Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Vươn lên nỗi đau mang tên "da cam"

09/08/2016 14:44:42 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng nhưng nỗi đau da cam vẫn hiện hữu trong nhiều gia đình, trên những thân thể của nhiều thế hệ. Với sự chung tay, góp sức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể cộng đồng, thời gian qua, hàng nghìn nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam ở Yên Bái đã và đang nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, từng bước xoa dịu nỗi đau để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Ông Hoàng Kim Ngọc - Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tặng quà cho gia đình nạn nhân nhiễm chất độc da cam

Cách đây 55 năm, ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ đã thực hiện rải chất độc diệt cỏ đầu tiên từ Kom Tum, Đắc Tô - Tây Nguyên, mở đầu cho chiến dịch phun rải chất độc tại miền Nam - Việt Nam. Trong 10 năm từ 1961 – 1971, đã có khoảng 80 triệu lit chất độc hóa học được quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam, trong đó có khoảng 366kg dioxin làm nhiễm độc và tàn phá hàng triệu ha rừng và đất nông nghiệp. Nghiêm trọng hơn có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Nhiều trẻ em thế hệ thứ 2, thứ 3 và hàng vạn người chết trong đau khổ. Tác hại của nó đã di truyền sang nhiều thế hệ con cháu khiến họ sống trong mất mát, thiệt thòi, từng ngày, từng giờ vật lộn trong bệnh tật, đau đớn.

Mặc dù những người lính năm xưa trở về thời bình mang thương tật nặng, bị phơi nhiễm chất độc hóa học, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt nhưng họ luôn khắc phục khó khăn, vươn lên chiến thắng bệnh tật, gương mẫu thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, mãi mãi là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Xuất ngũ trở về quê hương với hai bàn tay trắng, mang trong mình thương tật 81%, là thương binh ¼, bị nhiễm chất độc da cam; hứng chịu nỗi đau đớn tột cùng khi 2 người con lần lượt ra đi nhưng Cựu chiến binh Văn Hữu Khanh - sinh năm 1952, ở thôn 6, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên đã vượt lên số phận, trở thành hộ làm kinh tế giỏi, còn giúp đồng đội và làm công tác xã hội.


http://yenbai.gov.vn/vi/PublishingImages/Lan%20H%C6%B0%C6%A1ng/van%20hoa%20xa%20hoi/ONG%20KHANH.JPG

(Vợ chồng ông Khanh cho đàn cá ăn)

Tháng 5/1971, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Văn Hữu Khanh làm đơn tình nguyện ra tiền tuyến. Trong bộ quân phục của người lính cụ Hồ, ông Khanh nhận nhiệm vụ ở chiến trường Quảng Trị. Trong thời gian chiến đấu ở chiến trường, ông Khanh đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhưng tiếng súng ác liệt, bom đạn dữ dội đã khiến ông bị thương. Tháng 9/1974, ông xuất ngũ trở về địa phương khi cơ thể không lành lặn. Người thanh niên trẻ năm nào bị hỏng một bên mắt không nhìn được và hỏng cả đôi tai.

Hạnh phúc vỡ òa đến với vợ chồng ông khi chào đón đứa con đầu lòng. Nhưng niềm vui sướng chẳng tày gang. Vợ ông mang thai đứa con thứ 2, thứ 3 đều chưa lọt lòng mẹ đã rời xa cuộc đời này. Có với nhau thêm 3 người con nữa, nhưng cả ba đứa trẻ khi sinh ra đều không mấy nhanh nhẹn, hoạt bát như chúng bạn cùng trang lứa. Mặc dù những người con của ông lành lặn về chân, tay, mặt, mũi nhưng chúng có biểu hiện không bình thường về trí tuệ. Sau này, ông Khanh mới biết bản thân mình bị nhiễm chất độc quái ác gây ảnh hưởng đến các con của mình.


http://yenbai.gov.vn/vi/PublishingImages/Lan%20H%C6%B0%C6%A1ng/van%20hoa%20xa%20hoi/NHA%20O%20KHANH.JPG

(Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Văn Hữu Khanh ở thôn 6 - xã Việt Cường, huyện Trấn Yên)

Không cam chịu đói nghèo, vợ chồng ông Khanh lao vào sản xuất, lao động để có tiền nuôi con. Năm 1983, thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc giao đất giao rừng cho dân, ông Khanh đã nhận rừng về để phát triển kinh tế đồi rừng. Đến nay ông có 10ha rừng trồng bồ đề, keo, chè… Bằng nhiều nguồn vay, ông đã mua lợn, mua gà về chăn thả. Một mình loay hoay cả ngày, cả đêm, ông đào được 2 mẫu ao thả cá và có hơn 1 mẫu ruộng. Đến nay, gia đình ông đã trở thành hộ làm kinh tế giỏi của địa phương với mức thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Vợ chồng ông đã có ngôi nhà khang trang, sạch đẹp. Mặc dù mang trong mình chất độc da cam, sức khỏe giảm sút nhưng ngoài việc làm kinh tế, ông Khanh vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Bản thân ông được bà con hàng xóm yêu quý, tin tưởng.

Rời nhà ông Khanh, chúng tôi đến thăm gia đình cựu chiến binh Nguyễn Tiến Thỏa ở tổ 2 – Phường Hợp Minh, Thành phố Yên Bái. Cũng giống như ông Khanh, ông Thỏa chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi đau bởi hậu quả của chiến tranh. Năm 1972, ông Thỏa nhập ngũ tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị. Ngày đất nước toàn thắng, ông trở về quê hương xây dựng cuộc sống mới và được đón nhận niềm vui làm cha. Thế nhưng, niềm hạnh phúc ấy lại trở thành nỗi đau khi cả hai người con của ông đều ảnh hưởng của chất độc da cam. Cả hai người con may mắn lành lặn nhưng sức khỏe yếu ớt, thường xuyên đau ốm. Vợ chồng ông dù tuổi già sức yếu nhưng vẫn phải nén nỗi đau làm việc cật lực nuôi các con. Hàng ngày, người vợ của ông vẫn tần tảo sớm hôm bán hàng ngoài chợ kiếm thêm thu nhập. Còn ông Thỏa ở nhà chăn nuôi lợn. Hiện nay, ông nuôi 10 con lợn nái để bán. Mức thu nhập bình quân của gia đình ông cũng dao động từ 100 triệu đồng/năm.


http://yenbai.gov.vn/vi/PublishingImages/Lan%20H%C6%B0%C6%A1ng/van%20hoa%20xa%20hoi/ONG%20THOA.JPG

(Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Thỏa chăm sóc đàn lợn)

Về Thôn Nước Mát, Xã Âu Lâu, hỏi gia đình ông Nguyễn Viết Tuyên, từ cụ già đến những em nhỏ không ai là không biết và lắc đầu thương cảm. Trong ngôi nhà cấp bốn nằm lọt thỏm là hình ảnh người lính già khắc khổ đang lau rửa tay chân, mặt mũi cho đứa con trai tội nghiệp. Người lính già ấy là ông Nguyễn Viết Tuyên.

Bên chén trà nóng chưa kịp nhấp môi, ông Tuyên kể lại: Tôi tham gia nhập ngũ từ năm 1972 – 1984, chiến đấu tại 3 chiến trường: Nam Lào, miền Nam, Campuchia. Trong lúc làm nhiệm vụ chiến đấu, tôi bị thương và sau đó bị ảnh hưởng chất độc da cam. Con trai cả sinh năm 1984 là cháu Tân bị thiểu năng không biết gì. Việc sinh hoạt cá nhân đều một tay tôi chăm sóc để vợ đi chợ bán hàng, kiếm tiền nuôi cả gia đình. Con gái thứ 2 của tôi sinh năm 1986 đã lập gia đình được 4 năm nhưng mãi đến giờ vẫn chưa sinh con. Còn con trai thứ 3 là Nguyễn Viết Hậu -  sinh năm 1993 thì tay bị teo hết chỉ học được hết lớp 7.

Không khí trong ngôi nhà bỗng trở nên ảm đạm không một tiếng nói. Ánh mắt của người lính già nhỏ giọt chan chứa khi chứng kiến máu mủ của mình phải chịu đau khổ mà đành bất lực. Nhìn anh Tân, chúng tôi cũng không khỏi xót xa cho tuổi đời của một chàng trai trẻ bất hạnh. Ở cái tuổi hơn 30, đúng ra anh đang được sống trong không gian của tình bạn, tình yêu. Đúng ra anh đã có một gia đình êm ấm, hạnh phúc với vợ con quây quần. Thế nhưng, số phận đã sinh ra anh lại không cho anh được làm một người bình thường như bao con người khác. Hơn 30 năm, cuộc sống của anh chưa một lần được chứng kiến những giây phút hạnh phúc của cuộc đời. Tất cả những tai ương, bất hạnh đó đến với anh đều mang tên “nỗi đau da cam”.


http://yenbai.gov.vn/vi/PublishingImages/Lan%20H%C6%B0%C6%A1ng/van%20hoa%20xa%20hoi/ONG%20TUYEN.JPG

(Ông Nguyễn Viết Tuyên chăm sóc con trai cả bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam)

Giờ đây, cuộc sống gia đình ông tuy đã qua đi thời cơ cực, nhọc nhằn lo chén cơm, manh áo, nhưng nỗi đau chất độc da cam/dioxin vẫn còn đó trong tiềm thức của ông Tuyên. Ông Tuyên tâm sự: “Dù thân thể có mang di chứng chất độc da cam tôi cũng cam chịu, nhưng các con tôi thì đau khổ suốt đời. Phận làm cha mẹ đau đớn lắm. Nhưng không vì thế mà gia đình tôi ỷ lại hay trông chờ sự giúp đỡ của người khác. Tôi dặn mình phải nỗ lực phấn đấu vươn lên lo cho cuộc sống ổn định, trở thành những con người có ích cho xã hội”.

Trường hợp của Tiến, của Hậu hay những người con của ông Khanh, ông Thỏa chỉ là số ít trường hợp khi sinh ra bị dị tật do chất độc da cam gây ra. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 1.350 người bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó có 779 nạn nhân trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con đẻ của nạn nhân tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm là trên 570 nạn nhân. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Tỉnh Yên Bái đã thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hội đã phát động đến cán bộ, hội viên và các cơ quan, đơn vị toàn tỉnh gây quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam... Qua đó, đã thu hút được sự hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm là các cá nhân cũng như doanh nghiệp trong tỉnh cùng đi thăm và tặng quà cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam ở các huyện, thị, thành phố; Hỗ trợ và động viên tinh thần họ bằng nhiều hình thức như: Thăm hỏi, tặng quà; xây mới, sửa chữa nhà ở; luân chuyển vốn vay da cam đến các hộ có nạn nhân chất độc da cam được vay vốn chăn nuôi và phát triển kinh tế... Trong 6 tháng đầu năm 2016 đã hỗ trợ đối tượng nạn nhân chất độc da cam làm 20 nhà, mỗi nhà trị giá 50 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Yên Bái cho biết: “Tỉnh hội luôn ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống của những người lính bộ đội cụ Hồ, của những thương binh bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Đặc biệt là công lao của họ, đóng góp của họ trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Họ đã vươn lên làm kinh tế, giúp gia đình xóa đói giảm nghèo. Trong thời gian tới, thực hiện mục tiêu của Tỉnh ủy, UBND, Hội sẽ phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam còn đủ sức khỏe để họ vươn lên làm kinh tế. Cùng với đó, huy động nguồn lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp để giúp họ xoa dịu nỗi đau, để các nạn nhân được làm nhà, được khám bệnh cấp thuốc miễn phí; giúp họ xóa đi mặc cảm trong nỗi đau, từng bước ổn định tinh thần vươn lên trong cuộc sống. Các giải pháp cụ thể là giúp hội viên vay vốn phát triển sản xuất không tính lãi; hỗ trợ làm nhà”…

Mỗi ngày, vẫn còn đó những người cha, người mẹ đang cùng con trẻ đau nỗi đau mang tên "da cam". Mỗi người có mỗi cách khác nhau để chịu đựng, để vươn lên, để sống, để con trẻ được làm người. Họ đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng để bớt đi sự mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Vì vậy, công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin là nhiệm vụ thường xuyên lâu dài. Sự giúp đỡ tuy không to lớn về mặt vật chất nhưng sẽ làm dịu đi nỗi đau bệnh tật, rút ngắn khoảng cách giữa nạn nhân nhiễm chất độc da cam với xã hội.

507 lượt xem
Bài, ảnh: Lan Hương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h