Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Lịch sử Yên Bái >> Chính trị

Quân, dân Yên Bái những ngày Cách mạng Tháng 8/1945

09/12/2019 11:11:10 Xem cỡ chữ Google
Yên Bái là một địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị - xã hội, quốc phòng và an ninh. Nằm ở vị trí trung gian giữa các tỉnh miền núi và trung du Bắc bộ, cửa ngõ miền Tây Bắc của Tổ quốc, có nhiều đồng bào dân tộc anh em sinh sống, tài nguyên phong phú, là tỉnh có bề dầy truyền thống trong chiến đấu, xây dựng và trưởng thành; nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; anh dũng, kiên cường, bất khuất trong chiến tranh chống giặc ngọai xâm. Truyền thống quý báu đó được nhân lên một tầm cao mới từ khi có sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Yên Bái, đã lãnh đạo nhân dân và LLVT tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi Tháng 8 năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân.

Cách mạng tháng Tám thành công đã để lại bài học về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân (ảnh tư liệu)

Thực hiện Nghị quyết hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (15/4/1945), đáp ứng nguyện vọng của quần chúng ngày 14/6/1945 trong một cuộc mít tinh lớn tại Chùa Hiền Lương (Hạ Hòa - Phú Thọ), có đông đảo hội viên cứu quốc và nhân dân các làng Hiền Lương, Nang Sa, Tiểu Phạm, Linh Thông, Bình Kiện tham gia. Đội du kích tập trung của căn cứ cách mạng Vần - Hiền Lương được thành lập lấy tên là đội du kích Âu Cơ (tiền thân của bộ đội địa phương tỉnh) lúc đầu chỉ có 23 chiến sỹ; vũ khí gồm 1 súng trung liên, 11 súng trường do nhân dân lấy được của pháp ủng hộ và các loại vũ khí thô sơ khác. Ngày 15/6/1945, đội vào làng Đồng Yếng huấn luyện chính trị, quân sự.

Ngay sau khi thành lập, ngày 20/6/1945 đội đã có trận đánh phục kích đầu tiên tại làng Vần, bao vây, gọi hàng và buộc viên Tri Phủ Trấn Yên phải nhận 3 điều kiện: Không được khủng bố và đàn áp phong trào cách mạng; trả lại tiền thuế thu của dân và trả lại tự do cho các cán bộ cách mạng hiện còn giam giữ (tiếp đó ta đã mở vòng vây cho chúng về phủ không tước vũ khí để bọn Nhật khỏi nghi ngờ...). Thắng lợi trong trận đánh đầu tiên của du kích đã gây được lòng tin với nhân dân, một số làng thành lập du kích phấn khởi hăng say luyện tập và canh gác tuần phòng; một số thanh niên thị xã Yên Bái cũng tình nguyện xin tham gia LLVT, do đó đội du kích Âu Cơ đã phát triển tới 127 người.

Ngay sau khi ra đời ngày 30/6/1945, Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú Thọ - Yên Bái đã khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc vũ trang khởi nghĩa và thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng. Ban cán sự đã họp ra chủ trương: Gấp rút củng cố lực lượng và phát triển quần chúng, mở rộng khu căn cứ cách mạng. Tổ chức các Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời ở các xã trong khu căn cứ. Biên chế lại du kích gồm 230 đồng chí, thành trung đội và phân công để một bộ phận nhỏ ở lại bảo vệ khu căn cứ, còn lại chia làm 3 mũi tiến quân vào giải phóng Nghĩa Lộ, lấy nơi này làm bàn đạp để phát triển sang các Châu, huyện lân cận. Ngày 6/7/1945 các mũi tiến công hội quân tại Ba Khe (xã Cát Thịnh huyện Văn Chấn) tiến vào giải phóng Nghĩa Lộ, thành lập Ủy ban lâm thời Châu Văn Chấn (đây là chính quyền cấp huyện đầu tiên của vùng Tây Bắc), từ đó ngày 6/7/1945, được coi là ngày có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trong lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT tỉnh Yên Bái.

Từ cuối tháng 7 đến trung tuần tháng 8/1945, tỉnh ta tranh thủ thời gian tổ chức huấn luyện, biên chế lại đội du kích tập trung và lợi dụng khi hàng ngũ địch đang dao động mạnh đưa một số bộ phận vũ trang xuống phía Bắc Phú Thọ, phối hợp cùng du kích và tự vệ địa phương tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, còn một bộ phận khác đi giải phóng các vùng lân cận. Ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh tổng khởi nghĩa, lúc này ở Yên Bái các châu, phủ trong tỉnh đã lập được chính quyền cách mạng, bọn Nhật và chính quyền tay sai ở thị xã, tỉnh lỵ bị hoàn toàn cô lập, chúng vô cùng hoang mang dao động. Các đơn vị tiếp tục khẩn trương chuẩn bị thực hiện kế hoạch đã định, đêm ngày 17/8/1945 4 trung đội vượt sông sang trại bảo an binh gây áp lực buộc bọn lính coi kho mở kho trao cho ta 300 súng của Pháp; ngày hôm sau xảy ra xung đột vũ trang giữa Nhật và ta, lúc này nước sông Hồng đang lên cao ta bao vây bọn Nhật trên đồn cao nhưng đến trưa ngày 18/8 nước bắt đầu rút bọn Nhật phản công dồn ta vào trường tiểu học để tiêu diệt; với tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm ta đã nhanh chóng phân tán vào các Nhà dân, tổ chức bắn trả, bọn địch phải rút lên đồn cao cố thủ. Ngày 19/8 ta chiếm được trại bảo an binh và một số công sở của địch, cùng ngày lệnh tổng khởi nghĩa được đưa về. Ban cán sự họp chủ trương huy động lực lượng quần chúng ở thị xã và các vùng lân cận tiến hành đấu tranh giành chính quyền ở tỉnh lỵ; lựa chọn người thành lập UBND lâm thời của tỉnh và đề ra những công tác cụ thể chuẩn bị cho tiếp quản.

Cuộc họp chưa kết thúc, tuần phủ Đỗ Văn Bình lại sang khẩn khoản mời ta sang đàm phán, lần này diễn ra tại dinh tri phủ Trấn Yên; bọn Nhật rất hoảng sợ khi được tin cuộc tổng khởi nghĩa của ta giàng thắng lợi ở Hà Nội và hầu hết các tỉnh trong cả nước. Trước tình thế đó chúng buộc phải giao lại chính quyền tỉnh Yên Bái cho ta, ta thỏa thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc rút quân của chúng.

Ngày 21/8/1945, cán bộ và LLVT vào tiếp quản tỉnh lỵ Yên Bái trong niềm hân hoan mừng đón của nhân dân thị xã; ngày 22/8 tại vườn hoa tỉnh lỵ hơn một vạn nhân dân các dân tộc ở thị xã và các huyện lân cận đã về dự mít tinh chào mừng UBND lâm thời của tỉnh do đồng chí Ngô Minh Loan làm Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Phúc là Phó Chủ tịch đã thay mặt chính quyền cách mạng lâm thời tuyên bố xóa bỏ chế độ bóc lột của thực dân phong kiến đồng thời phổ biến chính sách của Mặt trận Việt Minh và kêu gọi mọi người xiết chặt hàng ngũ đoàn kết chung quanh chính quyền cách mạng lâm thời, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu thủ đoạn của mọi thế lực phản động, ra sức xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng cuộc sống mới. Cuộc vận động cách mạng Tháng 8 ở tỉnh Yên Bái đã hoàn toàn thắng lợi; từ đây tất cả các cấp chính quyền của tỉnh đã thuộc về tay nhân dân; là một trong những tỉnh làm cách mạng Tháng 8 thành công nhanh nhất và ít đổ máu.

Trong lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ quê hương, lần đầu tiên nhân dân các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã viết lên trang sử vẻ vang oanh liệt nhất, làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất anh dũng và đoàn kết nhất trí của nhân dân các dân tộc trên quê hương Yên Bái.

                                                 (Bài viết sử dụng tài liệu trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái)

4465 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h