Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Chính trị

Di tích đền Suối Tiên, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái

13/08/2019 07:33:20 Xem cỡ chữ Google
Ngày 4/7/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 792/QĐ-UBND công nhận Di tích đền Suối Tiên, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Di tích đền Suối Tiên, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên

1. Tên Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa đền Suối Tiên, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

2. Tên gọi khác

Đền Suối Tiên Linh Từ.

3. Loại hình Di tích

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

4. Quyết định công bố Di tích

Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 4/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận Di tích đền Suối Tiên, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

5. Địa điểm Di tích

Đền Suối Tiên (hay còn gọi là đền Suối Tiên Linh Từ) có diện tích gần 6.000m2, thuộc thôn 2, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Cách trung tâm huyện Lục Yên 13 km về phía Tây, trên đường Lục Yên - Yên Bái.

6. Sơ lược lịch sử Di tích

Theo sử sách, đền Suối Tiên xây dựng khoảng năm 1928 - 1929. Di tích đền Suối Tiên, với khuôn viên gần 6000m2, nằm trong không gian đậm nét văn hóa dân gian các dân tộc Lục Yên, gắn với những truyền tích huyền thoại xa xưa và hệ thống di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đại Kại - Hắc Y và khu khảo cổ tháp Chùa Thượng Miện thời Lý - Trần.

Truyện kể rằng, Trần Nhân Tông -  vị vua thứ 3 triều Trần có lòng hướng phật, một lần ngài lên vùng Lục Yên vì hay tin trên đó có nhiều đình, đền, chùa, miếu mạo, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình. Khi đến nơi, vào thăm chùa Thượng Miện, thái tử sững sờ nghe thấy giọng tụng kinh trong như nước suối, trái tim thái tử như bị sét đánh khi thấy người đang ngồi tụng kinh là một ni cô đẹp như tiên nữ giáng trần, tên gọi là Thắm. Với khuôn mặt thanh tú, dáng vẻ xinh tươi, đặc biệt là kiến thức hiểu biết hơn người, nên được sư trụ trì và mọi người yêu quý. Thái tử bước đến làm quen, đến bên lúc đầu còn như thăm dò, e ngại, sau tâm đầu ý hợp như đã từng quen biết nhau. Họ tâm sự với nhau về Phật pháp, về nhân tình thế thái, nhất là giặc phương Bắc đang rục rịch muốn sang xâm lược nước Đại Việt. Nàng khuyên Thái tử về kinh thành nghe lời vua cha nhận lên ngôi để giúp dân đánh bại quân thù. Chàng cầu xin nàng hoàn tục theo chàng về kinh để kết duyên vợ chồng.

Thái tử cho xây một ngôi chùa có 4 tòa tháp to, 8 tháp nhỏ (chỉ 4 phương, 8 hướng) đặt tên là Bảo Tháp tự. Đúng vào ngày lành tháng tốt, thái tử cho làm lễ hội lớn ăn mừng khánh thành chùa và cũng để chia tay với quan dân địa phương, chàng cùng nàng tạm biệt bà con vùng sơn cước, qua sông theo đường bộ cưỡi ngựa về kinh thành. Khi đến dãy núi bên kia sông đối diện với chùa Hắc Y và thành Đại Cại thì đột nhiên trời tối sầm lại, gió bấc thổi mạnh và mưa xối xả. Thái tử ngoảnh lại thì không thấy nàng đâu nữa, trong ánh chớp xanh lóe sáng, chàng nhìn thấy dưới suối có đôi cá to, trông giống như cá chép ở miền xuôi, đang sánh đôi cùng nhau, ngược dòng nước ngầm từ trong hang núi chảy ra rồi biến mất. Trong cơn mưa, gió đã ngừng thổi, thái tử nghe văng vẳng giọng nói của cô gái: “Chàng xá tội cho thiếp, vì thiếp là tiên nữ không thể kết duyên cùng chàng được. Thiếp cùng Thần Hắc Y là người thượng giới được vua cha Ngọc Hoàng phái xuống trần gian giúp nước Đại Việt an dân, cứu nước, diệt giặc hung tàn. Chàng đã nhận lời làm vua, việc của thiếp đã hoàn thành, nay Ngọc Hoàng gọi về thiếp không trái lệnh được. Tạm biệt chàng, chỉ mong chàng làm được những việc đã hứa với thiếp. Thiếp và Thần Hắc Y sẽ có mặt giúp cho chàng và nước Đại Việt chiến thắng kẻ thù”.

Sau này, khi đã lên ngôi vua, đánh tan giặc Nguyên Mông, Trần Nhân Tông trở lại thăm vùng Tân Lĩnh, Tô Mậu, giúp cho quan, dân, binh địa phương xây dựng, chỉnh trang đô thị, thành lũy thật nguy nga, tráng lệ. Tô Mậu, nơi vua và tiên nữ ly biệt cho xây dựng một ngôi miếu nhỏ (sau là đền Suối Tiên) con suối mà ni cô biến thành cá gọi là suối Tiên, ngọn núi có dòng nước ngầm chảy ra suối Tiên gọi là núi Thắm (tên của ni cô). Vua đặt lệ, cứ vào rằm tháng Giêng hàng năm, để tưởng nhớ, ghi công Thần Hắc Y và tiên nữ thì mở hội tại thành Đại Cại, cho rước cá Bỗng (còn gọi là cá rầm xanh) từ ao Vua bên thành Đại Cại sang làm lễ thả từng đôi một ở suối Tiên cùng trong dịp mở hội. Nhiều vị tướng tài ba lên giúp Châu Lục Yên như Lão tướng quân Trần Nhật Duật, quan ngự sử đoàn, Nhữ Hài… Khi được giao chỉ huy xây thành đắp lũy ở Lục Yên châu, quan ngự sử Đoàn Nhữ Hài đã có câu nói nổi tiếng với vua Trần Anh Tông: “Việc xây thành đắp lũy ngoài đã rất quan trọng nhưng xây thành đắp lũy trong lòng dân còn quan trọng hơn gấp nghìn lần”. Sau thời gian khai quật khảo cổ học và nghiên cứu, quần thể đô thị cổ - chùa Tháp Hắc Y đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, đền Suối Tiên được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đặc biệt, trong những năm 1965-1966, các hang động ở khu đền Suối Tiên là nơi cất giấu vũ khí, lương thực phục vụ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Từ năm 2013, Đền Suối Tiên bắt đầu được xây dựng, tôn tạo và đến nay đã trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, chiêm ngưỡng và lễ bái.

7. Các nhân vật được thờ tự

Đền thờ cô Tiên.

8. Phong tục lễ hội

Hàng năm cứ vào ngày 12 tháng giêng âm lịch, xã Tô Mậu lại tổ chức lễ hội đền cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho mùa màng bội thu. Lễ hội mở đầu cho tuần văn hóa các lễ hội trên địa bàn xã với đầy đủ 2 phần lễ và hội với nhiều hoạt động tín ngưỡng, văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí phong phú, lành mạnh và sôi nổi.

Di tích Đền Suối Tiên là tài sản văn hóa vô giá của dân tộc, là thành quả lao động sáng tạo, là bằng chứng quan trọng, là “cuốn sử sống” phản ánh tinh thần lao động sản xuất, đấu tranh chống giặc ngoại xâm và là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, tự lực, tự cường của nhân dân ta. Với giá trị và ý nghĩa đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định công nhận đền suối Tiên là di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

(Bài viết có sử dụng tài liệu trên trang TTĐT Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch)

6227 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h