Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2016): Nơi có Bác giữa miền ban trắng

19/05/2016 08:17:46 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ngắm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những hình ảnh thu được từ flycam, ở giữa lòng thị xã tươi mới sôi động hòa nhịp dòng chảy hội nhập là một không gian xanh tĩnh tại, thể hiện sự tôn nghiêm, trang trọng với vườn cây ăn trái, ao cá lăn tăn gợn sóng, nếp nhà sàn thấp thoáng, khuôn viên xanh… tái hiện cuộc sống thanh bạch, giản dị, gần gũi của Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Hơn 30 năm hình thành và phát triển, qua nhiều giai đoạn tôn tạo, xây dựng mới nhiều công trình, Khu tưởng niệm Bác Hồ ở thị xã Nghĩa Lộ luôn là nơi để đồng bào địa phương gửi gắm nỗi nhớ thương, lòng thành kính biết ơn đối với Bác mỗi khi tìm về.

Xuất phát từ tâm nguyện muốn được bày tỏ lòng biết ơn, lòng thành kính lên Người, đồng thời muốn có thêm điều kiện tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, ngày 02/7/1982, nhân dân các dân tộc địa phương đã nô nức tham gia lễ khởi công xây dựng công trình Vườn quả Bác Hồ với 2 hạng mục đầu tiên là vườn cây ăn trái và nhà sàn Bác Hồ. Với phương châm "ai có công góp công, ai có của góp của", với tinh thần trách nhiệm cao, lòng nhiệt thành và hơn cả là tấm lòng kính yêu Bác vô hạn, chỉ sau 14 tháng khởi công xây dựng từ 2,8 ha đất cằn cỗi, nhiều sỏi đá, lớp lớp cán bộ, học sinh, nhân dân các dân tộc đã đóng góp hàng ngàn ngày công … kiên trì nhặt sỏi đá, cải tạo đất và trồng thành vườn cây ăn quả Bác Hồ. Đồng bào đã đóng góp gỗ quý để làm nhà sàn cho Bác. Ngày 03/9/1983, vườn quả Bác Hồ được khánh thành đã đáp ứng phần nào nguyện vọng thiết thực của đồng bào. Đến năm 1985, nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhật Bác, Huyện ủy Văn Chấn đã phê duyệt Dự án xây dựng Ao cá Bác Hồ và huy động nhân dân cùng chung sức, chung lòng tham gia xây dựng công trình. Đến khi hoàn thành, nhân dân đã đóng góp hàng ngàn ngày công lao động cùng nhiều vật liệu. Niềm vui lớn nhất là mong ước của đồng bào đã trở thành hiện thực. Từ đây một không gian xanh với vườn cây ăn quả, ao cá, nếp nhà sàn tái hiện cuộc sống thanh tao, giản dị của Bác lúc sinh thời ở giữa lòng chảo lớn thứ nhì Tây Bắc đã được hoàn thiện thỏa nỗi nhớ mong của đồng bào các dân tộc miền núi phía Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc.

Ngay từ những ngày đầu mới xây dựng, xác định tầm quan trọng của công trình đối với đời sống tâm linh của người dân nơi đây nên chỉ tiêu xây dựng và phát triển phải gắn với giữ gìn không gian văn hóa và môi trường sinh thái trong Khu tưởng niệm luôn đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó thị xã cũng chú trọng thể hiện nét giao thoa giữa bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương như Thái, Mường, Tày, Mông, Dao…với đặc thù vùng miền để tạo nên một thiết chế mang đậm nét văn hóa Mường Lò Tây Bắc. Vì vậy mà xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn tu bổ, Khu tưởng niệm Bác ngày càng khang trang, hiện đại hơn nhưng vẫn đảm bảo không gian tái hiện cuộc sống quen thuộc của Bác lúc sinh gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch địa phương… để nơi đây thực sự là nơi lưu giữ những hình ảnh rất đỗi gần gũi của Bác khi đang cho cá ăn, chăm sóc vườn cây ăn quả hay đang lo việc nước trên nếp nhà sàn, thỏa nỗi nhớ Người của đồng bào các dân tộc phía Tây của Tổ quốc..

Với khuôn viên rộng 2,8 ha, công trình gồm 3 hạng mục chính là vườn cây ăn quả, ao cá và nhà sàn Bác Hồ. Vườn cây ăn quả có diện tích bao quanh Khu tưởng niệm, thời gian đầu cây ăn quả chủ yếu là do nhân dân đem đến trồng và chăm sóc, sau đó được chính quyền địa phương đầu tư, đơn vị đã liên hệ với Viện Nông nghiệp sưu tầm nhiều giống cây ăn quả quý hiếm từ mọi miền của Tổ quốc. Được cán bộ và nhân dân chăm sóc, vườn cây ăn quả đã phát triển thành một khu vườn xanh mướt, đa chủng loại, đa sắc màu cho năng suất, chất lượng cao; Ao cá Bác Hồ được xây dựng theo hình bản đồ huyện Văn Chấn (Khi đó thị xã Nghĩa Lộ là thị trấn Nghĩa Lộ thuộc huyện Văn Chấn) để ghi dấu sự đóng góp của nhân dân địa phương vào việc xây dựng công trình. Ao cá được tu sửa nạo vét, nới rộng, xây be nhiều lần, đầu tư thả nhiều loại cá giống như Mè, Trắm, Chép, Rô, Bống Tượng, Chuối…; Nhà sàn Bác Hồ được xây dựng mô phỏng chiếc nhà sàn nơi Bác sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội và làm bằng gỗ quý do nhân dân địa phương hiến tặng. Sau đó, được sự đầu tư của Nhà nước, nhà sàn được nâng cấp thành nhà sàn bê tông cốt thép ốp gỗ quý để đảm bảo sự bền vững của công trình. Đồng thời nâng cấp các con đường đi lại trong khuôn viên; xây mới hệ thống nhà trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhà trưng bày hiện vật dân tộc, hội trường đa năng, nhà làm việc… theo hướng hiện đại hóa, nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền thân thể, sự nghiệp hoạt động cách mạng, tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác trong giai đoạn mới; phục vụ các hoạt động giao lưu, gặp mặt, hội nghị, mít tinh, các lễ kết nạp đảng, đoàn, đội… Từ đây, Khu tưởng niệm Bác có diện mạo mới hiện đại, khang trang, phát huy tốt hơn hiệu quả tuyên truyền. Vườn cây ăn quả thu hẹp ở phạm vi cảnh quan. Mặc dù diện mạo thay đổi nhưng công trình vẫn đảm bảo được không gian tái hiện cuộc sống của Bác lúc sinh thời, vẫn mướt xanh vườn cây ăn trái, ao cá lăn tăn gợn sóng, nếp nhà sàn quen thuộc, cây vú sữa, cây dừa tỏa bóng mát… hình bóng quen thuộc của Bác luôn hiện hữu trong mỗi ký ức của đồng bào khi bước chân vào nơi đây.

Góp phần xây dựng thành công thị xã văn hóa, để giữ gìn môi trường sinh thái, Khu tưởng niệm đã chủ động và thường xuyên phối hợp với các trường học, tích cực tổ chức nhiều hoạt động đa dạng nhằm thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tuyên truyền đến từng nhà trường, từng đối tượng học sinh giáo dục ý thức bảo vệ, giữ gìn, quảng bá các di tích lịch sử, công trình tưởng niệm của địa phương mình, giữ gìn vệ sinh khuôn viên các thiết chế văn hóa. Hàng tuần các trường học phân công học sinh đến vệ sinh, dọn dẹp khuôn viên, chăm sóc vườn cây, ao cá, vườn hoa cây cảnh… đảm bảo Khu tưởng niệm Bác luôn xanh, sạch, đẹp. Các hoạt động có ý nghĩa đó đã trở thành thói quen, thành nét đẹp của các thế hệ học sinh trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ.

Có thể khẳng định rằng, “Nơi có Bác giữa miền ban trắng” luôn là công trình thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", lòng biết ơn vô hạn của đồng bào các dân tộc Văn Chấn - Nghĩa Lộ - Yên Bái đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Thực sự là địa chỉ đỏ trong việc tuyên truyền, giáo dục về thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong khu vực, nhất là thế hệ trẻ.

530 lượt xem
Phạm Thị Duyên/Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h