Tại điểm cầu Yên Bái, đồng chí Nguyễn Huy
Cường - Giám đốc Sở Tư pháp cùng một số sở, ngành tham dự Hội nghị trực tuyến.
Từ năm 2010 chế định Thừa phát lại được
thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 23/11/2012 Quốc hội đã thông
qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát
lại tại một số tỉnh thành thuộc Trung ương.
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, chế
định Thừa phát lại đã được thí điểm tại 13 địa phương với 53 Văn phòng Thừa
phát lại được thành lập với tổng số 638 người, trong đó có 135 Thừa phát lại.
Hoạt động tống đạt của Thừa phát lại đã
giúp giảm tải công việc từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
xét xử và thi hành án. Hoạt động vi bằng của Thừa phát lại đã tạo thêm một công
cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia
các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình tố tụng.
Việc hình thành và phát triển nghề Thừa
phát lại là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong điều kiện xây
dựng nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh cải cách tư pháp và xã hội hóa hoạt động bổ
trợ tư pháp.
Hoạt động của Thừa phát lại đã góp phần bảo
đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân
sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong các hoạt động tố tụng; góp phần
tạo môi trường pháp lý lành mạnh đảm bảo các giao dịch dân sự, kinh tế đúng
pháp luật từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.
Việc thí điểm Thừa phát lại đã giúp cho hoạt động tư pháp
đúng pháp luật, công khai, minh bạch, chất lượng và hiệu quả hơn. Đồng thời góp
phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự đóng góp của người dân, xã hội đối với
hoạt động bổ trợ tư pháp, giảm tải công việc cho các cơ quan nhà nước, bớt gánh
nặng cho ngân sách.
Quá trình thực hiện thí điểm Thừa phát lại
đã cung cấp nhiều dữ kiện căn cứ mang tính khoa học và thực tiễn để làm sáng tỏ
nhiều vấn đề trong việc xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, nhất là trong lĩnh
vực thi hành án dân sự, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về xã hội
hóa hoạt động bổ trợ tư pháp…
Từ kết quả triển khai thực hiện chế định
Thừa phát lại và đề xuất, kiến nghị của Chính phủ, Kỳ họp Thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã
thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH XIII về thực hiện chế định Thừa phát lại, có
hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016.
Tại Hội nghị các đại biểu đã thảo luận về
một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại, những kinh
nghiệm trong quá triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại tại một số địa
phương, kết quả việc triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại theo Nghị
quyết của Quốc hội tại một số địa phương, việc tổ chức quán triệt, triển khai,
tập huấn về Nghị quyết số 107/2015/QH XIII, việc tuyên truyền phổ biến về chế định
Thừa phát lại, nâng cao chất lượng đội ngũ hành nghề Thừa phát lại….
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn
Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết Bộ Tư pháp sẽ quyết tâm triển khai
Nghị quyết số 107/2015/QH XIII về thực hiện chế định Thừa phát lại một cách có
hiệu quả. Cùng với đó sẽ đẩy nhanh việc triển khai việc xây dựng Luật Thừa phát
lại; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân và
doanh nghiệp về chế định Thừa phát lại; các địa phương hiện chưa có văn phòng
Thừa phát lại khẩn trương chuẩn bị các thủ tục gửi Bộ Tư pháp cấp phép cho
thành lập các văn phòng Thừa phát lại….