Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Một số điểm lưu ý khi vận động bầu cử

12/05/2016 10:23:00 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và có hiệu lực từ ngày 01/9/2015.

Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Bầu cử là một thể chế dân chủ đã có từ lâu. Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân tổ chức ra nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử nhân dân góp phần tham gia xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu, động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, nhà nước và nhân dân. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu đại biểu dân cử là người đại diện cho ý chí, tâm tư, nguyện vọng và quyền làm chủ của cử tri.

Trong hoạt động dân cử luôn gắn liền với hoạt động tiếp xúc cử tri. Riêng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thì việc tiếp xúc cử tri là rất cần thiết và đặc biệt quan trọng. Bởi đây là lần đầu tiên người ứng cử và cử tri được gặp mặt và đối thoại trực tiếp với nhau, lần đầu tiên người ứng cử trình bày với cử tri nội dung chương trình hành động và lời hứa của mình trước cử tri nếu trúng cử. Chính vì vậy, tạo ấn tượng tốt với cử tri là điều cần thiết đối với người ứng cử, đây cũng là điều kiện để các ứng cử viên vận động bầu cử, thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình đồng thời tại cuộc tiếp xúc với cử tri, người ứng cử không chỉ trình bày chương trình hành động của mình mà qua đây người ứng cử còn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thẳng thắn chia sẻ với cử tri, người ứng cử phải hiểu dân cần gì, nghĩ gì và kỳ vọng vào các đại biểu như thế nào trước thực tiễn cuộc sống đang đặt ra.

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì quy trình vận động bầu cử là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong quá trình bầu cử. Theo Luật về nguyên tắc vận động bầu cử cần phải đảm bảo những nội dung sau: (Điều 63 )

1. Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

2. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.

 3. Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

4. Về thời gian tiến hành vận động bầu cử: Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (Điều 64)

Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức sau đây (Điều 65):

1. Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử theo quy định tại Điều 66 của Luật này;

2. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng (Điều 67)

Người ứng cử đại biểu Quốc hội trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trình bày vớicử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban bầu cử (nếu có).

Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử (Điều 68):

1. Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.

2. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.

3. Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.

4. Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Để chuẩn bị cho việc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, các ứng cử viên nên tìm hiểu trước thông tin liên quan đến hội nghị tiếp xúc cử tri. Việc tìm hiểu trước này nhằm giúp cho người ứng cử chuẩn bị kỹ về tâm lý đồng thời tránh sự thiếu sót và mất tự tin khi tiếp xúc với cứ tri. Cùng với việc chuẩn bị về tâm lý người ứng cử nên chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho chương trình hành động của mình nên làm gì, nói gì để tạo ấn tượng nhất và đủ sức thuyết phục với cử tri. Đặc biệt ứng cử viên nên lưu ý có những điều chỉnh nhất định về chương trình hành động của mình cho phù hợp với tình hình địa phương nơi mình ứng cử. Cùng với đó người ứng cử nên đưa ra chương trình hành động ngắn gọn, súc tích, nhằm chuyển tải tới cử tri những thông điệp cốt lõi nhất, chương trình hành động phải bám sát vào thực tiễn đồng thời phải thể hiện rõ sự hiểu biết về những vấn đề chung. Vì đây là một trong những công cụ hiệu quả giúp cho người ứng cử đạt được mục tiêu thuyết phục  để cử tri bầu cho mình và trở thành đại biểu dân cử

783 lượt xem
Vân Anh

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h