyên qua bầu, trong đó có một lỗ lớn và năm lỗ nhỏ, tương ứng với các ống khèn. Hết bộ phận bầu khèn có một đoạn thân khèn thu nhỏ dần, chỉ dài khoảng từ 7- 9cm đó là đuôi khèn (tớ kềnh) là phần cuối của thân khèn.

Việc khoét lỗ trên thân thân khèn cũng được thực hiện rất cẩn thận, lỗ đầu tiên được khoét giành cho ống to nhất và ngắn nhất (tí lùa). Khi chế tác xong ống to nhất, ngắn nhất, dùng đầu ống tỳ mạnh lên phần bầu khèn tạo nên vết đánh dấu ở vị trí phù hợp, thường dựa vào kinh nghiệm của người chế tác sao cho không quá vào trong hoặc ra ngoài mép và không ảnh hưởng ảnh đến vị trí các còn lại, đồng thời đảm bảo lỗ khoét vừa vặn với ống khèn, không bị hở hơi. Tiếp theo, dùng dao nhỏ, nhọn đầu khoét cho vòng tròn xuyên qua bầu, lấy ống đã đo xuyên thử qua lỗ khi đã đạt chuẩn khít thì được, rút ống và tiếp tục 5 ống còn lại ở các vị trí khác nhau cũng được làm theo quy trình như vậy.

* Làm đai khèn: Đai cố định khèn (thi kềnh) được làm từ vỏ cây đào rừng, đã được để khô và bào mỏng (tớ rờ). Từ thân cây đào rừng, người Mông dùng dao nhỏ khéo léo tách một lớp mỏng phần vỏ già bên ngoài, sao cho lấy được phần vỏ tốt nhất đồng thời vẫn phải đảm bảo để cây đào tiếp tục sinh trưởng và phát triển tốt. Sau quá trình sơ chế, để làm đai khèn, lấy mũi dao nhỏ đục một lỗ hình tam giác đo vào chỗ cần làm đai giữ thân, đánh dấu đầu còn lại để cắt khóa ngang khi luồn vào hình tam giác thành vòng đai rồi được lồng vào thân khèn, dịch chuyển vòng đai đúng chỗ cho chắc. Vỏ cây đào rừng có ưu điểm là bền, màu nâu sẫm hợp với màu của thân khèn, việc dùng nhiều hoặc ít vòng đai giữ than khèn tùy theo người chế tác, có thể để tô điểm cho cây khèn thêm đẹp, chắc chắn và kín hơi.

* Làm ống khèn: Ống khèn (tí kềnh) làm bằng cây nứa (loại nứa có măng ngọt) được lấy về đem luộc chín sau đó phơi nắng hoặc để gác bếp cho khô mới đem ra dùng. Mỗi cây khèn sẽ có sáu ống khèn (một ống to, năm ống nhỏ) với hình dáng và độ dài khác nhau được gắn xuyên qua các lỗ tương ứng đã khoét sẵn trên bầu khèn, phần xuyên qua phía sau bầu khèn của các ống là bằng nhau, phần chính phía trước bầu khèn sẽ có độ dài khác nhau, gồm các ống (tính theo độ dài tăng dần): Tí lua (là ống to, thẳng và ngắn nhất), tiếp đến là ống tí ti, ống tí trù, ống tí bồ ca, ống tí trù ca và ống tí bồ (ống dài nhất). Ống to, ngắn nhất, thẳng thường sử dụng một đốt của thân cây nứa to, không có mấu, các ống còn lại nhỏ, dài thường phải sử dụng nhiều đốt nên khi chế tác đồng bào thường dùng một cây dùi sắt dài nung hồng trong lửa để dùi xuyên qua các mấu để thân ống rỗng xuyên suốt. Các ống nhỏ được hơ vào lửa cho nóng, mềm, sau đó uốn cong từ từ từng ống sao cho độ cong vừa phải, hợp lý để khi lắp vào bầu khèn, phần ống đuôi các ống phải thẳng, đều, phần trước cong lên tạo dáng mềm mại cho cây khèn.

* Vị trí và kích thước của các ống khèn cụ thể như sau: Về vị trí trên thân khèn gồm 6 ống, nếu xếp theo vị trí tay cầm của người sử dụng thì bên tay phải có ba ống (tính từ trên xuống dưới): trên cùng là ống “tí lua” (ống to, thẳng và ngắn nhất), tiếp đến là ống “tí chù” và ống “tí chù ca”; bên tay trái cũng gồm ba ống, đối xứng với bên phía tay phải (tính từ trên xuống dưới): ống “tí ti”, ống “tí bồ” (là ống dài nhất) và ống “tí bồ ca”.

Người Mông ở tỉnh Yên Bái thường phân loại khèn thành 2 loại: Loại lớn có kích thước hơn 5 gang tay của người chế tácLoại nhỏ có kích thước 3 gang tay của người chế tác. Ống to, thẳng và ngắn nhất (tí lua) có độ dài bằng 1/2 ống dài nhất (tí bồ). Ống nhỏ, ngắn nhất (tí ti) bằng độ dài ống to nhất cộng thêm một gang tay to nếu là khèn to, cộng thêm một gang tay nhỏ nếu là khèn nhỏ. Người Mông thường quy ước gang to là gang tính từ khoảng cách của đầu ngón cái đến đầu ngón giữa trên cùng bàn tay, gang nhỏ là khoảng cách giữa đầu ngón cái đến đầu ngón trỏ trên cùng bàn tay đó. Ống ngắn thứ hai (tí chù) có độ dài bằng ống “tí ti” cộng với độ dài phần đuôi của các ống thò qua bầu khèn. Ống tiếp theo là “tí bồ ca” có độ dài bằng độ dài ống “tí chù” cộng thêm 1/2 gang tay to hoặc gang tay nhỏ. Tiếp nữa là ống “tí chù ca” bằng độ dài của ống “tí bồ ca” cộng thêm 1/2 gang tay to hoặc gang tay nhỏ. Ống “tí bồ” là ống nhỏ, dài nhất, có độ dài gấp đôi ống to và ngắn nhất.

Trước khi được gắn vào bầu khèn, từng ống khèn đã được người làm khèn chế tác thành từng cây sáo độc lập, mỗi ống do có độ dài ngắn khác nhau nên có một quãng độ âm thanh trầm bổng khác nhau, được ghép thành khèn. Âm thanh từ mỗi ống khèn có ý nghĩa quyết định đến chất lượng âm thanh khèn, để có được âm thanh như ý thì việc chế tác và lắp lam khèn (lưỡi gà) trên mỗi ống khèn cực kỳ quan trọng. Vị trí lắp lam khèn sẽ được đặt hoàn toàn bên trong bầu khèn, khi thổi khèn, bầu khèn chính là nơi chuyền hơi từ người thổi cùng lúc đến các ống khèn tạo nên âm thanh tổng hòa của khèn. Bên cạnh đó, trên mỗi ống khèn lại được khoét thêm một lỗ nhỏ phù hợp với vị trí cầm, điều khiển khèn cũng như điều chỉnh âm thanh cho từng bài khèn khác nhau.

* Đúc đồng và lam khèn (lưỡi gà): Người Mông ở tỉnh Yên Bái dùng kim loại đồng để làm lam khèn. Để có được lam khèn tốt, người chế tác phải tự nấu đồng và đúc đồng từ những dạng nguyên liệu thô thành những miếng đồng vừa ý, sau đó được rèn thành những lá đồng mỏng, khi tung nhẹ lá đồng lên không trung nếu thấy lá đồng rung đều, phát ra âm thanh trong sáng, vang dền là có thể cắt dùng làm lam khèn. Người chế tác khèn sẽ xuyên lần lượt các ống vào thân khèn, đánh dấu vị trí để khoét lỗ để đặt lam khèn. Dùng kéo cắt một lát đồng đã được đúc sẵn, dài khoảng 25 cm, rộng khoảng 1cm, sau đó dùng búa, đe để tán mỏng, tán nhẹ nhàng trong khoảng 30 giây, đút thanh đồng vào tro nóng, rồi lại mang ra tán, cứ tán như thế đến khi thanh đồng mỏng như ý muốn. Thử thanh đồng bằng cách dùng hai ngón tay bật thanh đồng xuống nền nhà, nghe độ vang của thanh đồng khi văng xuống đất. Sau  đó đo lá đồng vào từng vị trí đã khoét trên các ống khèn, lấy kéo cắt đoạn nhỏ vừa với lỗ khoét trên ống khèn, miếng lam khèn sẽ được cắt xẻ thành hình giống như lưỡi gà được cài thử vào vị trí đã được khoét trên ống, được người chế tác thử nhiều lần và chỉnh sửa đến âm thanh vừa ý, đạt chuẩn thì sẽ được lắp cố định vào ống khèn và xuyên vào bầu khèn.

Thời gian để chế tác, lắp ráp các bộ phận, thử và chỉnh sửa âm thanh, hoàn thiện một cây khèn, không tính thời gian chuẩn bị, sơ chế các nguyên vật liệu cũng mất nhiều ngày, tùy vào kỹ năng, thành thạo của người làm, có thể mất từ 3 đến 7 ngày liên tục. Quá trình này đòi hỏi người làm phải thành thạo rất nhiều thao tác kỹ thuật, khả năng cảm thụ âm thanh tinh tế, con mắt thẩm mỹ và cao hơn cả là thái độ làm việc say mê, tỉ mỉ, cẩn trọng. Như vậy mới có thể tạo ra một cây khèn vừa là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, vừa là tâm hồn, bản sắc của cộng đồng dân tộc.

2.3. Cách sử dụng khèn:

Khèn đối với người Mông vừa là một loại nhạc cụ thuộc bộ hơi, vừa là một đạo cụ múa.  Khi thổi, người cầm khèn sử dụng như sau: Tay trái đặt ở mặt bên trái, tay phải đặt ở mặt bên phải của cây khèn, hai ngón cái điều khiển ống to nhất, hai ngón trỏ điều khiển ống thứ hai, hai ngón giữa điều khiển ống thứ ba; các ngón áp út và ngón út giữ cây khèn. Các ngón tùy theo bài để bịt và nhả theo các giai điệu, âm hưởng của mỗi bài khèn. Khi điều khiển khèn, ngón bịt lỗ âm mới kêu, ngón nhả ra không kêu. Khi thổi, âm thổi ra hít vào đều được, khèn không thổi được những giai điệu nhanh, chỉ thổi tốc độ vừa phải và chậm rãi.

Khèn được thổi đi đôi với các vũ đạo múa, đã thổi khèn là chân không đứng yên. Khèn không chỉ múa một người mà có thể có nhiều người múa khèn với nhau với các động tác xoay, lộn, đá chân rất đều, đẹp và khỏe khoắn hoặc đi lại nhẹ nhàng, thong thả, khoan thai tùy thuộc vào hoàn cảnh, không gian khi biểu diễn khèn. Trong múa khèn của người Mông các động tác, tư thế được sáng tạo một cách ngẫu hứng, thăng hoa mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Mông. Người múa thể hiện cảm xúc sáng tạo nghệ thuật của mỗi cá nhân, đồng thời thể hiện cảm xúc nội tâm mạnh mẽ của người trình diễn khèn.

Khèn hiện hữu trong mọi hoàn cảnh sống của người Mông, tuy vậy, việc học thổi khèn Mông rất khó, dù học nhiều cũng khó có thể am hiểu hết được những giai điệu của khèn. Để trở thành một người thổi khèn giỏi, người con trai Mông phải tập khèn từ lúc tuổi còn rất nhỏ, phải có quá trình rèn luyện để có thân hình khỏe, mềm dẻo, nhịp nhàng, nhưng quan trọng hơn cả là cách lấy hơi, rèn khí để hơi được sâu, được dài. Người thổi khèn có tài, không chỉ ở chỗ thổi luyến láy, tô điểm nốt nhạc khèn cơ bản mà còn phải biết thổi nhiều điệu khèn khác nhau.

Động tác múa khèn rất đa dạng, phong phú, gồm: múa nhảy đưa chân, quay vòng đổi chỗ, quay vòng tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, lăn vòng tròn, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi, sang phải, sang trái, mỗi bước tiến, bước lùi, bước sang phải, bước sang trái làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia. Động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc với tốc độ càng nhanh càng điêu luyện, càng nhiều vòng quay càng thể hiện sức khỏe dẻo dai và sự khéo léo của người đàn ông Mông.

Đối với các bài khèn vui chơi thì động tác nhảy, múa mãnh liệt, phóng khoáng và khó hơn, như lăn nghiêng, lăn ngửa, lăn vòng tròn, đá gà, đá ngựa, nhảy ngồi xổm, tay này vỗ vào chân kia và ngược lại, tiếng vỗ phải kêu, nếu đông người cùng biểu diễn thì tiếng vỗ phải đều, dứt khoát mà tiếng khèn vẫn không dứt. Múa khèn mô phỏng các bước nhẩy khéo léo của trò chọi gà, các động tác xua đuổi thú dữ, săn bắt động vật trên rừng, các hành động chống lại sự xâm chiếm của các tộc người khác, với nhiều động tác khỏe khoắn, mạnh mẽ, đẹp mắt. Hình thức tạo hình trong múa khèn luôn chuyển động thành nhiều tư thế đẹp, cân đối và vững chắc, có thể dồn trọng lượng lên hai chân hoặc một chân song động tác luôn luôn mở thể hiện rõ sức mạnh, tài khéo léo của các chàng trai.

2.4. Khèn trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt văn hoá của cộng đồng người Mông

Cây khèn từ khi xuất hiện đã trở thành người bạn đồng hành mọi lúc mọi nơi với người đàn ông Mông, đi đâu họ cũng mang theo khèn, bởi thế cây khèn và nghệ thuật khèn gần như hiện hữu trong mọi hoàn cảnh, mọi không gian và thời gian trong cuộc sống của đồng bào. Cộng đồng sử dụng khèn khi tết đến xuân về; khi tham gia hội chơi xuân; khi cộng đồng có lễ hội; khi thanh niên giao lưu, tìm hiểu; khi lao động sản xuất (đi nương, đi rẫy); khi xuống chợ; khi làm đám ma để tiễn người chết về với tổ tiên…

* Khèn trong lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, giao lưu, tìm hiểu

Đối với đồng bào dân tộc Mông, trong những dịp lễ hội, Tết đến xuân về không thể thiếu tiếng khèn, cùng với những trò chơi dân gian thể hiện bản sắc văn hóa, độc đáo riêng của người Mông. Các điệu khèn vui được trình diễn trong những ngày đi chơi hội, những ngày đầu xuân năm mới, những ngày lễ, ngày tết; gần đây là ngày đại đoàn kết, các lễ hội văn hóa - du lịch, các sự kiện văn hóa lớn gắn với đồng bào Mông tại các địa phương...

Trong các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ các bài múa khèn bao giờ cũng có nội dung vui nhộn, mang ý nghĩa chúc tụng và mời bạn bè cùng tụ họp, vui chơi. Tiếng khèn làm quên đi những khó khăn, vất vả sau một năm chăm chỉ lao động mệt nhọc, góp phần gắn kết tình bạn, tình yêu thương con người, tình làng nghĩa bản. Đến với các lễ hội, những chàng trai Mông vừa thổi vừa múa hoặc 1 nhóm vừa thổi và múa, có thể nhiều chàng trai cùng nhau múa khèn trên bãi cỏ, đất bằng phẳng với những vũ đạo đẹp mắt, những bước nhún, bước đảo, bước quay, bước trườn hoặc vừa ôm khèn vừa lăn mình trên đất. Ngoài ra, nhiều nghệ nhân có trình độ múa khèn điêu luyện, biểu diễn nhiều động tác độc đáo ở nhiều không gian khác nhau: múa khèn trên một tảng đá, trên mâm tre, trên gốc cây lớn cưa bằng hoặc trên cây gỗ tròn bắc qua suối. Dù múa khèn ở bất kỳ tư thế và không gian nào thì người múa vẫn phải giữ ổn định tiếng khèn, không để tụt hơi hoặc rơi tiếng.  Trong hội vui, người Mông ở tỉnh Yên Bái có các điệu khèn chính sau:

- “Kềnh o chu” (khèn hai bước): Nhảy 2 bước bằng chân phải và chân trái sang hướng chân phải khi nhẩy hai chân đều chùng xuống thấp, quay xoáy theo chiều phải kết thúc thế ngồi chân trái làm trụ kiểu gót, chân phải xếp ở đằng trước.

- “Kềnh pây chu” (khèn ba bước): Khi đứng lên chân trái dậm nhẩy tại chỗ, quay xế sang trái, đồng thời chân phải co lên gập về đằng sau, khép gối. Chân phải đặt xuống đồng thời đá vào chân trái bị hất về đằng trước cao 450 rồi tiếp tục cao nữa và đá vòng chân từ đằng trước quay về bên trái ra đằng sau.

- “Kềnh plâu chu” (khèn bốn bước) - “Kềnh bốn bứa” (khèn bốn bước): Bước đi 4 bước thì nhảy 1 bước, khi nhảy 1 chân làm trụ 1 chân giơ cao đá về phía trước, sau đó xoáy người quay ngược lại đi 4 bước lại nhảy 1 bước, khi nhảy đổi chân trụ so với 4 bước trước. Các động tác thực hiện lặp đi lặp lại cho đến khi nào quay 4 vòng trở lên là kết thúc. Các động tác của bốn bước yêu cầu nhảy mạnh hơn, nhanh hơn, dứt khoát hơn, hai bước và ba bước rất nhiều. Người trình diễn điệu khèn 4 bước bao giờ cũng được đánh giá cao hơn hai bước và ba bước.

- “Kềnh cho lầu” (khèn tiến, lùi): Tiến 9 bước, lùi 9 bước hoặc tiến 7 bước lùi 7 bước, số bước tiến ngang số bước lùi, khi tiến, một chân làm trụ, nhún xuống, một chân tiến đá về phía trước, khi lùi, một chân làm trụ, nhún xuống, một chân lùi đá về phía sau, người cúi theo khèn.

- “Kềnh rò to” (lăn một vòng): Nằm ngửa thổi khèn, lăn sang bên trái 1 vòng, chân phải co, gác qua khèn, chân trái làm trụ, nâng toàn thân lộn một vòng sang trái, sau đó lăn sang bên phải 1 vòng, chân trái co, gác qua khèn, chân phải làm trụ, nâng toàn thân, lộn một vòng sang bên phải. Nếu lăn sang trái bao nhiêu vòng thì sang bên phải cũng bấy nhiêu vòng, trong quá trình lăn phải làm sao để tiếng khèn không dứt hơi, không đứt đoạn. Đây là một bài khèn tương đối khó, thể hiện trình độ của người trình diễn tương đối tốt khi thực hiện.

- “Dì kềnh/tờ kềnh” (quay vòng): quay 1 vòng, chân phải làm trụ, nhún xuống, chân trái đưa rộng ra đồng thời vừa xoay vừa đá về phía trước, xoay người chuyển hướng quay 1 vòng, chân trái làm trụ, nhún xuống, chân phải đưa rộng ra đồng thời vừa xoay vừa đá về phía trước. Các động tác lặp đi lặp lại bao nhiêu là tùy thuộc vào người trình diễn, không gian trình diễn, thời gian cần trình diễn.

- “Kềnh thâu ca” (quay vòng tròn nhanh, tiến): Gọi là tiến tức là quay theo chiều kim đồng hồ, chân phải làm trụ, giữ chắc thân, chân trái đưa ra xoay để quay người, hai bước tạo thành một vòng quay, các vòng quay càng lúc càng nhanh, kèm theo tiếng khèn không dứt, người trình diễn quay nhanh đến độ tạo lực xoáy tròn, khi dừng lại phải dùng lực mạnh nhấn chân để kết thúc, cứ như vậy, người quay được càng nhiều vòng và các vòng càng quay nhanh thì càng tạo ấn tượng với người xem và được coi là người ưu tú trong cộng đồng khi trình diễn khèn.

- “Kềnh khè mồng” (quay vòng tròn nhanh, lùi): Gọi là lùi tức là quay ngược chiều kim đồng hồ, lúc này chân trái làm trụ, giữ chắc thân, chân phải đưa ra xoay để quay người, hai bước tạo thành một vòng quay. Điệu khèn này khó quay hơn, phải tập nhiều hơn, có kinh nghiệm hơn thì mới thực hiện tốt được bởi chiều quay về bên trái nhiều người không thuận nên khó thực hiện.

- “The kềnh/the pà pừ” (nhảy lên): một chân làm trụ, nhảy, một chân giơ vuông góc, sau đó đổi lại chân trụ và chân giơ cao, được một vòng thì dồn trọng tâm vào chân trụ để xoay cả người một vòng, sau đó tiếp tục dùng một chân trụ, nhảy ba đến năm bước, đổi chân tiếp tục nhảy ba đến năm bước, quay vòng ngược lại so với vòng quay trước, đặt hai chân ngang nhau, nhảy cả hai chân lên cao theo vòng tròn, hết một vòng lại đổi theo chiều ngược lại.

- “Kềnh gà a chì” (gác chân qua khèn): quay một vòng theo hướng ngược kim đồng hồ, sau đó dùng chân phải làm trụ, chân trái co lên, chân phải nhảy tiến lên một bước, chân trái gác qua ống khèn, cứ như thế, dùng chân phải làm trụ, nhảy tiến lên hoặc nhảy quay vòng tròn càng nhiều bước càng tốt, sau đó đổi lại chân trái làm trụ, chân phải gác qua các ống khèn, theo đó chân trái nhảy tiến lên hoặc nhảy quay vòng càng nhiều bước càng thể hiện sức khỏe và khả năng dẻo dai của người trình diễn, trong thời gian thực hiện và đặc biệt khi chuyển các động tác, tiếng khèn vẫn được duy trì đều đặn theo nhịp điệu, không dứt hơi, không ngắt quãng.

- “Kềnh đào tào” (khèn lăn dốc): chân phải làm trụ, chân trái giơ cao vuông góc, dùng chân phải để nhảy thành vòng tròn, sau khi đã nhảy được một đến ba vòng thì quay vòng tròn 3 vòng nhanh, khi quay đổi chân trái làm trụ, đầu gối sát đất, chân phải quay và chân phải làm trụ, đầu gối sát đất, chân trái quay, sau khi kết thúc động tác quay thì chuyển tư thế ngồi, chân phải làm trụ, chân trái gác qua ống khèn, lăn toàn thân một vòng sang phải, cứ thế lăn thêm vài ba vòng nữa, sau đó chuyển động tác lăn ngược lại, lúc này chân trái làm trụ, chân phải gác qua ống khèn, lăn toàn thân sang bên trái. Các động tác được thực hành nhanh, dứt khoát, liên tục trong khi tiếng khèn vẫn không bị đứt hơi, ngắt quãng, những chàng trai thực hiện được điệu khèn này bao giờ cũng nhận được sự hò reo, tán thưởng của những người dự hội và đặc biệt luôn nhận được sự ngưỡng mộ của các cô gái Mông trong hội vui.

- “Kềnh ntầu cang chang” (khèn múa lộn): chân phải làm trụ, dùng để di chuyển, nhảy các bước tạo thành vòng tròn, chân trái giơ cao, vuông góc, khi kết thúc vòng tròn, chân trái giơ cao, gác qua ống khèn, đồng thời nâng toàn thân, đầu đặt xuống đất, làm trụ, để lộn toàn cơ thể sang phải, sau đó tiếp tục dùng chân phải làm trụ, chân trái gác qua ống khèn, đầu lộn xuống đất để thực hiện vòng lộn tiếp theo. Đây cũng là một động tác khó, đòi hỏi người thực hiện phải có kinh nghiệm để duy trì được tiếng khèn trong suốt quá trình thực hiện các động tác quay và lộn.

- “Kềnh ndò chủa” (khèn múa chọi gà): để thực hiện bài khèn này phải có các cặp đôi cùng diễn, ít nhất hai người cùng trình diễn, hai người phải phối hợp nhịp nhàng, cùng thực hiện các động tác giống nhau ở hai phía đối diện nhau. Chân phải làm trụ, chân trái đá lên cao, hướng về phía trước để tiến sang phía người đối diện, sau đó chuyển động tác dùng chân trái làm trụ, chân phải đá lên cao, quay người để thay vào vị trí người đối diện (lúc này đã di chuyển tương tự để thay vào vị trí cũ của mình), sau đó, hai người ngồi quỳ đối diện nhau, chân phải quỳ gối xuống đất, chân trái đặt vuông góc có tiến lên trước so với chân phải, hai người cứ theo tiếng khèn, nhảy qua nhảy lại đổi vị trí cho nhau nhiều lần ở nhiều vị trí khác nhau nhưng luôn đối diện nhau. Khi hai người cùng xoay tròn theo một hướng khoảng 3 đến 5 vòng là kết thúc bài khèn. Các động tác của  bài khèn mô tả lại trò chơi chọi gà trong những ngày hội.

- “Kềnh sua ntùa” (khèn múa se sợi): bài khèn này cũng cần có các cặp đôi cùng thực hiện, ít nhất cũng có hai người, thực hiện các động tác giống nhau nhưng là người đi trước người đi sau. Bắt đầu bằng các động tác chân bước đều, đi một vòng, sau đó dùng chân phải làm trụ, nhảy bước để di chuyển, chân trái giơ cao, vuông góc, di chuyển theo bước nhảy của chân phải, khi thực hiện các bước nhảy, người nhún thấp, đầu gối chân trụ gần như chạm đất, văng người kéo theo chân còn lại và toàn cơ thể, sau đó xoay người lại để chuyển vị trí người trước người sau và thực hiện những động tác như trên.

- “Kềnh xảo nàn dúa” (khèn thổi nhảy bắt con sóc): Ít nhất là hai người cùng thực hiện bài khèn này, tư thế chủ yếu là ngồi nhưng hơi cao, đủ để chuyển động hai chân theo tư thế co duỗi, thể hiện động tác di chuyển khi săn bắt động vật trên rừng, một chân đặt phía sau, một chân duỗi sang ngang để tiến về phía trước.

Các chàng trai Mông múa khèn với các vũ điệu mạnh mẽ, chắc chắn kết hợp với điệu nhảy uyển chuyển của các cô gái với áo váy bồng bềnh, mềm mại tạo nên những màn trình diễn hấp dẫn, mê hoặc người xem.

Khèn trong đám cưới

Qua khảo sát, hiện nay trong đám cưới ở cả bốn nhóm người Mông trên địa bàn tỉnh đều không sử dụng khèn. Tuy nhiên, theo lời kể của nghệ nhân ưu tú Thào Cáng Súa ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải (nhóm Mông Lềnh) thì trước đây, người Mông có sử dụng khèn trong đám cưới. Đám cưới thường có 6 bài khèn: mời nhà trai vào nhà, làm lễ xin ma nhà cho cô dâu về nhà chồng, mời uống rượu, tiễn cô dâu về nhà chồng, cúng ma nhà trai, nhận con dâu. Ba nhóm người Mông còn lại từ xưa đều không trình diễn khèn trong đám cưới.

* Khèn than thân

Đối với người Mông, cây khèn đã trở thành một phương tiện để người Mông chuyển tải những nỗi niềm, tâm tư vui buồn trong cuộc sống, bởi thế, đồng bào còn có các bài khèn than thân (chỉ còn trong tâm thức của những người cao tuổi, thế hệ ngày nay gần như không thể hiện những bài khèn này) như:  Bài khèn mồ côi vợ/ chồng; bài khèn không có anh em, người thân.

* Khèn khi đi ruộng, đi nương, đi trên đường vắng vẻ: Vừa đi vừa thổi, không múa, tiếng khèn lúc này vừa để thể hiện tâm trạng của người thổi đồng thời cũng là để có tiếng nhạc cho đường bớt xa, cho xua đi cảm giác cô đơn, hiu quạnh, sợ hãi..

* Khèn trong đám tang: Đối với đồng bào Mông, cây khèn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tín ngưỡng của đồng bào, điều này thể hiện rất rõ qua đám tang của họ. Khi trong làng có người qua đời, chủ nhà thường mời các thầy khèn có uy tín, hiểu nhiều, biết rộng đến giúp. Trong mỗi đám tang, gia đình tang chủ có thể mời hai hoặc bốn thầy khèn và một đến hai người đánh trống. Các nghệ nhân thổi khèn đóng vai trò như thầy cúng và các nghi lễ được thực hành trong suốt quá trình tang ma đều thông qua tiếng khèn và các điệu múa kèm theo tiếng khèn đó.

Tùy vào thời gian diễn ra đám tang mà các nghệ nhân thổi những bài khèn khác nhau với các giai điệu trầm, chậm, không có các bước nhảy hất chân, đá chân mà chỉ bước chậm nhẹ nhàng, vòng qua vòng lại tại chỗ.

Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, có 04 nhóm Mông khác nhau, qua khảo sát tại các địa phương thì 03 nhóm Mông: Mông Lềnh (Lình), Mông Đơ, Mông Si là có các điệu khèn cơ bản giống nhau; nhóm Mông Đu có những nét riêng thể hiện trong số lượng cũng như cách thức trình diễn các bài khèn đa dạng, phong phú hơn.

Đám tang của đồng bào Mông thường tổ chức trong ba ngày, bao giờ cũng có 02 đến 04 chiếc khèn và có ít nhất 02 người thay nhau thổi những bài bắt buộc trong khi thực hiện các nghi lễ và 02 chiếc khèn treo tại đám để anh em, họ hàng, bạn bè đến viếng, ai muốn thổi điệu gì để tiễn đưa thì thổi và thổi bao nhiêu cũng được, bao lâu cũng được (chỉ tránh những giờ gia đình thực hiện các nghi lễ tang ma bắt buộc). Một bài khèn kéo dài từ 15 - 30 phút, được thực hiện bởi những người có kinh nghiệm, có sức khỏe (đồng bào gọi là thầy khèn), những người này được gia chủ mời đến để thực hiện nghi lễ tang ma với vai trò của một thầy cúng (như thầy mo, thầy tào, thầy pựt của người Tày, người Thái), dùng các bài khèn để tiễn đưa linh hồn người chết về với tổ tiên. Các bài khèn được trình diễn tuần tự theo quá trình thực hiện các nghi thức của một đám tang truyền thống.

 Đối với người Mông Đu (Mông Đen): Trong ba ngày tổ chức lễ tang, đồng bào có thể trình diễn từ 50 đến 60 bài khèn khác nhau, trong đó có 13 bài khèn chính, tuần tự như sau:

Bài chung khi trình diễn khèn, nếu bước chân hoặc có di chuyển thì bao giờ cũng khom lưng, cúi đầu, khèn để ở tầm trung ngang bụng người điều khiển; khi dừng lại để chuyển động tác bao giờ chân cũng đá sang ngang, dậm chân, lưng thẳng, đầu ngẩng cao để hất khèn lên cao.

- "Kềnh tu sái” (Khèn tắt hơi thở, về với cõi âm)Sau khi có người mất, bài khèn đầu tiên phải thể hiện là "kềnh tu sái”. Đây là bài khèn hỏi xem người chết đã chết thật chưa, nếu chết thật rồi thì sẽ dùng tiếng khèn chỉ dẫn cho người chết về với tổ tiên, đồng thời thông báo cho ma nhà được biết về người vừa mất là thành viên của gia chủ, ngụ ở bản, xã, huyện, tỉnh cụ thể, điệu khèn thể hiện tình cảm vô cùng thương xót của gia đình. Ý của bài khèn là: Hỡi người đã chết, người đã chết, người chết thật hay chết giả vậy hỡi người. Hỡi người đã chết, nếu chết giả thì hãy đứng dậy về với trần gian ở nơi trần thế hỡi người. Hỡi người đã chết, nếu chết thật thì nhớ quan sát, để tai nghe tiếng khèn chỉ bảo nhé. Động tác của bài khèn: vừa thổi vừa bước đi vòng tròn 3 vòng theo chiều kim đồng hồ, dậm chân, chuyển động tác để quay ngược lại bước đi đều 2 vòng, cứ những động tác này lặp đi lặp lại 6 lần, thể hiện trong khoảng 15 phút; động tác nhẹ nhàng, chậm; giai điệu trầm, buồn. Bài khèn này được thể hiện trong 3 giờ liên tục khi bắt đầu có người chết, do đó, các thầy khèn và những người có mặt có thể trình diễn phải thay nhau thực hiện.

- "Kềnh chia nềnh" (khèn lên ngựa hoặc nhập quan)Theo quan niệm của đồng bào, người khi chết đi sẽ lên ngựa để lên đường về với tổ tiên. Do đó, thầy khèn sẽ thổi bài chỉ cách lên ngựa, sau đó gia đình tổ chức làm ma rồi chỉ đường về với tổ tiên. “Ngựa” ở đây được hiểu là cái cáng (để treo người chết trước kia theo phong tục của người Mông) và quan tài (hiện nay). Ý của bài khèn là: Hỡi người đã chết, hỡi người chết ơi, ngươi đã chết thật rồi, ngươi chết được quần áo mới, nằm giữa nhà và nghỉ ngơi nhé. Nơi trần gian này, người họ hàng, anh em sẽ đi tìm gỗ, kiếm tre để tạo con ngựa cho ngươi về với tổ tiên, nơi thế giới âm. Động tác của bài khèn: Quay một vòng theo chiều kim đồng hồ, ngồi xuống, chân trước để vuông góc, chân sau dùng mũi chân làm trụ, đầu gối tì xuống đất, hướng khèn về phía người chết, khi đứng lên mũi khèn có di chuyển lên xuống tùy theo nhịp điệu của bài khèn. Chủ yếu bài khèn này là tư thế ngồi, quỳ chân trước, chân sau để thổi. Thời gian thực hiện khoảng 30 phút cùng với các nghi lễ đưa người chết nhập quan. Bài khèn này được thực hiện ở các nhóm Mông Lềnh, Mông Si, Mông Đơ; nhóm Mông Đu không có bài “kềnh chia nềnh” trong đám tang.

- "Kềnh tua mua" (khèn mổ lợn làm ma cho người chết): Khi gia đình có người chết, bao giờ người ta cũng mổ một con lợn để dâng cúng vào bữa sáng đầu tiên. Trước khi mổ lợn, người Mông thông báo cho người chết biết về việc này, đồng thời gọi người chết dậy để nhận lễ vật khi con vật còn sống, sau đó mới tiến hành mổ, làm các món và dâng cúng. Việc thông báo này được thể hiện qua bài khèn “kềnh tua mua”. Ý của bài khèn là: Hỡi người đã chết, người chết rồi, người không nghe, không thấy được thì người dậy nghe khèn để biết là các anh em họ hàng, người thân rất nhớ và thương tiếc người, mang con lợn đến để dâng người. Người nhận lấy để ăn cho no còn lên đường về với tổ tiên. Động tác của bài khèn: Đi một vòng, lùi 3 bước, tiến 3 bước, sau đó quay ngược lại một vòng, lùi 3 bước, tiến 3 bước, cứ như vậy các động tác lặp đi lặp lại 6 lần, bài khèn trình diễn trong khoảng 20 phút.

- "Kềnh nào sày/nào su/nào mo” (khèn mời ăn sáng/ăn trưa/ăn tối):  Theo quan niệm của người Mông, khi sắp đến bữa ăn của người sống thì cũng sẽ mời người chết ăn trước, một ngày ăn 3 bữa; bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Để thay lời mời cúng, đồng bào sử dụng tiếng khèn để chuyển tải. Lúc này, thầy khèn sẽ thổi để thông báo đồng thời mời người chết ăn. Các bài khèn này có nội dung, động tác như nhau, chỉ khác về thời điểm vào buổi sáng, buổi trưa và buổi tối của ngày thứ nhất, thứ hai hoặc thứ ba trong nghi lễ. Bởi vậy, trong một đám tang, bài khèn này được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần. Ý của bài khèn là: Xin thông báo, chuẩn bị bữa sáng mà chưa ăn, hỡi người chết hãy quan sát, hãy nhìn mà xem, các anh em, họ hàng thân quen đã chuẩn bị rượu, thịt, cơm ngon. Người ta mời hãy nhận, người ta khấn thì hãy hưởng thụ, ăn no đủ để về với tổ tiên. Động tác của bài khèn được thể hiện: Bước nhẹ nhàng, chậm theo chiều ngược kim đồng hồ, đi quanh quan tài 5 vòng, quay nhanh từ 1 đến 3 vòng, chuyển bước theo chiều kim đồng hồ, đi quanh quan tài 5 vòng, quay nhanh từ 1 đến 3 vòng, cúi đầu, chúi mũi khèn xuống quan tài, kết thúc bài khèn. Bài được lặp đi lặp lại 3 đến 5 lần, kéo dài trong khoảng 15 đến 20 phút.

- "Kềnh hu khua" (khèn mời khách đã tới vào viếng)Đối với đồng bào Mông, khách tới viếng có thể ngồi bên ngoài uống rượu, uống chè, tham gia giúp mọi việc cùng gia đình hoặc đến khi gia đình đang làm lễ, khi có khách đang viếng nên chưa vào viếng được. Khi đến lượt khách mới, thầy khèn sẽ thổi bài sẽ thổi bài “kềnh hu khua” để mời lượt khách mới chuẩn bị lễ vật của mình để vào viếng. Ý của bài khèn: Hôm nay, gia đình có người mới tắt thở, không còn được sống với anh em họ hàng, ngày ngày không còn được gặp nhau, không cùng đi nương đi ruộng được nữa, khách đã biết tin, đến thăm hỏi gia đình và có lễ vật gửi cho người chết, mời khách chuẩn bị những lễ vật mà mình đã mang đến để gửi cho người chết để gia chủ đón vào làm lễ dâng cúng. Động tác của bài khèn: Đi một vòng, khom lưng trong khi thổi và thực hiện các bước, tại mỗi bước chuyển (đang lùi cần tiến hoặc đang tiến cần lùi) thì thẳng lưng lên, mỗi bước chuyển đều nhún người, chân đá nhẹ lên phía trước nếu là bước tiến (3 bước tiến), chân đá nhẹ ra phía sau (nếu là bước lùi), ở mỗi bước, trước khi tiến hoặc lùi đều đá ngang sau đó mới chuyển bước. Bài khèn được thực hiện lặp đi lặp lại 3 lần trong khoảng 10 đến 15 phút. Qua khảo sát, bài khèn này chỉ thấy thực hiện ở nhóm Mông Đu trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

- "Kềnh tỏ khua" (khèn đón khách vào viếng, thổi trong lúc khách viếng)Để thể hiện lòng hiếu khách, điệu khèn này được thổi để đón khách vào viếng, đặc biệt là những vị khách được gia chủ cho người tới tận nhà thông báo về việc gia đình có người chết và mời đến đám tang. Ý của bài khèn là: Dẫn đường cho khách từ ngoài vào nhà, chỉ nơi đặt các lễ vật do khách mang đến, nơi đặt người chết để khách đến viếng, tỏ lòng thương tiếc, đồng thời gọi người chết dậy để nhận lễ vật viếng từ khách, mang đi trên đường về với tổ tiên. Động tác của bài khèn: Đi theo chiều kim đồng hồ hai vòng, vòng thứ nhất đi chậm, bước ngắn, vòng thứ hai đi nhanh hơn, bước dài hơn, sau đó lùi 2 bước, tiến 3 bước, chân đá sang ngang (bên phải) để lùi 2 bước, tiến lên 3 bước, đá chân sang ngang, lùi 2 bước, tiến 3 bước rồi quay ngược lại, các động tác lùi được nhấn hơn bằng cách giẫm mạnh chân bước với ý nghĩa đón khách vào nhà viếng. Các động tác trên lặp đi lặp lại từ 2 lần trở lên, tùy thuộc vào thời gian viếng của khách tại gia chủ. Bài khèn được thực hiện khi thầy khèn đi đầu, dẫn khách/đoàn khách từ ngoài vào trong nhà, thể hiện tình cảm thương tiếc của người khách đến viếng, thầy thổi bước đi xung quanh cái trống, các động tác thổi hướng về lễ vật đoàn khách mang đến để giao cho người mất. Qua khảo sát, bài khèn này chỉ thấy thực hiện ở nhóm Mông Đu trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

- "Kềnh ua khua trầu" (khèn cảm ơn khách đã mang gạo, rượu, tiền đến viếng): Sau khi khách viếng xong. Thầy khèn sẽ thay mặt gia đình thổi để cảm tạ khách đã mang gạo, rượu, tiền đến viếng hồn ma, thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình. Ý của bài khèn là: Người chết rồi, không còn gặp gỡ anh em/họ hàng/làng xóm/bạn bè được nữa, thấy người chết, anh em/ họ hàng/làng xóm/bạn bè mang đồ đến thăm hỏi, người dậy nhận đồ viếng để về với tổ tiên đi nhé. Động tác của bài khèn: Đi theo chiều kim đồng hồ hai vòng, sau đó lùi ra sau, lùi sang phải, lùi sang trái 2 bước kèm theo chân đá ngang và chân dậm, rồi tiến lên phía trước, tiến sang trái, tiến sang phải mỗi vị trí 3 bước và quay theo chiều ngược lại hai vòng, lùi ra sau, lùi sang phải, lùi sang trái mỗi vị trí 2 bước rồi tiến lên phía trước, tiến sang trái, tiến sang phải mỗi vị trí 3 bước kèm theo chân đá, chân dậm và các động tác đưa cây khèn lên và xuống nhịp nhàng theo bước chân. Cứ như vậy, bài khèn này thực hiện 3 lần, trong khoảng 15 phút, khi khách đã viếng xong ra ngoài ngồi uống nước, uống rượu. Bài khèn này chỉ thấy thực hiện ở nhóm Mông Đu trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

- "Kềnh dủ khua nho" (khèn mời khách ở lại ăn cơm cùng gia chủ):  Bài khèn này chỉ thực hiện một lần, khi muốn mời khách ở lại dùng cơm cùng gia chủ, thầy khèn sẽ thực hiện bài khèn “dủ khua nho”. Ý của bài khèn là: Hỡi những người bạn chân tình, biết gia đình có người chết, đã dừng việc ruộng, việc nương ở nhà mình đến tiễn người về với tổ tiên, mời người ở lại ăn bữa cơm cùng gia đình, uống chén rượu cùng gia đình để chia sẻ nỗi buồn cùng gia chủ. Động tác của bài khèn: người trình diễn bước về phía trước ba bước, đá chân sang ngang, lùi về phía sau một bước, quay một vòng theo chiều kim đồng (mỗi bước chân là nửa vòng quay) rồi quay lại một vòng theo chiều ngược kim đồng hồ (mỗi bước chân là nửa vòng quay), quay hai vòng như thế thì chuyển tư thế ngồi quỳ chân trước chân sau, hướng khèn về phía những người khách được mời, thổi cho đến khi người khách đồng ý ở lại ăn cơm cùng gia chủ. Tư thế ngồi thể hiện thành ý của gia chủ mong muốn khách ở lại ăn cơm, chia sẻ nỗi buồn cùng gia chủ khi họ mất đi người thân. Bài khèn này chỉ thấy thực hiện ở nhóm Mông Đu trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

- "Kềnh lớn tớ" (khèn bàn giao tiền bạc, đốt giấy màu cho người chết):  Theo quan niệm của người Mông, giấy chính là tiền của người chết. Đường đi gặp tổ tiên rất dài và gian nan, vất vả, người chết cần có tiền để sử dụng; đến nơi cũng phải có tiền để mua ngựa cưỡi, trâu cày... Do đó, khi đốt giấy là lúc giao tiền cho người chết, thổi làn điệu này để giao tiền. Thầy khèn thổi bài bàn giao “vàng bạc” của gia đình, của khách đến viếng cho người chết, vừa thổi khèn vừa đốt vàng mã. Đối với người Mông, lễ viếng mang đến đám ma bao giờ cùng có giấy màu (tiền) kèm theo các lễ vật như gà, gạo, rượu, … Khi nhận giấy màu, gia chủ để riêng, một chồng của khách, một chồng của anh em, họ hàng. Khi đốt, nếu là người chết già thì đốt hai lần (tối ngày thứ hai và sáng ngày thứ ba), nếu là người chết trẻ thì chỉ đốt một lần (sáng ngày đưa đi chôn). Do đó, bài khèn này cũng tùy thuộc vào số lần đốt giấy màu, giao cho người chết, có thể thổi 1 lần hoặc 2 lần, mỗi lần lại tùy thuộc vào số giấy màu được khách và anh em họ hàng mang đến viếng. Bài khèn này các thầy khèn thay nhau thổi cho đến khi nào hết giấy màu thì thôi.

Ý của bài khèn là: Hỡi người chết, người chết hay người ngủ, nếu người chết thì sẽ không nghe, không thấy. Người hãy để tai nghe khèn, mắt quan sát trống. Người có biết không, các anh em và người thân rất nhớ và thương tiếc người vô cùng, người thì cho của cải, cơm thịt, quần áo, người thì dâng biếu vàng bạc. Tất cả để cho người mang theo khi về với tổ tiên.

Động tác của bài khèn: Tiến 2 bước, dậm chân, đá ngang, lùi 1 bước, quay theo chiều kim đồng hồ 1 vòng bằng 2 bước chân, sau đó dậm chân, đá ngang, lùi 1 bước, quay 1 vòng ngược chiều kim đồng hồ, rồi tiến 2 bước, cứ thế thực hiện 10 vòng (cả hai chiều quay) thì ngồi quỳ chân trước chân sau thổi trong khoảng từ 3 đến 5 phút với ý dâng giấy màu tiễn hồn ma về với tổ tiên.

- "Kềnh tởn rà" (khèn đưa quan tài của người chết ra ngoài phơi nắng): Theo quan niệm của người Mông, trong đám tang có nghi lễ đưa người chết ra ngoài phơi nắng trước khi đưa đi chôn. Đồng bào quan niệm, người sống là phải được nhìn thấy ánh nắng mặt trời, được ánh nắng mặt trời soi chiếu, được hít thở không khí của bầu trời thì sự sống mới tồn tại. Giờ đây, người đã chết, trước khi chôn sâu dưới các tầng đất đá, người ta đưa người thân ra “phơi nắng” để thấy ánh nắng mặt trời lần cuối cùng và mãn nguyện để thoái mái tư tưởng lên đường về với tổ tiên, không còn tiếc nuối, không còn vướng bận gì với cuộc sống nơi trần thế này, không con theo bám những người trong gia đình nữa. Ý của bài khèn là: Hỡi linh hồn, ngươi đã chết, nghe tiếng khèn thì dậy mà xem ánh nắng mặt trời, dậy mà xem cuộc sống nơi trần gian, xem lại bản làng nơi ngươi đã sống để rồi về với tổ tiên mà không còn vướng bận gì với cuộc sống nữa, cũng không được quấy nhiễu cuộc sống của anh em họ hàng, bà con dân bản nữa nhé.

Động tác của bài khèn: Bước lên trước 1 bước, kéo theo chân sau sang ngang, sau đó bước đi đều theo nhiều kim đồng hồ thành vòng tròn rộng, đi 3 vòng tròn như thế thì quay ngược lại bước đều, đi chậm 2 vòng rồi lại quay lại bước theo chiều kim đồng hồ 3 vòng như ban đầu. Cứ như thế, các thầy khèn thay nhau thổi, ít nhất cũng phải 9 lần trở lên, tùy thuộc vào quãng đường xa hay gần và địa điểm đưa quan tài ra ngoài (phơi nắng).

Bài khèn này hiện vẫn đang được thể hiện trong đám tang của các nhóm người Mông ở hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu; riêng đối với cộng đồng người Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn thì không còn thực hành nghi lễ này trong đám tang vì thế không còn thực hiện bài khèn này, mặc dù vậy, những người cao tuổi trong xã vẫn trình diễn được bài khèn này.

- "Kềnh chao nhu/chao bua" (bài khèn giao con trâu/con lợn cho hồn ma): Khi gia đình có người chết, ngoài việc mổ lợn, những gia đình có điều kiện sẽ mổ trâu, nếu gia đình nào không mổ trâu có thể mổ con lợn thứ hai. Trước khi thực hiện việc giết mổ, người ta dắt con trâu đó đến trước quan tài, báo cho linh hồn người chết được biết là gia đình sẽ giao con trâu này và muốn linh hồn hãy nhận lấy, để thực hiện quá trình giao tiếp ấy, đồng bào thể hiện qua bài khèn bàn giao con vật nuôi. Nếu người chết còn trẻ, chưa có con cái thì vật nuôi được bàn giao thường nhỏ như lợn, dê, gà, … Nếu người chết có tuổi, có con cái, dâu rể vật nuôi được bàn giao thường to (bò, trâu). Đối với những nhóm Mông vẫn thực hiện nghi lễ đưa hồn ma đi ra ngoài phơi nắng thì việc mổ trâu này thường được thực hiện ở ngoài trời, nơi đưa hồn ma đi “phơi nắng”. Ý của bài khèn là: Hỡi người chết, hãy dậy và quan sát các anh em, người thân của mình, người cầm dây dắt trâu, người cầm rìu, dao, búa. Người ta sẽ giết mổ, hồn vía trâu bò sẽ đi theo ngươi, ngươi hãy nắm giữ là của mình, đưa đi theo vì đó là của tặng, hãy nhận lấy nhé.

Động tác của bài khèn là: Thực hiện một lần, ba bước tiến, chân đá ngang, chuyển sang 2 bước lùi, rồi tiến tiếp 5 bước, chân đá ngang, lùi 3 bước, quay 1 vòng theo chiều kim đồng hồ rồi lùi 2 bước, tiến 5 bước, lùi 3 bước, quay 1 vòng theo chiều ngược kim đồng hồ; chân bước đều, chậm, mỗi bước chuyển đều nhún nhẹ, khi chuyển động tác tiến, lùi, quay, … đều dậm nhẹ chân trước khi chuyển. Bài khèn này được thực hiện ở cả bốn nhóm Mông trên địa bàn khi gia đình có điều kiện mổ trâu trong đám tang.

- "Kềnh tua nhu/ tua bua" (khèn mổ trâu/mổ lợn)Sau khi đã thực hiện các nghi thức thông báo cho hồn ma biết việc gia đình sẽ giao con trâu như trên, gia chủ và những người giúp việc sẽ tiến hành mổ con trâu đó để dâng cho người chết. Trong quá trình mổ trâu, thầy khèn trình diễn bài "kềnh tua nhu" để báo cho người chết biết việc gia chủ đã mang con trâu đó đi giết thịt để dâng cúng. Ý của bài khèn là: Hỡi linh hồn người đã chết, người đã nhận con trâu rồi nhé, bây giờ sẽ mang con trâu này đi giết thịt, làm thành các món ăn để cũng cho người, người dậy chứng kiến con trâu được mang đi giết thịt nhé.

Động tác của bài khèn: Quay ngược chiều kim đồng hồ 2 vòng, đứng tại chỗ, sau đó tiến 3 bước, lùi 3 bước, điều khiển mũi khèn lên và xuống tùy theo nhịp điệu, quay nhanh 3 vòng sau đó bước đều thành vòng tròn theo chiều kim đồng hồ 5 vòng, quay nhanh 3 vòng sau đó lại bước đều thành vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ 5 vòng, sau đó quay tròn theo chiều kim đồng hồ 5 vòng, chuyển động tác quay ngược lại 5 vòng, sau đó cúi đầu, chúi mũi khèn xuống thổi. Bài khèn được lặp đi lặp lại 3 lần trở lên với mục đích thông báo cho người chết biết việc gia chủ sẽ mổ trâu/lợn để giao cho người chết. Với mục đích thông báo nên bài khèn này không thể thiếu đệm của tiếng trống. Bài khèn này được thực hiện ở cả bốn nhóm Mông trên địa bàn tỉnh khi gia đình có điều kiện mổ trâu trong đám tang.

- "Kềnh nào nhu" (khèn mời hồn ma ăn thịt trâu):  Sau khi trâu đã được mổ xong, gia chủ mời hồn ma ăn thịt trâu, lời mời được thể hiện qua bài khèn "kềnh nào zu". Bài khèn thể hiện thành ý của gia chủ muốn mời hồn ma ăn thịt trâu - là loại thịt được coi là ngon nhất, có giá trị nhất trong đời sống của cộng đồng để tiễn hồn ma với tổ tiên, khi không còn chung sống với gia đình nữa. Ý của bài khèn là:Hỡi linh hồn người đã chết, con trâu đã được giết thịt, nấu thành các món ăn ngon, dâng cúng cho người, người hãy dậy ăn, ăn no ăn đủ để lên đường về với tổ tiên. Bài khèn này được thực hiện lặp đi lặp lại 6 lần, các động tác được trình diễn giống như bài khèn mời hồn ma ăn thịt lợn trong bữa sáng nhưng được trình diễn lâu hơn (thường gấp đôi thời gian). Bài khèn này được thực hiện ở cả bốn nhóm Mông trên địa bàn khi gia đình có điều kiện mổ trâu trong đám tang.

- “Kềnh chênh tổng tu tuag” (báo cho người chết biết chuẩn bị đưa tiễn)Trước khi lên đường sang thế giới bên kia, thầy khèn sẽ thổi bài thông báo cho người chết về việc chuẩn bị lên đường về với tổ tiên. Không còn lưu luyến, không còn nợ tình, tiền bạc nơi trần thế. Theo quan niệm của người Mông, người chết mới về với tổ tiên còn rất lạ lẫm, lại có rất nhiều đường để chọn đi trở thành người tốt và đi trở thành người xấu. Nên trước khi ra đi phải thổi làn điệu này để tiễn người chết, dặn dò người chết đi đúng đường, không bị lạc, đi đúng đường để trở thành người tốt dặn dò con ngựa của người chết đưa người chết đi đúng đường về với tổ tiên. Làn điệu này được thổi trong nhà, lúc chuẩn bị đưa người chết ra khỏi nhà, người thổi đi xung quanh trống hướng về người chết hướng ra cửa chính quay về nhảy quanh trống, chui qua gầm quan tài. Ý của bài khèn là: Xin thông báo, hỡi người chết, đã sắp đến giờ lên đường về với thế giới thần tiên, về với nguồn cội ông bà tổ tiên, người hãy đưa theo những bệnh tật ốm đau, thần chết, quỷ dữ đi cùng nhé. Động tác của bài khèn: Đi một vòng, sau đó tiến 3 bước, lùi 2 bước, rồi tiến 5 bước, lùi 3 bước, quay vòng lại tiến 5 bước, lùi 3 bước, đứng im tại chỗ, sau đó quay một vòng ngược lại với các động tác trên, cứ như vậy, lặp đi lặp lại 3 lần thì hết bài khèn, thời gian trình diễn khoảng 15 phút.

- “Kềnh chênh tổng đa và chê” (báo cho ma nhà biết sẽ đưa tiễn người chết đi)Sau bài thông báo cho người chết về việc chuẩn bị lên đường là bài thông báo cho ma nhà, ma cửa, ma bếp, ... biết về việc sẽ đưa tiễn người chết đi chôn, các loại ma trong nhà không sợ hãi, đồng thời tránh đường để mọi việc diễn ra được thuận lợi. Ý của bài khèn là: Xin thông báo, người chết chuẩn bị đi qua, sẽ đi qua chính giữa nhà, ra qua cửa, đưa đi những bệnh tật ốm đau, quỉ dữ ma tà. Hỡi các vị thần, ma nhà, ma cửa, ma bếp xin hãy đừng sợ, xin hãy đừng chạy mà ở gọn một nơi để gia đình đưa người chết đi chôn được thuận tiện. Động tác của bài khèn: Chân bước đều đi theo chiều ngược kim đồng hồ 5 vòng, quay ngược lại theo chiều kim đồng hồ 5 vòng, dừng lại để chuyển động tác, quay tròn theo chiều kim đồng hồ 5 vòng, quay theo chiều ngược lại 5 vòng, sau đó ngồi quỳ chân trước chân sau để thổi. Bài khèn diễn ra trong khoảng 15 - 20 phút. Cùng với khèn là tiếng trống đánh đều đều với mục đích thông báo tới ma nhà là gia đình chuẩn bị đưa tiễn người chết đi.

- "Kềnh tơ ra" (khèn dẫn đường đưa đi chôn)Bài khèn này được thổi từ khi bắt đầu đưa quan tài từ nhà ra tới chỗ chôn và số lần thổi tùy thuộc vào quãng đường và thời gian chôn cất, các thầy khèn phải thay nhau thổi bài khèn này. Ý của bài khèn là: Hỡi người chết, người hãy nhìn mà xem ông mặt trời đã sắp lặn, mặt trăng đã sắp lên, đã đến giờ lên đường để về với thế giới thần tiên. Hãy dậy mà quan sát, hãy nhìn anh em họ hàng lần cuối, hãy nhớ mang lễ vật được biếu tặng, uống chén rượu để lên đường nhé. Động tác của bài khèn: Bước chân chậm, đi theo chiều kim đồng hồ 1 vòng tròn, nhún chân sau, đưa sang ngang trước khi chuyển bước, sau đó lùi một bước để chuyển quay lại 1 vòng ngược chiều kim đồng hồ và thực hiện các động tác bước chân như trên, cứ như thế, hết một vòng lại quay một vòng ngược lại, chỉ có múa vòng tròn và lùi để chuyển chiều quay. Số lượt ít nhiều tùy thuộc vào quãng đường xa hay gần khi đưa người chết đi chôn, thường các thầy khèn thay nhau thổi bài này vì phải thổi lâu, thổi nhiều. Giai điệu khèn trầm, chậm, buồn, da diết, thể hiện tình cảm tiếc thương khi phải đưa tiễn linh hồn người chết đi chôn, coi như là chỉ được tiễn chặng đường cuối cùng này.

- "Kềnh sớ kế" (khèn đưa linh hồn vào nhà âm)Sau khi đưa người chết đến chỗ đã chọn để chôn cất, bài khèn dẫn đường kết thúc là lúc thầy khèn tiếp tục thổi bài khèn cuối cùng để đưa linh hồn vào nhà âm (giống như hạ huyệt của người Kinh). Ý của bài khèn là: Hỡi linh hồn người đã chết, anh em, họ hàng, người trong bản ngoài bản đã đến đưa tiễn linh hồn một chặng đường, đã đến nhà của người, từ giờ người ở lại ngôi nhà này, mọi người cùng đưa linh hồn vào nhà và làm nhà âm cho người, người hãy nhận ngôi nhà này nhé. Đứng tại chỗ, đưa mũi khèn hướng xuống đất, đưa mũi khèn hướng lên trên, quay theo chiều kim đồng hồ 3 vòng, quay ngược lại 3 vòng, đưa mũi khèn lên, xuống, quay 1 vòng để tiến về phía trước đi theo chiều kim đồng hồ quanh ngôi mộ của người chết 3 vòng và quay ngược lại 3 vòng, sau đó dừng lại để quay ngược chiều kim đồng hồ 3 vòng, cùng chiều kim đồng hồ 3 vòng, đứng im tại chỗ, thổi khèn theo hướng mũi khèn hướng xuống đất, kết thúc một lượt của bài khèn. Số lượt tùy thuộc vào thời gian hạ huyệt, đắp nấm, chèn đá cho ngôi mộ. Đây là bài khèn cuối cùng, kết thúc một đám tang của người Mông ở tỉnh Yên Bái.

*  Khèn trong đám ma khôSau khi làm đám tang từ 1 đến 3 năm trở lên, đồng bào tiến hành làm ma khô. Khi làm ma khô, các nhóm Mông vẫn thực hiện tuần tự các bài khèn trên (trừ bài “kềnh tu sái” - khèn báo có người tắt thở và “kềnh chia nềnh” - khèn lên ngựa hay nhập quan) nhưng thổi nhẹ hơn và thổi ít thời gian hơn khi làm đám tang cho người mới chết (người Mông gọi là “kềnh plì”). Đối với bài khèn đưa hồn người chết đi phơi nắng lúc này chỉ mang tính tượng trưng nên nếu người chết là nam thì mang áo đi, nếu người chết là nữ thì mang váy ra điểm phơi nắng. Nếu khi làm ma mới chết mà mổ trâu thì khi làm ma khô mổ lợn cũng được, nếu khi mới chết làm ma mà chỉ có lợn thì ma khô bắt buộc phải mổ trâu. Nếu chết ở nhà thì chỉ mổ lợn cũng được, có trâu thì mổ trâu, nếu chết đường thì phải mổ trâu, không thể chỉ mổ lợn. Ngoài những bài khèn trên, trong đám ma khô, đồng bào thực hiện thêm các bài khèn bắt buộc nữa là:

- "Kềnh cho plì" (khèn gọi hồn ma về để làm lễ ma khô tại gia đình)Sau khi người đã chết từ 1 đến 3 năm, gia đình làm lễ ma khô. Để làm lễ ma khô, trước tiên, gia chủ làm lễ gọi hồn người chết về để chứng kiến các nghi lễ. Để gọi được hồn người chết về, đồng bào thực hiện qua bài khèn “píp plì”. Ý của bài khèn là: Hỡi linh hồn người đã chết, người người đã chết 1/2/3 năm trước, hôm nay gia chủ làm ma khô cho linh hồn, linh hồn ở đâu mời về gia chủ để chứng kiến các nghi lễ, gặp anh em, họ hàng, những người bạn trong bản, ngoài bản và nhận lễ vật, của cải, tiền giấy. Bài khèn được thực hiện tại sân hoặc cửa nhà của gia chủ, bài khèn chủ yếu là các động tác tiến, lùi; nếu tiến 5 bước thì lùi 3 bước, nếu tiến 3 bước thì lùi 1 bước, sau đó bước đều đi 5 vòng tròn, quay theo chiều ngược lại 5 vòng, hướng mũi khèn lên cao, đưa mũi khèn xuống, chỉ vào cửa ngôi nhà với ý nghĩa gọi và đón hồn về tại gia chủ để dự lễ làm ma khô.

- "Kềnh tù plì/ tù văng" (khèn mời linh hồn ngồi chơi với hàng xóm, anh em họ hàng, những người đến tham dự lễ làm ma khô): Sau khi đã mời được linh hồn về gia đình, mọi người tới dự đã đông đủ, thầy khèn thổi bài mời linh hồn an vị, nghỉ ngơi tại nơi đã chuẩn bị sẵn (thường gia chủ chuẩn bị một cái mẹt to, trong đó có để cái áo - nếu linh hồn là nam, cái váy - nếu linh hồn là nữ  và các lễ vật nhỏ như gà, gạo, rượu, tiền giấy, …). Ý của bài khèn là: Hỡi linh hồn đã về đến gia đình, hồn đã nhìn thấy nơi gia đình chuẩn bị chỗ cho an vị, linh hồn hãy nhận ra áo/váy của mình, hãy vào đây nghỉ ngơi, gặp lại những người thân quen nhé. Động tác của bài khèn: Đứng tại chỗ, đưa mũi khèn hướng xuống nơi đã chuẩn bị cho hồn ma an vị, rồi lại hướng lên trên, tiến 1 bước, lùi 1 bước, đưa mũi khèn lên, chúi mũi khèn xuống, quay 1 vòng theo chiều kim đồng hồ, sau đó ngồi xuống, chân trước để vuông góc, chân sau dùng mũi chân làm trụ, đầu gối tì xuống đất, chân của bầu khèn chạm xuống đất, các ngón tay điều khiển các lỗ trên ống khèn tùy theo giai điệu của bài khèn; khi đứng lên thì quay 2 vòng theo chiều ngược kim đồng hồ, sau đó, ngồi xuống như trên để thổi, nhưng so với trên thì hai chân đổi nhau, sau đó quay theo chiều kim đồng hồ 3 vòng và quay ngược lại 2 vòng rồi tiến lên 5 bước, lùi xuống 3 bước, kết thúc một lượt. Bài khèn thường được thổi 3 lần.

- "Kềnh dúa văng" (bài khèn giã bánh dày): Bài khèn thực hiện từ khi bắt đầu giã bánh với ý nghĩa báo cho linh hồn biết về việc bắt đầu giã bánh dày để dâng cúng, các thầy khèn thay nhau trình diễn cho đến khi có bánh dày, đặt lên cúng mới kết thúc bài khèn. Ý của bài khèn là: Hỡi linh hồn của người đã chết, người đã chết 1/2/3 năm trước, gia đình giã bánh dày làm ma khô cúng hồn người chết, hồn hãy về chứng kiến nhé. Động tác của bài khèn: đi ngược chiều kim đồng hồ 5 vòng, chuyển động tác, quay theo chiều kim đồng hồ 3 vòng, cứ thế, bài khèn này chỉ có bước đều chân theo vòng tròn. Công đoạn giã bánh dày khá lâu nên bài khèn này phải có nhiều người thay nhau thổi và thổi ít nhất cũng 10 lần, mỗi lần từ 15 đến 20 phút.

- "Kềnh cho plì lẩu chế" (bài khèn đón ma về ăn bánh dày): Sau khi bánh dày đã được giã xong, người ta dâng lên cúng hồn ma, để đón hồn ma về ăn bánh dày, đồng bào trình diễn bài khèn đón hồn ma về ăn bánh dày. Ý của bài khèn là: Hỡi linh hồn người đã chết, bánh dày đã được giã xong, mời hồn ma về ăn bánh dày, ăn no ăn đủ về với thế giới bên kia được yên ổn, không lưu luyến, vương vấn nơi trần thế nhé. Bài khèn chủ yếu sử dụng động tác tiến, lùi theo nhịp điệu của bài khèn, tiến 5 bước, mỗi bước tiến có đưa chân sang ngang và đá chân lên phía trước, sau đó lùi 3 bước, mỗi bước lùi cũng có đưa chân sang ngang và hất chân ra phía sau, tiếp đó lại tiến 3 bước, lùi 1 bước, các bước chân cũng thực hiện như trên khi tiến và lùi. Tiếp đó, quay lại thực hiện những động tác trên nhưng theo hướng ngược lại. Bài khèn cứ như vậy, thực hiện 3 lần để mời hồn ma về ăn bánh dày. Bài khèn được thực hiện với nhóm Mông Đu.

- "Kềnh dê chứ" (khèn con cháu cảm ơn người đã khuất): Trong lễ ma khô, để thể hiện lòng thành kính, hiếu thảo của con cháu đối với người đã chết, con cháu cũng biết, dù bố mẹ đã chết, về thế giới bên kia, nhưng vẫn phù hộ cho con cái, do đó khi có đủ điều kiện thì gia đình sẽ làm lễ để tạ ơn bố, mẹmời bố mẹ về nhận lễ vật, tiền giấy.  Ý của bài khèn là: Hỡi linh hồn người đã chết, người đã sinh ra các con, nuôi dưỡng các con trưởng thành, chịu nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn, dành tình thương, cải cải cho các con, chết đi rồi vẫn phù hộ cho các con, các con thương cha mẹ vất vả, hôm nay cha mẹ về được với các con, các con nói lời cảm ơn bố mẹ. Động tác của bài khèn: Đứng tại chỗ, quay 1 vòng, ngồi quỳ, chân trước chân sau, thổi khèn, đứng dậy, quay 1 vòng theo chiều kim đồng hồ rồi lại ngồi chân trước chân sau, đặt bầu khèn chạm đất, sau đó lại quay 1 vòng, ngồi chân trước chân sau thổi khèn, mỗi vòng quay thì vòng sau ngược chiều với vòng trước, quay nhanh 5 vòng, tiến về phía trước 5 bước, lùi về phía sau 3 bước, hướng mũi khèn lên cao thổi một hơi dài, kết thúc bài khèn.

- "Kềnh plì mù chế" (bài khèn thả ma đi):  Sau khi đã thực hiện xong các nghi lễ của đám ma khô, người Mông tiễn hồn ma về với tổ tiên bằng bài khèn "Plì mù chế". Đây là một bài khèn khó, bài dài và chỉ múa một lần do một người thực hiện nên không phải ai cũng thực hiện được bài khèn này. Thường là người thầy cả, có kinh nghiệm trình diễn lâu năm đồng thời phải có sức khỏe, đảm bảo sự dẻo dai mới có thể thực hiện được. Ý của bài khèn là: Hỡi linh hồn người chết, con cháu làm ma khô, cho hồn ăn no, ăn nhiều, ăn đủ, cho hồn mang theo nhiều tiền, mang theo các con vật nuôi, tiễn hồn về thế giới thần tiên, mong được sung túc, không vương vấn cuộc sống trần gian, không làm hại con cháu, anh em họ hàng. Động tác của bài khèn: Các động tác được thực hiện từ trong nhà ra cửa chính, chân bước đều tiến 5 bước, lùi 3 bước, mùi khèn đưa từ nơi an vị của linh hồn hướng ra cửa, quay theo chiều kim đồng hồ 3 vòng, quay ngược lại 3 vòng, rồi lại thực hiện các động tác như trên từ 3 đến 5 lần, ý là tiễn hồn ma đi, chỉ đường cho hồn ma ra cửa để thả về với cõi âm. Sau khi đã làm ma khô (plì), nếu con cháu có điều kiện hoặc mọi việc trong gia đình bất ổn, ốm đau, bệnh tật, làm ăn không được hoặc theo quan niệm của đồng bào là mơ thấy bố mẹ, ông bà kể về sự thiếu thốn thì gia đình làm ma tiếp lần thứ ba và là ma khô lần thứ hai, tiếng Mông gọi là “nhụt la”. Trong lễ “nhụt la”, các bài khèn cũng được thực hiện đầy đủ và tuần tự như khi làm ma khô lần thứ nhất như: gọi hồn về; mời an vị; mời chơi cùng anh em, họ hàng, làng bản; giao các con vật mà gia chủ sẽ giết thịt; mời ăn sáng; ăn trưa; ăn tối; ăn bánh dày; giao tiền giấy; con cháu cảm ơn; tiễn hồn ma về với tổ tiên.

3. Không gian văn hóa liên quan, các sản phẩm vật chất và tinh thần tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể

 Nghệ thuật khèn được người Mông thể hiện ở nhiều không gian văn hóa khác nhau trong những thời điểm cụ thể khác nhau, xuyên suốt đời sống sinh hoạt của cộng đồng như: trong đám tang cho người mới chết, trong đám ma khô, trong các lễ hội, trong những ngày vui của cộng đồng, trong ngày tết, những ngày đi chơi hội xuân, đi tìm hiểu bạn gái của những chàng trai người Mông, trong khi đi trên đường, đi nương, đi ruộng, lên rừng, săn bắt, ... bởi thế, không gian văn hóa liên quan đến di sản là rất rộng và không cố định, có thể chỉ trong phạm vi một ngôi nhà, một sân chơi nhỏ, cũng có khi là ở phạm vi rộng của cộng đồng bản hay cả một vùng. Cây khèn cũng như nghệ thuật khèn được coi như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng người Mông. Có thể nói, với vai trò của mình, cây khèn cũng như nghệ thuật khèn hiện diện trong tất cả các dạng thức của di sản văn hóa phi vật thể của tộc người, từ tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian đến nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Tiếng khèn tạo ra sự chia sẻ, đồng cảm trong các thành viên, tăng tính cố kết cộng đồng, làm cho con người vơi đi những vất vả, khó khăn, buồn tủi, tạo nên liều thuốc tinh thần vô giá, là động lực để con người hăng say lao động sản xuất, hướng tới cuộc sống ấm no, bền vững.

VII. Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể

1. Giá trị lịch sử: Nghệ thuật khèn của người Mông là một di sản văn hóa phi vật thể rất độc đáo, có lịch sử lâu đời trong xã hội cộng đồng tộc người, nó phản ánh quá trình lịch sử của tộc người rất rõ nét. Mỗi động tác, mỗi dáng đi, dáng đứng, mỗi bước nhún chân, mỗi bước nhảy, mỗi vòng quay, kiểu quay, cách quay đều mang những ý nghĩa riêng của nó, gắn với lịch sử di cư, lịch sử cư trú, lịch sử xã hội, lịch sử kinh tế - văn hóa của tộc người. Như thế, nghiên cứu mỗi điệu khèn, mỗi động tác múa, mỗi cách thức thể hiện khèn đều cho ta thấy được phần nào bức tranh nhiều màu sắc của xã hội tộc người trong lịch sử.

2. Giá trị văn hóa:  Đây là di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, thể hiện những gì cô đọng nhất, hội tụ nhiều nhất, đại diện nhất của văn hóa tộc người, là sản phẩm văn hóa sở hữu chung của đồng bào, trở thành biểu tượng của văn hóa Mông. Mỗi bài khèn, điệu khèn, mỗi động tác khèn đều thể hiện những quan niệm của cộng đồng về thế giới quan, nhân sinh quan, thể hiện những cách ứng xử đẹp của con người với con người, con người với thiên nhiên, con người với thế giới thần linh.

Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi lễ, lễ hội của dân tộc Mông. Người Mông quan niệm chết là về với thế giới bên kia, ở đó, con người vẫn tồn tại, vẫn có một đời sống bình thường. Sau khi đã trọn đời nơi trần thế, con người trở về với tổ tiên. Họ quan niệm nếu không có tiếng khèn, điệu múa khèn thì linh hồn người chết sẽ không về được với tổ tiên. Các bài khèn để an ủi người chết, động viên người nhà, tiễn đưa người chết về với tổ tiên. Hướng dẫn cho linh hồn người chết chọn đường đi về với tổ tiên để làm con người tốt ở thế giới bên kia. Họ tiễn đưa người chết với đầy đủ các vật dụng, gia súc để người chết yên tâm ở thế giới bên kia, sống tiếp kiếp sau, không quay về quấy quả con cháu. Thổi khèn và múa khèn thể hiện lòng tiếc thương của con cháu đối với người đã khuất, nhắc nhở con cháu nhớ về công lao của người đã khuất.

Nghệ thuật khèn tồn tại và phát triển xuyên suốt trong lịch sử tộc người, được truyền dạy qua nhiều thế hệ, được cộng đồng tự bảo lưu, tự trao truyền và thực hành thường xuyên trong đời sống, đã thể hiện sức sống bền vững của một di sản văn hóa độc đáo, lâu đời. Giá trị của nghệ thuật này còn mang lại tinh thần cố kết cộng đồng rất rõ nét, đồng thời tiếng khèn được coi như một động lực tinh thần giúp con người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ưu tư, sầu não, hướng con người tới cái chân – thiện – mỹ.

3. Giá trị khoa học: Qua cây khèn và những bài khèn, điệu khèn, những động tác trình diễn khèn giúp các nhà nghiên cứu có thêm tri thức khoa học xã hội và nhân văn về đời sống vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng tộc người Mông. Di sản nghệ thuật khèn là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa – xã hội, phong tục tập quán, kinh tế truyền thống của đồng bào Mông ở tỉnh Yên Bái nói riêng và người Mông ở Việt Nam nói chung. Di sản cũng chứa đựng những sáng tạo mang tính khoa học độc đáo, được biểu hiện qua tiết tấu đa dạng, biến hóa khi thổi khèn kết hợp với vũ điệu uyển chuyển, nhịp nhàng khi múa.

4. Giá trị nghệ thuật: Người Mông ở tỉnh Yên Bái sáng tạo ra những âm thanh, động tác, đường nét biểu diễn khèn trong những không gian văn hóa khác nhau nhằm thể hiện cảm xúc, tâm tư, tình cảm, thẩm mỹ của tộc người. Nghệ thuật khèn thể hiện đặc sắc, kết hợp giữa âm thanh và động tác của người múa với cây khèn, người múa say xưa thể hiện các bài khèn, kèm theo là các động tác nhuần nhuyễn. Khèn thổi đi đôi với múa, đã thổi khèn là không để đôi chân đứng yên. Trong múa khèn của người Mông các động tác, tư thế được sáng tạo một cách ngẫu hứng, thăng hoa mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Mông. Người múa thể hiện cảm xúc sáng tạo trong say sưa, thể hiện cảm xúc nội tâm mạnh mẽ.

Nghệ thuật khèn mang giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao của tộc người, có sức lan tỏa trong một không gian và thời gian rộng lớn. Di sản mang vẻ đẹp từ khuôn hình cho đến ý nghĩa nhân sinh, mục đích làm cho người ta chiêm nhiệm, suy ngẫm bằng các giác quan, từ đó khâm phục, ngưỡng mộ, ưa chuộng. Trong lịch sử phát triển loài người, con người sáng tạo các loại hình nghệ thuật làm phong phú hơn cuộc sống, giúp con người thêm tự tin tồn tại và phát triển. Vì vậy sáng tạo nghệ thuật là quy luật tất yếu và là nhu cầu không thể thiếu của con người. Nghệ thuật khèn cũng là quy luật như vậy, nó thể hiện những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh trước thiên nhiên hùng vĩ, trước những cuộc đấu tranh sinh tồn và phát triển, trước ước vọng vươn tới cái đẹp, cái đủ đầy, no ấm của con người. Đó chính là vẻ đẹp bất biến, cao cả của giá trị nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc.

Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật khèn thể hiện trình độ nghệ thuật và óc sáng tạo cao của tộc người, bởi nó không sao chép hiện thực, mà nó dùng hình tượng sinh động cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền tải hiện thực. Sự phản ánh hiện thực ấy được thông qua lăng kính và cái nhìn của con người với những cảm xúc thẩm mĩ, sáng tạo, chứa đựng tư duy, suy nghĩ, ý nguyện, tình cảm và những khát vọng vươn tới cái chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng tộc người. Đó chính là cái đẹp, cái cao cả của giá trị nghệ thuật đích thực mà nghệ thuật khèn mang lại.

5. Vai trò của di sản trong đời sống của người Mông: Trong cộng đồng của người Mông ở tỉnh Yên Bái hiện nay, cơ bản nam giới từ thiếu niên đến tuổi trưởng thành đều biết múa khèn, tuy nhiên những người giỏi, xuất sắc thì không nhiều, đặc biệt là những người có thể chế tác khèn giỏi càng ít, mỗi huyện chỉ có hai đến ba người, có địa phương không có người nào. Với sự hiện diện thường xuyên và liên tục của nghệ thuật trình diễn di sản này trong đời sống tộc người ở nhiều phương diện khác nhau đã khẳng định vai trò không thể thiếu của di sản. Di sản được coi như món ăn tinh thần độc đáo, quan trọng trong đời sống của cộng đồng.

Thầy khèn có vai trò quan trọng trong đám ma và đám ma khô. Bởi trong quá trình làm các nghi thức cúng tế, thầy khèn cùng với thầy cúng phải sử dụng các bài văn cúng tế để giao tiếp với các thần linh. Chỉ có như thế mới tiễn đưa được linh hồn người chết về với tổ tiên, tổ tiên mới hiểu để chấp nhận linh hồn người mới chết, đưa họ về với tổ tiên. Múa và thổi khèn trong đám ma vừa thể hiện tính nhân văn, vừa thể hiện tính nghệ thuật, không chỉ cho người Mông niềm tin vào cuộc sống mà còn thỏa mãn những nhu cầu tâm linh của họ.

VIII. Về nghệ nhân trình diễn khèn

Trên địa bàn tỉnh, tính đến hết năm 2022, đã có 09 nghệ nhân người Mông được các cấp công nhận thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian (chủ yếu là nghệ thuật khèn):  

Nghệ nhân ưu tú do Chủ tịch nước phong tặng, có 03 nghệ nhân, đó là: Ông Giàng A Su (khu 2, thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, phong tặng năm 2015); ông Giàng A Dao (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, phong tặng năm 2019); ông Thào Cáng Súa (bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, phong tặng năm 2019).

Nghệ nhân được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, có 06 nghệ nhận, đó là: Ông Giàng A Tủa (thôn Xá Nhù, xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu, năm 2020); ông Giàng A Khày (bản Háng Đề Đài, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, năm 2022); ông Thào A Chống (bản Séo Mả Pán, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, năm 2022); ông Giàng Su Giàng (bản Háng Phù Loa, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, năm 2022); ông Vàng A Lâu (bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, năm 2022); ông Sùng Chà Lềnh (bản Nả Háng, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, năm 2022).

IX. Hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể

1. Về chế tác khènQua khảo sát thực tế, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, có 21 người thuần thục việc chế tác khèn, trong đó: huyện Mù Cang Chải có 18 người ở các xã: Lao Chải, Khao Mang, Mồ Dề, Púng Luông, La Pán Tẩn, Cao Phạ, Nậm Có; huyện Trạm Tấu có 03 người ở các xã: Bản Mù, Trạm Tấu; ở các xã Suối Giàng, Suối Bu (huyện Văn Chấn) chỉ có người sửa chữa khi khèn bị hỏng, không có người chế tác mà cộng đồng mua khèn từ huyện Mù Cang Chải chuyển về để sử dụng.

2. Về nghệ thuật khènHằng năm, các địa phương trong tỉnh Yên Bái thực hiện nhiều chương trình, nhiều sự kiện nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó có tộc người Mông mà nghệ thuật khèn của người Mông là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, không thể thiếu trong các chương trình, sự kiện như: Các hoạt động mừng đảng mừng xuân hằng năm; lễ hội khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải; ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn; ngày hội đại đoàn kết các dân tộc; các hoạt động du lịch "mùa vàng", "mùa nước đổ", "lễ hội hoa tớ dày" trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, Hội thi trình diễn khèn Mông; Festival khèn Mông (dự kiến 2 năm tổ chức một lần);  ... trong đó chú trọng tái hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào dân tộc Mông, điển hình là nghệ thuật khèn.

Hiện nay công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật khèn của người Mông trên địa bàn tỉnh Yên Bái khá hiệu quả, đặc biệt trong những năm gần đây. Cụ thể: Đến năm 2023, huyện Mù Cang Chải (nơi có tới 91% số dân là đồng bào Mông sinh sống) đã thành lập được 14 đội văn nghệ mang bản sắc văn hóa dân tộc Mông ở tất cả các xã trên địa bàn huyện; huyện Trạm Tấu đã thành lập được 08 đội văn nghệ ở 8/10 xã có số đông người Mông sinh sống; huyện Văn Chấn có đội văn nghệ dân tộc Mông xã Suối Giàng; tất cả các đội văn nghệ này đều có thể trình diễn nghệ thuật khèn với nhiều bài khèn, nhiều động tác khác nhau. Đến nay, huyện Mù Cang Chải có 02 lớp truyền dạy nghệ thuật khèn với trên 20 học viên đã hoàn thành khóa học (01 lớp mở tại xã Mồ Dề, người truyền dạy là nghệ nhân ưu tú Thào Cáng Súa; 01 lớp mở tại xã Lao Chải, người truyền dạy là ông Giàng A Rùa). Huyện Trạm Tấu có 02 lớp truyền dạy với 16 học viên đã hoàn thành khóa học (02 lớp đều mở tại xã Bản Công, người truyền dạy là ông Hờ A Thào, bản Tà Chử, xã Bản Công). Ngoài ra, trong các cộng đồng đều tự trao truyền vốn di sản này từ thế hệ trước sang thế hệ sau thông qua việc thực hành các di sản văn hóa truyền thống trong đời sống hằng ngày, biết thổi khèn để đi chơi tết, đi tìm vợ, truyền nghề (thầy khèn trong các đám tang), gần đây là thông qua các hội thi, hội diễn, hoạt động văn hóa văn nghệ tại cơ sở.

Tại các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đều có các chương trình dạy và học khèn tại trường, thực hiện thường xuyên, liên tục trong các giờ ra chơi, ngoại khóa (thay vì tập thể dục như bình thường). Cơ bản tại các trường học trên địa bàn huyện đều có đội văn nghệ trình diễn được các điệu khèn cơ bản. Hình thành phong trào chung của các đơn vị nhà trường nhằm chăm lo phát triển thể lực, mở rộng các hoạt động, văn hóa, văn nghệ lành mạnh phù hợp với lứa tuổi và phong tục tập quán của dân tộc; góp phần thúc đẩy mô hình trường học du lịch, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông trên địa bàn huyện và đưa bản sắc văn hóa dân tộc Mông đến thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân một cách sâu rộng, quảng bá nét văn hóa truyền thống của các dân tộc đến với du khách, dần đưa di sản trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của địa phương.

Nghệ thuật khèn của người Mông tỉnh Yên Bái được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này đã được đưa vào nhiều chương trình, kế hoạch, đề án phát triển giúp di sản được bảo tồn và phát huy hiệu quả, bền vững nhất. Thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục  phát huy giá trị văn hóa của di sản, đưa di sản trở thành một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu (từ việc chế tác khèn làm sản phẩm lưu niệm; phục vụ các hoạt động du lịch trải nghiệm đến việc trình diễn cách chế tác khèn, trình diễn nghệ thuật múa khèn, thổi khèn...tương lai sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo, được nhiều du khách lựa chọn và trải nghiệm.

(Bài viết sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái cung cấp)

 

277 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h