Tại điểm cầu Yên Bái, dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Khánh - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo và phòng chuyên môn Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh.
6 tháng đầu năm 2016, toàn ngành Tài chính đã chủ động đề xuất, tập trung phấn đấu thực hiện nghiêm và đồng bộ các giải pháp tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, điều hành quyết liệt thu, chi, bộ chi NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép và đã đạt được những kết quả tích cực, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, cưỡng chế thu nợ thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp. Hết tháng 6/2016, cơ quan Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra gần 22 nghìn doanh nghiệp, qua đó xử lý tăng thu 4,27 nghìn tỷ đồng, đôn đốc, cưỡng chế thu được 20 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế năm 2015 chuyển sang. Cơ quan Hải quan đã thực hiện trên 3,2 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, qua đó xử lý tăng thu cho ngân sách 767 tỷ đồng, đã bắt giữ, xử lý trên 6,76 nghìn vụ buôn lậu, tăng thu cho ngân sách 52 tỷ đồng…Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 467,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng thấp nhất so cùng kỳ 2 năm gần đây. Trong đó thu nội địa đạt 48,8% dự toán, thu dầu thô đạt 37,2% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 41,9% dự toán. Các địa phương tiến độ thu ngân sách trên địa bàn cơ bản đạt khá so với dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước (ước thu NSĐP đạt 55% dự toán).
Công tác điều hành, chi NSNN được thực hiện chủ động, chặt chẽ, tích cực, kỷ luật tài chính được tăng cường, hiệu quả sử dụng NSNN có tiến bộ. 6 tháng đầu năm, chi NSNN ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán. Bội chi NSNN ước thực hiện 85,6 nghìn tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán năm.
Bên cạnh đó, ngành Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và thị trường tài chính; Tăng cường quản lý thị trường giá cả, kiểm soát lạm phát; Tích cực triển khai công tác huy động vốn, tăng cường quản lý nợ công chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính ngân sách và hợp tác quốc tế và tài chính đối ngoại.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Yên Bái
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước cả năm 2016, 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tập trung tổ chức thực hiện 9 giải pháp quan trọng: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực thuế, hải quan, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN, chủ động xử lý các tác động do biến động giá dầu thô, quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định; Tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; Quản lý kiểm soát chặt chẽ nợ công trong giới hạn cho phép; Tăng cường và đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra thị trường; Tiếp tục xây dựng các Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực; Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế một cách tổng thể, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các hiệp định thương mại tự do đến thu NSNN để chủ động giải pháp điều hành. Trong đó có việc nghiên cứu đánh giá tác động của việc nước Anh rút ra khỏi EU tới tài chính, ngân sách, đặc biệt là quản lý nợ và thị trường vốn.
|
Đồng chí Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những sáng tạo, đổi mới và kết quả của toàn ngành Tài chính đạt được trong 6 tháng đầu năm.
Tán thành với 9 nhóm giải pháp mà Bộ Tài chính đề ra trong 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính nói chung và Bộ Tài chính nói riêng cần quán triệt và tiếp tục quyết liệt thực hiện tốt Chỉ thị số 22 ngày 03/06/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước năm 2016.
Về thu ngân sách, Phó Thủ tướng yêu cầu ngoài các giải pháp Bộ Tài chính nêu, cần lưu ý: Đối với thuế nội địa, phải tích cực mở rộng cơ sở thuế, đặc biệt là thuế ngoài quốc doanh, xem xét đánh giá lại thuế khoán...Về lĩnh vực hải quan cần kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa để tính thuế, nhất là tăng cường quản lý ở các cửa khẩu nhập.
Ngành Tài chính cần rà soát chính sách thu. Đồng thời, cần chống gian lận thuế và tiêu cực về thuế. Đặc biệt, phải rà soát các quy định và thực thi việc miễn, giảm, giãn, hoàn thuế, không được để lợi ích nhóm xen vào từ khi xây dựng thể chế chính sách đến khi thực thi.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Liên quan đến tài chính, ngân sách, thuế... là lĩnh vực rất dễ rủi ro, cho nên, cần đảm bảo chính sách đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch. Để đảm bảo cân đối tốt ngân sách nhà nước, đảm bảo thu ngân bền vững cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh thực hiện tốt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Không ban hành thêm chính sách gây khó thêm cho sản xuất, thương mại, mà trái lại, phải không ngừng tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.