Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Lợi ích từ mô hình canh tác sắn bền vững trên đất dốc ở Vĩnh Kiên

11/03/2016 08:09:56 Xem cỡ chữ Google
Sau một năm triển khai thí điểm Dự án, môi trường đất cải tạo đáng kể, những đường băng cỏ có tác dụng rõ rệt trong việc chống xói mòn, rửa trôi, cải thiện môi trường đất tương đối tốt, giúp năng suất tăng lên đáng kể.

Cán bộ Dự án hướng dẫn người dân chọn cây sắn giống trước khi trồng.

Thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình là một trong ba thôn tại Việt Nam được Trung tâm Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) khu vực Châu Á chọn để làm thí điểm cho việc thử nghiệm các loại hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) do chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết cực đoan như hạn hán, giá lạnh cùng với tình trạng suy giảm chất lượng đất.

Với Dự án “Các kỹ thuật nông nghiệp tổng hợp nhằm nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH và sinh kế của vùng nông thôn Đông Nam Á", cụ thể là mô hình sắn cỏ đã mở ra hướng canh tác nông nghiệp mới cho người dân nơi đây trong việc thích ứng trước BĐKH hiện nay.

Thôn Mạ có 190 hộ với trên 700 nhân khẩu thì có 40 ha canh tác sắn trên đất dốc và có 50% hộ dân trồng sắn. Việc canh tác sắn nhiều năm đã khiến đất bạc màu, xói mòn và rửa trôi, dẫn đến năng suất ngày một giảm.

Với việc lựa chọn 7 hộ dân tham gia, Dự án đã cung cấp giống cỏ, phân bón, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nhân dân trồng các đường băng cỏ trên các đồi sắn, xen lẫn giữa các hàng sắn. Ưu điểm của các đường băng cỏ là giúp giữ lại các chất dinh dưỡng trong đất bị xói mòn, rửa trôi, giúp tăng độ phì nhiêu, cải tạo lại đất.

Đồng thời, cỏ còn giúp phát triển chăn nuôi trâu, bò và cá tương đối tốt. Việc triển khai Dự án tại thôn Mạ sẽ giúp người dân nơi đây ý thức hơn trong việc canh tác cây sắn bền vững; đồng thời, tạo mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp giữa các địa phương trong tỉnh…

Là một trong số 7 hộ dân được chọn để triển khai thí điểm Dự án, gia đình bà Trần Thị Hoạt có gần 1 ha sắn. Trước đây, toàn bộ diện tích đất gia đình bà trồng keo và bồ đề lấy gỗ, sau hiệu quả không cao nên gia đình bà chuyển sang trồng sắn. Tuy nhiên, do độ dốc cao, canh tác lâu năm, đất không được cải tạo, hiện tượng hoang hóa, rửa trôi, xói mòn đã dẫn đến năng suất giảm dần qua các năm.

Bà Hoạt phấn khởi cho biết: “Được cán bộ của Dự án tận tình hướng dẫn việc canh tác sắn, gia đình cũng rất yên tâm bởi thực tế thì mấy năm nay, năng suất giảm đáng kể mà gia đình cũng chả biết làm thế nào. Tham gia Dự án, ngoài việc giúp tăng năng suất cây sắn, các đường băng cỏ còn giúp gia đình tôi đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò, cá, góp phần tăng thêm thu nhập”.

Gia đình bà Trần Thị Lành cũng vậy, nhà có hơn 1 ha sắn, cũng là hộ có thâm niên trồng sắn, trước kia, khi đất chưa bạc màu, bình quân mỗi năm, trừ chi phí cũng mang lại nguồn thu cho gia đình bà trên 20 triệu đồng. Khoảng 4 năm trở lại đây, đất đã bạc màu, năng suất giảm rõ rệt, bình quân mỗi năm, gia đình bà chỉ thu về khoảng 10 triệu đồng.

Được lựa chọn để tham gia Dự án, gia đình bà Lành mong muốn, Dự án sẽ góp phần quan trọng giúp gia đình bà cải thiện môi trường đất cũng như việc canh tác sắn sao cho năng suất hơn.

Ông Dindo Campilan - Giám đốc CIAT khu vực châu Á cho biết: “Mục tiêu của Dự án tập trung vào việc phát triển công nghệ, công cụ và kiến thức mới giúp người nông dân, đặc biệt là nông hộ nhỏ trong việc canh tác nông nghiệp sinh thái một cách hiệu quả, tăng lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh cũng như tăng tính bền vững và khả năng phục hồi, cung cấp các giải pháp đối phó với suy thoái môi trường và BĐKH ở vùng nhiệt đới, cụ thể là việc canh tác cây sắn trên đất dốc”.

Bởi vậy, sau một thời gian khảo sát tại Việt Nam, CIAT đã lựa chọn 3 địa điểm là thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái; thôn Mỹ Lợi, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và ấp Trà Hất, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu để triển khai mô hình canh tác bền vững trên đất dốc.

Trước mắt, Dự án đã triển khai thành công tại thôn Mỹ Lợi, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và ấp Trà Hất; xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Sau một năm triển khai thí điểm Dự án, môi trường đất cải tạo đáng kể, những đường băng cỏ có tác dụng rõ rệt trong việc chống xói mòn, rửa trôi, cải thiện môi trường đất tương đối tốt, giúp năng suất tăng lên đáng kể. Nếu như bình thường khi chưa có Dự án 1 ha sắn chỉ thu 4 tấn củ thì sau khi Dự án triển khai, năng suất sắn đã tăng lên 6 tấn/ha.

Không chỉ có vậy, với 1 ha sắn có thể nuôi 1 con trâu, 1 con bò quanh năm và nuôi cá. Nếu cỏ đươc chăm sóc tốt thì 1 ha sắn cỏ có thể nuôi tới 3 - 4 con trâu, bò, góp phần thiết thực trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân.

Thành công bước đầu của Dự án sẽ là cơ hội tốt để người dân nơi đây ý thức hơn trong việc canh tác cây sắn bền vững; đồng thời, tạo mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp giữa các địa phương trong, ngoài tỉnh nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH như hiện nay.

632 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h