Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Hội nghị triển khai Đề án rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái

22/07/2016 14:01:29 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sáng ngày 22/7, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai đề án rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Dự Hội nghị còn có các đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh; Lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện, thị, thành phố, trưởng phòng GD&ĐT, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường cùng Hiệu trưởng 15 trường sáp nhập trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo trong nội dung Đề án của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn ngành hiện có 530 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, với quy mô 6.134 nhóm, lớp, 173.038 cháu mầm non, học sinh. Hiện có 47 trường phổ thông dân tộc bán trú và 53 trường có học sinh bán trú với tổng số 14.740 học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; có 209 trường mầm non, phổ thông được xét công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Đến thời điểm hiện tại, Yên Bái có tổng số 6.190 phòng học mầm non, phổ thông, tỷ lệ kiên cố đạt 69,0%, bán kiên cố 20%, phòng học tạm 11%. Về cơ bản đủ chỗ chỗ ngồi cho học sinh học 01-02 buổi/ ngày, không có cơ sở nào phải học 3 ca.

Chỉ tiêu biên chế sự nghiệp, hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố được giao 13.329 người. Tổng lao động có mặt đến thời điểm xây dựng Đề án là 12.766 người. Trong đó cán bộ quản lý 1.285  người, giáo viên 10.209 người, nhân viên 1.017 người, biên chế sự nghiệp tại phòng GD&ĐT 107  người, lao động hợp đồng 148 người. Về cơ bản đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng được việc giảng dạy so với quy mô hiện có. Tuy nhiên giáo viên còn thiếu so với định mức, số nghỉ chế độ thai sản cao, nên việc sắp xếp, bố trí gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học, nhân viên thư viện, thiết bị; vẫn còn tình trạng mất cân đối, không đồng bộ trong cơ cấu đội ngũ ở các địa bàn khác nhau (thừa giáo viên ở vùng thuận lợi nhưng thiếu giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn).

Mục tiêu của Đề án đến năm 2020, Yên Bái có mạng lưới giáo dục ổn định, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh, chú trọng phát triển giáo dục vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Huy động 99% trẻ 5 tuổi ra lớp; trẻ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học đạt 99,9%, THCS đạt 95%; số học sinh hoàn thành khóa học cấp THCS đạt 94,5%, cấp THPT đạt 93%;... 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn; đầu tư đảm bảo đủ phòng học, các phòng chức năng cần thiết, trang thiết bị dạy và học, đặ biệt là chỗ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh và giáo viên.

Theo Đề án, tỉnh sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực, cơ sở vật chất hiện có, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Cụ thể sáp nhập, xóa điểm lẻ và sáp nhập, tách trường, thành lập trường mới đến năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 379 trường, 161 điểm trường; 6.021 nhóm, lớp; 192.564 cháu, học sinh; so với năm học 2015-2016 giảm 151 trường, giảm 604 điểm trường, giảm 113 lớp, tăng 19.526 học sinh, tăng 12.990 học sinh bán trú. Về sắp xếp cán bộ quản lý giáo viên, nhân viên, sau khi sắp xếp lại quy mô trường lớp, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư là 753 người, trong đó cán bộ quản lý 151 người, giáo viên 275 người, nhân viên 327 người. Phương án bố trí, sắp xếp đối với cán bộ quản lý sẽ miễn nhiệm làm giáo viên, điều động sang cán bộ quản lý cấp học khác; đối với giáo viên sẽ điều động giữa các bậc học với giáo viên nhạc, họa, tiếng Anh, thể dục, cho đi đào tạo lại, bố trí kiêm nhiệm nhân viên; đối với nhân viên điều chuyển, cho đào tạo lại giáo viên mầm non, bố trí làm nhân viên khác...

Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sau sáp nhập, chia tách trường; lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện công tác đầu tư và xây dựng cơ bản triển khai Đề án; lãnh đạo Sở Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính, tài sản của các cơ sở giáo dục khi thực hiện sáp nhập, chia tách theo Đề án.

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, cơ sở giáo dục đã tham gia thảo luận, phân tích tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị, hiệu quả của Đề án đối với ngành giáo dục, nêu rõ những khó khăn, thuận lợi khi thực hiện Đề án, làm rõ các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện cũng như đưa những kiến nghị, đề xuất nhằm thực hiện Đề án hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh đây là Hội nghị quan trọng giải quyết hướng đi lớn cho giáo dục tỉnh nhà. Trong những năm qua, giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên mạng lưới trường lớp đang phân tán, nhỏ lẻ, không còn phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới nữa. Do đó, tỉnh triển khai thực hiện Đề án rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh nhằm đổi mới toàn diện, đồng bộ giáo dục như chỉ đạo của Trung ương, coi đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân chứ không phải của riêng ngành giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.

Đồng chí chỉ đạo để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình, kế hoạch của Đề án, tỉnh sẽ triển khai sắp xếp lại mạng lưới trường lớp tại tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh, trước mắt, năm học 2016 - 2017 tỉnh sẽ tập trung triển khai thí điểm sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường lớp tại thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Sau đó sẽ rút kinh nghiệm và nhân rộng tại các địa phương còn lại trong những năm tiếp theo. Với 15 trường học sẽ sáp nhập trong năm học 2016-2017, hoàn thành sáp nhập trước ngày 20/8/2016.

Việc triển khai thực hiện Đề án phải thực hiện đúng nguyên tắc, đúng quy trình, công khai, dân chủ, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế cụ thể của từng đơn vị, địa phương đảm bảo ổn định sau sắp xếp. Đối với giáo viên dôi dư, phải sắp xếp công khai, dân chủ, công bằng, vô tư, hướng tới mục tiêu đảm bảo yêu cầu dân chủ cao nhất, trách nhiệm tập thể rõ nhất.

Đồng chí giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện Đề án. Tổng hợp kết quả Đề án của UBND các huyện, thành phố và báo cáo UBND tỉnh theo kế hoạch; giao Sở Kế hoạch và Đàu tư chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh cân đối nguồn vốn đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học để thực hiện Đề án và tham gia kiểm tra, đánh giá thực hiện Đề án; giao Sở Tài chính cân đối ngân sách đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp thực hiện Đề án, thanh kiểm tra đánh giá thực hiện Đề án và chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn UBND các huyện, thị, thành phố, các đơn vị có liên quan về việc sử dụng tài sản đối với các trường, điểm trường sáp nhập theo phân cấp quản lý; giao Sở Nội vụ trình UBND tỉnh số lượng viên chức sự nghiệp giáo dục theo vị trí việc làm hàng năm, rà soát số lượng biên chế sự nghiệp giáo dục, tính toán chặt chẽ số lượng, cơ cấu viên chức; giao Sở xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn lập Đề án; chỉ đạo đảm bảo đủ quỹ đất xây dựng trường, lớp học và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở giáo dục theo quy hoạch phát triển; giao cho Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Yên Bái, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương, trung ương đóng trên dịa bàn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về mục đích, ý nghĩa của Đề án, tạo sự quan tâm, ủng hộ rộng rãi của xã hội đối với sự phát triển sự nghiệp giáo dục; giao UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, giáo viên và nhân dân về sự cần thiết rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp để nâng cao chất lượng giáo dục. Chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện Đề án có hiệu quả cao. Quyết định sắp xếp lại trường, điểm trường, lớp trên địa bàn sau khi Đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt tổ chức thực hiện.

Đồng chí nhấn mạnh các cấp, các ngành, các trường học đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, trước hết là sự ủng hộ của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành. Đây là nhiệm vụ, là trách nhiệm cùng chung sức, đồng lòng huy động sức mạnh toàn hệ thống chính trị, và đông đảo nhân dân tự nguyện chung tay quyết tâm cao phát triển mạnh mẽ giáo dục đào tạo tỉnh nhà vì tương lai con em chúng ta. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tinh gọn, đủ số lượng, mạnh chất lượng, cơ cấu, tâm huyết, hết lòng vì học sinh thân yêu./.

509 lượt xem
Thanh Hoa

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h