Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Văn hóa phi vật thể quốc gia >> Văn hóa - Xã hội

Lễ mừng cơm mới của người Mông tỉnh Yên Bái

30/11/2023 11:04:20 Xem cỡ chữ Google
Ngày 09/03/2021, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-BVHTTDL công nhận “Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái” là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

I. Tên gọi của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

1. Tên thường gọi: Nào máo xaz (Lễ mừng cơm mới).

2. Tên gọi khác: Lễ cúng cơm mới.

II. Loại hình

1. Lễ mừng cơm mới của dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái được xếp vào loại hình “Tập quán xã hội”.

2. Nghi lễ nông nghiệp truyền thống.

III. Quyết định công bố Di sản văn hóa phi vật thể

Quyết định số 824/QĐ-BVHTTDL ngày 09/03/2021 của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch chứng nhận “Lễ mừng cơm mới”  của người Mông huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

(Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao chứng nhận “Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái” là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia)

 

IV. Địa điểm phân bố Di sản

Huyện Mù Cang Chải nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái, cách trung tâm tỉnh Yên Bái 185km. Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ mừng cơm mới” của người Mông huyện Mù Cang Chải được phân bố 40 xã của 5 huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên và Trấn Yên.

Tại huyện Mù Cang Chải di sản văn hóa phi vật thể Lễ mừng cơm mới phân bố ở 14 xã thị trấn: Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Cao Phạ, Chế Cu Nha, Chế Tạo, Hồ Bốn, Khao Mang, Kim Nọi, Lao Chải, Mồ Dề, Nậm Có, Nậm Khắt, Púng Luông, thị trấn Mù Cang Chải.

V. Chủ thể văn hóa

Cộng đồng người Mông ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

VI. Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

1. Quá trình ra đời và tồn tại của di sản

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao, nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, diện tích tự nhiên là 1.200,96 km2; phía Bắc giáp huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai; phía Tây giáp huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu; phía Nam giáp huyện Mường La, tỉnh Sơn La; phía Đông giáp huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Hiện nay, huyện Mù Cang Chải gồm 14 xã, thị trấn: Kim Nọi; Hồ Bốn; Chế Tạo; Khao Mang; Dế Su Phình; Chế Cu Nha; Cao Phạ; Púng Luông; Nậm Khắt; Mồ Dề; Nậm Có; La Pán Tẩn và Lao Chải và thị trấn Mù Cang Chải. Dân số 66.970 người (theo niên giám thống kê năm 2022).

Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, toàn tỉnh Yên Bái có 107.049 người Mông (chiếm 13,03% dân số toàn tỉnh). Dân tộc Mông sống tập trung đông nhất tại các huyện: Mù Cang Chải (57.179 người); Trạm Tấu (26.570 người); Văn Chấn (13.353 người); Văn Yên (6.349 người); Trấn Yên (2.330 người) và rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại. Huyện Mù Cang Chải đồng bào Mông cư trú ở 14/14 xã, thị trấn, với  57.179 người, chiếm hơn 91% là dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Thái (4%), Kinh (4%) và các dân tộc khác. Tiếng Mông thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao trong ngữ hệ Nam Á.

Theo các cụ già kể lại, khi người Mông từ Bắc Hà, Sa Pa, Lào Cai di cư đến sinh sống lập bản, lập làng đầu tiên ở Mù Cang Chải là Lồng Cống, Lồng Mù. Nhóm người Mông đầu tiên đến đây thuộc các họ Vàng, Thào,  Giàng,  Sùng, Cứ, Hồ, Hảng, Mùa, Lý, Phàng, Lầu… Trong đó họ Giàng là đông nhất. Người Mông Mù Cang Chải vẫn coi “Lồng Cống”, “Lồng Mù”(Lùng cúng) là vùng đất tổ. Khi chết, trong bài hát chỉ đường phải dẫn linh hồn về vùng đất này và từ đó mới được về trời. Lồng Cống theo tiếng Mông gọi là Taz Suaz có nghĩa là vùng đất rộng bằng phẳng nay thuộc hai bản Lùng Cúng và bản Phình Ngài. Lồng Mù theo tiếng Mông gọi là Tuas Moong có nghĩa là khu vực phía dưới của vùng đất rộng bằng phẳng (lồng cống) nay là thuộc địa phận xã Tùa Mông huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu giáp ranh với xã Lao Chải huyện Mù Cang Chải, trước kia là địa danh liền kề khi chưa phân địa giới hành chính.

Người Mông ở Mù Cang Chải được chia làm 4 nhóm: Mông hoa (Mông Lềnh), Mông đỏ (Mông si), Mông trắng (Mông đơ), Mông đen (Mông đu). Sự phân biệt giữa các nhóm Mông chủ yếu dựa vào trang, y phục của phụ nữ và đặc điểm của ngôn ngữ. Mông Hoa là nhóm đông nhất, chiếm trên 60% dân số, tập trung ở các xã Cao Phạ, Nậm Khắt, Nậm Có, Púng Luông, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Mồ Dề. Tiếp đến là Mông Đỏ chiếm 30% dân số, sống xen kẽ với người Mông Hoa ở các xã Kim Nọi, Mồ Dề, Chế Tạo, Khao Mang, Lao Chải, Hồ Bốn. Nhóm Mông Đen sống ở các xã: Nậm Có, Khao Mang, Lao Chải. Nhóm Mông Trắng có số lượng ít nhất sống ở một số bản của xã Hồ Bốn.

Địa bàn cư trú của người Mông thường ở những sườn núi cao từ 800 - 1.700m, địa hình hiểm trở, có độ dốc cao, vùng đầu nguồn, khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước sản xuất, giao thông đi lại khó khăn. Với đặc điểm cư trú như vậy nên người Mông nguồn sống chính là làm nương rẫy và trồng lúa nước trên ruộng bậc thang.

Người Mông di cư đến vùng đất Mù Cang Chải sinh sống, do địa hình núi cao nên không trồng được lúa nước. Để giải quyết nhu cầu về lương thực người Mông đã biết khắc phục bất lợi do địa hình đồi núi dốc, tạo ra các thửa ruộng có cùng độ dốc theo đường đồng mức, tiếp nối nhau từ trên xuống rất thuận lợi cho việc canh tác, trồng lúa nước và được truyền nối từ đời trước sang đời sau. Phương thức canh tác đó đã tạo thành những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ trên những triền đồi dốc. Ruộng bậc thang là một loại hình trung gian, kết hợp giữa hai phương thức canh tác ruộng nước và canh tác nương rẫy.

Cuộc sống của đồng bào Mông gắn chặt với rừng núi, với nương rẫy, với những thửa ruộng bậc thang. Trong điều kiện địa hình đồi núi dốc, bị chia cắt bởi các khe suối, vực sâu; phương thức canh tác lạc hậu, thiên nhiên khắc nghiệt, mưa bão, lũ lụt gây thiệt hại về con người và mùa màng. Vì vậy, tạo cho cuộc sống của đồng bào bấp bênh, luôn luôn lo sợ trước thiên nhiên. Bên cạnh đó, đồng bào Mông có quan niệm “vạn vật hữu linh”, họ cho rằng mọi sự việc, hiện tượng (sấm sét, mưa, bão, lũ lụt...), vạn vật (nương rẫy, sông suối, cây cỏ, cây lúa, nhà cửa...) đều có linh hồn, ma quỷ, thần linh ngự trị, trông coi. Nhất là quan niệm về thế giới của người chết, tất cả những điều đó đã làm cho con người nhỏ bé, không an tâm. Cũng vì vậy, họ luôn mong ước có một cuộc sống an lành, no đủ.

Ruộng Bậc thang đã được đồng bào khai thác hết từ này qua đời khác không chỉ đem lại mùa vàng no đủ mà còn góp phần hình thành rất nhiều sinh hoạt văn hóa lễ hội gắn với sản phẩm nông nghiệp.  Những nghi lễ nông nghiệp gắn với chu kỳ cây trồng đặc biệt quan trọng trong đời sống của người Mông. Cây lúa là loại cây trồng được người Mông rất coi trọng trong đời sống tín ngưỡng. Đó cũng chính là lý do đồng bào Mông ở Mù Cang Chải tổ chức “Lễ mừng cơm mới” một nghi lễ nông nghiệp truyền thống.

Hằng năm, khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch, khi các vạt lúa nương chuyển sang đỏ đuôi báo hiệu mùa thu hoạch tới, các gia đình trong bản bắt đầu gặt lúa để tổ chức Lễ mừng cơm mới. Lễ mừng cơm mới là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Mông, thể hiện sự kính trọng, biết ơn của con cháu với thần linh, tổ tiên, ông bà. Đây cũng là hình thức báo công của gia chủ sau một năm làm ăn cực nhọc, vất vả và cầu khấn thần linh, ông bà, tổ tiên phù hộ cho gia đình quanh năm mưa thuận gió hòa, tránh được bệnh dịch, gia đình có vụ mùa bội thu, cả năm no đủ, mọi người khỏe mạnh.  Người Mông có quan niệm, mang những cụm lúa mới từ ruộng nương về nhà là rước “hồn lúa mới” từ trên nương, ruộng của gia đình về nhà. Việc cúng cơm mới còn là việc “gọi hồn của lúa mới”. Đây là thành quả lao động tốt đẹp nhất, lễ vật thành kính nhất của mỗi gia đình chuẩn bị để dâng lên các vị thần linh và tổ tiên trong ngày Lễ cúng cơm mới.  Lễ mừng cơm mới còn thể hiện vai trò của người đàn ông Mông trong gia đình. Vì khi chưa làm lễ mừng cơm mới thì ông chủ nhà tuyệt đối không được ăn cơm mới, uống rượu thóc mới. Đây là tục lệ mà bất cứ người đàn ông, con trai nào trong gia đình cũng phải biết để cúng mời thần linh, tổ tiên về ăn cơm mới.

Lễ mừng cơm mới của dân tộc Mông Mù Cang Chải là một nghi thức nông nghiệp vừa chứa đựng ý nghĩa tâm linh sâu sắc, vừa mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Mông. Đây là nghi lễ, là nhu cầu tâm linh của đồng bào trước vòng quay của mùa vụ, một nghi lễ được tổ chức để gửi lời cảm ơn Tổ tiên - những người đã "vất vả" suốt cả mùa vụ “trông nom" ruộng nương cho con cháu và cảm ơn trời đất đã phù hộ cho mùa màng bội thu và cầu mong cho vụ mùa mới mưa thuận gió hòa, tránh được dịch bệnh, gia đình có được vụ mùa tốt tươi, cả năm no đủ, khỏe mạnh... Đây là một nghi thức rất quan trọng trong phong tục, tập quán và nếp văn hóa riêng của tộc người Mông. Họ coi đây là sự thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên và thần linh. Người Mông quan niệm nếu không mời thần linh, tổ tiên về ăn cơm mới thì năm đó sẽ làm ăn không thuận lợi, không may mắn, thành viên trong gia đình đau ốm, mùa màng bị phá hoại cây lúa không tươi tốt.

2. Quy mô, phạm vi của di sản

Lễ mừng cơm mới của người Mông được tổ chức với quy mô gia đình, dòng họ nên không phụ thuộc vào ngày nào nhất định trong năm. Việc cúng lễ cũng không có quy định riêng mà tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Tuy là lễ mang tính gia đình nhưng có sự tham gia của họ hàng, đại diện các gia đình trong bản, trong xã cùng tham dự vui vẻ sau một năm lao động vất vả. Đây cũng là dịp các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Vì thế, dù công việc có bận rộn đến đâu thì mọi thành viên trong gia đình đều cố gắng sắp xếp để về sum vầy ăn cơm mới cùng gia đình để thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên và trời đất.

Lễ vật cúng thường là các món ăn chế biến từ thịt lợn, thịt gà và đặc biệt phải có cơm gạo mới thu hoạch, rượu nấu từ lúa mới. Sau khi làm lễ cúng thì gia đình mới chính thức được ăn cơm mới, nhất là chủ nhà (người đàn ông là chủ trong gia đình) sau lễ này mới chính thức được ăn cơm mới và uống rượu mới.

Trong những năm gần đây, Lễ mừng cơm mới của dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải ngoài việc các gia đình, dòng họ tổ chức nay đã được tổ chức với quy mô cấp xã nhằm tạ ơn trời đất, thần linh, động viên nhân dân tích cực lao động sản xuất, bảo vệ di tích, thắng cảnh quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mùa Cang Chải, phát triển du lịch, thu hút khách du lịch đến với Mù Cang Chải nhiều hơn.

3. Hình thức biểu hiện và quy trình thực hành

Lễ mừng cơm mới của dân tộc Mông được biểu hiện dưới dạng chuẩn mực phong tục-tập quán xã hội. Tập quán phải là thói quen được hình thành, thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Cụ thể là tập quán xã hội-nghi lễ nông nghiệp truyền thống; là sản phẩm của quá trình lao động sản xuất, tích lũy, chắt lọc các kinh nghiệm trong đời sống và sinh hoạt xã hội, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, vì vậy tồn tại, phát triển lâu bền trong đời sống xã hội, gần gũi với lối sống và tâm lý của đồng bào Mông và các thành viên trong cộng đồng. Là kết quả của quá trình hình thành và phát triển lâu dài trong đời sống xã hội của cộng đồng dân tộc Mông được truyền từ đời này sang đời khác chủ yếu thông qua thực hành xã hội, được đúc kết, sàng lọc qua nhiều thế hệ, thể hiện nếp sống, nét văn hóa riêng, luôn gắn bó mật thiết với các điều kiện thực tiễn, phù hợp với điều kiện thực tiễn. do vậy, nhìn chung tập quán thường mang tính ổn định và khó thay đổi.

* Công tác chuẩn bị Lễ mừng cơm mới

Ngày tổ chức cơm mới được thầy cúng chọn ngày đẹp nhất trong khoảng thời gian lúa chín. Chọn ngày cúng cơm mới tùy vào từng gia đình, ngày tốt là ngày không trùng với ngày kiêng kỵ của gia đình là tổ chức được.

- Chủ lễ (thầy cúng): Chủ lễ thường là ông chủ trong gia đình. Nếu ông chủ trong gia đình thành thạo thì lễ cúng kéo dài, ông chủ chưa thành thạo thì lễ cúng ngắn vì chưa biết nói bài khấn dài.

- Thành phần tham gia: Gồm có gia đình dòng họ hai bên nội ngoại của gia chủ và những người thân quen, bạn bè hàng xóm, bản làng, trong xã của gia đình.

- Chuẩn bị lễ vật:

+ Thịt lợn: Để chuẩn bị Lễ mừng cơm mới, các gia đình thường nuôi lợn từ đầu năm. Những con lợn nuôi để làm lễ phải là những con lợn béo tốt, trọng lượng khoảng từ 25-30 kg (nếu những gia đình có kinh tế khá, đông anh em họ hàng, mời nhiều khách thì có thể mổ con lợn to hơn. Nếu gia đình khó khăn lễ cúng cơm mới chỉ mổ gà). Thịt lợn vừa làm lễ vật cúng thần linh, tổ tiên vừa chế biến các món ăn để gia đình và mời khách ăn mừng cơm mới.

+ Thịt gà: Trong mâm cúng cơm mới của người Mông có thể có cả thịt lợn và thịt gà (hoặc chỉ có thịt lợn hoặc chỉ có thịt gà, tùy điều kiện của từng gia đình). Người Mông ở xã Dế Xu Phình đồng bào dùng cả thịt lợn và thịt gà để cúng cơm mới. Gà cúng cơm mới là những con gà béo, dáng đẹp, lông mượt, đuôi dài. Nếu là gà trống thì phải là con gà đã biết gáy.

+ Rượu: Rượu cúng trong Lễ mừng cơm mới là rượu nấu bằng thóc. Theo quan niệm của người Mông, khi làm lễ cúng cơm mới thì rượu dâng cúng thần linh, tổ tiên phải là rượu thóc truyền thống của dân tộc Mông và do chính ông chủ gia đình chuẩn bị và tự nấu.

+ Gạo: Là nguyên liệu chính, quan trọng nhất trong mâm cúng cơm mới của người Mông. Để có gạo mới dùng để nấu cơm trong mâm cúng cần phải trải qua rất nhiều công đoạn:

Gặt lúa: Để chuẩn bị cho công việc gặt lúa, gia chủ lựa chọn thửa ruộng có những bông lúa chín đều nhất, hạt mẩy căng tròn, không bị sâu bọ để gặt về làm cơm cúng. Sau khi chọn được thửa ruộng lúa tốt, ưng ý, gia chủ sẽ chọn ngày để gặt lúa. Bà chủ nhà là người chịu trách nhiệm chính trong việc gặt lúa. Khi gặt lúa bà chủ nhà là người gặt đầu tiên, tiếp theo là những người phụ nữ khác trong gia đình hoặc gia đình nhờ gặt lúa. Thóc mang về để nấu cơm cúng phải đầy một Lù cở. Khi thóc đầy lù cở thì tách hạt ngay tại ruộng, tách hạt xong bà chủ nhà mang về trước, còn lại mọi người tiếp tục gặt hoặc không gặt nữa phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của gia đình. Lượng lúa gặt về làm lễ cúng cơm mới tùy thuộc vào nhu cầu của gia đình và số lượng khách được gia đình mời dự lễ.

Tách hạt: Sau khi gặt xong đồng bào tiến hành tách hạt ngay tại ruộng để thuận lợi cho vận chuyển về nhà. Quá trình tách hạt khá đơn giản; dụng cụ đập lúa là chiếc néo gồm hai thanh gỗ dài 40cm, có đường kính 3cm. Hai thanh gỗ này được buộc so le với nhau bằng một đoạn dây da dài 20cm, chiếc nọ lệch chiếc kia 10cm. Khi đập, bó lúa được kẹp vào 2 đoạn gỗ và sợi dây da có tác dụng giữ chặt bó lúa. Lúa được đập vào thành máng để tách hạt ra khỏi bông. Máng làm bằng gỗ (thường là gỗ lim), hai đầu máng có hai tấm phên nhỏ để khi đập lúa không bắn ra ngoài. Lúa đập xong người ta đựng trong lù cở, rồi đứng trên ghế cao đổ từng ít xuống để lợi dụng sức gió thổi bay những hạt lép ra ngoài, còn hạt mẩy nặng rơi xuống tấm bạt, sau đó đổ vào lù cở để mang về nhà. Khi đã mang thóc về nhà, bà chủ nhà để lù cở đựng thóc ở chân cột chính gian giữa nhà (Thần cột nhà “Bùa đăngz”). Theo quan niệm của người Mông mang lúa mới về đặt ở cột chính với mục đích báo với “Thần cột nhà” biết về công việc gia chủ đã làm là đã mang “hồn lúa mới” từ ruộng nương về nhà để “Thần cột nhà” biết, giữ gìn và bảo vệ “hồn lúa mới”.

Xao sấy thóc khô: Thóc mới tách hạt còn tươi nên gia đình phải dùng chảo để xao cho thóc khô. Thời gian xao khoảng 30 phút. Quá trình xao thóc khô cũng rất cẩn thận, lửa đun phải vừa phải, không quá to cũng không quá nhỏ; tay phải đảo đều cho thóc khô đều, cứ đảo như vậy cho đến khi thóc khô là được. Nếu lửa không đều hoặc không đảo liên tục thì lúa khô không đều, dễ bị cháy, hoặc hạt khô hạt vẫn còn ướt. Xao rang cho đến khi thóc khô đều thì lấy ra cho vào cối để xay. Nếu để quá hạt thóc sẽ nở, nấu cơm hạt cơm sẽ không ngon. Trong bữa ăn hàng ngày người Mông không bao giờ phải rang thóc chỉ trong Lễ cúng cơm mới đồng bào mới xao rang thóc. Theo quan niệm của người Mông, gạo dùng để làm lễ cúng phải làm thật kỹ và có mùi thơm. Như vậy mới thể hiện lòng biết ơn của con cháu với thần linh, ông bà, tổ tiên. + Tách vỏ (chóng xa): Quá trình tách chấu có hai công đoạn “xay thóc và sàng gạo”. Xay thóc (ruê blề): Thóc sau khi đã rang khô cho vào cối đá để xay cho bong vỏ thóc ra. Cối đá dùng để xay thóc có cấu tạo khá đơn giản. Gồm 2 thớt đá được làm bằng đá nguyên khối, đục đẽo thủ công. Phần mặt thớt đá đặt chồng lên nhau thì được đục lồi lõm tạo nên các rãnh như răng cưa để khi xay khớp nhau. Còn máng cối làm bằng gỗ chắc (thường là gỗ lim), là bộ phận được hứng ở bên dưới không cho gạo chảy xuống cột. Cột dài hơn 1m, rộng tay quay trên 2m được treo bởi 1 sợi dây bền chắc, có thể chuyển động trong khuôn khổ khi quay một đầu của tay quay gắn cài với mặt trên của cối đá. Xay thóc phải cần hai người, người đẩy càng cối và người bỏ thóc vào cối. Để bong hết trấu, người ta phải xay hai lần. Người xay cũng phải khéo léo để hạt gạo không bị vỡ, gạo vỡ nấu cơm sẽ bị nát, không ngon. Sàng gạo: khi thóc xay xong, bà chủ nhà dùng sàng để sàng sẩy cho hết những trấu. Sàng gạo sạch đến đâu lại cho vào gùi để đặt vào chân cột nhà chính (Thần cột nhà “Bùa đăngz”). Tất cả các khâu chuẩn bị gạo để cho Lễ cúng cơm mới đều do bà chủ nhà đảm nhận.

- Những quy định trong Lễ mừng cơm mới: Lễ mừng cơm mới là nghi lễ nông nghiệp gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Mông. Lễ mừng cơm mới với mong muốn báo cáo với thần linh, tổ tiên và những người đã khuất về kết quả vụ mùa trong năm qua và mong thần linh, tổ tiên phù hộ cho vụ mới gặp nhiều may mắn nên cũng có những quy định:

+ Thứ nhất: Nếu gia đình chưa tổ chức Lễ cúng cơm mới thì gia đình, nhất là ông chủ nhà chưa được ăn cơm mới, uống rượu thóc mới.

+ Thứ hai: Trong Lễ cúng cơm mới, phải là người đàn ông ngồi trước mâm cúng tiến hành các nghi thức cúng truyền thống.

+ Thứ ba: Chọn giờ cúng cơm mới cũng phải giờ đẹp. Cúng trước 12 giờ hoặc sau 12 giờ trưa, vì theo quan niệm của đồng bào 12 giờ là giờ ma, nếu cúng cơm mới sẽ không gặp may mắn.

+ Thứ tư: Khi chế biến thịt gà, thịt lợn phải làm ở gian giữa thờ Xử Cang (Thần tài), nơi linh thiêng nhất của gia đình, không được làm ở ngoài. Lễ vật dâng lên dù sống hay đã chế biến cũng phải được mang lên trình ở gian giữa, kiêng để bên ngoài.

+ Thứ năm: Trong suốt quá trình Lễ mừng cơm mới, tất cả các công việc, từ gặt lúa đến xay xát, nấu cơm đều do bà chủ nhà làm. Anh em họ hàng phụ giúp, không được để người ngoài làm những công việc chính.

+ Thứ sáu: Thóc sau khi tách hạt xong phải gùi thẳng từ ruộng về nhà đặt ở chân cột chính (Thần cột nhà “Bùa đăngz”), không để nơi khác.

+Thứ bảy: Khi cúng xong, ăn cơm thì các mâm cũng phải có quy định riêng. Mâm ăn của gia chủ và những người già được đặt ở gian giữa gần bàn thờ Xử cang, kế tiếp là các mâm khác.

* Tiến trình thực hành Lễ mừng cơm mới 

Từ sáng sớm gia chủ đã dậy để chuẩn bị cho mâm cúng. Ông chủ nhà phân việc cho mọi người trong gia đình và những người đến giúp. Ông chủ nhà và những người đàn ông làm công việc mổ lợn, mổ gà và chế biến các món. Còn bà chủ nhà và những người phụ nữ chịu trách nhiệm nấu cơm mới. Công việc đầu tiên của những người đàn ông là mổ lợn, mổ gà. Khi giết mổ lợn, gà thì phải mang vào làm ở gian chính giữa nhà (gian có bàn thờ xử cang) và ông chủ nhà là người trực tiếp cắt tiết lợn gà. Theo quan niệm của người Mông, gian chính giữa nhà là nơi linh thiêng nhất, những lễ vật dùng để dâng cúng thần linh, tổ tiên phải được giết mổ tại đây để cho tổ tiên và ma nhà chứng kiến lòng thành của con cháu. Sau khi cắt tiết xong mọi người lại mang ra ngoài để mổ và chế biến.

Những người phụ nữ làm công việc nấu cơm cúng. Bà chủ nhà là người trực tiếp lấy gạo đặt ở chân cột chính (Thần cột nhà “Bùa đăngz”) để chuẩn bị và nấu cơm mới. Lượng gạo để nấu cơm tùy thuộc vào số lượng người của gia đình và khách được mời đến dự. Người Mông nấu cơm cúng cơm mới cũng rất kỳ công, theo các bước như sau:

- Bước 1 (nấu gạo qua nước sôi): Dùng chảo gang to để đun nước, khi nước trong chảo sôi lăn tăn thì đổ gạo vào, đun tiếp khoảng 15 phút, đến khi nước sôi thì bà chủ nhà lấy đũa quấy đều, sau đó lấy gáo múc gạo ra rá để ráo nước (theo kinh nghiệm của người Mông, nấu cơm mới như vậy hạt gạo sẽ trắng hơn, thơm hơn).

- Bước 2 (xôi cơm): Bà chủ đặt giữa chảo một chiếc chõ (chu mõ) rồi đổ gạo vừa nấu qua nước sôi vào chõ và cho nước vào chảo đun sôi nước, hơi bốc lên làm chín gạo. Khi xôi chín cơm, bà chủ nhà múc ra một cái nồi nhỏ (hoặc âu, liễn) để cúng thần linh, tổ tiên. Nếu chưa cúng xong, không ai được ăn cơm mới (kể cả nếm thử), nhất là ông chủ nhà. Người Mông có quan niệm, cơm mới chưa cúng để mời tổ tiên và các ma nhà thì không ai được ăn. Nếu ăn trước tổ tiên, ma nhà sẽ cho là vô lễ, bị tổ tiên, ma nhà phạt.

-  Mâm cúng cơm mới gồm có: Một nồi cơm gạo mới (vừa múc từ chõ ra), trong nồi cơm cắm nhiều chiếc thìa nhỏ (tương ứng với những người trong gia đình đã khuất); một bát thịt lợn, một bát thịt gà; một bát canh; bốn chén rượu. Mâm cúng đặt trên một cái bàn gỗ rộng khoảng 1m2, ở gian chính giữa nhà, trước bàn thờ “Xử cang-thần nhà”, xung quanh đặt các ghế nhỏ (tương ứng với số người trong gia đình đã qua đời) để mời tổ tiên, những người đã khuất về ngồi. Khi mâm cúng đã chuẩn bị xong, thầy cúng đốt một nắm hương để cắm vào bàn thờ (xuw cangz), cột nhà chính (cu dề đangz), bếp lò (khaor txul), cửa chính (khao trôngxxx plangl), cửa phụ (khao trôngxx plangl), bếp lửa (khaor chuz). Cắm hương vào hết các vị trí trong nhà, thầy cúng bắt đầu thực hành các nghi lễ.

Trình tự Lễ cúng cơm mới theo thứ tự như sau:

- Mở đầu Lễ cúng cơm mới, thầy cúng mời Tổ tiên về dự cơm mới (theo tín ngưỡng người Mông chỉ thờ cúng 3 đời): Thầy cúng rót rượu vào chén, tay phải xúc một thìa cơm, tay trái cầm miếng thịt và bắt đầu cúng với nội dung mời Tổ tiên, ông bà về ăn cơm mới cùng với gia đình như sau: Bài cúng được dịch sang nghĩa Tiếng Việt “Hôm nay là ngày tốt, gia đình làm lễ cúng cơm mới, tôi nấu cơm chín, thịt chín, tôi chưa ăn, tôi mời Tổ tiên, ông bà về ăn trước, tôi ăn sau. Gia đình cảm ơn Tổ tiên, ông bà đã bảo vệ, đem lại may mắn cho mọi người trong gia đình, cả nhà mạnh khoẻ, không bị ốm đau, cây lúa tốt tươi, gia súc không bị dịch bệnh. Tổ tiên, ông bà về ăn cơm mới. Con cầu mong Tổ tiên, ông bà bảo vệ tài sản, tiền của, con cái, mùa màng, hoa mầu, đuổi tà ma, mọi thứ không tốt ra ngoài, đuổi chuột, đuổi gián ra hết ruộng nương. Mùa sau tôi làm được ăn, được uống, tôi lại mời ông bà về”.  Kết thúc bài cúng mời Tổ tiên, ông ba thầy cúng đổ thìa cơm ra bàn, đặt miếng thịt lên, rồi múc một thìa canh chan lên, lấy chén rượu rót xung quanh với ý nghĩa: Tổ tiên, ông bà chứng giám lòng thành và cùng ăn cơm mới với gia đình.

- Thầy cúng lại tiếp tục mời bố mẹ, các anh em (những người trong gia đình đã khuất) về ăn cơm mới như sau: Bài cúng được dịch sang nghĩa Tiếng Việt “Hôm nay là ngày tốt, gia đình làm lễ cúng cơm mới, tôi nấu cơm chín, thịt chín, tôi chưa ăn, tôi mời bố mẹ, cô chú, anh em về ăn trước, tôi ăn sau. Bố mẹ, cô chú, anh em về ăn cơm mới, bảo vệ tài sản, tiền của, con cái, mùa màng, hoa mầu, đuổi tà ma, mọi thứ không tốt ra ngoài, đuổi chuột đuổi gián ra hết ruộng nương. Mùa sau tôi làm được ăn, được uống, tôi lại mời bố mẹ, cô chú, anh em về ăn cơm mới”. Kết thúc bài cúng, thầy cúng lại đổ thìa cơm lên bàn, đặt miếng thịt và chan thìa canh lên, rót rượu xung quanh với ý nghĩa: Mời Tổ tiên, bố mẹ, cô chú, anh em về ăn cơm mới và chứng giám lòng thành của con cháu đối với bố mẹ, anh em.

- Mời hết Tổ tiên và những người đã khuất về ăn cơm mới, thầy cúng lại thay mặt gia chủ mời các ma nhà về dự lễ mừng cơm mới: Đầu tiên là mời cột chính (cu dề đangz-Thần cột). Thầy cúng cầm thìa cơm, miếng thịt, chén rượu mời như sau: Bài cúng được dịch sang nghĩa Tiếng Việt “Hôm nay là ngày tốt, gia đình làm lễ cúng cơm mới, tôi nấu cơm chín, thịt chín, tôi chưa ăn, tôi mời ma cột chính (cu dề đangz-Thần cột) về ăn trước, tôi ăn sau. Ma cột nhà chính về ăn cơm mới, bảo vệ tài sản, tiền của, con cái, mùa màng, hoa mầu, đuổi tà ma, mọi thứ không tốt ra ngoài, đuổi chuột, đuổi gián ra hết ruộng nương. Mùa sau tôi làm được ăn, được uống tôi lại mời ma cột chính (cu dề đangz-Thần cột) về ăn”. Kết thúc bài cúng, thầy cúng lại đổ thìa cơm lên bàn, đặt miếng thịt và chan thìa canh lên trên, rót rượt xung quanh với ý nghĩa: Mời ma cột chính (cu dề đangz-Thần cột) về ăn bữa cơm mới, uống rượu mới cùng gia đình.

- Thầy cúng lại múc tiếp một thìa cơm, một miếng thịt và rót thêm chén rượu mới, cúng mời ma bếp lò (khaor tuxl) về ăn cơm mời như sau: Bài cúng được dịch sang nghĩa Tiếng Việt “Hôm nay là ngày tốt, gia đình làm lễ cúng cơm mới, tôi nấu cơm chín, thịt chín, tôi chưa ăn, tôi mời ma bếp lò (khaor tuxl) về ăn trước, tôi ăn sau. Ma bếp lò về ăn cơm mới bảo vệ tài sản, tiền của, con cái, mùa màng, hoa mầu, đuổi tà ma, mọi thứ không tốt ra ngoài, đuổi chuột đuổi gián ra khỏi ruộng nương. Mùa sau tôi làm được ăn, được uống tôi lại mời ma bếp lò về ăn cơm mới”. Cúng xong thầy cúng lại đổ thìa cơm xuống bàn, đặt miếng thịt và chan thìa nước canh lên trên, rồi rót rượu xung quanh.

- Tiếp theo thầy cúng lại mời ma bếp lửa “khaor chuz” về ăn cơm mới với gia đình: Thầy cúng lại múc một thìa cơm, lấy miếng thịt, rồi rót một chén rượu đầy, cúng mời như sau: Bài cúng được dịch sang nghĩa Tiếng Việt “Hôm nay là ngày tốt, gia đình làm lễ cúng cơm mới, tôi nấu cơm chín, thịt chín, tôi chưa ăn, tôi mời ma bếp lửa (khaor chuz) về ăn trước, tôi ăn sau. Ma bếp lửa về ăn cơm mới bảo vệ tài sản, tiền của, con cái, mùa màng, hoa mầu, đuổi tà ma, mọi thứ không tốt ra ngoài, đuổi chuột đuổi gián ra khỏi ruộng nương. Mùa sau tôi làm được ăn, được uống tôi lại mời ma bếp lửa về ăn cơm mới”. Đọc xong bài cúng, thầy cúng lại đổ thìa cơm ra bàn, đặt miếng thịt lên và chan thìa nước canh lên trên và rót rượu xung quanh.

- Tiếp theo thầy cúng lại cúng mời ma cửa chính (khao trôngxxx plangl” về dự ăn cơm mới với gia đình: Thầy cúng múc một thìa cơm, một miếng thịt và rót thêm chén rượu mới, cúng với nội dung như sau: Bài cúng được dịch sang nghĩa Tiếng Việt “Hôm nay là ngày tốt, gia đình làm lễ cúng cơm mới, tôi nấu cơm chín, thịt chín, tôi chưa ăn, tôi mời ma cửa chính (khao trôngxxx plangl” về ăn trước, tôi ăn sau. Ma cửa chính về ăn cơm mới bảo vệ tài sản, tiền của, con cái, mùa màng, hoa mầu, đuổi tà ma, mọi thứ không tốt ra ngoài, đuổi chuột đuổi gián ra khỏi ruộng nương. Mùa sau tôi làm được ăn, được uống tôi lại mời ma cửa chính về ăn cơm mới”. Đọc xong bài cúng, thầy cúng lại đổ thìa cơm ra bàn, đặt miếng thịt lên và chan thìa nước canh lên trên rồi rót rượu xung quanh.

- Thầy cúng lại cúng mời ma cửa phụ “khao troongxx chayz” về dự ăn cơm mới với gia đình: Thầy cúng múc một thìa cơm, một miếng thịt và rót thêm chén rượu mới, cúng với nội dung như sau: Bài cúng được dịch sang nghĩa Tiếng Việt “Hôm nay là ngày tốt, gia đình làm lễ cúng cơm mới, tôi nấu cơm chín, thịt chín, tôi chưa ăn, tôi mời ma cửa phụ “khao troongxx chayz” về ăn trước, tôi ăn sau. Ma cửa phụ về ăn cơm mới bảo vệ tài sản, tiền của, con cái, mùa màng, hoa mầu, đuổi tà ma, mọi thứ không tốt ra ngoài, đuổi chuột đuổi gián ra khỏi ruộng nương. Mùa sau tôi làm được ăn, được uống tôi lại mời ma cửa phụ về ăn cơm mới”.

- Hết bài cúng, thầy cúng lấy một thìa cơm, một miếng thịt, một chén rượu đứng dậy đi đến cửa tiếp tục cúng mời các thần linh, thần núi, thần nước… về dự ăn cơm mới với gia đình để chứng giám lòng thành của gia đình, cúng với nội dung như sau: Bài cúng được dịch sang nghĩa Tiếng Việt “Hôm nay là ngày tốt, gia đình làm lễ cúng cơm mới, tôi nấu cơm chín, thịt chín, tôi chưa ăn, tôi mời các thần linh, thần núi, thần nước về ăn trước, tôi ăn sau. Các vị thần linh, thần núi, thần nước về ăn cơm mới bảo vệ tài sản, tiền của, con cái, mùa màng, hoa mầu, đuổi tà ma, mọi thứ không tốt ra ngoài, đuổi chuột đuổi gián ra khỏi ruộng nương. Mùa sau tôi làm được ăn, được uống tôi lại mời các vị thần linh, thần núi, thần nước về ăn cơm mới”. Kết thúc lễ cúng cơm mới, thầy cúng lấy một thìa cơm, miếng thịt và chén rượu hất ra sân để các vị thần linh có thể nhận được cơm mới, thịt, rượu cùng chung vui với gia đình trong ngày mừng cơm mới. Sau đó thầy cúng lại ngồi vào mâm uống ba chén rượu, ăn ba thìa cơm, ăn ba miếng thịt, uống ba thìa canh với ý nghĩa thể hiện gia chủ đã cùng tiếp Tổ tiên, ma nhà và các vị thần linh ăn cơm mới.

Một nghi lễ rất quan trọng trong Lễ cúng mừng cơm mới của đồng bào Mông, đó là xem chân gà để biết vụ lúa sau của gia đình có gặp mưa thuận gió hòa, cây lúa tốt tươi, bội thu hay không. Từ hôm nay gia đình chính thức được ăn cơm mới, uống rượu gạo mới. Đó có thể coi là cách người Mông thể hiện sự thành kính trước tổ tiên, trời đất, thần linh, ma nhà.

Kết thúc buổi Lễ cúng mừng cơm mới, gia chủ mời anh em họ hàng, bạn bè thân thiết là khách mời trong bản làng, trong xã cùng ăn bữa cơm mới, uống rượu mới với gia đình. Trong bữa cơm vị trí ngồi cũng được sắp xếp theo thứ bậc. Mâm đặt gian giữa gần bàn thờ Xử cang (thần nhà) là thầy cúng, các cụ già cao tuổi ngồi. Tiếp theo là mâm khách quý của gia đình. Phía ngoài sân là mâm của anh em trong gia đình, trong họ, bạn bè trong bản, trong xã. Trong bữa ăn mừng cơm mới mọi người chúc mừng gia đình có một vụ mùa tốt tươi và cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, nuôi dạy con cái chăm ngoan…

4. Không gian văn hóa liên quan, các sản phẩm vật chất tinh thần tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể

Quá trình định cư sinh sống, người Mông ở Mù Cang Chải đã biết kết hợp loại hình canh tác nương rẫy với canh tác trồng lúa nước trên ruộng bậc thang và ruộng bậc thang đã gắn liền với lịch sử cư trú của họ. Người Mông quan niệm vạn vật hữu hình, đa thần giáo. Họ cho rằng có lực lượng siêu nhiên, thế giới vạn vật đều có linh hồn. Vì vậy, con người phải biết thờ cúng, kiêng kỵ, biết làm các nghi lễ để cầu các thần linh, ma lành phù hộ, bảo vệ.

Không gian văn hóa liên quan đến Lễ mừng cơm mới của dân tộc Mông, đó là văn hóa cộng đồng làng bản (phong tục tập quán, nghi lễ, luật tục...), là sự gắn kết cộng đồng trong cuộc sống, lao động sản xuất, tập quán canh tác nương rẫy và ruộng bậc thang và đấu tranh để bảo vệ sự tồn tại của cộng đồng, bảo tồn, lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Để có được một cuộc sống an nhiên, hạnh phúc, chúng ta cần nhờ vào sự kết hợp hài hòa của hai yếu tố đó là giá trị vật chất và tinh thần. Hai yếu tố này luôn có sự gắn kết với nhau, chúng ta không quá xem trọng bất kỳ một yếu tố nào.

Di sản văn hóa phi vật thể Lễ mừng cơm mới tồn tại và phát triển đã tạo ra những sản phẩm vật chất, sản phẩm tinh thần, đó là tạo cho mỗi gia đình, mỗi thành viên trong cộng đồng có tư tưởng thoải mái, giữ cho tinh thần lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống hiện tại, họ tin rằng sẽ vượt qua được những khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Họ biết đúc kết kinh nghiệm, kỹ năng, sáng tạo trong lao động, sản xuất để tạo ra nhiều của cải, vật chất cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Từ đó, cuộc sống của đồng bào Mông ngày càng phát triển, no ấm, hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước phát triển, vững mạnh.

V. Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể

1. Giá trị lịch sử: Lễ mừng cơm mới của dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái là tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu đời, kết hợp loại hình canh tác nương rẫy với canh tác trồng lúa nước trên ruộng bậc thang. Lễ mừng cơm mới còn phản ánh sự đa dạng văn hóa, sinh động về những phong tục tập quán, đời sống kinh tế, tín ngưỡng tâm linh trước đây của dân tộc Mông, đó là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, phụ thuộc vào thiên nhiên, tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Trong lễ cúng cơm mới, lời bài cúng đã thể hiện lòng kính trọng, biết ơn, tình cảm của người sống với tổ tiên, thần linh, ma nhà đã phù hộ cho họ có vụ mùa bội thu và cầu mong vụ mới gặp nhiều may mắn, thuận lợi, cả năm no đủ, mọi người khỏe mạnh. Đây là nguồn tư liệu rất quý giá cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học về dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái nói riêng, người Mông ở Việt Nam nói chung.

2. Giá trị văn hóa-xã hội: Lễ mừng cơm mới của người Mông Mù Cang Chải là sinh hoạt văn hóa gắn với đời sống tinh thần, hướng về nguồn cội “uống nước nhớ nguồn”, hội tụ sức mạnh thiêng liêng của Trời Đất - Thần linh - Tổ tiên và con cháu. Với ý nghĩa là tôn trọng nghề nông, tôn trọng người làm nông, tôn trọng cây lúa. Họ tin tưởng vào tín ngưỡng vạn vật hữu linh nên họ thể hiện sự đền ơn, đáp nghĩa đối với thần linh, tổ tiên như thế và tạo nên sự thoải mái trong tư tưởng. Thông qua các nghi lễ cúng cơm mới để mọi người ước mong nối sợi dây giao cảm giữa Thần - Người - Cộng đồng và Quá khứ - Hiện tại- Tương lai, thể hiện nguyện vọng của họ trong không gian và thời gian thiêng liêng. Đó chính là tính nguyên hợp của văn hóa dân gian/văn hóa dân tộc Việt Nam và là tinh túy, tinh hoa của Đất và Người.

Lễ mừng cơm mới là phong tục đặc sắc, truyền thống văn hóa lâu đời, có tính đại diện, không chỉ thể hiện lòng biết ơn, sự mong muốn, có chung một nhận thức, một niềm tin, có cùng một tình cảm trước biểu tượng thiêng liêng; là dịp mọi người tập trung, gặp gỡ, giao hòa giữa con người với con người, mối dây liên hệ về mặt tinh thần luôn luôn được nối bện bền chắc; thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng dân tộc; mang đậm tính tự quản, tinh thần dân chủ trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa cũng hết sức được đề cao.

Lễ mừng cơm mới có giá trị bảo lưu một cách sâu đậm mạnh mẽ làm cho kho tàng văn hóa truyền thống Việt Nam đa dạng, phong phú và vô giá; quá khứ-hiện tại-tương lai là một tiến trình kế thừa, phát triển liên tục của dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Mông nói riêng bất tận.

3. Giá trị khoa học: Lễ mừng cơm mới của người Mông tuy đơn giản, không phức tạp nhưng lại là một biểu tượng văn hóa có giá trị trong việc nhiên cứu lịch sử, văn hóa của một dân tộc-cư dân nông nghiệp kết hợp canh tác nương rẫy với canh tác ruộng bậc thang. Thông qua các nghi lễ cúng cơm mới đã nhận diện đặc điểm phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống và phản ánh nhiều khía cạnh của đời sống của đồng bào Mông; lễ cúng cơm mới có vai trò hết sức quan trọng trong xã hội người Mông từ xa xưa, giúp các nhà nghiên cứu đánh giá một cách khách quan, chân thực về đời sống kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của người Mông ở Việt Nam nói chung, người Mông ở Mù Cang Chải nói riêng.

4. Giá trị kinh tế: Di sản văn hóa phi vật thể Lễ mừng cơm mới của dân tộc Mông Mù Cang Chải đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn với du khách. Hàng năm Lễ mừng cơm mới là một trong những chuỗi hoạt động của Lễ hội khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Festival "Bay trên mùa vàng”, Festival “Mùa nước đổ” đã thu hút nhiều khách du lịch, tạo việc làm, đem lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

VI. Hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể

Lễ mừng cơm mới của người Mông Mù Cang Chải hiện nay vẫn đang tồn tại và được cộng đồng bảo vệ, phát huy hiệu quả. Ngày nay, sản xuất nông nghiệp của đồng bào Mông không còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, vì người dân đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ mùa màng. Tuy nhiên, hàng năm cứ cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch khi lúa chín thì tất cả các gia đình người Mông ở Mù Cang Chải đều tổ chức Lễ mừng cơm mới với nghi lễ trang trọng.

Ngoài mang đậm tính tâm linh tín ngưỡng, còn là dịp thể hiện lòng biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên, các vị thần giúp một năm mưa thuận gió hoa, mùa màng bội thu và cũng là dịp con cháu, anh em, bạn bè tụ họp, vui chơi sau những ngày làm ăn vất vả. Những giá trị cốt lõi của di sản văn hóa phi vật thể được trao truyền từ thế trước sang thế hệ sau. Ngày nay, môi trường sống của dân tộc Mông đã thay đổi, nhưng quy trình thực hành Lễ mừng cơm mới vẫn giữ nguyên giá trị nguyên gốc vốn có của di sản và vẫn tiếp tục có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc Mông.

Trong những năm gần đây, để đáp ứng với sự đổi mới, hội nhập, giao lưu với thế giới, huyện Mù Cang Chải đã đẩy mạnh tuyên tuyền, quảng bá về di sản văn hóa phi vật thể Lễ mừng cơm mới, huyện Mù Cang chải đã chỉ đạo tổ chức với quy mô cấp xã nhằm động viên, khuyến khích đồng bào Mông tích cực, hăng say lao dộng sản xuất, bảo tồn di tích lịch sử, thắng cảnh quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải và tuyên truyền, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế để thu hút sự quan tâm, tìm hiểu nghiên cứu và trải nghiệm thông qua các hoạt động tham quan, du lịch để tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa, góp phần động viên, cổ vũ quần chúng nhân dân phấn đấu thực hiện mục tiêu: "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"; "Xây dựng con người Việt Nam đáp ứng với yêu cầu xây dựng và phát triển bền vững đất nước".

Lễ mừng cơm mới của người Mông huyện Mù Cang Chải được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 824/QĐ-BVHTTTDL ngày 09 tháng 3 năm 2021. Đây là một nghi lễ nông nghiệp truyền thống quan trọng gắn liền với đời sống tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Mông Mù Cang Chải vừa chứa đựng ý nghĩa tâm linh sâu sắc vừa thể hiện sự kính trọng, biết ơn của con cháu với thần linh, tổ tiên, ông bà, là hình thức báo công của gia chủ sau một năm làm ăn và cầu khấn thần linh, ông bà, tổ tiên phù hộ cho gia đình quanh năm mưa thuận, gió hòa, tránh được dịch bệnh, gia đình có vụ mùa bội thu, cả năm no đủ, mọi người khỏe mạnh. Lễ mừng cơm mới vừa mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng, là sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết trong gia đình, dòng họ. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này đã được đưa vào nhiều chương trình, kế hoạch, đề án phát triển giúp di sản được bảo tồn và phát huy hiệu quả, bền vững nhất.

(Bài viết sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái cung cấp)

 

 

 

 

231 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h