P.V: Xin
đồng chí cho biết, những nội dung chủ yếu tỉnh đã triển khai chuẩn bị cho cuộc
bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021?
Đồng chí Hoàng Văn Thuyên: Sau khi nhận được
các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chỉ thị về lãnh
đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ
2016 - 2021 và Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác bầu cử. UBND tỉnh ban hành
Chỉ thị về tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Yên
Bái nhiệm kỳ 2016-2021 và ban hành Quyết định thành lập UBBC. UBBC tỉnh đã
triển khai phân công nhiệm vụ cho thành viên UBBC; thành lập 3 tiểu ban giúp
việc và tổ chuyên viên giúp việc.
Các ngành thành viên UBBC tỉnh đã kịp thời
triển khai các điều kiện chuẩn bị cho công tác bầu cử trong toàn tỉnh. Với chức
năng là cơ quan thường trực của UBBC tỉnh, Sở Nội vụ đã ban hành Hướng dẫn về
tổ chức, hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử; hướng dẫn về một số nội dung
cơ bản về đại biểu HĐND, cơ cấu tổ chức HĐND, UBND các cấp của tỉnh phục vụ cho
công tác bầu cử.
Đến nay, 9/9 huyện, thị xã, thành phố và
180/180 xã, phường, thị trấn đã thành lập xong UBBC đại biểu HĐND cấp huyện,
cấp xã và ấn định các đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị
bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.
Căn cứ văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội và thông báo của Thường trực HĐND tỉnh về dự kiến cơ cấu, thành phần và
phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH và HĐND tỉnh, Ban Thường
trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Yên Bái tiến hành Hội nghị hiệp
thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XIV và thỏa
thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII nhiệm
kỳ 2016-2021. Ngày 17/3, đã tổ chức hiệp thương lần thứ hai lập danh sách sơ bộ
những người ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp.
P.V: Đồng
chí nêu rõ hơn về việc tổ chức các đơn vị bầu cử, ban bầu cử trên địa bàn tỉnh
và hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ những người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa
XVIII nhiệm kỳ 2016 – 2021?
Đồng chí Hoàng Văn Thuyên: Theo Luật Bầu cử
ĐBQH và đại biểu HĐND thì ĐBQH và đại biểu HĐND được bầu theo đơn vị bầu cử. Số
đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi đơn
vị bầu cử được tính căn cứ theo dân số, do Hội đồng Bầu cử (HĐBC) quốc gia ấn
định theo đề nghị của UBBC tỉnh. Số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp
huyện, cấp xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi
đơn vị bầu cử do UBBC ở cấp đó ấn định theo đề nghị của UBND cùng cấp.
Ngày 3/3/2016, HĐBC quốc gia đã ban hành
Nghị quyết số 53 về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng
ĐBQH được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương, theo đó tỉnh Yên Bái có 2 đơn vị bầu cử ĐBQH và mỗi đơn vị được bầu 3 đại
biểu. UBBC các cấp đã ấn định số lượng đơn vị bầu cử và số đại biểu được bầu ở mỗi
đơn vị bầu cử đại biểu HĐND các cấp với tổng số 1.254 đơn vị bầu cử.
Trong đó, có 16 đơn vị bầu cử đại
biểu HĐND tỉnh, 68 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện và 1.170 đơn vị
bầu cử đại biểu HĐND cấp xã. Công tác hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ những người
ứng cử ĐBQH và HĐND tỉnh cũng được thực hiện tốt. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ
tỉnh đã phối hợp cùng Sở Nội vụ tổ chức hội nghị thông báo, phân bổ cơ cấu, số
lượng đại biểu ứng cử tới các tổ chức, cơ quan, đơn vị để tiến hành dự kiến
giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh và hướng dẫn về hồ sơ ứng cử ĐBQH và
HĐND tỉnh. Đến 17 giờ ngày 13/3/2016, UBBC tỉnh đã tiếp nhận được 9 hồ sơ ứng
cử ĐBQH và 119 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND tỉnh. Tất cả hồ sơ đảm bảo về thời
gian nộp theo quy định.
P.V: Để
huy động cử tri đi bầu cao nhất và hoàn thành công tác bầu cử trong thời gian
sớm nhất, UBBC tỉnh có những giải pháp cụ thể gì?
Đồng chí Hoàng Văn Thuyên: Việc thực hiện
tốt công tác hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử là hình thức phát huy quyền
làm chủ của người dân, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất tập trung của Đảng trong
công tác cán bộ. Song song công tác nhân sự, UBBC tỉnh coi trọng việc lấy ý
kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người được giới
thiệu ứng cử ĐBQH khoá XIV và HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đồng
thời, đẩy mạnh tuyên truyền bầu cử để cử tri nâng cao nhận thức, thực hiện đầy
đủ quyền lợi, trách nhiệm, tích cực đi bầu cử đạt tỷ lệ cao.
Trong thời gian tới, các cấp, ngành, các
địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục thực
hiện tốt việc tuyên truyền các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn của trung
ương, của tỉnh về bầu cử, quyền ứng cử và bầu cử của công dân, tiêu chuẩn ĐBQH,
đại biểu HĐND, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri trong bầu cử. Từ đầu tháng 5 đến
ngày bầu cử, tập trung tuyên truyền các quy định về trình tự và thể thức bầu
cử, công tác bảo đảm an ninh trật tự, không khí ngày bầu cử ở các địa phương.
Với sự chuẩn bị tích cực này, tin tưởng
rằng, cử tri sẽ thực hiện đầy đủ quyền làm chủ thông qua việc sáng suốt lựa
chọn những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước, góp phần xây
dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân,
do nhân dân, vì nhân dân.
P.V: Xin
trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo Báo Yên Bái