Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng
chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và ban chỉ huy các huyện, thị xã, thành
phố, đêm ngày 21 rạng sáng ngày 22/4, mưa to kèm theo dông lốc xảy ra trên diện
rộng làm ảnh hưởng đến nhà, tài sản và cây trồng, vật nuôi. Theo thống kê sơ bộ
của huyện Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Mù Cang Chải và thành
phố Yên Bái, tính đến 14 giờ 00 ngày 22/4/2016 có 1.730 nhà bị thiệt hại và
12,2 ha lúa, 46,2 ha ngô, 14 ha rừng keo, bồ đề bị ảnh hưởng (gẫy, đổ), 2 con
trâu bị sét đánh chết; thiệt hại về cơ sở vật chất khác gồm: 4 cơ sở trường
học, 4 nhà văn hoá thôn bị tốc mái.
Dự báo thời tiết tiếp tục chịu ảnh hưởng
của áp cao lục địa tiếp tục suy yếu, lệch Đông và hội tụ gió trên cao duy trì
trên khu vực Bắc Bộ nên các khu vực trong tỉnh đêm 22 và sáng 23/4 vẫn tiếp tục
xảy ra mưa dông (đề phòng sét đánh trong cơn dông).
Để chủ động đối phó mưa to, dông lốc ảnh
hưởng đến sản xuất, tài sản của nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
yêu cầu các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai -
Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; chủ tịch ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố;
các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Theo dõi chặt chẽ diến biến thời tiết.
Hướng dẫn, thông báo đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động có
phương án phòng ngừa, hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng do mưa bão gây ra.
2. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ,
cứu nạn để ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
3. Thống kê mức độ thiệt hại về nhà, cây
trồng, vật nuôi và các công trình, vật kiến trúc khác; tổ chức lực lượng, các
đoàn công tác thăm hỏi động viên và hỗ trợ kịp thời theo quy định để giúp người
dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra ổn định đời sống và sản xuất.
4. Tổ chức trực ban, chủ động nắm bắt tình
hình và báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống
thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
hướng dẫn các địa phương kế hoạch khôi phục sản xuất bằng các giống cây trồng
hợp lý; chỉ đạo cán bộ thuộc ngành trực tiếp xuống cơ sở cùng các địa phương
khắc phục sản xuất kịp thời.
6. Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương sử
dụng nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của Nhà
nước.
7. Các ngành thành viên Ban chỉ huy Phòng,
chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao
phối hợp với các địa phương để hỗ trợ, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai,
khắc phục hậu quả kịp thời.
Nhận được Công điện này, yêu cầu các sở,
ngành; chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ
chức, cá nhân liên quan thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện này.
Công điện số 10/CĐ-UBND