Những
điểm mới
Nếu như
năm 2015, tỉnh Yên Bái chỉ tổ chức cụm thi cho các thí sinh xét tốt nghiệp thì
năm 2016, học sinh Yên Bái có thể dự thi theo 2 cụm thi. Cụm thi do Học viện
Tài chính chủ trì phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái dành cho các thí
sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Cụm thi
do Sở GDĐT chủ trì phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm với 18
điểm thi dành cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các
điểm thi của cụm tốt nghiệp, sẽ là các điểm thi liên trường THPT rải trên nhiều
huyện, thị xã, thành phố để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi.
Theo
hướng dẫn tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, do Bộ GD&ĐT ban hành, kỳ
thi sẽ diễn ra từ ngày 1 - 4/7 với 8 môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý,
Hóa học, Địa lý, Sinh học và Lịch sử. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý
thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài thi mỗi môn 180 phút. Các môn Vật
lý, Hóa học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài thi mỗi
môn 90 phút. Môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm, thời gian làm bài thi 90
phút.
Để xét
công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là
Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn còn lại.
Để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, CĐ, thí sinh dự thi 4
môn và đăng ký dự thi thêm các môn khác theo tổ hợp môn xét tuyển của các
trường ĐH, CĐ.
Năm
nay, Sở GDĐT và trường ĐH công bố kết quả thi (sau khi đã gửi dữ liệu kết quả
thi về Bộ GDĐT) sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh tra cứu kết quả thi.
Khi có kết quả thi, thí sinh được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi với mã số
đăng ký xét tuyển duy nhất. Giấy chứng nhận kết quả thi chỉ dùng để xét tuyển
nguyện vọng 1, 3, để xét nguyện vọng bổ sung...
Về ưu
tiên đối tượng 1: công dân Việt Nam
là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc
trung cấp) trên 18 tháng tại khu vực 1.
Về ưu
tiên khu vực, thí sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc
trung cấp) trên 18 tháng tại các xã khu vực III, các thôn đặc biệt khó khăn
thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban
Dân tộc; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã
đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương
trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ nếu học THPT (hoặc trung cấp)
tại địa điểm thuộc huyện, thị xã có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói
trên.
Thí
sinh sử dụng mã số ghi trong giấy chứng nhận kết quả thi của mình để đăng ký
xét tuyển (ĐKXT) trong các đợt xét tuyển. Trong mỗi đợt xét tuyển thí sinh
không được thay đổi nguyện vọng (năm 2015, thí sinh được thay đổi nguyện vọng).
Thời
gian đăng ký và xét tuyển đợt 1 là 12 ngày. Thí sinh được ĐKXT vào tối đa 2
trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo. Thời gian đăng ký và xét tuyển đợt
bổ sung là 10 ngày. Thí sinh được ĐKXT vào tối đa 3 trường, mỗi trường tối đa 2
ngành đào tạo. Thí sinh nộp hồ sơ và lệ phí ĐKXT cho trường qua đường bưu điện
theo hình thức thư chuyển phát nhanh, đăng ký trực tuyến (online) hay theo
phương thức khác do trường ĐH, CĐ quy định. Thí sinh trúng tuyển phải nộp bản
chính giấy chứng nhận kết quả thi cho trường có nguyện vọng học trong thời gian
quy định của đợt xét tuyển. Thí sinh không nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho
trường trúng tuyển được xem như từ chối nhập học.
Cô và
trò Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái tích cực ôn thi.
Công
tác chuẩn bị của tỉnh
Trước
những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Sở GDĐT tỉnh đã xây dựng kế
hoạch. Theo đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục hoàn thành chương trình lớp 12 theo
đúng kế hoạch thời gian năm học và kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh. Các cơ
sở giáo dục phải phổ biến kịp thời những thông tin liên quan đến kỳ thi cho học
sinh khối lớp 12; phân tích, giải đáp mọi thắc mắc của các em; hướng dẫn học
sinh đăng ký dự thi, tổ chức kiểm tra thông tin đăng ký của thí sinh nhằm hạn
chế các sai sót ảnh hưởng đến công tác tổ chức thi và quyền lợi của thí sinh.
Đồng
thời, Phòng Giáo dục Trung học chủ trì kiểm tra công tác ôn thi, chuẩn bị các
điều kiện cho thi tốt nghiệp THPT quốc gia của các đơn vị; tổ chức thi thử cho
học sinh lớp 12 hệ giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên theo đề chung,
hoàn thành trước ngày 25/4/2016. Sở cũng yêu cầu các phòng chuyên môn đôn đốc
các đơn vị thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn học sinh; các cơ sở giáo dục
huy động các lực lượng trong nhà trường tham thực hiện công tác hướng nghiệp,
tư vấn cho học sinh, trong đó tập trung định hướng cho học sinh lựa chọn cụm
thi, môn thi.
Đặc
biệt, năm nay, tỉnh Yên Bái sẽ cung cấp số liệu tuyển sinh năm học 2014 - 2015,
số liệu về nguồn nhân lực của tỉnh và toàn quốc đến năm 2020 tới các đơn vị
trường học. Đây sẽ là căn cứ vô cùng bổ ích cho thí sinh và phụ huynh trong
việc lựa chọn ngành nghề cho các em học sinh lớp 12.
Chuẩn
bị cơ sở vật chất cho kỳ thi, Sở cũng yêu cầu tổ chức rà soát cơ sở vật chất
của các trường chuyên nghiệp, phổ thông trên địa bàn, xây dựng phương án bố trí
địa điểm thi cho cụm thi đại học. Cùng với đó, liên hệ xây dựng kế hoạch tổ
chức các buổi làm việc với Học viện Tài chính, Trường Cao đẳng Công nghiệp thực
phẩm thống nhất các hoạt động tổ chức thi ở tất cả các khâu đảm bảo kì thi diễn
ra an toàn, đúng quy định. Sở yêu cầu các đơn vị tập trung nhân lực, vật lực,
tạo điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi, đảm bảo nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.
Theo
các thầy cô giáo nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, thời điểm này, các em học sinh
cần có kế hoạch học tập, ôn tập hợp lý để nắm vững kiến thức phục vụ cho việc
tham dự kỳ thi. Nghiên cứu kỹ cấu trúc đề thi của kỳ thi năm 2015, thực hành
luyện tập với các đề thi tương tự để làm quen với việc làm bài thi, có kế hoạch
phân bố thời gian hợp lý để có thể tự tin khi làm bài trong kỳ thi sắp tới.
Đồng thời, phải nghiên cứu kỹ quy chế thi và quy chế tuyển sinh để thực hiện
việc đăng ký dự thi chính xác, đầy đủ, đặc biệt chú ý đến các quy định về đối
tượng ưu tiên, vùng tuyển sinh, khu vực dự thi...
Cùng
với đó, cũng cần nắm vững cách thức tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, nhất là
các tổ hợp môn xét tuyển vào trường. Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh cũng cần
theo dõi tình hình học tập của con em mình, kịp thời nhắc nhở các em trong việc
học tập, nghỉ ngơi, bảo đảm sức khỏe, chuẩn bị các phương án cần thiết để giúp
các em có thể dự thi với tinh thần tốt nhất.