Đây được coi là cuộc “cách mạng
xanh”, là “chìa khóa” thành công trong sản xuất nông nghiệp những năm tới và
cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã
hội và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Không còn là câu chuyện thời sự mà
đã là hành động, việc làm cụ thể từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến các sở, ban,
ngành, huyện, thị, thành phố và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Thực tế, sản
xuất nông nghiệp những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng để
đáp ứng cao hơn yêu cầu phát triển, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần
thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển
toàn diện, bền vững gắn với XDNTM, trên cơ sở khai thác, tận dụng tối đa lợi
thế của từng vùng, từng địa phương...”; trong đó, “tập trung triển khai Đề án
tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách đồng bộ, chú trọng vào tái cơ cấu nội
ngành giữa các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp...
Phát triển nền nông nghiệp bền vững
trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với XDNTM”.
Ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng các nhóm giải pháp và các đề án thành phần
trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung vào các cây, con thế mạnh,
kèm theo đó là hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất.
Ngay trong Chương trình hành động
thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVIII cũng chỉ ra những giải pháp
rất cụ thể, sát với thực tiễn: cơ cấu lại nội ngành giữa các lĩnh vực trồng
trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cơ cấu nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp,
lâm nghiệp và hệ thống tổ chức quản lý. Đẩy mạnh các vùng sản xuất ngô, lúa gạo
hàng hóa gắn thu hút đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất. Phấn đấu đến năm 2020
giá trị sản xuất tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015; thu nhập của người dân nông
thôn tăng gấp 2 lần...
Để đạt mục tiêu ấy, cần tiếp tục
phát triển vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao với diện tích 2.500 ha; mở
rộng diện tích cây ăn quả có thế mạnh, trọng tâm là cây ăn quả đặc sản có múi,
trồng mới 2.500 ha cam, quýt, bưởi tại Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình và Lục Yên
để hình thành vùng cây đặc sản 4.000 ha; chuyển đổi 500 ha đất màu kém hiệu quả
sang trồng chuối tiêu hồng, ớt và cải tạo 500 ha nhãn bằng giống nhãn ghép.
Đối với sản xuất chè, ở vùng thấp
nâng cao năng suất, chất lượng theo tiêu chẩn VietGAP; chuyển dần một số diện
tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như cam,
quế, măng tre Bát độ...
Đồng thời, trồng trên 1.000 ha chè
Shan vùng cao tại Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải gắn với thu hút các nhà
đầu tư có năng lực vào sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản
phẩm bền vững cho nông dân. Chuyển đổi 30.000 ha các diện tích rừng phòng hộ
không xung yếu sang rừng sản xuất để giao cho các hộ dân, doanh nghiệp sản xuất,
kinh doanh.
Thực hiện trồng cây sơn tra thay cây
thông trong trồng rừng phòng hộ, phấn đấu đến năm 2020 tại huyện Mù Cang Chải,
Trạm Tấu có trên 10.000 ha cây sơn tra. Tập trung phát triển mạnh các sản phẩm
lâm nghiệp đặc thù có tiềm năng, thế mạnh như trồng thêm 7.000 ha măng tre Bát
độ, trồng thêm 20.000 ha quế...
Áp dụng các giải pháp kỹ thuật, đầu
tư phát triển giống gia súc, gia cầm chất lượng gắn với xây dựng bãi chăn thả
và cơ chế hỗ trợ chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp. Phấn đấu tốc độ tăng
trưởng đàn gia súc chính tăng 3%/năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 43.500
tấn. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức chăn nuôi thủy sản phù hợp với điều
kiện từng vùng, tập trung nuôi cá lồng, cá quây lưới tại các eo, ngách hồ Thác
Bà, Vân Hội, Từ Hiếu, đầm Hậu, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang
chăn nuôi thủy sản..., phấn đấu đến năm 2020 sản lượng thủy sản đạt 11.000 tấn,
giá trị thu đạt 150 triệu đồng/ha.
Ông Mai Mộng Tuân - Phó Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia
tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020. Ngành nông nghiệp và phát
triển nông thôn đã xây dựng, tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ
các cây trồng, vật nuôi có lợi thế thông qua 8 đề án chi tiết để thực hiện Đề
án”.
Đến hết tháng 6/2016 đã triển khai
thực hiện với kết quả rất tốt. Đề án phát triển chăn nuôi đã thực hiện thụ tinh
nhân tạo cho trâu, bò cái sinh sản 1.226/2.650 con; kiểm tra, thẩm định 262/81
cơ sở chăn nuôi trâu, bò, 128/90 cơ sở chăn nuôi lợn, 34/34 cơ sở chăn nuôi gà.
Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đã kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân đăng ký
thực hiện 193/77 cơ sở nuôi cá lồng, 45/25 cơ sở nuôi cá eo, ngách và 20/5 ha
chuyển đổi đất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Đề án phát triển cây ăn
quả có múi đã tổ chức cung ứng giống cho 3 huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình
trồng với diện tích 152/400 ha theo kế hoạch.
Đề án phát triển cây quế đã trồng
3.344/1.100 ha theo kế hoạch trong vụ xuân 2016, Đề án phát triển cây măng tre
Bát độ đã trồng 349,8/500 ha theo kế hoạch. Đề án phát triển cây sơn tra đã
gieo ươm trên 1,4 triệu cây bảo đảm đủ giống cho trồng mới 550 ha theo kế hoạch
của Đề án năm 2016. Đề án phát triển chè vùng cao đã trồng 10/70 ha chè Shan
tại huyện Văn Chấn. Đề án canh tác ngô vụ đông trên đất 2 vụ lúa đã triển khai,
bố trí cơ cấu giống, thời vụ triển khai trong vụ đông 2016 - 2017.
Qua đó cho thấy, Đề án đã được triển
khai đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Một số nội dung đã có kết quả vượt nhiều
lần so với kế hoạch như: hỗ trợ hộ gia đình, nhóm hộ chăn nuôi trâu, bò; cơ sở
chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà; hỗ trợ cơ sở nuôi cá lồng, cá eo, ngách; chuyển
đổi đất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ trồng quế... - đó là
những tín hiệu vui.
Không làm theo phong trào mà rất cụ
thể, rõ ràng, làm đến đâu chắc đến đó, chương trình nào, dự án nào không hiệu
quả, không phù hợp với thực tiễn sẽ không được triển khai. Mục tiêu rõ nét,
triển khai đồng bộ, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức
chính trị - xã hội và sự đồng thuận của người dân thì không có gì là không thực
hiện được.