Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> An toàn giao thông

Yên Bái ngày đầu ra quân xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông theo Nghị định 46

02/08/2016 10:46:58 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Hôm nay, ngày 1/8, lực lượng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh Yên Bái đã ra quân xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh lập biên bản xử lý trường hợp vi phạm

Xử phạt nghiêm để mang tính răn đe

Từ 1/8/2016, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định số 171/2013 và Nghị định số 107/2014 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực. Theo đó, nhiều hành vi vi phạm áp dụng mức phạt cao hơn. Hơn 100 lỗi vi phạm luật giao thông sẽ bị tăng mức xử phạt từ ngày hôm nay. Trong đó có rất nhiều lỗi bị tăng gần gấp đôi. Đây là điều khiến nhiều người đặc biệt quan tâm trong nhiều tuần qua. Nghị định 46 được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông cũng như giảm thiểu tai nạn giao thông.

7h30 phút ngày 1/8, đúng thời điểm lưu lượng người tham gia giao thông đang rất đông, tổ tuần tra kiểm soát trật tự an toàn giao thông thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh đã có mặt trên hầu hết các tuyến Quốc lộ trên địa bàn thành phố. Mặc dù đến thời điểm giữa trưa, nắng nóng oi bức nhưng lực lượng Cảnh sát Giao thông vẫn tập trung cao độ làm nhiệm vụ. Theo quan sát của phóng viên tại một số tuyến đường chính trên địa bàn tỉnh như đường Điện Biên, Nguyễn Tất Thành, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học…, đa số người dân điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm túc, đi đúng làn đường, phần đường quy định, các dòng ô-tô, mô-tô, xe máy lưu thông một cách trật tự, không lộn xộn, phức tạp, chạy lấn chiếm làn đường; Người dân chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật. Khi được phóng viên hỏi về Nghị định 46 mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, đa số người dân đều cho rằng bản thân, gia đình mình đã được tuyên truyền đầy đủ. Đại đa số người dân đồng tình với các mức xử phạt mới này vì cho rằng, các mức xử phạt lần này cao, điều đó sẽ đánh vào kinh tế của người dân, khiến người dân sẽ thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông – Công an tỉnh Yên Bái, trong ngày đầu ra quân xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông theo Nghị định 46, chỉ tính trong buổi sáng ngày 1/8, có 17 trường hợp vi phạm, trong đó có 3 ô tô, 14 xe máy. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 3 xe máy do người điều khiển không có giấy phép lái xe và chưa đủ tuổi khi điều khiển phương tiện giao thông.

Ông Vũ Thanh Tùng - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh cho biết: “Gần 1 tháng qua, lực lượng chức năng đã phối hợp với các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền để người dân nắm rõ về sự thay đổi của các mức xử phạt đối với từng vi phạm theo Nghị định 46 của Chính phủ. Nghị định 46 bổ sung quy định xử phạt để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường sắt; điều chỉnh tăng chế tài xử phạt đối với những hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây mất trật tự, an toàn giao thông theo hướng  quy định mức phạt tiền để vừa tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm. Cụ thể, điều chỉnh mức xử phạt đối với 115 hành vi và nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ, gồm các nhóm hành vi: vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ trên đường cao tốc, chở hàng quá trọng tải cho phép, chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường; các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ, quy tắc giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Ngoài ra, nghị định cũng quy định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động theo khung thời gian, thấp nhất là 1 tháng, cao nhất là 24 tháng”.

Ông Tùng cũng cho rằng: “Một trong những nguyên nhân chính gây nên tai nạn giao thông là việc người điều khiển các loại phương tiện giao thông lưu thông trên đường vẫn sử dụng rượu, bia. Để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này, việc tăng mức xử phạt “người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt tiền với mức phạt tăng từ 10-15 triệu đồng (theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP) lên 16-18 triệu đồng là điều cần thiết và như vậy mới mang tính răn đe. Bên cạnh việc tăng mức xử phạt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được sự cần thiết khi nâng mức xử phạt cao như vậy thì người dân cũng cần tự trang bị những kiến thức pháp luật để tránh mắc những lỗi vi phạm để tham gia giao thông an toàn, bảo vệ cho chính mình và cộng đồng. Chúng tôi cũng nhắc nhở cán bộ, chiến sỹ khi thực thi nhiệm vụ phải tuyên truyền, giải thích trực tiếp cho người dân để họ nắm được những thay đổi của Luật Giao thông đường bộ”.

Theo quan sát của phóng viên trong ngày đầu ra quân xử lý vi phạm, đại đa số người dân đều thực hiện rất tốt các quy định mới về lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những trường hợp mặc dù đã nắm được nội dung của Nghị định 46 nhưng vẫn cố tình vi phạm. Khi được phóng viên hỏi đến có biết như vậy là nguy hiểm không, thì người dân cho rằng là biết nhưng do vội nên vẫn cố tình vượt đèn vàng, đèn đỏ, lấn đường... Thực tế, cũng có những trường hợp khi vi phạm đã cố tình quay đầu xe rẽ sang hướng khác để không phải đối mặt với cơ quan chức năng.

Theo anh Nguyễn Thanh Tuấn - Phó đội trưởng đội Tuần tra số 3, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh “Đối với những trường hợp vi phạm mà cố tình bỏ chạy, chúng tôi sẽ không đuổi bắt, để tránh gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi đã ghi lại biển số xe và sau đó sẽ có hướng xử lý đối với các trường hợp này, thông báo về cơ quan, đơn vị, địa phương của người vi phạm và sẽ có hướng xử lý các trường hợp này”.

Nâng cao nhận thức cho người dân

Trong thực tế, thời gian qua nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm trật tự an toàn giao thông là do hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ quá tải, ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người dân còn kém… Do đó, việc tăng mức xử phạt phần nào sẽ tác động vào ý thức của người đi đường, để họ thấy được hậu quả của việc không tuân thủ pháp luật giao thông. Mức phạt cao mà Nghị định 46 đưa ra không nhằm mục tiêu thu tiền của người vi phạm, mà chủ yếu mang tính giáo dục, cảnh báo, ngăn ngừa người tham gia giao thông vi phạm, đặc biệt là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua như: uống rượu, bia khi lái xe, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng… 

Anh Đỗ Lê Việt - Người dân Phường Hợp Minh, Thành phố Yên Bái cho biết: "Bản thân tôi đã được tuyên truyền đầy đủ về các nội dung trong Nghị định 46. Tôi rất đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao việc đưa Nghị định này vào để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Đặc biệt, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà có sử dụng rượu, bia luôn là mối lo của những người cùng lưu thông trên đường, do vậy việc tăng mức xử phạt lên cao là điều cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng nên kiểm soát chặt chẽ việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT để tránh tình trạng xin, cho khi xử lý vi phạm. Để việc áp dụng mức xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu quá mức quy định cho phép có hiệu quả hơn thì các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền cho bà con nhân dân nắm được những quy định mới này. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng nên sớm có cách quản lý bia, rượu, như hiện nay tình trạng sử dụng quá nhiều, đặc biệt là độ tuổi sử dụng rượu, bia đang có dấu hiệu ngày càng trẻ hoá. Riêng đối với việc xử phạt đèn vàng như đèn đỏ, theo tôi thấy hiện nay vẫn còn nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết vấn đề này để tạo được sự đồng thuận trong người dân”.

Theo chị Nguyễn Thị Thu Hằng – Người dân ở xã Văn Phú thì việc triển khai Nghị định 46 cũng cần được tiếp tục tuyên truyền rộng rãi đến người dân bởi hiện nay nhiều người dân cũng chưa nắm bắt được tinh thần của Nghị định này. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng thì theo chị Hằng, người dân nên tự bảo vệ chính mình bằng việc chấp hành nghiêm Luật Giao thông khi tham gia giao thông.

Việc triển khai Nghị định 46 với kỳ vọng góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông cũng như giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, để an toàn giao thông thực sự là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà; mỗi một người dân cần chấp hành nghiêm chỉnh các điều luật nói chung, Luật Giao thông đường bộ nói riêng, nhằm góp phần bảo đảm an toàn giao thông và trật tự xã hội, trong đó bao gồm cả lợi ích của chính bản thân và gia đình mình.

Một số điểm mới về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông theo Nghị định 46

Đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn, Nghị định 46 tăng mức phạt tiền tất cả hành vi của tài xế ô tô: Tăng mức phạt từ 10-15 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), tước GPLX 4-6 tháng.

Đối với người điểu khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng. Vi phạm ở mức 3 sẽ bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước GPLX 3-5 tháng. Cũng theo Nghị định mới, với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, mức xử phạt được tăng cao. Theo đó, người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền 500.000 - 1 triệu đồng thay vì mức 2- 4 trăm nghìn đồng như trước đây.

Nghị định cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây TNGT sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tăng mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có GPLX) hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Theo Nghị định số 171 thì hành vi vi phạm này chỉ bị phạt từ 8-10 triệu đồng.

Nghị định cũng tăng mức phạt đối với lái xe và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ các mức từ 20-50%, 50-100%, 100-150%. Đối với lái xe, mức phạt cao nhất khi chở quá tải trên 150% sẽ phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX 3- 5 tháng, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định.

Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô nếu vi phạm lỗi giao thông vượt đèn vàng sẽ phải chịu mức phạt từ 1,2 đến 2 triệu đồng. Đối người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt từ 300.000 - 400.000 đồng;  

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt từ 400.000 - 600.000 đồng;

Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt từ 60.000 - 80.000 đồng.

1333 lượt xem
Lan Hương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h