Chủ trì buổi làm việc có đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Dự buổi làm việc có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ; lãnh đạo Văn Phòng Tỉnh ủy, lãnh đạo và trưởng, phó các phòng chuyên môn của Báo Yên Bái, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh.
Đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Tại buổi làm việc thay mặt các cơ quan báo chí, đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Biên tập Báo Yên Bái đã báo cáo với các đồng chí lãnh đạo tỉnh về hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 3 cơ quan báo chí là Báo Yên Bái, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Tạp chí Văn nghệ Yên Bái; 5 cơ quan báo chí Trung ương có Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh là Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Tài nguyên - Môi trường và Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc; Cổng Thông tin điện tử tỉnh với 38 trang thành viên. Toàn tỉnh có trên 200 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, trong đó có 108 nhà báo được cấp thẻ.
Trong năm 2015, cùng với sự phát triển chung của báo chí cả nước, báo chí Yên Bái đã có sự phát triển khá toàn diện và vững chắc. Các hoạt động báo chí đã bám sát hiện thực cuộc sống, có nhịp độ chuyển biến nhanh, truyền tải đầy đủ, kịp thời, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân các dân tộc trong tỉnh; phản ánh, phát hiện và cổ vũ các nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến, đồng thời đề cao tính phản biện xã hội, giúp Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh kịp thời điều chỉnh chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với khối lượng lớn ấn phẩm báo chí in, chương trình phát thanh - truyền hình, Thông tin điện tử, nghiên cứu - nghệ thuật được xuất bản, phát sóng, in, phát hành, phổ biến rộng rãi đến nhân dân, báo chí trong tỉnh đã đảm nhiệm tốt vai trò cầu nối chuyển tải thông tin, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh Đất và Người Yên Bái đến với bạn bè trong nước, quốc tế.
Các cơ quan báo chí của tỉnh đã phản ánh nhanh, kịp thời các sự kiện chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh. Tham gia có hiệu quả trong định hướng chính trị, thực hiện vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh; phản bác kịp thời những luận điệu phản tuyên truyền, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời khẳng định báo chí là diễn đàn phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Nhiều vấn đề báo chí đưa ra đã được các cấp, các ngành có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và xem xét giải quyết như phòng chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, phòng chống tệ nạn xã hội, những mặt trái, bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm. Tích cực quảng bá hình ảnh Yên Bái, hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh, mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong tỉnh, trong cả nước và thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Trong năm 2015 tiếp tục có nhiều bài viết, tác phẩm truyền hình, tác phẩm văn học khá tốt. Nội dung tuyên truyền được phản ánh đậm nét về các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh. Đặc biệt là nhiệm vụ tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ngoài ra, báo chí Yên Bái cũng tập trung tuyên truyền làm rõ nội dung, tầm quan trọng, kết quả việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh tại địa phương. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm được những nội dung cơ bản của các Nghị quyết, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội trong quá trình triển khai, thực hiện các Nghị quyết của Đảng.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thông tin tuyên truyền của Báo chí Yên Bái còn bộc lộ những hạn chế, bất cập đó là hình thức thông tin, tuyên truyền chưa thật phong phú, chưa thu hút được nhiều bạn đọc; nội dung tuyên truyền có mặt còn giản đơn, chưa cập nhật và bám sát thực tiễn đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những bài viết có tầm tổng kết, phát hiện vấn đề, tham mưu cho công tác chỉ đạo, hoạch định chính sách của tỉnh đã có song chưa nhiều. Thông tin trên báo, đài chưa thật phong phú, có lúc còn chậm so với yêu cầu thời sự. Hình thức thông tin còn đơn điệu, chưa hấp dẫn người xem, người nghe. Số lượng và chất lượng đội ngũ người làm báo còn nhiều hạn chế dẫn đến chất lượng của báo in, phát thanh truyền hình, trang thông tin điện tử chưa đáp ứng được đòi hỏi của công chúng.
Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan đã có một số ý kiến nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đề xuất, kiến nghị với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tập trung một số vấn đề đó là: Đề nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với tính chất đặc thù của báo chí; nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và triển khai các hoạt động đầu tư phát triển báo chí như: Cơ chế ưu tiên trong tuyển dụng, nâng lương, khen thưởng cho phóng viên các cơ quan báo chí địa phương; Quy định bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp.
Đại diện các cơ quan báo chí phát biểu ý kiến.
Quan tâm công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị; Tăng cường cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Quan tâm đầu tư hiện đại hóa các cơ quan Báo chí, đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng “cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại”.
Hiện nay các đơn vị còn thiếu biên chế phục vụ công tác tuyên truyền; các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho tác nghiệp còn thiếu và chưa đồng bộ; các phần mềm quản trị và giao diện của Báo điện tử và Cổng thông tin điện tử đã cũ, hiệu quả không cao do vậy chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương thực hiện đổi mới giao diện Báo Yên Bái điện tử theo hướng giao diện tùy ứng; Đối với công tác tuyên truyền xuất bản trên ấn phẩm Báo Yên Bái vùng cao, Báo Yên Bái đề nghị Thường trực Tỉnh ủy thay đổi chất lượng giấy in báo và tăng trang từ 20 trang lên 28 trang để thông tin đến bạn đọc đảm bảo cả về chất và lượng. Tăng mức phí phát hành báo từ 18% lên 23% giá bán báo; cấp kinh phí phát hành Báo Vùng cao; đầu tư cơ sở vật chat, trang thiết bị sản xuất chương trình cho Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh…Bên cạnh đó, hiện nay chế độ nhuận bút, thù lao cho phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên còn thấp, đề nghị tỉnh quan tâm thực hiện chế độ nhuận bút theo Nghị định 18/2014/NĐ-CP của Chính phủ và ban hành quy định chi trả thù lao, nhuận bút đối Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, trang thông tin của UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm áp dụng thống nhất tạo điều kiện cho các đơn vị nâng cao chất lượng các chương trình, các ấn phẩm báo chí.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao đổi với lãnh đạo các cơ quan một số vấn đề về công tác báo chí. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Hiện nay báo chí đang chịu sự cạnh tranh rất lớn của các phương tiện truyền thông, các loại hình báo chí do vậy các cơ quan báo chí của tỉnh không nỗ lực vươn lên sẽ bị tụt hậu và không đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của đông đảo công chúng. Vì vậy các cơ quan báo chí cần quan tâm vào 3 vấn đề đó là: Phải tập trung xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tốt hơn. Trước hết là quan tâm đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ nhà báo, phóng viên đảm bảo được tính chuyên nghiệp cao nhất. Trong đó phải đào tạo bồi dưỡng về chính trị, tư tưởng; về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo; về kiến thức, nhận thức về hội nhập về kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh. Phải cập nhật thường xuyên để có kiến thức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nhu cầu tiếp cận thông tin của đông đảo công chúng. Cùng với đó phải thực sự đổi mới về công tác quản lý báo chí, phải tìm ra cách để xã hội hóa các hoạt động của báo chí và thực hiện theo cơ chế tự chủ. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Báo Yên Bái, Đài PT-TH tỉnh cần xây dựng lộ trình tự chủ theo đúng Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đến 2017 phải xây dựng cơ chế tự chủ ở mức cao hơn hiện nay. Bên cạnh đó cần tăng cường mối quan hệ hợp tác với các cơ quan báo chí Trung ương để học hỏi kinh nghiệm, những phương thức mới và kỹ năng để chất lượng thông tin tốt hơn.
Đối với cơ quan quản lý báo chí cần quan tâm về quản lý phóng viên, quản lý nội dung, lưu ý đến tính kịp thời, trung thực, khách quan, đặc biệt phải đảm bảo chất lượng thông tin tốt hơn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng hiệu quả thông tin là hết sức quan trọng, không phải cứ chạy theo số lượng, thời lượng mà cần phải quan tâm xem chất lượng thông tin có lắng đọng, lan tỏa thuyết phục hay không và thực sự đem lại hiệu quả tích cực hay không.
Trên cơ sở những ý kiến đề nghị của các cơ quan, UBND tỉnh sẽ báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy xin ý kiến về chủ trương xây dựng Đề án tổng thể về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phóng viên của các cơ quan báo chí tỉnh, trong đó đề cập đến một số vấn đề như: Chính sách tuyển dụng sinh viên báo chí có trình độ xuất sắc; chính sách khen thưởng khích lệ đối với nhà báo, phóng viên có các tác phẩm xuất sắc; quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý báo chí và phóng viên, đầu tư trang thiết bị phục vụ tác nghiệp cho các cơ quan báo chí.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao kết quả hoạt động của các cơ quan báo chí, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, qua công tác tuyên truyền đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Các cơ quan đơn vị đã năng động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ cách làm, phản ánh tốt các mặt của đời sống xã hội.
Đồng chí phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh hoạt động báo chí không chỉ đơn thuần chỉ là công tác tuyên truyền mà chính là công tác tư tưởng của Đảng. Làm công tác tuyên truyền chính là truyền bá các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và quan điểm chủ trương, định hướng của tỉnh, những chính sách của tỉnh; cổ vũ động viên các điển hình tiên tiến, từ đó nhân rộng các mô hình. Đồng thời phải có phản biện xã hội để có cái nhìn đúng đắn; đặc biệt, tính chiến đấu của báo chí phải có tư duy sắc bén để có những bài báo, những phóng sự tuyên truyền hàng ngày, hàng giờ trên các mặt của đời sống xã hội.
Về yêu cầu nhà báo trong quá trình hội nhập, đổi mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ, báo chí là cơ quan có vai trò quan trọng, có tác động mạnh đến tâm tư tình cảm của xã hội. Nghề báo là nghề đặc thù, sản phẩm của nhà báo là kết tinh trí tuệ, tình cảm, suy nghĩ, cá tính của con người. Trong quá trình hội nhập có sự giao thoa giữa các nền văn hóa các dân tộc, do vậy một mặt phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan báo chí truyền thông ngày càng trở nên cấp bách, đối với các nhà báo cần phải nghiên cứu và nắm sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; phải nắm được phương pháp đổi mới trong công tác lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những quan điểm chỉ đạo của tỉnh, các chủ trương chính sách của tỉnh. Đồng thời phải nắm được bản chất vấn đề, nắm được quy luật vận động của tự nhiên để có đủ năng lực, trí tuệ nhìn nhận, đánh giá khách quan, định hướng và xử lý đúng các vấn đề trong các lĩnh vực.
Khi viết bài, phóng sự, nhà báo phải đứng trên quan điểm của Đảng; mỗi bài viết phải có cơ sở lý luận để kiến giải các vấn đề mà nội dung bài báo đặt ra, đồng thời có cảnh báo, định hướng chung để giải quyết vấn đề, nội dung đó. Các nhà báo cần phải bám sát vào thực tiễn, khảo sát, điều tra, nắm bắt các vấn đề để giải quyết căn cơ các vấn đề. Đặc biệt cần có nhiều hơn những phóng sự, bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt…
Các nhà báo phải có kỹ năng cơ bản về báo chí, giỏi chuyên môn nhưng cũng phải tìm hiểu và nắm vững các lĩnh vực khác. Phải có lòng trung thành, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để có những bài báo phản ánh về mặt tiêu cực trong xã hội. Bên cạnh đó cần phải học thêm ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn; chú trọng đến hoạt động đối ngoại của tỉnh.
Về xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục, bản tin trong tỉnh, cần bám sát các Nghị quyết của Đảng, Cương lĩnh của Đảng, những văn bản, quy định mới của Nhà nước; Cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, bố trí hợp lý các chương trình tuyên truyền, nghiên cứu tăng thêm các chuyên trang, chuyên mục như chuyên mục Xây dựng Đảng cần có những điển hình hạt nhân ở cơ sở, các hoạt động của mặt trận đoàn thể…Bổ sung các chuyên trang chính sách mới của tỉnh; Thực hiện các phóng sự về xây dựng nông thôn mới, về phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp, về an sinh xã hội…
Về nâng cao chất lượng thông tin, tin bài cần nghiên cứu kỹ chủ trương, đường lối của Đảng; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức thể hiện.
Báo chí cần dành một chuyên mục, chuyên trang phản ánh về mặt trái xã hội, những vấn đề tiêu cực, làm phong phú tờ báo, tạo sức hút và nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các tờ báo. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đặc biệt phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; phối hợp với các tỉnh bạn để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và những cách làm hay.
Đối với sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng với công tác báo chí, Ban Thường vụ sẽ có định hướng chung cho hoạt động báo chí của tỉnh, cung cấp đầy đủ thông tin cho báo địa phương hoạt động tốt hơn.
Về định hướng tuyên truyền, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan báo chí cần nắm vững quan điểm chỉ đạo, phương thức lãnh đạo của Đảng; đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; đổi mới về quản lý, phân cấp quản lý; các cơ quan báo chí cần tìm hiểu về các chính sách của tỉnh để tuyên truyền. Về cách tổ chức thực hiện nhiệm vụ phải phân công nhiệm vụ cụ thể, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó là công tác thanh tra, kiểm tra để nhắc nhở, răn đe, nếu phát hiện sai phạm kịp thời xử lý.
Phải phản ánh được những vấn đề cụ thể, tập trung vào những cái mới để tuyên truyền, việc khai thác những cái mới sẽ thu hút được công chúng. Cần đi sâu vào từng lĩnh vực để tuyên truyền, trong lĩnh vực kinh tế cần quan tâm đến việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; quan tâm đến tuyên truyền việc giải quyết các vấn đề xã hội, chăm lo cho đối tượng chính sách, người nghèo…Bên cạnh đó tăng cường tuyên truyền về lĩnh vực đầu tư, các hoạt động đối ngoại, thu hút đầu tư, cải cách hành chính…tuyên truyền về việc hình thành các hộ kinh doanh để thành lập các hợp tác xã kiểu mới. Chú trọng đến công tác tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh, giới thiệu, quảng bá tiềm năng của tỉnh để thu hút đầu tư. Tăng cường tuyên truyền về việc phát triển kinh tế vùng cao như việc trồng rừng, trồng cây sơn tra, trồng chè, trồng quế kết hợp với phát triển du lịch.
Trong công tác xây dựng Đảng cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền tập trung làm tốt công tác tư tưởng, chính trị; tuyên truyền cho thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử quê hương, đất nước; tuyên truyền các phong trào thi đua lao động sản xuất trên địa bàn tỉnh; Có kế hoạch tuyên truyền về công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; Tuyên truyền về việc thực hiện tinh giảm biên chế, quy hoạch, đào tạo, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ theo Đề án cải cách công vụ công chức của tỉnh.