Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> An ninh - Quốc phòng

Kinh nghiệm giữ rừng ở Nậm Khắt

20/04/2016 15:42:36 Xem cỡ chữ Google
Mỗi bản có một chòi canh gác rừng. Mỗi ca trực gác và đi tuần có từ 2 đến 3 hộ tham gia với thời gian từ 1 ngày đến 2 ngày.

Lực lượng đoàn viên thanh niên huyện Mù Cang Chải làm đường băng cản lửa.

Xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) giáp ranh với nhiều địa phương có diện tích rừng lớn với nguy cơ xảy ra cháy rừng cao như các xã: Púng Luông, Chế Tạo (Mù Cang Chải), Nậm Búng (Văn Chấn) và Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) nên công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được Đảng ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm và coi là nhiệm vụ hàng đầu.

Xã Nậm Khắt có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn với tổng diện tích 6.584,18 ha; trong đó, rừng tự nhiên phòng hộ 3.230,5 ha, rừng đặc dụng 1.226,3 ha, rừng trồng phòng hộ 1.179,2 ha, rừng tự nhiên sản xuất 358,18 ha, rừng trồng sản xuất 563 ha.

Để giữ được tài nguyên rừng, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo thành lập 9 tổ xung kích PCCCR tại 9 bản, mỗi tổ có từ 6 đến 7 người, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhân dân cư trú trên địa bàn làm tốt công tác bảo vệ rừng (BVR).

Hàng tháng, Ban chỉ huy PCCCR xã, đại diện Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện và cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn cùng với các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức giao ban, chỉ đạo thực hiện các phương án tác chiến và bàn giao nhiệm vụ cụ thể theo từng giai đoạn cho các tổ.

Xã đã tích cực tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chỉ thị của UBND tỉnh, huyện về công tác PCCCR và quản lý, BVR đến với nhân dân. Cấp ủy Đảng, chính quyền xã luôn phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, thường xuyên nhắc nhở các chủ rừng sửa chữa và làm mới các tuyến   đường băng cản lửa.

Các khu rừng trọng điểm như: Tà Sua, Háng La - điểm giáp ranh với xã Ngọc Chiến, Chỏm Mỏ - nơi giáp ranh với xã Púng Luông và khu vực Xua Lông thuộc bản Xua Lông… đều được chính quyền xã đặc biệt quan tâm lưu ý. Nếu xảy ra cháy rừng tại bản Hua Khắt thì các bản lân cận như: Nậm Khắt, Páo Khắt và Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã phải huy động kịp thời 180 người ra ứng cứu ban đầu, còn nếu xảy ra cháy rừng thuộc khu vực bản Cáng Dông thì các bản Páo Khắt, Lả Khắt và Ban CHQS xã phải huy động ngay 150 người ra ứng cứu.

Phương án này đều được áp dụng cho tất cả các bản trên địa bàn. Trường hợp xảy ra cháy lớn với cường độ mạnh, xã huy động lực lượng của toàn xã và các xã lân cận đến tham gia cứu chữa.

Ông Chang Thế Sửu - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết: “Xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường lực lượng phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện chuẩn bị tinh thần sẵn sàng ứng cứu ở cấp báo động nguy hiểm. Đồng thời, tổ chức tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề với các xã giáp ranh để trao đổi, bàn bạc phương án tác chiến trong công tác quản lý, BVR để khi cần thiết có thể huy động lực lượng kịp thời”. 

Với nhiệm vụ của mình, thời gian qua, Ban chỉ huy PCCCR xã đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền BVR, trong đó Ban Văn hoá xã tổ chức truyền thanh liên tục trên loa về công tác BVR ở các địa phương để giúp người dân nắm bắt được tình hình ở từng khu rừng trọng điểm.

Ban Công an, Ban CHQS xã, Đoàn Thanh niên và các tổ PCCCR ở bản cùng với nhân dân chuẩn bị tốt phương tiện cần thiết để sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng. Còn với nông dân, Ban chỉ huy PCCCR xã đã quán triệt không được đốt nương trong giờ nắng nóng, lúc có gió thổi mạnh.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho bà con nông dân sản xuất kịp thời vụ, Ban chỉ huy PCCCR đã tổ chức hướng dẫn bà con cách đốt nương vào những buổi sáng sớm trong khoảng thời gian từ 7 đến 8 giờ và buổi chiều sau 5 giờ.

Trước khi đốt nương phải làm đường băng cản lửa và có người canh gác cẩn thận. Nương rẫy chỉ được làm ở những khu vực đã được quy định cho phép sản xuất, nếu ai cố tình xâm lấn vào rừng thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đến bản Làng Minh - một bản nằm cách trung tâm xã gần chục cây số - nơi có nhiều rừng tự nhiên phòng hộ, bà con nơi đây đã thực hiện tốt công tác BVR.

Ông Giàng A Phùa cho hay: “Bà con đã chuẩn bị đầy đủ mọi phương tiện khi cần thiết nếu như có lửa lan vào rừng. Rừng là nguồn sống, rừng điều hoà môi trường, tạo ra không khí trong lành, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt và cho gỗ làm nhà; đặc biệt, cây sơn tra đã góp phần cải thiện đời sống nên chúng tôi luôn thực hiện tốt công tác BVR”.

Các bản Xua Lông, Làng Sang, Pú Cang… có diện tích rừng tự nhiên phòng hộ, rừng tái sinh, rừng lau lách thường dễ xảy ra cháy rừng. Các tổ PCCCR của các bản này đã tổ chức tuần tra, canh gác thường xuyên trong giờ cao điểm.

Ông Trần Quang Trung - Trạm phó Trạm Kiểm lâm khu II, kiêm nhiệm công tác phụ trách địa bàn xã Nậm Khắt cho hay: “Việc giữ rừng ở đây được tổ chức rất khoa học, mỗi bản có một chòi canh gác rừng. Mỗi ca trực gác và đi tuần có từ 2 đến 3 hộ tham gia với thời gian từ 1 ngày đến 2 ngày. Sau mỗi ca trực đều có sổ ký kết bàn giao công việc, các hộ dân trong bản thay phiên nhau canh trực lần lượt theo vòng tròn”.

Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay, Nậm Khắt chưa có vụ cháy rừng lớn nào xảy ra. Hiện nay, xã đang tiếp tục duy trì lực lượng trông coi, BVR và phát huy tính hiệu quả của phương án tác chiến đã đề ra.

 

1231 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h