Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Lịch sử Yên Bái >> Chính trị

Phục vụ chiến dịch Lý Thường Kiệt và Chiến dịch Tây Bắc giải phóng hoàn toàn địa phương

29/11/2019 17:25:44 Xem cỡ chữ Google
Thắng lợi to lớn của Thu Đông năm 1950, trực tiếp là chiến trường Biên Giới Tây Bắc đã thu hẹp phạm vi phân khu Nghĩa Lộ của thực dân Pháp. Khu quân sự Tây Bắc địch bị uy hiếp nặng nề, tinh thần bọn Pháp và tay sai, đặc biệt ở khu Nghĩa Lộ sa sút nghiêm trọng.

Đồn Sơn Bục ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) bị quân ta tiêu diệt trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952

Trước tình hình đó, địch tìm mọi cách củng cố, bảo vệ hai tiểu khu Nghĩa Lộ và Than Uyên. Về chính trị, Pháp tổ chức thăng cấp và thưởng huân chương cho một số sĩ quan và binh lính ngụy; nhả thêm cho bọn phong kiến phản động vài quyền lợi nhằm cột chặt bọn này vào cuộc chiến tranh xâm lược đang đi vào con đường cùng. Về quân sự, địch củng cố các đồn bốt, mở rộng sân bay Gia Hội, trang bị thêm vũ khí cho các đơn vị; ra sức bắt lính phát triển quân ngụy, lập các đội biệt kích (com-măng-đô) người cùng dân tộc, dùng đơn vị người dân tộc này đi khủng bố, đàn áp cướp phá vùng dân tộc khác nhằm gây thêm mâu thuẫn chia rẽ giữa các dân tộc. Đồng thời, địch tiến hành các cuộc càn quét dồn dân vào sống tập trung quanh các đồn bốt nhằm cắt đứt quan hệ giữa cán bộ và nhân dân. Về kinh tế, xã hội, Pháp và tay sai tăng cường bóc lột, vơ vét lúa gạo, thực phẩm phục vụ chiến tranh; dùng muối và một số hàng hóa khác để mua chuộc, lôi kéo nhân dân; khuyến khích các tệ nạn xã hội (đánh bạc, hút thuốc phiện, rượu chè, gái điếm) nhằm trụy lạc nhân dân, nhất là thanh niên. Địch rất chú trọng thâm nhập, đánh phá vùng tự do ta. Bốn tháng đầu năm 1951 chúng đã 31 lần tấn công quân sự, tung biệt kích gián điệp hoạt động để nắm tình hình, thăm dò lực lượng kháng chiến.

Cuối năm 1950, đồng chí Nguyễn Chính thay đồng chí Trịnh Xuân Tiến làm Bí thư Tỉnh ủy. Trước tình hình mới, vấn đề củng cố Đảng, làm cho Đảng bộ vững mạnh trở nên cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của cuộc kháng chiến ở địa phương. Từ tháng 10 năm 1950. Đảng bộ triển khai thực hiện để củng cố Đảng. Tỉnh ủy đã nhanh chóng vạch kế hoạch và chỉ đạo các cấp ủy Đảng mở cuộc vận động tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng bộ. Ban đầu chọn một chi bộ ở hai huyện Trấn Yên và Lục Yên làm thí điểm, rút kinh nghiệm. Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1951, mở cuộc vận động ra tất cả các chi bộ ở vùng tự do và một số chi bộ ở vùng địch tạm chiếm. Trọng tâm của cuộc vận động là bồi dưỡng giáo dục lý luận cho cán bộ đảng viên, tự phê bình và phê bình những thiếu sót, khuyết điểm. Qua đó nhận thức của cán bộ đảng viên được nâng cao hơn trước, bản chất giai cấp công nhân của Đảng được tăng cường, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên được phát huy mạnh mẽ. Một số thiếu sót, khuyết điểm như chủ quan khinh địch, ngại khó khăn gian khổ, gia trưởng được khắc phục cơ bản.

Tháng 4 năm 1951, Tỉnh ủy triệu tập Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ II. Đại hội đã nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chỉ thị của Trung ương Đảng về sửa chữa những sai lầm trong công tác nông thôn; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ khóa I; bầu Ban chấp hành Đảng bộ mới và bàn một số công tác cấp bách trước mắt. Đồng chí Vũ Thu được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đối với công tác vùng địch tạm chiếm, ta chủ trương vừa củng cố vừa phát triển cơ sở, chuẩn bị mọi mặt để khi có điều kiện thì phát động đấu tranh vũ trang với qui mô rộng lớn hơn. Muốn vậy, phải thực sự coi trọng công tác vùng địch tạm chiếm ngang tầm với công tác vùng tự do; đẩy mạnh địch vận để làm đà cho các hoạt động khác. Việc xây dựng bộ đội địa phương phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của tỉnh, tránh tình trạng phát triển ồ ạt, lấy số lượng làm chính, mà phải coi trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, tăng trang bị và hậu cần. Chú trọng xây dựng dân quân du kích ở nơi ta có sơ sở, quanh các căn cứ quan trọng của địch và vùng tự do sát địch. Các hoạt động quân sự phải nhằm vào nơi địch sơ hở, bố phòng yếu, có tác dụng hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở và địch vận.

Cuối năm 1950 và đầu năm 1951, hoạt động của bộ đội địa phương và du kích được thúc đẩy mạnh, thu được nhiều kết quả. Quân ta đánh bại tất cả các cuộc càn quét của địch ở Y Can, Âu Lâu, Việt Cường, Đại Phác (Trấn Yên), Minh Lương, Dương Quỳ (Văn Bàn). Quân địch không những không thể chiếm được một ki lô mét vuông nào đất của ta mà còn không thể kiểm soát được vùng chiếm đóng.

Tháng 3 năm 1951, quân ta mở chiến dịch củng cố biên giới ở miền tây Lào Cai. Đầu tháng 4, trung đoàn 148 và một số đơn vị bộ đội địa phương Lào Cai giải phóng hoàn toàn khu tam giác Sa Pa, Bát Xát, Phong Thổ. Sau vài ngày củng cố lực lượng, quân ta tiếp tục phát triển chiến dịch về Lai Châu. Nhưng do tiếp tế hậu cần khó khăn, quân Pháp đã tăng cường thêm lực lượng để đối phó nên ta quyết định chuyển hướng chiến dịch xuống Than Uyên. Với sức mạnh áp đảo quân địch, bộ đội ta lần lượt giải phóng Thân Thuộc (25/4/1951), Pắc Ta (27/4) và  huyện lỵ Than Uyên (29/4). Bọn địch ở các đồn Mường Kim, Mường Cang, Tà Hùa hoảng hốt tháo chạy về Quỳnh Nhai (Sơn La).

Bộ đội địa phương và du kích các xã của huyện Than Uyên đã phối hợp chặt chẽ với trung đoàn 148 đánh địch, đặc biệt là các toán địch rút chạy, diệt và bắt hàng trăm tên địch. Cùng thời gian đó các đại đội 85 và 97 cùng với các xã của huyện Văn Bàn bức địch ở đồn Minh Lương phải hàng, bắt 82 tên, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm ở đồn này.

Sau chiến dịch củng cố biên giới, trung đoàn 148 rút ra ngoài để chỉnh huấn. Ở Than Uyên ta chỉ còn một đại đội địa phương giữ. Thực dân Pháp tăng cường cho Lai Châu hai tiểu đoàn Ta- bo (2-2/ RTA, 17 è Taboc), lực lượng này cùng với tiểu đoàn Thái số 2 mở  cuộc tiến công tái chiếm Than Uyên (11/5/1951) và Phong Thổ (6/1951), củng cố lại hàng lang Than Uyên - Phong Thổ - Sìn Hồ. Địch tập trung lực lượng đánh phá cơ sở của ta ở Mường Kim (Than Uyên), Sơn A (Văn Chấn) bắt được một số cán bộ trung kiên của ta và tra tấn rất dã man nhằm lung lạc tinh thần đồng bào các dân tộc.

Tháng 8 năm 1951, địch hoạt động rất mạnh, đánh vào cơ sở ở Suối Giàng, Nậm Khắt; tổ chức nhiều cuộc phục kích trên các đường giao thông liên lạc của ta càn quét mạnh vùng giáp giữa hai huyện Văn Chấn và Than Uyên.

Dù vậy, các khu du kích Khau Phạ, Đá Xô, Trạm Tấu vẫn đứng vững và tiếp tục hoạt động. Các cơ sở quanh trị trấn Nghĩa Lộ được giữ vững. Ta lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ tầng lớp trên và trong các chức sắc tôn giáo, lôi kéo được chánh tổng Sơn An và một linh mục người Việt ở Bản Hẻo ngả theo kháng chiến. Vì vậy đã tạo ra điều kiện thuận lợi để quân báo và cán bộ vào chuẩn bị chiến dịch Lý Thường Kiệt và phát triển cơ sở.

Ở vùng tự do, ta thành lập Hội đồng nuôi quân nhằm vận động nhân dân cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội địa phương; thực hiện thống kê nhân lực, phát thẻ quân vụ ở 20 liên xã của huyện Lục Yên, 10 liên xã của huyện Trấn Yên, 4 vùng tự do và sát địch của huyện Văn Chấn. Việc tuyển quân và huấn luyện bộ đội địa phương được chú trọng. Thực hiện chính sách thuế nông nghiệp có kết quả quan trọng, năm 1951 thu được 2.000 tấn.

Tháng 5 năm 1951, gần 1.000 tàn quân Tưởng ở Vân Nam (Trung Quốc), thâm nhập vào tỉnh Hà Giang, xuống thượng huyện Lục Yên, ngoặt sang Trấn Yên vượt sông Hồng vào Nghĩa Lộ với quân Pháp. Trên đường đi chúng bị bộ đội địa phương và du kích của tỉnh chặn đánh liên tục, đặc biệt trận ở cửa Ngòi Mười (Mậu A) địch bị thiệt hại rất nặng. Tổng cộng quân dân Yên Bái diệt, bắt gọn 400 tên, thu 26 súng các loại.

Tháng 9 năm 1951, quân ta mở chiến dịch Lý Thường Kiệt, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, củng cố và phát triển cơ sở cách mạng trong vùng địch tạm chiếm đẩy mạnh chiến tranh du kích ở Tây Bắc.

Hướng chính của chiến dịch là Nghĩa Lộ, do đại đoàn 312 phụ trách, có bộ đội địa phương các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang phối hợp. Hỏa lực có một liên đội gồm 5 khẩu pháo 75mm. Hướng phụ nhằm nghi binh, phối hợp ở Phong Thổ - Than Uyên do trung đoàn 148 đảm nhiệm, có sự hỗ trợ của bộ đội địa phương tỉnh Lào Cai.

Để góp phần đảm bảo cho chiến dịch giành thắng lợi, Đảng bộ Yên Bái đã vận động 5.000 dân công đi phục vụ, huy động được 302 tấn gạo, 3 tấn ngô, 241 con trâu, bò và 33 con lợn cung cấp cho bộ đội.

Ở hướng phụ của chiến dịch, ngày 27 tháng 9 năm 1951, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công địch, giải phóng Bình Lư, sau đó tiến đánh và lần lượt giải phóng Pa Pe (30/9), Giang Ma (3/10), Hoàng Thu Phố (5/10), Thân Thuộc (7/10), Pắc Ta (8/10), tiến công vị trí Mường Than gây cho địch thiệt hại nặng.

Tại hướng chính, bọn địch ở phân khu Nghĩa Lộ đánh hơi thấy ta sắp tiến công nên những ngày cuối tháng 9 năm 1951, chúng cho rút các đồn Sài Lương, Gốc Báng về Cửa Nhì; rút Đồng Bồ, Thượng Bằng La về Nghĩa Lộ.

Đêm 30 tháng 9, tiểu đoàn 115 của trung đoàn 165, đại đoàn 312 tiến công đánh thiệt hại nặng quân đóng ở hai đồn Ca Vịnh và Cửa Nhì, đêm 1 tháng 10 diệt đồn Bản Tủ. Trước tình hình đó, đêm 2 tháng 10, Pháp vội vàng cho tiểu đoàn dù thuộc địa số 8 (8 è BPC)  nhảy dù xuống Gia Hội đánh sau lưng đội hình đại đoàn 312. Rạng sáng ngày 3 tháng 10, ta dùng hai tiểu đoàn  của trung đoàn 209 bất ngờ tấn công tiểu đoàn dù địch ở đông nam Gia Hội. Thấy vậy, chiều 4 tháng 10, Pháp cho tiểu đoàn dù lê dương số 2 (2è BEP) nhảy xuống cứu tiểu đoàn dù số 8. Cả  hai tiểu đoàn dù của địch bị trung đoàn 209 chặn đánh quyết liệt ở Văn Tông và gần Nậm Mười, vài ngày sau chúng mới liên lạc được với nhau.

Cũng đêm 2 tháng 10, trung đoàn 141 tấn công Sở chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ, buộc Pháp phải đưa tiểu đoàn dù số 10 (10èBPC) đến  cứu nguy. Đêm 4 tháng 10, quân ta tấn công Nghĩa Lộ lần thứ 2 nhưng không thành công. Ở phía ngoài, tiểu đoàn 564 trung đoàn 165 đánh đồn Cửa Nhì lần nữa cũng không được. Vì vậy, Bộ Tổng tư lệnh quyết định kết thúc chiến dịch Lý Thường kiệt.

Kết quả trên hướng chính, ta diệt 476 tên địch (có cả tên chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ), bắt sống 412 tên (có 2 tên sĩ quan), thu 780 súng trong đó có cả cối, ĐKZ, 25 tấn quân trang, quân dụng và 11 tấn đạn, 40 chiếc dù, 74 máy vô tuyến. Thắng lợi quan trọng của ta trong chiến dịch Lý Thường Kiệt đã tạo ra điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác vùng địch tạm chiếm ở các huyện Văn Chấn và Than Uyên phát triển lên bước mới. Ở Văn Chấn, cơ sở kháng chiến được mở rộng suốt dọc đường từ Ba Khe và Nghĩa Lộ và cùng Ca Vịnh. Ở Than Uyên, ta nối lại được liên lạc với cơ sở ở Mường Kim. Các cơ sở ở Pú Luông, Pú Mun được xây dựng thành thế liên hoàn với các cơ sở ở Bản Nhì, Mường Khoa, và Thân Thuộc.

Sau chiến dịch Lý Thường Kiệt, giặc Pháp tăng cường càn quét, khủng bố, bình địch vùng chiếm đóng. Trọng điểm càn quét của địch là vùng ta có cơ sở, nhất là các cơ sở quanh các căn cứ quan trọng của chúng ta, cướp bóc kinh tế, gom dân để dễ kiểm soát. Từ tháng 1 đến tháng 10 năm 1952, giặc Pháp mở gần một trăm trận càn, trong đó có 12 trận qui mô từ 100 đến 300 quân, kéo dài từ 1 đến 5 ngày.

Để thúc đẩy phong trào đấu tranh vùng sau lưng địch, tháng 12 năm 1951, tỉnh tổ chức hội  nghị tổng kết công tác vùng địch tạm chiếm, tiếp đó tiến hành hội nghị bàn việc phối hợp và phục vụ chiến dịch Tây Bắc (năm 1952). Hai hội nghị này nhận định rằng những tháng cuối năm 1951, công tác vùng địch tạm chiếm có thuận lợi và phát triển. Cơ sở của ta được mở rộng, chiến tranh du kích được đẩy mạnh. Nhưng sang năm 1952, khó khăn tăng lên do địch đã bổ sung lực lượng, củng cố lại vùng chiếm đóng và tăng cường khủng bố, càn quét. Trong khi đó cán bộ trong vùng địch hậu chưa am hiểu phong tục, tập quán và tiếng nói của đồng bào các dân tộc. Việc tiếp tế cho các đơn vị, cán bộ trong vùng địch gặp nhiều trở ngại. Song ta có thuận lợi rất cơ bản: nhân dân các dân tộc có truyền thống yêu nước, tin và quyết tâm theo Đảng kháng chiến; hầu hết các cơ sở của ta bị địch càn quét liên tục vẫn đứng vững, cán bộ, chiến sĩ ta có tinh thần dũng cảm, chịu đựng gian khổ, hy sinh, khắc phục mọi khó khăn trong công tác; mâu thuẫn giữa nhân dân các dân tộc với giặc Pháp và tay sai, mâu thuẫn nội bộ kẻ thù ngày càng sâu sắc, tinh thần bọn ngụy hoang mang, dao động mạnh.

Từ tình hình đó, ta chủ trương củng cố vững chắc có cơ sở ở vùng cao, dựa vào đó tiến xuống xây dựng cơ sở vùng thấp. Ra sức phát triển cơ sở ven các trục đường Nghĩa Lộ và những địa bàn có tiềm năng kinh tế lớn. Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng lúc này đánh thông liên lạc từ vùng tự do vào với cơ sở trong vùng địch, đưa các đội vũ trang và cán bộ chính trị vào hoạt động. Công tác trong vùng địch phải có nhiều hình thức, biện pháp và linh hoạt, trong đó hết sức coi trọng vận động nhân dân chống bắt lính, bắt phu, vận động ngụy quân, ngụy quyền bỏ hàng ngũ.

Ở vùng tự do, các cấp ủy đảng và chính quyền phải tổ chức tốt việc phòng chống gián điệp, biệt kích do thám tình hình, phá các cơ quan, kho tàng ta lập sẵn kế hoạch huy động dân công, cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội chủ  lực. Nhờ các chủ trương, biện pháp đúng đắn này phong trào kháng chiến trong vùng địch của ta có bước phát triển mạnh mẽ. Cán bộ chính trị và các đội vũ trang ta đã gây dựng hàng loạt cơ sở vùng thấp Nghĩa Lộ - Than Uyên và ở hầu khắp các làng ven đường vào Nghĩa Lộ. Đường dây liên lạc bằng cơ sở nhân dân từ vùng tự do vào trong vùng địch thông suốt. Những kết quả này tạo thêm thuận lợi cho quân dân Yên Bái phục vụ chiến dịch Tây Bắc.

Tháng 10 năm 1952, thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị Trung ương Đảng và phát huy thắng lợi của chiến dịch Hòa Bình, theo phương châm tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm sơ hở của địch mà đánh, bộ đội chủ lực của ta mở chiến dịch tiến công vào Tây Bắc.

Từ tháng 5 năm 1952 quân dân tỉnh Yên Bái bước vào chuẩn bị mọi mặt để phối hợp và phục vụ chiến dịch. Dân quân du kích các xã Việt Long, Hưng Khánh, Đại Đồng, Tân Hợp (huyện Trấn Yên), Cát Thịnh, Thượng Bằng La, Minh An, Bình Thuận, Chấn Thịnh (huyện Văn Chấn) cùng các đại đội 85, 87, 97 bộ đội địa phương đã dẫn đường đưa quân báo của Đại đoàn 308 vào vùng địch và bảo vệ an toàn các con đường từ vùng tự do vào Nghĩa Lộ như đường 13A, đường từ Mậu A qua đèo Quế, đèo Khâu Vác, nắm tình hình địch ở các đồn Ba Khe, Ca Vịnh, Sài Lương, Thượng Bằng La, Đồng Bồ. Các cấp ủy Đảng và chính quyền ở vùng tự do đã vận động được 5.428 người đi dân công; huy động được 730 tấn gạo, 622 con trâu, 386 con lợn, 72 tấn muối, 16 tấn đỗ, lạc, vừng cho bộ đội. Dân công Yên Bái cùng các đơn vị bộ đội đã khắc phục khó khăn, vượt qua đèo cao, suối sâu, mưa rét và bom đạn của địch vận chuyển được hàng vạn tấn đạn dược, lương thực, thực phẩm vào mặt trận. Riêng khối lượng vận chuyển qua sông Hồng tới 47.309 tấn..

Thời gian diễn ra chiến dịch, nhân dân các xã mới được giải phóng đã vận động được 1.000 dân công đi một tháng, 2.312 dân công đi 7 ngày, huy động được 250 tấn gạo và hàng chục vạn tấn lương thực cho bộ đội. Sự đóng góp to lớn về sức người, của cải của quân dân Yên Bái đã góp phần bảo đảm cho chiến dịch Tây Bắc giành được thắng lợi.

Ngày 14 tháng 10 năm 1952, chiến dịch Tây Bắc bắt đầu. Ngay đêm đó, trung đoàn 141 (đại đoàn 312) tiến công diệt vị trí Sài Lương, trung đoàn 174 (đại đoàn 316) diệt vị trí Ca Vịnh. Địch vội vàng rút khỏi các đồn Thượng Bằng La (15/10), Ba Khe (16/10), hòng cứu nguy cho Nghĩa Lộ.

17 giờ 5 phút ngày 17 tháng 10, trung đoàn 102 (đại đoàn 308) tiến công cứ điểm  Pú Chạng (hay còn gọi là Nghĩa Lộ đồi), Sở chỉ huy phân khu của địch. Sau hơn 3 giờ chiến đấu quyết liệt quân ta xóa sổ cứ điểm  này, diệt và bắt toàn bộ gần 400 tên địch, trong đó có tên trung tá Ti-ri-ông (Tirillon), Chỉ huy trưởng phân khu, thu toàn bộ vũ khí, quân trang quân dụng.

3 giờ sáng ngày 18 tháng 10, trung đoàn 88 (đại đoàn 308) tiến công cứ điểm Nghĩa Lộ phố. Địch điên cuồng chống cự. Nhưng cũng chỉ trong 3 giờ đồng hồ, quân ta diệt và bắt toàn bộ khoảng 500 tên địch, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh khác trong đó có 2 khẩu pháo 105mm và hàng nghìn viên đạn.

Đêm 18 tháng 10, quân ta tiến công vị trí Cửa Nhì, diệt và bắt gần 250 tên địch. Bọn địch ở Gia Hội rút  lên Tú Lệ bị ta phục kích ở gần Nậm Mười, ngày hôm sau (19/10) rút đi Sơn La. Đại đoàn 308 đã nhanh chóng truy kích địch 4 ngày đêm liền, diệt và bắt gần 200 tên. Bọn địch ở tiểu khu Than Uyên hoảng sợ cũng rút đi Sơn La.

Chỉ trong vòng 10 ngày quân ta giải phóng được một vùng rộng lớn bên tả ngạn sông Đà gồm các huyện Văn Chấn, Than Uyên (Yên Bái),  Phù Yên và một phần huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Sau đó bộ đội ta mở đợt 2 chiến dịch Tây Bắc, đến cuối tháng 12 năm 1952 thì giải phóng phần lớn Tây Bắc (trừ cứ điểm Nà Sản và thị xã Lai Châu), diệt và bắt gọn hơn 6.000 tên địch.

Chiến thắng Tây Bắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không những giải phóng một vùng chiến lược, phần lớn đồng bào Tây Bắc thoát khỏi ách thống trị của giặc Pháp mà còn xóa bỏ sự uy hiếp của địch đối với căn cứ địa Việt Bắc từ phía Tây. Âm mưu thâm độc của thực dân Pháp lập “xứ Thái tự trị” nhằm chia rẽ người Thái với người Kinh và người Thái với đồng bào các dân tộc thiểu số khác bị phá sản hoàn toàn.

Đối với tỉnh Yên Bái nhiệm vụ chủ yếu thay đổi, chuyển sang xây dựng và bảo vệ hậu phương, tích cực huy động sức người, sức của cho kháng chiến.

                                                  (Bài viết sử dụng tài liệu trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái)

6026 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h