Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Chính trị

Di tích chùa Cường Thịnh, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái

08/08/2019 22:19:24 Xem cỡ chữ Google
Ngày 22/4/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 403/QĐ-UBND công nhận chùa Cường Thịnh, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Dấu tích chân tảng Chùa Cường Thịnh

1. Tên gọi Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa chùa Cường Thịnh, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

2. Tên gọi khác

Chùa Cường Nỗ.

3. Loại hình Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Quyết định công bố Di tích

Quyết định số 403/QĐ-UBND ngày 22/4/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận chùa Cường Thịnh, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

5. Địa điểm  Di tích

Di tích Chùa Cường Thịnh thuộc xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái với diện tích khoanh vùng bảo vệ gần 8.000 m2. Cách trung tâm xã Cường Thịnh 800m, cách huyện Trấn Yên 8km, cách trung tâm tỉnh Yên Bái 6km.

6. Sơ lược lịch sử Di tích

Di tích Chùa Cường Thịnh còn có tên khác là Di tích lịch sử văn hóa chùa Cường Nỗ. Tên gọi Cường Nỗ là cách gọi theo tên làng xã xưa kia của xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên.  "Cường Nỗ" theo nghĩa hán - việt là cây nỏ mạnh, gắn với truyền thuyết về cây Nỏ Thần triều đại An Dương Vương dựng nước, xây dựng nhà nước Âu Lạc (năm 257 đến năm 508 trước công nguyên).  Quanh khu vực này còn có địa danh Bách Lẫm (Trăm Kho), tương truyền vùng đất thượng nguồn sông Thao là nơi phát tích của Thục phán An Dương Vương nên truyền thuyết cho chúng ta liên tưởng tới một thời kỳ huy hoàng của lịch sử phát triển dân tộc Việt Nam cách đây trên 2000 năm.

Chùa Cường Thịnh được nhân dân xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19, được xây dựng trên một gò cao có diện tích rộng rãi và thoáng mát. Đứng trên Gò Chùa có thể quan sát thấy toàn bộ khung cảnh sơn thủy hữu tình. Chùa Cường Thịnh được thiết kế theo kiến trúc hình chữ “Đinh” gồm 1 gian hậu cung nối liền với 3 gian đại bái và được làm bằng gỗ, mái lợp cọ, lịa ván xung quanh, phía trong được tôn cao bằng sạp gỗ, những đầu dư, đầu bẩy được trang trí và trạm trổ tinh xảo hình rồng phượng.

Do thời gian, khí hậu và chiến tranh, đến năm 1969, chùa bị hỏng phần mái, sau đó bị đổ, các hiện vật trong chùa đã bị thất lạc. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và quốc dân Đảng, ngôi chùa là địa điểm canh gác Hội nghị Đảng bộ tỉnh Yên Bái, là nơi tập kết, trạm dưỡng thương… góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Tại chùa còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, đồng thời là nơi giáo dục con người hướng tới tâm thiện, tinh thần yêu nước, thương dân đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù và xây dựng quê hương.

7. Các nhân vật được thờ tự

Chùa Cường Thịnh thờ phật.

8. Phong tục lễ hội

Di tích chùa Cường Thịnh (chùa Cường Nỗ) một năm có 2 kỳ cầu: Ngày 15 tháng 1 (âm lịch), ngày 16 tháng 5 (âm lịch). Cứ vào ngày 15 tháng 1 (âm lịch), dân làng lại nô nức cùng nhau lên chùa để cầu bình an, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe... Lễ vật chính là oản, bánh mật và hoa quả. Công tác chuẩn bị những lễ vật dâng phật rất công phu: Oản phải được làm từ “Gạo Chùa” và nước “Trời”, “Gạo Chùa” được trồng tại “Ruộng Chùa” ở dưới chân gò, “Ruộng Chùa” rộng khoảng 7 sào chỉ trồng lúa dành cho công tác thờ phụng trong chùa. Lúa được trồng ở “Ruộng Chùa” được nhân dân chăm sóc tỉ mỉ và cẩn thận bắt đầu từ khi gieo cấy cho đến khi thu hoạch. Nước “trời” là nước được hứng từ những cây cau trước sân chùa sau những trận mưa. Để lấy nước “trời” người dân lấy đầu trên của mo cau buộc chặt vào thân cây, đầu dưới cho vào chum rồi đậy kín lại, sau đó để lắng cho nước thật trong rồi mới dùng nước đó để vo gạo làm oản, nấu bánh. Nếu lượng nước không đủ thì phải dùng ống tre ra Đình Cả (Đình Cả là đình làng cách chùa khoảng 2km) gánh về chứ không được dùng bất kỳ loại nước nào khác.

Chùa Cường Thịnh mang những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, là thiết chế tôn giáo, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tôn giáo của cộng đồng các dân tộc xã Cường Thịnh và nhân dân trong vùng. Do đó, chùa Cường Thịnh, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

3324 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h