Trong những năm qua, huyện Trấn Yên đã thực
hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, tạo điều kiện để
người dân mở rộng quy mô, hình thành các cơ sở chăn nuôi theo hướng gia trại,
trang trại có đầu tư lớn về cơ sở vật chất, con giống và ứng dụng kỹ thuật chuyên
sâu, rút ngắn chu kỳ sản xuất, nâng cao giá trị và hiệu quả ngành chăn nuôi. Từ
đó đã giúp cho nhiều hộ nông dân ngày càng giàu lên nhờ chăn nuôi quy mô lớn.
Là một trong những hộ chăn nuôi lợn lâu năm
trên địa bàn xã Báo Đáp nhưng phải đến năm 2010, được nhận hỗ trợ từ chính sách
phát triển chăn nuôi của Nhà nước, gia đình bà Đào Thị Mai ở thôn Đồng Sâm mới
quyết định chuyển hướng làm ăn từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn.
Bà Đào Thị Mai - thôn Đồng Sâm, xã Báo Đáp phấn
khởi nói: “Được hỗ trợ 30 triệu đồng cùng với nguồn vốn sẵn có, gia đình bà đã
đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Nhờ
đó, gia đình đã tăng số lượng đàn lợn lên 100 con/lứa và 10 lợn nái. Mỗi năm trang
trại chăn nuôi của gia đình xuất chuồng trên dưới 15 tấn lợn thịt, trừ chi phí
thu nhập trên 100 triệu đồng”.
Trước đây, người chăn nuôi do thiếu vốn,
thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, chuồng trại chưa được đầu tư bài bản và chủ
yếu là giống địa phương nên hiệu quả kinh tế không cao, gây ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, việc chuyển sang quy mô chăn nuôi hàng hóa là hướng đi phù hợp với
nhiều hộ nông dân, phần lớn các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn đều ứng dụng những tiến
bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đầu tư: con giống, thức ăn, chuồng trại,
hệ thống xử lý chất thải bằng bioga… hạn chế dịch bệnh, tăng lợi nhuận cho
người chăn nuôi.
Đơn cử như ở thôn 3 thị trấn Cổ Phúc hiện
nay đang phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi gia cầm với quy mô tập trung.
Nhờ triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nên chỉ
trong 3 năm trở lại đây đã có hơn chục cơ sở thành lập mới với quy mô ít nhất
là 1.000 con/lứa. Từ đây, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu với thu nhập
hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Một trong những giải pháp để chăn nuôi hàng
hóa phát triển là huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo
thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm
và vận động nhân dân hưởng ứng; lựa chọn các hộ có đủ điều kiện thực hiện bảo
đảm tiêu chí của dự án như khả năng về vốn sản xuất, bảo đảm nhân công, có kiến
thức, kinh nghiệm chăn nuôi, có đất đai để xây dựng trang trại; tăng cường tập
huấn khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho người nông dân.
Đặc biệt, sau khi được chuyển giao khoa học
kỹ thuật, nhiều nông dân đã chủ động học hỏi, tìm tòi và phát triển nhiều mô
hình chăn nuôi các giống đặc sản như ba ba, thỏ, lợn lai lợn rừng… bước đầu đã
mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, ở Trấn Yên đã có hàng chục mô
hình nuôi thỏ quy mô từ 1.000 con/lứa trở lên. Đây là một hướng đi mới, phù hợp
điều kiện của địa phương, mặt khác, chuồng trại trong nuôi thỏ khá đơn giản,
không tốn nhiều diện tích, chi phí đầu tư không lớn, khả năng quay vòng vốn
nhanh. Một ưu điểm nữa là thỏ khá dễ nuôi, ít bệnh dịch. Ông Bùi Quốc Trị - thôn
Bảo Long, xã Bảo Hưng chia sẻ: “Sau khi trừ chi phí đầu tư, 1 con thỏ thương
phẩm cho thu lãi 120.000 đồng. Như vậy, với 1.000 con thỏ thương phẩm thì người
chăn nuôi thu về không dưới 100 triệu đồng”.
Với mục tiêu đưa chăn nuôi thành ngành kinh
tế mũi nhọn những năm qua, huyện Trấn Yên đã có nhiều chính sách thúc đẩy chăn
nuôi tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản
xuất hàng hóa. Cùng với đó từng bước cải thiện nâng cao chất lượng con giống
đưa con giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào sử dụng. Nhờ đó, chăn nuôi
hàng hóa đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ chăn nuôi
hàng hóa đã trở thành đòn bẩy để chăn nuôi quy mô tập trung của huyện Trấn Yên
phát triển. Hiện toàn huyện có 216 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, trong đó, có 134
cơ sở nuôi lợn thịt quy mô 100 con/lứa, 45 cơ sở nuôi lợn nái quy mô từ 15 con/cơ
sở và 37 cơ sở chăn nuôi gà, quy mô 1.000 con/lứa trở lên. Chăn nuôi trang trại
theo hướng hàng hóa đã góp phần giải quyết công ăn việc làm tăng thu nhập cho
người chăn nuôi.
Việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo
hướng hàng hoá đang phát huy hiệu quả tốt ở Trấn Yên góp phần quan trọng xoá
đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Vui - Phó Trưởng Phòng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn Trấn Yên khẳng định: “Thời gian tới, huyện tiếp
tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi tập
trung quy mô lớn theo hướng chăn nuôi hàng hóa; tiếp tục thay đổi tập quán chăn
nuôi nhỏ lẻ tự cung, tự cấp sang phát triển chăn nuôi quy mô tập trung. Đồng
thời, làm tốt dự báo về thị trường cho người chăn nuôi; kết hợp với các doanh
nghiệp đứng ra cung cấp giống chất lượng cũng như bao tiêu sản phẩm cho nông
dân.