Thời gian qua, hệ thống giao thông đường bộ
trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho
việc giao thương, đi lại của nhân dân. Mặc dù vậy, với địa hình nhiều đồi núi,
đèo dốc, một số đoạn đã xuống cấp… nên việc tham gia giao thông mỗi khi có bão lũ,
thiên tai luôn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ngành GTVT luôn chủ động triển
khai các công tác bảo trì đường bộ, bảo đảm giao thông… tại các tuyến đường
trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 tuyến quốc lộ
chạy qua với chiều dài 290 km, 16 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 470 km, 5
tuyến đường đô thị với chiều dài 23 km. Hệ thống giao thông hình thành hai khu
vực rõ rệt, khu vực phía Đông gồm các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Lục
Yên, thành phố Yên Bái.
Các công trình giao thông trên các tuyến
đường ở khu vực này chủ yếu nằm dọc theo sông, hồ nên dễ bị ngập úng. Khu vực
phía Tây gồm các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ. Các
tuyến đường khu vực này chủ yếu qua các vùng núi cao, vực sâu nên khi có mưa lớn
thường xảy ra sạt lở đất, phá hỏng công trình giao thông.
Những ngày vừa qua, chịu ảnh hưởng của cơn
bão số 1, cơn bão số 2, hoàn lưu bão và áp thấp nhiệt đới trên các tuyến đường
đều có mưa từ nhỏ đến rất to khiến người và phương tiện tham gia giao thông gặp
nhiều khó khăn. Theo thống kê của Sở GTVT, do ảnh hưởng của mưa bão, tại các tuyến
đường Văn Chấn - Trạm Tấu, Mường La - Mù Cang Chải, Âu Lâu - Đông An… đã xảy ra
hiện tượng sạt lở, ngập úng, gây khó khăn cho việc tham gia giao thông của nhân
dân.
Chủ động các phương án phòng chống bão lũ
trên các tuyến đường, Sở GTVT đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trong ngành tập
trung phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng phó khi có diễn biến xấu xảy ra. Theo
đó, Sở GTVT đã triển khai các biện pháp san gạt, nạo vét cống rãnh tại các điểm
sạt lở ta-luy dương; kè rọ thép tại các điểm sạt lở ta-luy âm và hướng dẫn,
phân luồng giao thông tại các điểm ngập úng.
Nhờ đó, hoạt động GTVT tại các tuyến đường
trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua bảo đảm, thông suốt, người tham gia giao
thông thuận tiện, an toàn. Ngay từ đầu năm, Sở GTVT đã xây dựng phương án phòng
chống lụt bão và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thành viên.
Sở cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm
tra hệ thống các công trình giao thông, kịp thời gia cố những hư hỏng trước mùa
mưa bão; nạo vét cống, rãnh thoát nước, khơi thông dòng chảy, kiểm tra hành
lang an toàn giao thông đường bộ…
Theo ông Nguyễn Trọng Tiến - Trưởng phòng
Quản lý giao thông (Sở GTVT), nhằm bảo đảm cho nhân dân đi lại thông suốt, Sở
đã xây dựng phương án phân luồng giao thông tại từng tuyến đường, khu vực trọng
điểm. Đơn cử, tại quốc lộ 32, trường hợp ách tắc giao thông đoạn Vách Kim - Mù
Cang Chải - thị xã Nghĩa Lộ, các phương tiện giao thông từ Lai Châu về Yên Bái,
Hà Nội đi theo tuyến quốc lộ 4C đi Lào Cai, quốc lộ 70 hoặc đi quốc lộ 279 về
quốc lộ 70.
Tại quốc lộ 37, trường hợp ách tắc giao
thông đoạn Km351 - Km356 (đèo Lũng Lô), các phương tiện giao thông đi huyện Phù
Yên (Sơn La) sẽ đi theo hướng từ Km 339 (quốc lộ 37) đi quốc lộ 32 (qua đèo
Khế) về ngã ba Thu Cúc đi theo tuyến quốc lộ 32B đi Phù Yên và ngược lại.
Ngoài ra, Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị quản
lý bố trí 2.000 lít xăng, dầu, 1.000 rọ thép, 1.000 m3 đá hộc, 10 ô tô, 8 máy
xúc, 4 máy ủi tại 5 khu vực là: thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các huyện
Mù Cang Chải, Văn Yên, Lục Yên nhằm sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Giám đốc Công ty
cổ phần Xây dựng đường bộ I cho biết: “Ngoài việc thường trực 24/24 giờ, tại
Công ty còn duy trì 1 máy xúc, 1 máy ủi 0 1 ô tô vận chuyển máy để chủ động ứng
phó với mưa lũ. Bên cạnh đó, các đội quản lý đường đều có tổ đi tuần tra, rà
soát trên các tuyến, đoạn quản lý…”.
(Theo Báo Yên Bái)