Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Chính trị

Di tích Nơi thành lập Đội du kích Đá Xô, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

08/08/2019 22:19:18 Xem cỡ chữ Google
Ngày 23/9/2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 1554/QĐ-UBND công nhận Nơi thành lập Đội du kích Đá Xô, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Ông Hoàng Hữu San - Chính trị viên đội du kích Đá Xô cho con cháu xem tấm huân chương Kháng chiến do Nhà nước trao tặng (Nguồn ảnh: Báo Yên Bái)

1. Tên Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa Nơi thành lập Đội du kích Đá Xô, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

2. Loại hình Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

3. Quyết định công bố Di tích

Quyết định số 1554/QĐ-UBND ngày 23/9/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận Nơi thành lập Đội du kích Đá Xô, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Địa điểm Di tích

Nơi thành lập Đội du kích Đá Xô nằm trên đỉnh của dãy núi Đá Xô hiểm trở và hùng vĩ, thuộc thôn Vực Tuần, xã Cát Thịnh, huyện văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Di tích lịch sử Đá Xô cách UBND xã Cát Thịnh khoảng 6km, cách UNBD huyện Văn Chấn 30km về hướng Nam, và cách thành phố Yên Bái 50km theo Quốc lộ 32 về hướng Tây.

5. Sơ lược lịch sử Di tích

Nơi thành lập Đội du kích Đá Xô là địa điểm tập hợp lực lượng và là căn cứ của Đội du kích Đá Xô trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954). Đá Xô là vùng núi cao hiểm trở, nhiều địa điểm có thể tạo bẫy đá, sa đá, dàn đá thành vũ khí để tiêu diệt địch khi chúng lên càn quét. Đó là vị trí thuận lợi cho ta đánh địch theo kiểu du kích trong điều kiện lực lượng ít, vũ khí thô sơ. Chính sự hiểm trở của khu căn cứ đã hạn chế rất nhiều cuộc càn quét của địch, hạn chế địch phát huy sức mạnh và tính năng tác dụng của binh khí kỹ thuật của chúng. Đá Xô là một vị trí chiến lược lý tưởng của đội du kích, ở đó có thể dựng được lán trại lợp bằng lá chuối rừng, lá cây đao, trồng được ngô, khoai, hái rau rừng, đào củ mài, chặt cây báng, cây đao tạo bột ăn thay cơm.

Ngày 25 tháng 11 năm 1949, Chi bộ Đảng Cát Thịnh tổ chức Đại hội Chi bộ lần đầu tiên. Đại hội đã quyết định một số nội dung quan trọng là tập trung xây dựng cơ sở kháng chiến để đấu tranh du kích, kiện toàn củng cố chính quyền, tăng cường khối đại đoàn kết, động viên nhân dân đóng góp sức người sức của cho cuộc kháng chiến. Chi bộ liên tục phát triển, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, duy trì và củng cố vững chắc khu căn cứ du kích Đá Xô. Xây dựng lực lượng du kích, duy trì phát triển 2 tiểu đội du kích: Một tiểu đội người Tày lên Đá Xô  xây dựng căn cứ gồm các đội viên du kích do Trần Trung Phún làm tiểu đội trưởng, Hà Văn Tiện làm tiểu đội phó, Hoàng Hữu San làm chính trị viên. Một tiểu đội do các thanh niên đồng bào Mông rất thông thạo địa hình tham gia đội du kích như: Sùng A Quả, Sùng A Gia, Sùng A Dinh, Vàng A Cheo, Vàng A Giảng, Tiểu đội do Sùng A Câu làm tiểu đội trưởng ngày càng lớn mạnh.

Việc xây dựng và phát triển khu căn cứ du kích Đá Xô là thể hiện ý chí, quyết tâm cao độ của đồng bào các dân tộc Cát Thịnh một lòng theo cách mạng, quyết chiến đấu tiêu diệt quân Pháp xâm lược. Mặc dù so sánh lực lượng, ta chỉ có súng kíp, súng trường vài quả bom cỡ nhỏ, mìn tự tạo, nhưng do đội du kích với tinh thần quyết tâm cao, lại có nhân dân che chở, ủng hộ, dựa vào  lợi thế rừng núi hiểm trở, có kinh nghiệm luồn rừng nên đội du kích  phát huy tốt vai trò của mình, áp dụng lối đánh du kích linh hoạt sáng tạo mưu trí làm cho giặc điêu đứng.

Trước tình hình thực dân Pháp phát hiện được đội du kích xây dựng căn cứ ở Đá Xô, chúng đã tập trung quân tiến hành càn quét nhằm tiêu diệt đội du kích, xóa căn cứ của ta. Chỉ trong gần 2 năm (1948-1949) chúng liên tiếp mở nhiều đợt càn quét lên Đá Xô. Để bảo toàn lực lượng, đội du kích chuyển lên gần bản Thải (huyện Phù Yên) là cơ sở du kích của Mường Cơi, kết hợp hai đội du kích để đánh giặc. Tuy xa và hiểm trở nhưng quân Pháp vẫn càn đến. Tình hình ngày càng trở nên gay go, ác liệt do quân Pháp coi du kích Đá Xô là mục tiêu cần phải tiêu diệt. Trước tình hình đó, Huyện ủy chỉ thị tiếp tục duy trì căn cứ Đá Xô, xác định đây là một trong những điểm sáng về xây dựng khu du kích ở vùng ngoài huyện Văn Chấn. Do đó cấp trên cử đồng chí Phạm Văn Lượng xuống trực tiếp chỉ đạo, củng cố duy trì, phát triển khu du kích Đá Xô.

Địch liên tiếp mở nhiều đợt càn quét lên Đá Xô, mặc dù đội du kích đã chuyển địa điểm rất xa và hiểm trở nhưng quân Pháp vẫn càn đến. Chúng đã bắn chết Lường Văn Thao đang làm nhiệm vụ canh gác. Để tập trung sự lãnh chỉ đạo, đồng chí Lượng đã họp Chi bộ sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo; đồng chí Hoàng Hữu Hưng làm Bí thư, đồng chí Hà Văn Út làm Chủ tịch, đồng chí Lò Văn Trị làm Phó Chủ tịch, đồng chí Hà Văn Lánh làm Ủy viên thư ký, đồng chí Hoàng Văn Vận chi ủy viên là xã bộ Việt Minh, đồng chí Trần Trung Phún làm xã đội phó. Được sự chỉ đạo của cấp trên, tổ chức được kiện toàn, phong trào chuyển biến tích cực.

Trong năm 1950, tình hình chiến sự ở Cát Thịnh nói riêng, trên địa bàn toàn huyện nói chung có nhiều chuyển biến tích cực, có lợi cho cách mạng. Đặc biệt Đại hội Đảng bộ huyện Văn Chấn lần thứ nhất được tổ chức, xác định nhiều nhiệm vụ quan trọng về tiếp tục xây dựng củng cố lực lượng vũ trang từ huyện đến cơ sở, tăng cường cán bộ vào vùng tạm chiếm, duy trì phát triển cơ sở cách mạng; tăng cường sự phối kết hợp giữa bộ đội địa phương với du kích  xã và tạo sự liên kết giữa các vùng với nhau, đồng thời đẩy mạnh tăng gia sản xuất... thực hiện chủ trương của Huyện ủy, phong trào Cát Thịnh phát triển mạnh, du kích Đá Xô mở rộng hoạt động phối hợp với bộ đội Văn Chấn (C86) và với du kích xã Thượng Bằng La tổ chức nhiều trận đánh gây cho địch nhiều thiệt hại.

Cuối tháng 9 năm 1951 Trung ương quyết định mở “Chiến dịch Lý Thường Kiệt” nhằm tiêu hao sinh lực địch, tạo thế và lực, tiến tới phản công. Chiến dịch diễn ra, đội du kích và đồng bào Cát Thịnh hăng hái tham gia trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến dịch. Thắng lợi của ta trong chiến dịch đã tạo điều kiện thúc đẩy công tác vùng tạm chiếm ở huyện Văn Chấn (có cả Cát Thịnh). Do bị đánh đòn đau, nên sau chiến dịch, giặc Pháp tăng cường càn quét, khủng bố bình định vùng chiếm đóng. Nhưng chúng không thể làm giảm ý chí, niềm tin và quyết tâm của đồng bào theo Đảng kháng chiến. Hầu hết các cơ sở của ta bị địch càn nhiều lần nhưng vẫn đứng vững và phát triển, cán bộ đảng viên và đội du kích có tinh thần dũng cảm, chịu đựng gian khổ, hy sinh, khắc phục mọi khó khăn trong công tác và chiến đấu.

Tháng 5/1952, quân dân Cát Thịnh cùng nhân dân huyện Văn Chấn được Hội nghị tổng kết công tác chiến tranh du kích của tỉnh đánh giá rất cao, trong đó khu du kích Đá Xô của Cát Thịnh là một trong những điểm sáng, một điển hình có sức sống kỳ diệu, là một căn cứ kiên cường, thể hiện ý chí quyết tâm trong điều kiện vô cùng khó khăn. Trong suốt những năm hoạt động  Đội du kích Đá Xô đã tổ chức 27 trận đánh và chống càn, tiêu diệt và làm bị thương nhiều lính nguỵ, trong đó có cả chỉ huy Pháp. Khu du kích Đá Xô trở thành “Pháo đài thép” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xứng đáng được lưu danh trong truyền thống đánh gặc của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cát Thịnh của huyện Văn Chấn anh hùng.  

Ngày 14/10/1952, chiến dịch Tây Bắc bắt đầu. Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) tiến công tiêu diệt đồn Sài Lương. Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) diệt vị trí Ca Vịnh, trước tình thế đó địch bắt buộc phải vội vàng rút ra khỏi các đồn Thượng Bằng La ngày 15/10, đồn Ba Khe ngày 16/10, hòng tập trung quân cứu nguy cho Nghĩa Lộ.

Ngày 17/10/1952, Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) tiến công cứ điểm Pú Chạng (phân khu quân sự Nghĩa Lộ, hay gọi là Nghĩa Lộ đồi) là cơ sở chỉ huy phân khu của địch. Sau hơn 3 giờ chiến đấu quyết liệt, bộ đội ta xóa sổ cứ điểm này, diệt và bắt gọn gần 400 tên địch, trong đó có chỉ huy trưởng phân khu - trung tá Tri-Ri-Ông, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược gồm cả 2 khẩu pháo 105 ly, nhiều quân trang, quân dụng và phương tiện chiến tranh.

Ngày 18/10/1952, Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) tiến công đồn Nghĩa Lộ (cứ điểm Nghĩa Lộ phố). Địch chống cự quyết liệt nhưng chỉ sau gần 3 giờ chiến đấu, quân ta diệt và bắt toàn bộ gần 500 tên địch, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh. Đêm 18 tháng 10, quân ta tiến công vị trí đồn Cửa Nhì, diệt và bắt gần 250 tên địch. Bọn địch ở đồn Gia Hội rút lên đồn Tú Lệ bị quân ta phục kích ở Nậm Khắt. Hôm sau ngày 19/10, chúng rút chạy đi Sơn La. Đại đoàn 308 đã truy kích 4 ngày đêm liền, diệt và bắt gần 200 tên, chiến dịch Tây Bắc đợt I giành thắng lợi giòn giã, giải phóng một vùng rộng lớn trong đó có Văn Chấn - Nghĩa Lộ được giải phóng ngày 18/10/1952, đồng bào Văn Chấn cũng như đồng bào Cát Thịnh thoát khỏi ách thống trị, chiếm đóng của giặc Pháp, phá tan âm mưu thâm độc của Pháp xâm lược nước ta. Phá sản hoàn toàn âm mưu lập “Xứ Thái tự trị” của chúng.

Ngày 21/10/1952, du kích Cát Thịnh phối hợp với du kích Thượng Bằng La cùng với trung đội của C86 truy quét toán tàn quân và tay sai Pháp đang tìm đường tháo chạy lên Trạm Tấu, ta diệt và bắt sống toàn bộ binh lính, trong đó có tên quan phòng nhì Pháp.

Với chiến thắng Nghĩa Lộ, nhân dân các dân tộc Cát Thịnh cùng nhân dân trong vùng được giải phóng được tự do trở thành người làm chủ của quê hương đất nước. Trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc để giành lại độc lập tự do, đã có biết bao nhiêu tên đất, tên người trở thành bất tử. Những tấm gương anh hùng đó đời đời ghi nhớ trong tâm khảm của thế hệ mai sau.

Đội du kích Đá Xô là một tấm gương sáng của những người con ưu tú của các dân tộc ở Cát Thịnh. Những chiến sỹ áo chàm chân chất thà hy sinh xương máu chứ không chịu khuất phục giặc thù, một lòng theo Đảng, bảo vệ căn cứ. Những thành tích của du kích Đá Xô làm sáng thêm những trang sử vẻ vang của Đảng bộ xã Cát Thịnh trong quá trình lãnh đạo địa phương, biểu hiện của tinh thần tự giác cách mạng của quần chúng.

Nơi thành lập Đội du kích Đá Xô là một minh chứng hùng hồn về lòng dân đối với Đảng. Từ than bụi bùn lầy nhân dân Tây Bắc nói chung, nhân dân Cát Thịnh  nói riêng đã được Đảng ta giáo dục, giác ngộ. Sức mạnh tinh thần đã chuyển thành sức mạnh vật chất, có thể tạo ra mọi kỳ tích trong mọi tình huống của cách mạng. Bảy năm trường kỳ kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, nhiều chiến sỹ du kích và nhân dân các dân tộc đã vĩnh viễn nằm yên nghỉ trên đỉnh núi Đá Xô. Nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng của các liệt sỹ ấy vẫn tồn tại muôn đời với lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nơi thành lập Đội du kích Đá Xô đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

2291 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h