PV: Xin ông cho biết về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta về xây
dựng Bộ luật Dân sự năm 2015?
Ông
Nguyễn Huy Cường: Bộ luật Dân sự (BLDS) là một đạo luật có ý nghĩa to lớn không chỉ về mặt
bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phát triển kinh tế - xã hội mà còn cả
về mặt xây dựng pháp luật. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật này đã được
thực hiện trên cơ sở quán triệt những quan điểm chỉ đạo sau đây:
Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ, đồng thời tăng cường các biện pháp để công nhận,
tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh
vực của đời sống dân sự, cũng như những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu, quyền tự do kinh
doanh, quyền bình đẳng giữa các chủ thể thuộc mọi hình thức sở hữu và thành
phần kinh tế đã được ghi nhận trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI,
Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và đặc biệt là
trong Hiến pháp năm 2013;
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất
cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành để bảo đảm BLDS thực sự phát huy được ba
vai trò cơ bản là: (1) Tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo
vệ và bảo đảm quyền dân sự của các các cá nhân, pháp nhân, đặc biệt là trong
việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự;
hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập,
thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự; (2) Tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy
sản xuất kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm sự thông
thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự, góp phần phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (3) Là công cụ pháp lý hữu hiệu để thúc đẩy
sự hình thành và phát triển các thiết chế dân chủ trong xã hội, góp phần xây
dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
Thứ ba, xây dựng BLDS thành
bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh
các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài
sản và tự chịu trách nhiệm; có tính khái quát, tính dự báo và tính khả thi để
một mặt, bảo đảm tính ổn định của Bộ luật, mặt khác, đáp ứng được kịp thời sự
phát triển thường xuyên, liên tục của các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều
chỉnh của pháp luật dân sự;
Thứ tư, bảo đảm tính kế thừa và phát triển
các quy định còn phù hợp với thực tiễn của pháp luật dân sự, cũng như các giá
trị văn hóa, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của Việt Nam; có sự tham
khảo kinh nghiệm xây dựng BLDS của một số nước, nhất là các nước có truyền
thống pháp luật tương đồng với Việt Nam.
PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về một số điểm mới cơ bản của Bộ
luật Dân sự năm 2015?
Ông Nguyễn Huy Cường: BLDS năm 2015 gồm 6
phần, 27 chương với với 689 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017,
theo đó đã có rất nhiều điểm mới so với BLDS năm 2005. Một số điểm mới chủ yếu của BLDS 2015 như sau:
- BLDS năm 2015 xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự
Thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng,
quy định của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực
hiện quyền dân sự, BLDS năm 2015 bổ sung các nguyên tắc chung về xác lập, thực
hiện và bảo vệ quyền dân sự. Theo đó, cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự
theo ý chí của mình nhưng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp
luật dân sự và không được vượt quá giới hạn thực hiện quyền dân sự được quy
định tại Bộ luật này. Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự để
gây thiệt hại cho người khác; vi phạm các nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của
mình theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; hạn chế cạnh tranh
hoặc để thực hiện mục đích khác trái pháp luật.
Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có
trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Trường hợp quyền dân sự
bị vi phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp
luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài. Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục
hành chính được thực hiện trong những trường hợp luật định. Quyết định giải
quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án. Tòa
án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều
luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định về áp dụng tập quán, tương tự
pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng được áp dụng
để xem xét, giải quyết.
Với quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ,
việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” là điểm nối
thống nhất trong ghi nhận lập pháp từ quy định của BLDS đến Bộ luật tố tụng dân
sự - một phương thức bảo đảm quyền khởi kiện, làm cho các chủ thể có quyền khởi
kiện có đủ những điều kiện cần thiết, chắc chắn để thực hiện được trên thực tế
quyền khởi kiện nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án thông
qua các biện pháp được xác định. Đây là một quy định mới mang tính chất đột
phá, góp phần bảo vệ một cách kịp thời và triệt để hơn quyền con người, quyền
công dân trong lĩnh vực dân sự. Quy định này đánh dấu một bước đi cụ thể trong
việc triển khai thi hành khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ
quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích
nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, góp phần
thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước ta, bảo đảm hội nhập
quốc tế.
- Quyền nhân thân
của cá nhân đã được cụ thể hóa
Quyền nhân thân của cá nhân đã được cụ
thể hóa đầy đủ nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự
được quy định trong Hiến pháp và Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng pháp luật, vấn đề xác định lại
giới tính đã được ghi nhận. Điều 37 BLDS năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy
định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay
đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù
hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác
có liên quan”. Khi ghi nhận quy định này, BLDS năm 2015 đã đáp ứng
được nhu cầu của một bộ phận công dân trong xã hội mà không trái với truyền
thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc và phù hợp với thông lệ quốc tế chung. Nhà
nước cần sớm có hướng dẫn để người được hưởng quyền cũng như các cơ quan, tổ
chức liên quan dễ dàng áp dụng. Vấn đề xác định lại giới tính và chuyển đổi
giới tính trong BLDS năm 2015 được xem là một bước tiến cởi mở, bắt kịp xu thế
toàn cầu trong hoạt động lập pháp của Việt Nam và là một tín hiệu đáng mừng cho
cộng đồng người chuyển giới nói riêng và LGBT (đồng tính, song tính và chuyển
giới) nói chung tại Việt Nam trong quá trình đấu tranh để được xã hội và pháp
luật công nhận.
- Quy định về tài
sản và quyền sở hữu bảo đảm tính bao quát, minh bạch, công khai, huy động và
phát huy được hết các nguồn lực vật chất trong xã hội
BLDS năm 2015 đã bổ sung quy định về
tài sản bao gồm bất động sản và động sản; tài sản có thể là vật, tiền, giấy tờ
có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản
khác.
Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và
các vật quyền khác, BLDS năm 2015 quy định: (1) Việc xác lập quyền sở hữu và
vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp
pháp của họ được trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản, trừ trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác; (2) Trường hợp
tài sản đã được chuyển giao trước thời điểm hợp đồng được giao kết thì quyền sở
hữu và vật quyền khác được xác lập kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, trừ
trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác; (3) Trường hợp luật quy định
việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm
xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký, trừ
trường hợp luật khác có quy định khác.
So với quy định trong BLDS năm 2005, BLDS
năm 2015 quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng và đầy đủ hơn nhiều về thời điểm xác
lập quyền sở hữu và các vật quyền khác. Bên cạnh việc ghi nhận thời điểm chuyển
quyền sở hữu đối với động sản và bất động sản như trong BLDS năm 2005 thì BLDS
năm 2015 đã quy định thêm thời điểm xác lập quyền sở hữu khác đối với tài sản,
dự liệu nhiều các trường hợp và thứ tự ưu tiên lựa chọn các trường hợp để các
bên xác lập quyền sở hữu và quyền tài sản khác cả trong những trường hợp thỏa
thuận được và những trường hợp các bên có tranh chấp. Ngoài ra, BLDS năm 2015
cũng quy định trường hợp xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức phát sinh
từ tài sản khi chưa được chuyển giao thuộc về bên có tài sản.
- Bộ luật Dân sự năm 2015 hướng tới sự ổn định các giao lưu dân sự
BLDS năm 2015 vẫn
ghi nhận hình thức là một điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo tinh
thần của BLDS năm 2005. Tuy nhiên, khi các bên giao dịch đã đáp ứng những điều
kiện nhất định do luật dự liệu (một bên hoặc các bên đã thực hiện toàn bộ nghĩa
vụ trong giao dịch) thì giao dịch dù có vi phạm về hình thức vẫn được Tòa án
công nhận hiệu lực pháp lý, làm cơ sở để phát sinh quyền và nghĩa vụ của các
bên.
Quy định này là một sự thay đổi linh
hoạt về tiêu chí đánh giá hiệu lực pháp lý giao dịch dân sự so với BLDS năm
2005. BLDS năm 2015 đã giải thoát điều kiện tuân thủ về hình thức trong mọi
trường hợp của BLDS năm 2005 để bảo vệ đến cùng quyền và lợi ích hợp pháp người
tham gia giao dịch có ý chí tự nguyện thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong giao
dịch. Đây là một giải pháp nhằm hạn chế cơ hội việc một bên không tự nguyện
tham gia giao dịch, lại viện dẫn lý do vi phạm về hình thức của giao dịch để
hủy toàn bộ giao dịch khi giá trị của đối tượng hợp đồng biến động có lợi hơn
cho bên không thiện chí tham gia.
Về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình,
so với quy định trong BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã được ban hành theo hướng
bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình trong giao
dịch dân sự. Quyền và lợi ích của người thứ ba ngay tình được bảo vệ trong
trường hợp “nhận được tài sản thông qua bán
đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án,
quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau
đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy,
sửa” (tương tự quy định BLDS năm 2005). Bên cạnh đó, BLDS năm 2015,
quyền lợi của người thứ ba ngay tình còn được bảo vệ trong trường hợp “giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng
ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao hoặc được dùng
để bảo đảm nghĩa vụ dân sự bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình
và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì
giao dịch đó không bị vô hiệu” (khoản 2 Điều 133). BLDS năm 2015
khẳng định rõ ràng, chủ sở hữu tài sản không có quyền khởi kiện đòi lại tài sản
từ người thứ ba ngay tình trong trường hợp này (khoản 3 Điều 133).
PV: Với trách nhiệm của cơ quan chuyên
môn tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh trong triển khai thi hành Bộ Luật, ngành
Tư pháp đã tập trung vào những nhiệm vụ gì để triển khai thi hành
BLDS có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
Ông
Nguyễn Huy Cường: Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Sở Tư pháp đã tham
mưu Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND) ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày
15/3/2016 triển khai thi hành BLDS trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Trên cơ sở các Kế
hoạch của tỉnh, đặc biệt sau hội nghị trực tuyến do Bộ Tư pháp tổ chức, Sở Tư
pháp tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đưa những quy định của Bộ luật
áp dụng vào thực tiễn trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Cụ thể, tập trung vào những
nhiệm vụ sau:
Thứ nhất: Tổ chức hội nghị tập huấn chuyên
sâu BLDS
UBND
tỉnh đã giao cho Sở Tư pháp là cơ
quan chủ trì và phối hợp với Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh,
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và
các cơ
quan liên quan để triển khai công tác tập huấn trên địa bàn
tỉnh trong thời gian Quý III năm 2016. Ngoài ra UBND tỉnh cũng giao các cơ quan chuyên môn của UBND và các
cơ quan, tổ chức liên
quan khác tùy thuộc tình hình và yêu
cầu nhiệm vụ, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan
liên quan của tỉnh và Trung ương có
thể tổ chức tập huấn chuyên sâu cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Thời gian thực
hiện trong
Quý III và Quý IV năm 2016.
Thứ hai: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến
Để việc phổ biến BLDS một cách có hiệu quả, ngành Tư
pháp đã tham mưu UBND
tỉnh ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 29/01/2016 về công tác tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, xây
dựng và thực hiện hương ước, quy ước năm 2016 và Kế hoạch 99/KH-UBND ngày
31/5/2016 về tuyên truyền các văn bản luật, pháp luật được thông qua tại kỳ họp
thứ 11 Quốc hội khóa XIII. Trong đó, xác định BLDS
là đạo luật lớn, phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến mọi mặt của
đời sống xã hội, đời sống nhân dân, vì vậy công tác tuyên truyền phải thường
xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, phù hợp và sự vào cuộc tích cực
các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh để đưa những quy định của BLDS thực sự đi
vào cuộc sống.
PV: Xin cảm ơn ông.