Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Di tích đồn Đại Lịch, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

13/08/2019 07:33:15 Xem cỡ chữ Google
Ngày 21/5/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 536/QĐ-UBND công nhận Di tích đồn Đại Lịch, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Lễ đón nhận Bằng Di tích cấp tỉnh đồn cổ Đại Lịch

  

1. Tên Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa đồn Đại Lịch, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

2. Loại hình Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

3. Quyết định công bố Di tích

Quyết định số 536/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận Di tích đồn Đại Lịch, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Địa điểm  Di tích

Di tích đồn Đại Lịch nằm trên đỉnh đồi Khe Gà, thôn Bằng Là, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn. Đồn có độ cao 338,5m, xung quanh là những khe núi cao hiểm trở với những ruộng lúa của dân cư xung quanh đã che chở cho đồn khi có địch tấn công.

5. Sơ lược lịch sử Di tích

Từ những ngày đầu xây dựng, đồn chỉ thuần túy là một thiết chế hành chính lỵ sở huyện Văn Chấn thời Minh Mạng thứ 19. Sau khi cuộc kháng chiến chống giặc "Cờ Vàng" của Cầm Hánh và cuộc kháng chiến chống Pháp của Nguyễn Quang Bích, Lãnh Năm, Lãnh Tế, đồn đã trở thành căn cứ quân sự vững chắc để xây dựng lực lượng và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Với truyền thống yêu nước, đoàn kết, kiên cường, anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm của quân và dân xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn đã diễn ra tại đồn Đại Lịch với rất nhiều sự kiện lịch sử và kỳ tích quan trọng. Ngay từ những năm 1258, xã Đại Lịch đã có dân binh tham gia chiến đấu dưới sự chỉ huy của anh em Hà Bổng - Hà Chương chống quân Nguyên - Mông. Sau khi tiến đánh ra miền Bắc và chiếm Hà Nội, năm 1885 thực dân Pháp đánh chiếm lên vùng Tây Bắc và chiếm đóng Yên Bái, nhân dân xã Đại Lịch dưới sự chỉ huy của Tuần phủ Nguyễn Quang Bích chiến đấu trong suốt 7 năm (1885-1892). Dưới sự chỉ huy của 2 lãnh binh Phạm Đình Tế (Lãnh Tế), Phạm Đình Thọ (Lãnh Năm) đã chiến đấu kiên cường chống ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước.

Đến tháng 7 năm 1888, Pháp tổ chức tấn công vào Văn Chấn - Nghĩa Lộ nhưng bị thất bại thảm hại, phải rút lui. Hai tháng sau, Pháp tiếp tục tiến đánh Văn Chấn - Nghĩa Lộ bằng 2 đường: mũi thứ nhất, gồm 400 quân do Bô xê chỉ huy từ Ngòi Hút tiến vào Văn Chấn - Nghĩa Lộ. Mũi thứ 2 gồm 384 quân do Bác giê chỉ huy từ Ngòi Lao tiến vào Nghĩa Lộ. Trên đường tiến quân, Pháp bị chặn đánh ở nhiều đoạn đường hẻm núi cao hiểm trở, lực lượng địch thiệt hại nặng. Các toán quân do Phạm Đình Tế, Phạm Đình Thọ chỉ huy đã phối hợp với lãnh binh Lý tấn công quân Pháp ở Đại Lịch, làng Vần, làng Dọc và Đèo Gò, Khe Thắc nằm trên Đèo Ách, làm cho âm mưu của Pháp đánh chiếm Nghĩa Lộ thất bại.

Ngày 3/7/1945, Thanh niên trung kiên xã Đại Lịch tập trung tại sân trường Thanh Bồng, khi quân giải phóng từ Vần - Hiền Lương đến lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, đồng bào hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh. Như vậy, Đại Lịch là xã đầu tiên của huyện Văn Chấn giành được chính quyền cách mạng. Sáng ngày 4/7/1945, thanh niên trung kiên cùng nhân dân tiến ra Mỵ phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo, thu 12 súng của lính khố xanh. Trong những năm 1947-1950, Pháp trở lại và thiết lập đồn tại Đại Lịch nhưng với sự chiến đấu dũng cảm của đội du kích Đại Lịch và nhân dân Đại Lịch chúng đã thất bại âm mưu này.

Từ tháng 10/1947 đến tháng 5/1950, du kích Đại Lịch đã đánh 29 trận, tiêu diệt 5 lính Pháp, 25 tên lính ngụy, làm bị thương 40 tên, thu 6 súng trường, 2 khẩu súng máy và nhiều đạn dược cùng các gia súc khác. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, nhân dân Đại Lịch tiếp tục đưa con em lên đường vào Nam đánh Mỹ, đóng góp hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, cùng quân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước.

Di tích Đồn Đại Lịch hiện vẫn còn khá rõ các dấu vết của một cấu trúc đồn lũy phòng thủ như: rìa núi được bạt thành vách đất dựng đứng để bảo vệ đồn trú quân trên đỉnh đồi; có đường hào xoắn ốc đi vòng quanh đồi lên nơi đồn trú; hình  dạng của khu chứa nước sinh hoạt, bãi luyện quân và đường cơ động quân qua đèo Khau Bút sang huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ).

Đồn Đại Lịch đã trở thành một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự vận dụng sáng tạo tài tình của cha ông ta trong việc xây đắp các công trình quân sự. Việc xếp hạng di tích sẽ góp phần trong việc giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, là địa chỉ về nguồn của lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau để có dịp ôn lại truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta. Với ý nghĩa lịch sử đó, di tích đồn Đại Lịch, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

  

3725 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h