P.V: Với
vai trò là Phó chủ tịch HĐDT của Quốc hội, đồng chí đã đề xuất, giám sát như
thế nào về việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn
tỉnh Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung?
Đồng chí Giàng A Chu: Tôi là đại biểu chuyên
trách Quốc hội khóa XIII trực tiếp phụ trách công tác dân tộc của Quốc hội với tư
cách là Phó chủ tịch HĐDT của Quốc hội. Thực hiện sự phân công của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, HĐDT đã tổ chức nhiều cuộc giám sát việc thực hiện chính
sách dân tộc trên địa bàn cả nước, trong đó có Yên Bái như: việc thực hiện Nghị
quyết 30a tại các huyện nghèo; Chương trình 135 giai đoạn 3; Chương trình bố
trí dân cư vùng có nguy cơ bị thiên tai; các chính sách giảm nghèo bền vững;
chính sách về sử dụng đất đai đối với các nông lâm trường...
Qua giám sát, chúng tôi cùng với Đoàn ĐBQH,
cấp ủy, chính quyền các địa phương đánh giá sâu về những mặt được, chỉ ra những
tồn tại cần khắc phục trong việc thực hiện các chính sách vừa nêu trên. Riêng
về tỉnh Yên Bái, tôi đánh giá cao cấp ủy, chính quyền địa phương đã có những định
hướng và chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện các chính sách đối với đồng
bào dân tộc, đặc biệt tại hai huyện nghèo là Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu giảm
nghèo nhanh và bền vững tại hai huyện này cũng gặp nhiều khó khăn, chưa đạt yêu
cầu so với mục tiêu đề ra. Trong quá trình giám sát thực hiện các chính sách
dân tộc trên cả nước, chúng tôi cũng đã kiến nghị với Chính phủ thay đổi nhiều
chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
Ví dụ, thực hiện chính sách chi trả phí bảo
vệ rừng cho người dân còn thấp, dẫn đến việc người dân lơ là trong công tác bảo
vệ rừng, HĐDT đã đề nghị với Quốc hội và Chính phủ nâng cao mức hỗ trợ bảo vệ
rừng cho người dân, do vậy, công tác bảo vệ rừng đã được tốt hơn. Những kiến
nghị ấy đến với Quốc hội, chúng tôi có được đều thông qua các cuộc giám sát, các
cuộc tiếp xúc với cử tri và qua trao đổi với đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các
địa phương.
P.V: Những
ấn tượng và tình cảm của đồng chí khi thực hiện vai trò người đại biểu
nhân dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái?
Đồng chí Giàng A Chu: Tôi là người con
của đồng bào dân tộc Mông ở Yên Bái, là người sinh ra, lớn lên và có thời gian
công tác tại Yên Bái nên tôi hiểu rất rõ về quê hương và con người Yên Bái. Những
tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của cử tri Yên Bái, nhất là tại các huyện, thị
phía Tây - nơi cử tri đã tin tưởng gửi gắm lá phiếu của mình để bầu cho tôi và
các ĐBQH khác đều được chuyển đến các bộ, ngành Ttung ương và cao nhất là Quốc
hội.
Tôi đánh giá cao sự giúp đỡ của các cấp ủy
Đảng, chính quyền, cử tri Yên Bái và đồng bào các dân tộc Yên Bái đối với tôi
và các đại biểu khác. Thông qua các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri đã giúp
chúng tôi và cử tri gắn bó với nhau nhiều hơn. Tôi luôn tâm niệm là mình phải cố
gắng và cố gắng nhiều hơn nữa để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội và cử
tri giao phó với trách nhiệm của người đại biểu nhân dân.
Tôi cũng mong muốn cử tri cảm thông
và chia sẻ với những việc mà chúng tôi chưa làm được. Thời gian còn lại của
nhiệm kỳ tuy ít ỏi, nhưng tôi cùng các đại biểu khác, sẽ dành tất cả sức lực để
cố gắng làm tròn những việc mà cử tri tin tưởng giao cho, thể hiện trách nhiệm
của người đại biểu đối với nhân dân.
P.V: Những mong muốn của đồng chí với cử tri Yên Bái khi nhiệm kỳ Quốc hội
khóa XIII khép lại và chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các
cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021?
Đồng chí Giàng A Chu: Trong quá trình
làm ĐBQH, chúng tôi đã tiếp thu được nhiều kiến thức tổng hợp chung trong quá trình
tham gia xây dựng pháp luật, xây dựng đất nước, những ý kiến chỉ đạo thiết thực
của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đây chính là động lực thôi
thúc chúng tôi cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.
Tôi mong muốn cử tri luôn theo dõi, quan
tâm và ủng hộ. Chúng tôi luôn thể hiện sự nhiệt tình, sự tâm huyết, cố gắng hết
mình vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, xứng đáng với niềm tin tưởng của cử
tri đã gửi gắm niềm tin vào lá phiếu của mình. Tôi rất đồng tình với chủ trương
của Đảng, Nhà nước và Quốc hội khi nâng cơ cấu đại biểu là nữ, đại biểu
là người dân tộc thiểu số lên trên 35% song, chất lượng đại biểu phải được đặt
lên hàng đầu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quốc hội nói chung và của người
ĐBQH nói riêng.