Nghĩa Lộ là một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng thuộc vùng cửa ngõ phía Đông đi vào vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Là một địa danh không những có truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc đậm nét mà còn có truyền thống yêu nước và cách mạng. Tiêu biểu là cuộc chiến đấu chống giặc Cờ Vàng do thủ lĩnh Cầm Hánh đứng đầu và cuộc kháng chiến chống Pháp do Tuần phủ Nguyễn Quang Bích lãnh đạo cùng các nghĩa quân đã lấy Nghĩa Lộ - Mường Lò làm căn cứ chiến đấu, anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược vào những năm cuối thế kỷ XIX.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo phương án tác chiến đánh đồn Nghĩa Lộ năm 1952 (Ảnh tư liệu)
Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, xác định Nghĩa Lộ có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực miền núi Tây Bắc, thực dân Pháp đã tăng cường lực lượng chiếm đóng, đẩy mạnh xây dựng bộ máy cai trị tay sai của chúng ở vùng đất này. Đến tháng 10/1947, sau khi hoàn thành đánh chiếm lại Nghĩa Lộ (lần 2), thực dân Pháp đã khôi phục ngay hệ thống cai trị của chúng, xây dựng Nghĩa Lộ trở thành phân khu quân sự mạnh nhất trong 4 phân khu của địch án ngữ cửa ngõ phía Đông vùng Tây Bắc. Phân khu Nghĩa Lộ gồm 4 tiểu khu là Nghĩa Lộ, Ba Khe, Gia Hội, Thanh Uyên; Tiểu khu Nghĩa Lộ là nơi đặt sở chỉ huy phân khu của địch có hệ thống đồn bốt dày đặc, sân bay, hầm ngầm kiên cố, với cứ điểm Nghĩa Lộ phố và cứ điểm Pú Chạng (Nghĩa Lộ đồi) bao quát thung lũng Mường Lò với gần 1000 quân chiếm giữ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Yên Bái, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không làm nô lệ”. Đảng bộ huyện Văn Chấn đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ - Văn Chấn nhất tề đứng dậy đi theo Đảng, Bác Hồ xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở khắp vùng thấp, vùng cao trong huyện.
Trong bối cảnh đó, đầu tháng 10/1951, bộ đội chủ lực của ta đã mở chiến dịch Lý Thường Kiệt. Từ ngày 1/10 đến đêm 9/10 quân ta liên tiếp tấn công địch ở Bản Tủ, Đồn Nghĩa Lộ và Đồn Cửa Nhì, làm cho địch tổn thất rất nặng nề. Bộ đội ta đã tiêu diệt và bắt sống gần 2 tiểu đoàn địch, thu nhiều vũ khí quân trang, quân dụng; mở rộng vùng địch hậu, nối lại các cơ sở từ Ca Vịnh, Ba Khe vào Nghĩa Lộ.
Đầu năm 1952 cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc, với quyết tâm tiêu diệt địch, giải phóng Tây Bắc, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giữ vững đường giao thông quốc tế Lào - Vân Nam (Trung Quốc), tạo điều kiện phát triển cách mạng Lào. Đợt một sẽ tập trung binh lực tiêu diệt địch ở phân khu Nghĩa Lộ, giải phóng Nghĩa Lộ; đợt hai sẽ nhanh chóng tiến sang Sơn La, cô lập làm rối loạn hậu phương của địch.
Ngay từ tháng 5/1952 quân và dân Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Yên Bái đã tập trung chuẩn bị mọi mặt để phối hợp chuẩn bị chiến dịch; dân quân, du kích cùng bộ đội địa phương đã dẫn đường đưa quân báo của Đại đoàn 308 vào vùng địch khảo sát nắm bắt tình hình; bảo vệ an toàn các con đường từ vùng tự do vào Nghĩa Lộ.
Theo kế hoạch của Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Bắc, được sự giúp đỡ của nhân dân vùng tự do Yên Bái, Mậu A, Trấn Yên đã huy động nhiều thuyền bè, mảng, tổ chức nhiều bến vượt sông đưa bộ đội vào vị trí chiến đấu an toàn.
Trung đoàn 88, 102, Đại đoàn 308 - Đại đoàn quân chủ lực đầu tiên của quân đội ta, từ bến vượt theo đường Đại Bục, Khau Vác vào vị trí xuất phát tấn công Nghĩa Lộ; Trung đoàn 36 - Đại đoàn 308 từ bến vượt qua đèo Bụt tiến sát Cửa Nhì. Trung đoàn 209, 165 - Đại đoàn 312 bao vây Gia Hội. Trung đoàn 141 - Đại đoàn 312 vào Sài Lương chuẩn bị chiến đấu.
Ngày 14/10/1952, chiến dịch Tây Bắc bắt đầu. Để tạo thế và lực cho mũi tiến công chính vào các cứ điểm kiên cố của phân khu Nghĩa Lộ, trung đoàn 141 (đại đoàn 316) tiến công vị trí Sài Lương, Trung đoàn 174 (đại đoàn 316) tiến công đồn Ca Vịnh. Địch vội vàng rút quân khỏi các đồn Thượng Bằng La, Ba Khe về cứu nguy cho Nghĩa Lộ.
17 giờ 5 phút ngày 17/10, bộ đội ta bắt đầu tiến công vào cứ điểm Nghĩa Lộ. Trung đoàn 102 - Đại đoàn 308 tiến công cứ điểm Pú Chạng (tức Nghĩa Lộ đồi) - Nơi đặt sở chỉ huy phân khu của địch. Sau hơn 3 giờ chiến đấu ác liệt, quân ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm này, tiêu diệt và bắt sống 400 tên địch, trong đó có tên quan tư Ti-ri-ông, chỉ huy trưởng phân khu, thu toàn bộ vũ khí quân trang, quân dụng.
3 giờ 5 phút sáng ngày 18/10, trung đoàn 88 - Đại đoàn 308 nổ súng tiến công cứ điểm Nghĩa Lộ phố. Địch dựa vào hầm ngầm, lô cốt kiên cố điên cuồng chống cự nhưng với sức tiến công mạnh mẽ, áp đảo chỉ sau 2 giờ 20 phút chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 280 tên địch, thu nhiều vũ khí chiến lợi phẩm. 5 giờ 30 phút ngày 18/10, sau 12 giờ chiến đấu ác liệt hai cứ điểm kiên cố nhất của phân khu Nghĩa Lộ đã bị xóa sổ. Đêm 18/10/1952, quân ta tiếp tục tiến công vị trí Cửa Nhì, tiêu diệt và bắt sống gần 250 tên địch. Bọn địch ở Gia Hội vội rút lên Tú Lệ và tháo chạy sang Sơn La, bộ đội sư đoàn 312 bám sát truy kích địch, tiêu diệt và bắt giữ gần 400 tên. Nghĩa Lộ và các xã trong huyện Văn Chấn được hoàn toàn giải phóng.
Chiến dịch Tây Bắc mở màn thắng lợi, Nghĩa Lộ, Văn Chấn và tỉnh Yên Bái được giải phóng hoàn toàn khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Chiến thắng Nghĩa Lộ có ý nghĩa hết sức to lớn: Đã đập tan mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ sông Đà của địch, mở thông đường vào Tây Bắc, nối liền với căn cứ địa Việt Bắc; làm tiền đề thuận lợi cho các chiến dịch tiếp theo; tạo thế và lực cho trận quyết chiến, quyết thắng ở Điện Biên Phủ sau này.
Chiến thắng Nghĩa Lộ là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sức mạnh cả về ý chí, tinh thần và vật chất của một dân tộc khát khao độc lập, tự do, không cam chịu nô lệ. Chiến thắng Nghĩa Lộ là một mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn nói riêng. Từ đây nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ và tỉnh Yên Bái được giải phóng khỏi ách kìm kẹp của chế độ thực dân bao đời nay, làm thất bại âm mưu của địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; Chiến thắng Nghĩa Lộ một sự kiện có ý nghĩa về chính trị, xã hội, quân sự, ảnh hưởng sâu rộng trong toàn tỉnh Yên Bái và các vùng lân cận.
Sau ngày quê hương được giải phóng, nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ đã phát huy truyền thống đoàn kết, khẩn trương bắt tay vào khôi phục, xây dựng, ổn định cuộc sống mới. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể được củng cố kịp thời lãnh đạo nhân dân thực hiện giảm tô, cải cách ruộng đất, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố xây dựng lực lượng vũ trang, đánh bại âm mưu gây phỉ, bạo động của địch, củng cố vững chắc vùng giải phóng, tiếp tục đóng góp to lớn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Văn Chấn, nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ đã hăng hái đi dân công tham gia mở đường 13A; vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm qua đèo Lũng Lô phục vụ chiến dịch, nhiều thanh niên người Thái, Tày Mường đã hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc, hy sinh anh dũng góp phần to lớn cùng quân, dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam.
Ghi nhận những chiến công, đóng góp, cống hiến to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang thị trấn Nghĩa Lộ (nay là thị xã Nghĩa Lộ).
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cách mạng nước ta chuyển sang một giai đoạn mới, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh vì hòa bình thống nhất Tổ quốc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ tập trung sức phát triển kinh tế - văn hóa, củng cố xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang, đẩy mạnh công tác quốc phòng toàn dân, tiếp tục đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược mới của đế quốc Mỹ. Với khẩu hiệu “Tay cày, tay súng” quân và dân Nghĩa Lộ đã chiến đấu dũng cảm chống lại các trận ném bom phá hoại của máy bay Mỹ vào thị xã, bắn cháy 1 máy bay phản lực của Mỹ, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta; hàng ngàn thanh niên Nghĩa Lộ đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần làm nên chiến thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cùng cả nước đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
(Bài viết sử dụng tài liệu trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái)
12271 lượt xem
Ban Biên tập
Nghĩa Lộ là một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng thuộc vùng cửa ngõ phía Đông đi vào vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Là một địa danh không những có truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc đậm nét mà còn có truyền thống yêu nước và cách mạng. Tiêu biểu là cuộc chiến đấu chống giặc Cờ Vàng do thủ lĩnh Cầm Hánh đứng đầu và cuộc kháng chiến chống Pháp do Tuần phủ Nguyễn Quang Bích lãnh đạo cùng các nghĩa quân đã lấy Nghĩa Lộ - Mường Lò làm căn cứ chiến đấu, anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược vào những năm cuối thế kỷ XIX. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, xác định Nghĩa Lộ có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực miền núi Tây Bắc, thực dân Pháp đã tăng cường lực lượng chiếm đóng, đẩy mạnh xây dựng bộ máy cai trị tay sai của chúng ở vùng đất này. Đến tháng 10/1947, sau khi hoàn thành đánh chiếm lại Nghĩa Lộ (lần 2), thực dân Pháp đã khôi phục ngay hệ thống cai trị của chúng, xây dựng Nghĩa Lộ trở thành phân khu quân sự mạnh nhất trong 4 phân khu của địch án ngữ cửa ngõ phía Đông vùng Tây Bắc. Phân khu Nghĩa Lộ gồm 4 tiểu khu là Nghĩa Lộ, Ba Khe, Gia Hội, Thanh Uyên; Tiểu khu Nghĩa Lộ là nơi đặt sở chỉ huy phân khu của địch có hệ thống đồn bốt dày đặc, sân bay, hầm ngầm kiên cố, với cứ điểm Nghĩa Lộ phố và cứ điểm Pú Chạng (Nghĩa Lộ đồi) bao quát thung lũng Mường Lò với gần 1000 quân chiếm giữ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Yên Bái, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không làm nô lệ”. Đảng bộ huyện Văn Chấn đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ - Văn Chấn nhất tề đứng dậy đi theo Đảng, Bác Hồ xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở khắp vùng thấp, vùng cao trong huyện.
Trong bối cảnh đó, đầu tháng 10/1951, bộ đội chủ lực của ta đã mở chiến dịch Lý Thường Kiệt. Từ ngày 1/10 đến đêm 9/10 quân ta liên tiếp tấn công địch ở Bản Tủ, Đồn Nghĩa Lộ và Đồn Cửa Nhì, làm cho địch tổn thất rất nặng nề. Bộ đội ta đã tiêu diệt và bắt sống gần 2 tiểu đoàn địch, thu nhiều vũ khí quân trang, quân dụng; mở rộng vùng địch hậu, nối lại các cơ sở từ Ca Vịnh, Ba Khe vào Nghĩa Lộ.
Đầu năm 1952 cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn mới, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc, với quyết tâm tiêu diệt địch, giải phóng Tây Bắc, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giữ vững đường giao thông quốc tế Lào - Vân Nam (Trung Quốc), tạo điều kiện phát triển cách mạng Lào. Đợt một sẽ tập trung binh lực tiêu diệt địch ở phân khu Nghĩa Lộ, giải phóng Nghĩa Lộ; đợt hai sẽ nhanh chóng tiến sang Sơn La, cô lập làm rối loạn hậu phương của địch.
Ngay từ tháng 5/1952 quân và dân Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Yên Bái đã tập trung chuẩn bị mọi mặt để phối hợp chuẩn bị chiến dịch; dân quân, du kích cùng bộ đội địa phương đã dẫn đường đưa quân báo của Đại đoàn 308 vào vùng địch khảo sát nắm bắt tình hình; bảo vệ an toàn các con đường từ vùng tự do vào Nghĩa Lộ.
Theo kế hoạch của Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Bắc, được sự giúp đỡ của nhân dân vùng tự do Yên Bái, Mậu A, Trấn Yên đã huy động nhiều thuyền bè, mảng, tổ chức nhiều bến vượt sông đưa bộ đội vào vị trí chiến đấu an toàn.
Trung đoàn 88, 102, Đại đoàn 308 - Đại đoàn quân chủ lực đầu tiên của quân đội ta, từ bến vượt theo đường Đại Bục, Khau Vác vào vị trí xuất phát tấn công Nghĩa Lộ; Trung đoàn 36 - Đại đoàn 308 từ bến vượt qua đèo Bụt tiến sát Cửa Nhì. Trung đoàn 209, 165 - Đại đoàn 312 bao vây Gia Hội. Trung đoàn 141 - Đại đoàn 312 vào Sài Lương chuẩn bị chiến đấu.
Ngày 14/10/1952, chiến dịch Tây Bắc bắt đầu. Để tạo thế và lực cho mũi tiến công chính vào các cứ điểm kiên cố của phân khu Nghĩa Lộ, trung đoàn 141 (đại đoàn 316) tiến công vị trí Sài Lương, Trung đoàn 174 (đại đoàn 316) tiến công đồn Ca Vịnh. Địch vội vàng rút quân khỏi các đồn Thượng Bằng La, Ba Khe về cứu nguy cho Nghĩa Lộ.
17 giờ 5 phút ngày 17/10, bộ đội ta bắt đầu tiến công vào cứ điểm Nghĩa Lộ. Trung đoàn 102 - Đại đoàn 308 tiến công cứ điểm Pú Chạng (tức Nghĩa Lộ đồi) - Nơi đặt sở chỉ huy phân khu của địch. Sau hơn 3 giờ chiến đấu ác liệt, quân ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm này, tiêu diệt và bắt sống 400 tên địch, trong đó có tên quan tư Ti-ri-ông, chỉ huy trưởng phân khu, thu toàn bộ vũ khí quân trang, quân dụng.
3 giờ 5 phút sáng ngày 18/10, trung đoàn 88 - Đại đoàn 308 nổ súng tiến công cứ điểm Nghĩa Lộ phố. Địch dựa vào hầm ngầm, lô cốt kiên cố điên cuồng chống cự nhưng với sức tiến công mạnh mẽ, áp đảo chỉ sau 2 giờ 20 phút chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 280 tên địch, thu nhiều vũ khí chiến lợi phẩm. 5 giờ 30 phút ngày 18/10, sau 12 giờ chiến đấu ác liệt hai cứ điểm kiên cố nhất của phân khu Nghĩa Lộ đã bị xóa sổ. Đêm 18/10/1952, quân ta tiếp tục tiến công vị trí Cửa Nhì, tiêu diệt và bắt sống gần 250 tên địch. Bọn địch ở Gia Hội vội rút lên Tú Lệ và tháo chạy sang Sơn La, bộ đội sư đoàn 312 bám sát truy kích địch, tiêu diệt và bắt giữ gần 400 tên. Nghĩa Lộ và các xã trong huyện Văn Chấn được hoàn toàn giải phóng.
Chiến dịch Tây Bắc mở màn thắng lợi, Nghĩa Lộ, Văn Chấn và tỉnh Yên Bái được giải phóng hoàn toàn khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Chiến thắng Nghĩa Lộ có ý nghĩa hết sức to lớn: Đã đập tan mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ sông Đà của địch, mở thông đường vào Tây Bắc, nối liền với căn cứ địa Việt Bắc; làm tiền đề thuận lợi cho các chiến dịch tiếp theo; tạo thế và lực cho trận quyết chiến, quyết thắng ở Điện Biên Phủ sau này.
Chiến thắng Nghĩa Lộ là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sức mạnh cả về ý chí, tinh thần và vật chất của một dân tộc khát khao độc lập, tự do, không cam chịu nô lệ. Chiến thắng Nghĩa Lộ là một mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn nói riêng. Từ đây nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ và tỉnh Yên Bái được giải phóng khỏi ách kìm kẹp của chế độ thực dân bao đời nay, làm thất bại âm mưu của địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; Chiến thắng Nghĩa Lộ một sự kiện có ý nghĩa về chính trị, xã hội, quân sự, ảnh hưởng sâu rộng trong toàn tỉnh Yên Bái và các vùng lân cận.
Sau ngày quê hương được giải phóng, nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ đã phát huy truyền thống đoàn kết, khẩn trương bắt tay vào khôi phục, xây dựng, ổn định cuộc sống mới. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể được củng cố kịp thời lãnh đạo nhân dân thực hiện giảm tô, cải cách ruộng đất, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố xây dựng lực lượng vũ trang, đánh bại âm mưu gây phỉ, bạo động của địch, củng cố vững chắc vùng giải phóng, tiếp tục đóng góp to lớn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Văn Chấn, nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ đã hăng hái đi dân công tham gia mở đường 13A; vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm qua đèo Lũng Lô phục vụ chiến dịch, nhiều thanh niên người Thái, Tày Mường đã hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc, hy sinh anh dũng góp phần to lớn cùng quân, dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam.
Ghi nhận những chiến công, đóng góp, cống hiến to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang thị trấn Nghĩa Lộ (nay là thị xã Nghĩa Lộ).
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cách mạng nước ta chuyển sang một giai đoạn mới, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh vì hòa bình thống nhất Tổ quốc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ tập trung sức phát triển kinh tế - văn hóa, củng cố xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang, đẩy mạnh công tác quốc phòng toàn dân, tiếp tục đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược mới của đế quốc Mỹ. Với khẩu hiệu “Tay cày, tay súng” quân và dân Nghĩa Lộ đã chiến đấu dũng cảm chống lại các trận ném bom phá hoại của máy bay Mỹ vào thị xã, bắn cháy 1 máy bay phản lực của Mỹ, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta; hàng ngàn thanh niên Nghĩa Lộ đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần làm nên chiến thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cùng cả nước đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
(Bài viết sử dụng tài liệu trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái)