Nhiều
sản phẩm nông sản đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước như: quế,
chè, tinh bột sắn, giấy, măng tre, lúa gạo và các loại hoa quả có múi..., góp
phần nâng cao giá trị, xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông dân, nông
thôn.
Với lợi
thế về đất đai, cùng với khí hậu ôn hòa, phù hợp với nhiều loại cây trồng có
giá trị kinh tế cao, Yên Bái đã quy hoạch và phát triển vùng chè công nghiệp
trên 11.000 ha, măng tre Bát độ 3.000 ha, quế trên 30.000 ha, cây ăn quả 8.500
ha, vùng lúa hàng hóa 5.000 ha và gần 200.000 ha rừng kinh tế... Bên cạnh đó,
còn có những loại cây đặc sản như hồng không hạt, cam sành (Lục Yên), nếp Tan
Tú Lệ, chè đặc sản Suối Giàng (Văn Chấn), gạo Bạch Hà, bưởi Đại Minh (Yên
Bình)...
Từ
những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước đến nay, Yên Bái luôn dẫn đầu các
tỉnh miền núi về phát triển kinh tế lâm nghiệp, lâm nghiệp đã thực sự trở thành
nghề đối với không ít nông dân, nông thôn; độ tàn che đạt trên 63%, gắn phát
triển vùng nguyên liệu với chế biến. Từ một tỉnh hàng năm thiếu hàng ngàn tấn
lương thực nay Yên Bái đã bảo đảm an ninh lương thực ở vùng cao, vùng thấp sản
xuất lúa gạo hàng hóa gắn với thị trường...
Nhằm
nâng cao giá trị sản xuất, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút vào
lĩnh vực nông - lâm nghiệp thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn. Ngoài các chính
sách của Nhà nước, tỉnh còn có những chính sách “đặc thù” về ưu đãi giá thuê
đất, thuê mặt nước, hỗ trợ san tạo mặt bằng, giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn
nhân lực..., cụ thể: hỗ trợ 70% kinh phí (tối đa không quá 2 tỷ đồng/dự án) đầu
tư vào chăn nuôi gia súc có quy mô chăn nuôi tập trung từ 350 - 500 con trâu,
bò, dê; hỗ trợ 70% kinh phí (tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án) sản xuất
rau an toàn có quy mô từ 3 ha trở lên trồng ngoài trời và 1 ha trong nhà lưới;
hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/dự án có công suất giết mổ gia súc từ 200 con trở
lên và trên 2.000 con gia cầm; đối với các cơ sở trồng dược liệu hỗ trợ 15
triệu đồng/ha...
Cùng
với đó là đội ngũ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở tiên phong, năng động và luôn đồng
hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư sản xuất. Nhờ vậy, hàng loạt
doanh nghiệp, tập đoàn đã đến và đầu tư vào Yên Bái, toàn tỉnh có hàng chục
doanh nghiệp đầu tư vào chế biến chè, tinh bột sắn, quế, giấy, cây ăn quả, chăn
nuôi, thủy sản giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
Chỉ
tính riêng trong năm 2015 và 5 tháng đầu năm 2016 đã có 7 dự án đầu tư và đăng
ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với số vốn đăng ký trên 2 ngàn tỷ đồng. Tiêu
biểu là dự án đầu tư chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao tại Văn Chấn với
công suất 25 ngàn con thỏ/ngày, sản phẩm đầu ra 2.500 con/ngày với tổng vốn đầu
tư trên 1.700 tỷ đồng của Công ty Nippon Zoki Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dược
phẩm Nippon Zoki Nhật Bản đầu tư).
Mới đây
nhất là Công ty TNHH Seibu Nousan khảo sát, nghiên cứu đầu tư Dự án sản xuất
lúa gạo chất lượng cao tại huyện Văn Yên. Trước mắt, Công ty sẽ tiến hành cung
cấp giống, vật tư, cử cán bộ kỹ thuật sang hướng dẫn và ủy quyền cho Trại giống
Đông Cuông làm thí điểm mô hình trồng lúa từ tháng 6 năm 2016. Sau đó sẽ hoàn
tất các thủ tục để năm 2017 đi vào sản xuất theo dự án. Hay vừa qua cũng có một
số tập đoàn có tiềm lực mạnh đã khảo sát và nghiên cứu sản xuất dược liệu, hoa
quả và rau an toàn tại huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Mù Cang Chải...
Để sản
xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, Yên Bái đang thực hiện Đề án tái cơ cấu
ngành nông nghiệp, đi vào phát triển và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các cây
trồng, vật nuôi có lợi thế, thực hiện quy hoạch và phát triển theo quy hoạch
gắn với chế biến công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Song hành với đó là các
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ là
bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp và cũng là vùng đất lành cho các nhà
đầu tư.