Theo báo cáo của ngành giáo dục, năm học
2015 - 2016, với 589 cơ sở giáo dục (567 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông);
quy mô 6.675 lớp, 194.089 cháu mầm non, học sinh, đến nay toàn tỉnh có 6.477
phòng học của giáo dục mầm non và phổ thông. Về cơ bản, cơ sở vật chất đã đáp
ứng đủ cho học 2 ca và đảm bảo được dạy học 2 buổi/ngày ở các cơ sở mầm non, tiểu
học, các trường dân tộc nội trú (DTNT).
Trong đó, riêng đầu năm học 2015 - 2016, đã
đưa 170 phòng học mới vào sử dụng thay thế cho các phòng học tạm, xuống cấp và
bổ sung vào nhu cầu phòng học của các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, từ công tác
xã hội hoá, các cơ sở giáo dục còn huy động trên 4,3 tỷ đồng sửa chữa phòng học,
hỗ trợ học sinh nghèo mua sách vở, đồ dùng học tập, xây dựng kho thóc khuyến
học, hỗ trợ các trường DTBT...
Trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giáo
dục, huyện Văn Chấn là địa phương điển hình. Ông Lê Quang Minh - Trưởng phòng
GDĐT huyện cho biết: “Đặc thù là một huyện rộng, đông dân cư, nhiều xã vùng khó
khăn, nhưng được sự quan tâm của nhà nước, đến nay toàn huyện đã có 1.014 phòng
học; tỷ lệ phòng học từ bán kiên cố trở lên đạt 82,34%, tăng so với cùng kỳ 1,22%.
Trong đó, kiên cố là 556 phòng, đạt 54,83%; bán kiên cố 279 phòng, chiếm
27,51%; phòng học tạm giảm còn 179 phòng, còn 17,65%; có 19 trường có thư viện
đạt chuẩn theo quy định”.
Cùng với các địa phương vùng thấp, hiện Yên
Bái có 72 xã, 549 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, trong đó 2 huyện Trạm Tấu
và Mù Cang Chải thuộc 64 huyện nghèo nhất của cả nước, nơi tập trung đồng bào
dân tộc thiểu số sinh sống. Vì vậy, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục vùng khó
khăn thời gian qua đã được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Đến hết năm 2015, tổng số phòng học trường
phổ thông DTBT, trường có học sinh bán trú là 1.366 phòng, tỷ lệ phòng học kiên
cố đạt 60% (822 phòng kiên cố, 241 phòng bán kiên cố, 303 phòng tạm).
Cùng với đó, khu vực này còn có 613 phòng ở
cho học sinh (323 kiên cố, 158 bán kiên cố, 132 phòng tạm), tỷ lệ kiên cố đạt
53%. Giai đoạn 2010 - 2015, các trường đã được đầu tư 4.366 bộ bàn ghế, 2.658
giường tầng, 755 bộ bàn ghế ăn... Hiện, cơ bản số giường tầng đáp ứng đủ chỗ ở của
học sinh bán trú trong trường.
Về đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục vùng
khó khăn, ông Phạm Xuân Sơn - Trưởng phòng GDĐT huyện Văn Yên cho biết: “Dù là
huyện vùng thấp, nhưng huyện Văn Yên có tới 13 xã vùng cao, vùng kinh tế, xã
hội khó khăn. Cách đây 5 năm, khu vực này mới có 38 trường học (gồm 11 trường mầm
non, 14 trường tiểu học, 11 THCS và 2 trường tiểu học và THCS có lớp mầm non)
với tổng số 365 phòng học (87 phòng học tạm)".
" Đây là những nguyên nhân dẫn
đến chất lượng giáo dục khu vực này đạt thấp. Tuy nhiên, được sự quan tâm của
Nhà nước và nguồn xã hội hóa, sau 5 năm, số phòng học của khu vực này đã nâng
lên thành 422 phòng, trong đó bán kiên cố trở lên là 179 phòng, chiếm 42,4%.
Bên cạnh đó, hệ thống phòng ở bán trú cũng được đầu tư, đảm bảo cho học sinh
bán trú có chỗ ở. Có 226 phòng công vụ, cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho
giáo viên vùng cao”. Ông Sơn nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được,
với đặc thù là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, điều kiện kinh tế, xã hội còn khó
khăn nên cơ sở vật chất vẫn là vấn đề cần quan tâm. Theo đánh giá, so với nhu
cầu (chỉ tính khối công lập), toàn ngành còn thiếu 125 phòng học, trong đó mầm
non 84 phòng, tiểu học 41 phòng. Phòng ở cho học sinh bán trú, hiện các trường đang
phải bố trí trung bình 20 em/phòng, trong khi thiết kế xây dựng chỉ 8 - 10 học
sinh/phòng...
Đây chính là những vấn đề đặt ra cho nhiệm
vụ xây dựng cơ sở vật chất giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, trước những khó khăn
này, tỉnh đang triển khai tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức ngành giáo dục. Đây cũng là giải pháp quan trọng để sắp xếp lại
cơ sở vật chất trường học, nhất là vùng cao, vùng khó khăn.
Theo Báo Yên Bái