Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

13/07/2016 17:25:03 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 của tỉnh Yên Bái được triển khai theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; nâng cao thu nhập và mức sống của cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, giảm tỷ lệ đói nghèo, ổn định chính trị - xã hội; quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm tác động tiêu cực đối với môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả các lợi ích về môi trường.

Niềm vui của người dân khi được Đề án hỗ trợ.

Tập trung triển khai thực hiện

Để triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020 được tập trung vào các cây con thế mạnh, có tiềm năng phát triển, có lợi thế và được cụ thể hóa trong 08 đề án bao gồm đề án phát triển chăn nuôi; đề án phát triển nuôi trồng thủy sản; đề án phát triển cây ăn quả có múi; đề án phát triển chè vùng cao; đề án phát triển ngô Đông trên đất lúa 2 vụ; đề án phát triển cây Sơn tra; đề án phát triển cây Quế; đề án phát triển măng tre Bát Độ. Với mục tiêu chính là tăng thêm giá trị thu nhập cho sản phẩm nông lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích gieo trồng cho một loại, hay nhiều loại cây trồng, vật nuôi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các nội dung Đề án đến các đơn vị trực thuộc, các phòng ban chuyên môn và toàn thể cán bộ công chức, viên chức của ngành Nông nghiệp. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí xây dựng các chuyên đề phổ biến các nội dung của đề án đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị, phòng ban có liên quan trực thuộc ngành xây dựng kế hoạch thực hiện đề án theo các lĩnh vực cụ thể như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi.

Những kết quả bước đầu

Ngay sau khi các Đề án được phê duyệt, trên cơ sở hướng dẫn của tỉnh và điều kiện thực tế tại địa phương, các địa phương trong tỉnh đã rà soát, lựa chọn các đối tượng là các tổ chức, hộ cá nhân, hộ gia đình đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ, bảo đảm thứ tự ưu tiên theo quy định của tỉnh. Trên cơ sở đó thẩm định, lập danh sách đối tượng được hỗ trợ để xây dựng phương án phân bổ kinh phí. Hướng dẫn các hộ gia đình, cơ sở sản xuất nông lâm nghiệp xây dựng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản. Đồng thời, thông báo cụ thể mức kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho từng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thuộc phạm vi được giao quản lý. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện mua giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo đúng hướng dẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương trong tỉnh.

Qua một thời gian triển khai thực hiện, Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được triển khai đồng bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Một số nội dung như hỗ trợ hộ gia đình, nhóm hộ chăn nuôi trâu bò; cơ sở chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà; hỗ trợ cơ sở nuôi cá lồng, cá eo ngách; chuyển đổi đất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ trồng quế… đã vượt và vượt nhiều lần so với kế hoạch. Tính đến hết tháng 6/2016, Đề án phát triển chăn nuôi, đã thực hiện thụ tinh nhân tạo cho 1.326/2.650 con trâu, bò cái sinh sản; Kiểm tra, thẩm định được 262/82 cơ sở chăn nuôi trâu bò, 128/90 cơ sở chăn nuôi lợn, 34/34 cơ sở chăn nuôi gà.

Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đã kiểm tra, hướng dẫn cho các hộ dân đăng ký thực hiện 193/77 cơ sở chăn nuôi cá lồng; 45/25 cơ sở nuôi cá eo ngách và 20/5 ha chuyển đổi đất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Đối với Đề án phát triển cây ăn quả có múi, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Viện Rau quả Hà Nội tổ chức cung ứng giống cho các huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình trồng theo Đề án với diện tích là 152ha.

Đề án phát triển cây quế, trong vụ Xuân năm 2016 các huyện đã chủ động nguồn giống, trồng được 3.344ha/1.100ha. Đề án phát triển cây măng tre Bát Độ, trong vụ Xuân năm 2016 đã trồng được 349,8ha/500ha theo kế hoạch, chủ yếu tập trung ở các huyện Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình. Đề án phát triển cây Sơn tra đã tổ chức gieo ươm được 1,471 triệu cây Sơn tra giống, đảm bảo đủ số lượng cây giống cho kế hoạch trồng mới trên 1 nghìn ha. Đề án phát triển chè vùng cao, đã tổ chức trồng 10/80 ha chè shan tại huyện Văn Chấn.

Đối với Đề án canh tác ngô vụ Đông trên đất trồng lúa 2 vụ, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai, bố trí cơ cấu giống, thời vụ triển khai trong vụ Đông 2016 - 2017. Đặc biệt là bố trí thời vụ lúa Mùa sớm 6.000 ha, thu hoạch trước 25/9 để gieo trồng cây vụ Đông.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp gắn với các Đề án chi tiết thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời tham mưu điều chỉnh chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản cho phù hợp với điều kiện thực tế.

574 lượt xem
Thu Nga

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h