Với chủ
trương đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với chế
biến, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, huyện Văn Chấn đã và đang triển khai
nhiều cơ chế, chính sách để tập trung phát triển các cây trồng chủ lực.
Các sản phẩm từ chè, lúa và cam, quýt đang ngày càng khẳng định vị thế trên thị
trường, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo nguồn thu bền vững
cho nông dân.
Những
ngày này, cánh đồng Mường Lò rợp sắc vàng của lúa chín, tranh thủ tiết trời
thuận lợi, bà con nông dân tấp nập ra đồng thu hoạch lúa để kịp làm đất, tra
mạ, gieo cấy vụ mùa. Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn huyện phấn khởi: “Vụ này, lúa được mùa, bông nhiều hạt và chắc,
ước tính cũng phải đạt 60 tạ/ha. Bà con nông dân phấn khởi lắm”.
Nói
đoạn, ông chỉ tay về phía cánh đồng trước mặt, cho biết: “Khu vực này Phù Nham,
khu vực kia Thanh Lương, Thạch Lương, rồi cả Sơn A, Hạnh Sơn, thị trấn Nông
trường Nghĩa Lộ đã được huyện quy hoạch vào vùng lúa hàng hóa. Nếu tính tất cả
các xã ở cánh đồng Mường Lò thì diện tích vùng lúa hàng hóa phải trên 2.000 ha.
Huyện cũng đã tập trung đầu tư, phát triển vùng lúa đặc sản, chất lượng cao tại
khu vực cánh đồng Mường Lò, Tú Lệ”.
Theo
thống kê, đến năm 2015, sản lượng lương thực có hạt của huyện Văn Chấn đã vượt
ngưỡng 62 nghìn tấn, tăng 7.466 tấn so với năm 2010; lương thực bình quân đầu
người đạt 412 kg/năm (tăng 35 kg so với năm 2010), riêng lúa gạo đạt 43.408
tấn; trong đó, sản lượng từ các giống lúa thuần, chất lượng cao tăng lên đáng
kể với gần 24 nghìn tấn, chiếm hơn 56%.
Cùng
với lúa thì chè, một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của
huyện cũng đang bước vào vụ mới. Trên khắp các vùng chè trọng điểm từ Tân
Thịnh, Sơn Thịnh cho đến thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường
Liên Sơn đâu cũng một màu xanh. Hiện, toàn huyện có trên 4.900 ha chè với sản
lượng chè búp tươi bình quân khoảng 45.000 tấn/năm, chiếm 50% sản lượng chè của
toàn tỉnh.
Ngoài
ra, huyện cũng thu hút 67 doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến chè với sản
lượng 18 nghìn tấn chè thương phẩm.
Để nâng
cao giá trị kinh tế cây chủ lực này, huyện đã dần hình thành vùng chè nguyên
liệu chuyên canh ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ và thị trấn Nông trường Liên
Sơn. Đồng thời, huyện xây dựng, bảo tồn và phát triển trên 400 ha chè Shan
tuyết cổ thụ Suối Giàng gắn với xây dựng nhãn hiệu “Chè Suối Giàng”. Đặc biệt,
trong 5 năm gần đây, toàn huyện đã cải tạo trên 1.500 ha chè bằng các giống có
năng suất, chất lượng cao.
Ngoài
ra, thời gian qua, huyện cũng tập trung phát triển vùng cây ăn quả có múi tập
trung, nhất là cây cam, quýt. Nhân dân các xã như Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng
Bằng La và thị trấn Nông trường Trần Phú đã không ngừng áp dụng tiến bộ khoa
học kỹ thuật để xây dựng vùng cây ăn quả hàng hóa với các đặc sản như: cam
Đường Canh, cam sành, cam chanh. Đến nay, diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt
hơn 2.000 ha với năng suất trung bình 11,5 - 12 tấn/ha mỗi năm, sản lượng đạt
trên 12.000 tấn. Giá trị cao và khả năng tiêu thụ tương đối ổn định nên cam,
quýt được coi là một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập khá cho
nhiều hộ gia đình.
Các cây
chủ lực trong sản xuất nông, lâm nghiệp được tập trung phát triển đã tạo ra
những bước tiến mới, giúp kinh tế huyện Văn Chấn có chuyển biến mạnh mẽ. Trên
địa bàn huyện đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, giúp
người nông dân thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng, thực tế những năm
qua, các sản phẩm nông sản của huyện vẫn chật vật tìm chỗ đứng, do vậy, giá trị
thấp, thị trường bấp bênh. Như hiện nay, chè đã vào vụ nhưng sản xuất cầm
chừng, dè dặt; cây lúa và cam, quýt vẫn lòng vòng với bài toán xây dựng thương
hiệu…
Để nâng
cao giá trị sản phẩm gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trước mắt, huyện
tập trung duy trì bền vững và mở rộng các vùng nguyên liệu, đưa vào các giống
mới năng suất, chất lượng cao; đồng thời, tiến tới xây dựng thương hiệu cho các
sản phẩm.
Cụ thể,
đến năm 2020, huyện phấn đấu mở rộng diện tích chè lên 5.330 ha; trong đó, tập
trung phát triển các vùng chè theo hướng bền vững, an toàn bằng cách áp dụng
các biện pháp tiến bộ kỹ thuật; cải tạo các giống chè già cỗi; sử dụng thuốc
bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và thu hái đúng phẩm cấp.
Đặc
biệt, huyện tiếp tục thực hiện Dự án phát triển vùng chè Shan tuyết xã Suối
Giàng gắn với bảo vệ, quảng bá thương hiệu “Chè Suối Giàng”. Đối với vùng cây
ăn quả có múi, hiện huyện triển khai Đề án “Phát triển vùng cam, quýt các xã,
thị trấn vùng ngoài của huyện, giai đoạn 2016 - 2020”.
Theo
đó, huyện sẽ hỗ trợ các xã, thị trấn vùng ngoài mở rộng, trồng mới 1.455 ha
cam, quýt, hình thành vùng trồng cây ăn quả có múi toàn huyện với tổng diện
tích trên 2.500 ha, nâng sản lượng quả tươi lên 15.000 - 20.000 tấn mỗi năm,
tổng thu nhập đạt 300 tỷ đồng/năm. Huyện cũng sẽ tập trung nghiên cứu, thu hút
đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả tươi từ các cây ăn quả có múi này. Từ
đó tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu, quảng bá và
xây dựng thương hiệu sản phẩm “Cam Văn Chấn”.
Đối với
vùng cánh đồng Mường Lò, huyện chủ trương phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa
chất lượng cao diện tích 900 ha gắn với công nghiệp chế biến lúa gạo chất lượng
cao và quảng bá sản phẩm “Gạo Mường Lò”.
Ngoài
ra, tại các xã vùng cao thượng huyện, Văn Chấn tập trung thực hiện Dự án phát
triển vùng lúa đặc sản 100 ha tại cánh đồng xã Tú Lệ. Bên cạnh thu hút đầu tư
và tiếp tục đầu tư toàn diện vào 3 vùng nguyên liệu, gắn với công nghiệp chế
biến, huyện cũng tập trung củng cố và nâng cao chất lượng của các tổ hợp tác và
hợp tác xã; quan tâm phát triển kinh tế tư nhân; phát triển các mối liên kết
chặt chẽ giữa nông hộ với doanh nghiệp… nhằm giải quyết ổn định đầu ra nông sản
cho nhân dân, tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu, tăng thu nhập cho nông
dân.
Theo Báo Yên Bái